Chó poodle có hôi không? - Chắc chắn nhiều bạn đang muốn nuôi poodle nhưng vẫn còn phân vân về mùi hôi trên chó. Tất nhiên ngoài vấn đề này, các bạn còn nhiều thắc mắc khác nữa, nhưng đây
 
Items filtered by date: /12/ 2014 - VietDVM | Trang thông tin kiến thức Chăn nuôi UY TÍN

Giá heo hơi ngày 25/2/2017 tại Trung Quốc trung bình ở mức 16,86 nhân dân tệ/ 1kg tương đương 54.488 vnđ/kg, mức giá hiện tại đã giảm gần 2000đ/kg so với đầu tháng 2/2017. Hiện tại tỉnh Trùng Khánh có mức giá cao nhất, trung bình đạt 58.162 vnđ/kg và thấp nhất tại Liêu Ninh 53.154 vnđ/kg.

 

Cập nhật giá heo tại các tỉnh của Trung Quốc ngày 25/02/2017
Cập nhật giá heo tại các tỉnh của Trung Quốc ngày 25/02/2017

Giá heo hơi tại Trung Quốc giảm trong ngày 25/2/2017 tuy nhiên sẽ không giảm sâu do nhu cầu thịt heo tại các khu công nghiệp và các chợ dần tăng sau tết Nguyên Đán đã dần đi vào ổn định  . Dự báo lượng heo giết mổ trong tháng 3 sẽ tăng khoảng 3%. Gia thịt heo bán tại các chợ cũng tăng nhẹ.

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá heo hơi tại Trung Quốc sẽ không tăng trong thời gian tới do nhu cầu thị trường đang dần ổn định trở lại.

 

Giá thịt heo nguyên con mổ bỏ nội tạng tại Trung Quốc ngày 25/2/2017 có mức giá 84.000đ/kg và được dự báo sẽ giảm khoảng 1,3% trong tuần tới do nhu cầu thị trường giảm nhẹ (Bộ nông nghiệp Trung Quốc nhận định)

 

Cập nhật giá heo hơi tại một số tỉnh của Trung Quốc: 

 

Cập nhật giá heo hơi tại các tỉnh của Trung Quốc ngày 25/02/2017
Tỉnh Nhân dân tệ/kg VND/kg
An Huy 16,6 53.638
Hồ Nam 17,0 54.931
Hồ Bắc 17,0 54.931
Hắc Long Giang 16,1 52.023
Bắc Kinh 16,6 53.638
Phúc Kiến 16,8 54.284
Cam Túc 16,6 53.638
Quảng Đông 16,8 54.284
Quảng Tây 16,9 54.608
Cát Lâm 17,0 54.931
Giang Tô 16,9 54.608
Liêu Ninh 16,45 53.154
Hà Nam 16,9 54.608
Sơn Tây 16,8 54.284
Sơn Đông 16,9 54.608
Hà Bắc 16,7 53.961
Tân Cương 16,6 53.368
Vân Nam 16,5 53.315
Thiên Tân 17,4 56.223
Trùng Khánh 18,0 58.162
Tứ Xuyên 17,6 58.869
1Nhân dân tệ = 3231.22 VND (theo Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 23/02/2017)

 

 VietDVM team tổng hợp
Theo: zhujiage    

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã thốt lên như vậy trước tình hình giá gà trong nước đang giảm với tốc độ chóng mặt chỉ trong vòng 1 tuần qua.

Giá gà giảm khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn
Giá gà giảm khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn


Giá gà giảm khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn
Cuối tuần trước, gà lông màu xuất chuồng từ trại giá 25.000 đồng/kg; theo ông P.V.Hoán, chủ trại gà ở Bình Dương, với mức giá đó người nuôi lỗ đến 7.000 đồng/kg. Ngày 23.2 giá lại tiếp tục giảm sâu, xuống 20.000 đồng/kg, gà trắng 18.000 đồng/kg, lỗ từ 4.000 đồng/kg (gà trắng) và 12.000 đồng/kg (gà màu).

 

Giá lao dốc không phanh

Phó giám đốc một doanh nghiệp (DN) của Malaysia đang đầu tư nuôi gà tại các tỉnh phía nam nhận xét: “Từ sau tết, đặc biệt trong vòng nửa tháng nay, giá gà cứ giảm như xe xuống dốc không phanh” và lo ngại mức giảm giá gà như hiện nay rất giống thời điểm năm 2012, khi Trung Quốc xảy ra dịch cúm gà trên diện rộng, gà thải không được kiểm soát tràn vào thị trường VN, khiến nhiều chủ trại gà các tỉnh vùng Đông Nam bộ trắng tay. Một chủ trại nuôi gà ở Tây Ninh than thở: “Đây là đợt giá gà giảm sâu nhất trong vòng 4 năm qua”.

 

Chị Phạm Thị Thúy Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Thanh Trà (Đồng Nai), cho hay DN có 19 trại gà ở Đồng Nai và Bình Dương với tổng đàn khoảng 250.000 con. Sau Tết Nguyên đán, giá gà bắt đầu giảm, xuất bán thì nhỏ giọt. Chị Thanh nói: “Trước đây, mỗi tuần công ty xuất 40.000 con gà ra thị trường trong nước và một số ít đi Campuchia. Từ sau tết, giá gà bắt đầu giảm, chỉ xuất bán được khoảng 30% số đó”.

 
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói:
  • Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng phải có thông tin cụ thể về vùng bị dịch bệnh cúm gia cầm, không ảnh hưởng đến vùng chăn nuôi an toàn.
  • Hai nữa, phải có hàng rào kỹ thuật, quản lý chặt việc cho nhập khẩu gà từ nước ngoài vào VN

 

Không chỉ giảm giá sâu, nhiều cơ sở còn không tìm được nơi tiêu thụ. Hơn 250.000 con gà tại Công ty Hoàng Thanh Trà đang tồn kho và mỗi ngày công ty phải tốn lượng lớn thức ăn để nuôi. Thông tin với chúng tôi, nhiều chủ trại gà ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương đều có chung nhận định, đợt giá gà giảm sâu và kéo dài 2 tuần vừa qua là “điều bất thường”. “Những năm trước gà có giảm nhưng thay vì lãi 5.000 - 7.000 đồng/kg thì xuống 2.000 đồng/kg, không lỗ “sặc máu” như năm nay”, anh Tuấn, chủ trại gà ở Đồng Nai lắc đầu ngao ngán. Còn chị Thanh cho rằng: “Dù giá xuống thấp, chúng tôi chấp nhận bán để giảm thiệt hại giữ vốn. Nhưng một khi công ty giảm giá thì các DN khác cũng hạ theo, khiến giá xuống thấp, không thể bán được. DN chăn nuôi lại phải vay ngân hàng, giờ gà bán không được nhưng hằng ngày vẫn chi phí tiền cám, thuốc, lãi suất... tính ra chỉ riêng tại công ty, một tháng chúng tôi đang lỗ hơn 3 tỉ đồng. Tình hình này kéo dài thì phá sản là cái chắc”.

 

Cần có chính sách như với muối, cá, gạo...

 

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay hiện trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gà khoảng 15 triệu con. Nếu giá còn xuống nữa thì không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các tỉ phú nuôi gà cũng phá sản. Liên quan đến tình hình dịch cúm gây ảnh hưởng cho người chăn nuôi, ông Đoán cho rằng: “Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng phải có thông tin cụ thể về vùng bị dịch bệnh cúm gia cầm, không ảnh hưởng đến vùng chăn nuôi an toàn. Hai nữa, phải có hàng rào kỹ thuật, quản lý chặt việc cho nhập khẩu gà từ nước ngoài vào VN”.

Cần có chính sách như với muối, cá, gạo
Cần có chính sách như với muối, cá, gạo

Gà bán tại các trang trại đều giảm sâu, tuy nhiên, tại chợ, giá gà lại chỉ giảm nhẹ. Sáng 23.2, tại chợ Tiên Phước (Tân Bình, TP.HCM), người bán cho biết gà ta Bến Tre, Long An, Tiền Giang vẫn giữ mức giá ổn định là 120.000 đồng/kg, gà mua vào từ Tiền Giang đã 105.000 đồng/kg. Cũng tại chợ này, gà lông màu đã làm sạch có giá 65.000 đồng/kg, bằng giá dịp sau tết. Còn tại chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM), gà công nghiệp đông lạnh được bán giá 28.000 đồng/kg loại đùi và cánh.

 

Phân tích tình hình trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét VN thường bị động trước thực tế cung cầu của thị trường và các phản ứng từ cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chuyên môn thường chậm một bước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Bộ NN-PTNT cũng đã lệnh siết đường biên, huy động nhiều ngành tham gia với mục đích chống nhiễm cúm gia cầm. Thế nhưng, gà trong nước vẫn tuột dốc như xe không phanh. Vậy vấn đề ở đây là cung đã vượt cầu, hoặc người tiêu dùng sợ lây cúm mà không mua. Tuy nhiên, tôi thiên về giả thiết số liệu cung cầu lệch pha và mạnh ai nấy làm đang phá ngành chăn nuôi trong nước”, ông Long nói.

 

Đồng quan điểm, TS Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, cũng nhận định riêng gà công nghiệp đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu sau tết. Lý do trước tết giá bán cao, nhiều công ty và trang trại tăng nuôi khiến thị trường bị thừa hàng. “Vấn đề là gà ta không bị ảnh hưởng trong đợt rớt giá này vì không có sự tăng nguồn cung đột biến. Khi chúng ta đã siết đường mậu biên, lẽ ra giá gà trong nước phải tăng, nhưng sao lại giảm nhiều hơn? Thứ hai, vùng Đông Nam bộ, khu vực chuyên nuôi gà công nghiệp lại có tâm lý tin vào đám đông. Thấy giá gà tăng, trại nào cũng thả đồng loạt, đến khi thu hoạch, nếu để chậm 5 - 10 ngày là lỗ nặng”, TS Khanh nhận xét và khuyến cáo các DN và chủ trại nhất thiết phải nắm thông tin thị trường, không nên nuôi gà theo đám đông, thấy giá lên tranh nhau thả đồng loạt.

 

“Cục Chăn nuôi cũng cần lưu ý và phải phát hiện tư vấn cho Chính phủ trong chính sách liên quan chăn nuôi là hỗ trợ các đơn vị giết mổ, mua gà trong dịp giá giảm này nhằm tránh lỗ cho nhà nông, cấp đông và bán sau, như cách chúng ta vẫn làm với mua trữ gạo, muối, cá... vào những mùa thừa cung”, TS Khanh đề xuất.

 

 

Nguồn tin: Báo mới           

 

Bệnh Glasser trên heo – cập nhật mới nhất.
Published in Bệnh trên Heo

Sự phát triển của kỹ thuật xét nghiệm phân tử PCR gần đây là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với không chỉ ngành chăn nuôi mà còn cả ngành y tế. Đương nhiên với kỹ thuật đó, bất kỳ phòng thí nghiệm nào cũng đều có thể phân lập được vi khuẩn Parasuis Haemophilus gây bệnh viêm đa xoang (Glasser).

 

Bệnh Glasser trên heo vẫn còn xuất hiện trong các trang trại chăn nuôi và ngấm ngầm gây ra những thiệt hại không đáng có. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh ngày càng trở nên cần thiết vì nó giúp hạn chế việc sử dụng kháng sinh một cách bất hợp lý.

 

Vi khuẩn này chỉ gây bệnh trên vật chủ là heo, sau khi xâm nhập và gây nhiễm trùng toàn thân chúng bắt đầu đi đến các cơ quan đích là các xoang trong cơ thể và gây ra các hiện tượng viêm đa xoang có tiết dịch fibrin.

 

 

Tuy nhiên, H.Parasuis gây bệnh Glasser trên heo không phải là loại vi khuẩn duy nhất có thể gây ra những triệu chứng tổn thương này, bởi vậy việc chẩn đoán chính xác mầm bệnh lại càng cần thiết. Nó có thể giúp người điều trị không cần dùng đến kháng sinh hoặc nếu có dùng đến kháng sinh thì cũng chọn được một loại có tác dụng tốt nhất, cho hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

 

Tỷ lệ heo con mắc bệnh Glasser trên heo là cao hơn so với các lứa tuổi khác vì chúng là đối tượng đang phải chịu nhiều stress như cai sữa, thay đổi thức ăn, vận chuyển và phối đàn hay ghép đàn.

 

Các tổn thương viêm đa xoang điển hình trên heo con có thể được gây ra bởi nhiều loài vi khuẩn khác nhau. Nên việc phân lập vi khuẩn từ heo con bị bệnh sau đó xét nghiệm là cách chuẩn xác nhất để tìm ra căn nguyên và cho phép kiểm tra đặc tính của cả các biến chủng nếu có. Ví dụ như xác định độc lực bằng phương pháp PCR hoặc kiểm tra độ mẫn cảm của vi khuẩn

 

Nguyên nhân gây bệnh Glasser trên heo mới đầy bất ngờ.

Bệnh Glasser trên heo trước đây chủ yếu chỉ được chẩn đoán phân biệt với Streptococcus suis. Nhưng gần đây, ảnh hưởng của Mycoplasma hyorhinis (vi khuẩn gây bệnh viêm khớp) cũng đang được quan tâm vì một số trường hợp thực tế đã được các bác sỹ phẫu thuật thú y xác định sự có mặt của chỉ riêng vi khuẩn Mycoplasma hyorhinis trên cơ thể heo con bị bệnh Glasser (hình 1) – điều mà trước nay ít ai ngờ tới.

 

Như vậy, những nhận định trước đây (Glasser chỉ do H.Parasuis gây ra) đã dẫn đến việc lựa chọn kháng sinh không đúng gây ra những tác hại không nhỏ, không chỉ là hiệu quả điều trị thấp mà thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả đàn heo.

 

Hình 1: Viêm đa xoang trên 1 heo con. Không phát hiện thấy vi khuẩn H.Parasuis nhưng lại phát hiện thấy vi khuẩn Mycoplasma hyorhinis từ dịch ổ bụng và màng bao tim của heo bệnh
Hình 1: Viêm đa xoang trên 1 heo con. Không phát hiện thấy vi khuẩn H.Parasuis nhưng lại phát hiện thấy vi khuẩn Mycoplasma hyorhinis từ dịch ổ bụng và màng bao tim của heo bệnh

 

Như vậy, rõ ràng là hiện tượng viêm đa xoang có thể do nhiều nguyên nhân gây ra (H.parasuis, M.hyorhinis, và S.suis) nên nếu chúng ta chỉ phòng mỗi H.parasuis thì đương nhiên không thể giúp trại loại trừ được mầm bệnh Glasser trên heo.

 

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là một bước bắt buộc trước khi đưa ra phác đồ điều trị hay phòng bệnh bất kỳ, không riêng gì Glasser nếu muốn hiệu quả.

 

Sự phát triển của kỹ thuật serotyping PCR gần đây là một bước tiến vượt bậc cho phép bất cứ phòng thí nghiệm nào cũng có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh có mặt trong cơ thể heo bệnh, thậm chí cả những biến chủng của mầm bệnh. Và việc ứng dụng nó vào trong việc tiêm chủng vaccine phong bệnh Glasser trên heo (xác định đúng loại kháng nguyên cần đưa vào cơ thể) cũng là đương nhiên.

 

Ngoài ra, bước tiến này còn giải quyết được vấn nạn thiếu hụt các phòng thí nghiệm có khả năng chẩn đoán bằng phương pháp PCR như trước (trước đây làm chẩn đoán PCR vô cùng phức tạp và chỉ một số ít nơi làm được).

 

Hình 2: đặc tính của typ huyết thanh H.parasuis bằng phương pháp PCR
Hình 2: đặc tính của typ huyết thanh H.parasuis bằng phương pháp PCR

 

Các tác nhân gây viêm đa xoang trên heo con cũng chính là các tác nhân có mặt đầu tiên trên đường hô hấp của heo con. Mọi nguyên nhân gây bệnh trên heo con đa phần bắt nguồn từ heo nái.

 

Trong trường hợp củ H.parasuis, rõ ràng là không có sự xuất hiện của các chủng độc lực cao trên heo con khỏe mạnh, nên nếu có thể tiêu diệt những chủng độc lực cao này thì sẽ bảo vệ được heo con khỏi sự tấn công của H.parasuis (theo Brockmeier và cộng sự, 2013).

 

Điều này gợi lên một ý tưởng đang cần hoàn thiện là: nuôi cấy các chủng độc lực thấp và đưa vào cơ thể heo (giống như việc tiêm vaccine) để bảo vệ chúng khỏi các chủng độc lực cao. Nếu nghiên cứu này thành công, nó sẽ hạn chế được việc phụ thuộc vào kháng sinh hiện nay trong phòng và trị bệnh Glasser trên heo do H.parasuis.

 

Cuối cùng, các triệu chứng lâm sàng khi heo con nhiễm H.parasuis sẽ phụ thuộc chủ yếu vào độc lực của các chủng vi khuẩn này cùng với các mầm bệnh kế phát khác trong trang trại. Do đó, sự xuất hiện của triệu chứng viêm đa xoang kết hợp với cúm hay tai xanh (PRRS) là hoàn toàn bình thường.

 

Đối với các trường hợp từ nay về sau, các nhà khoa học khuyến cáo chúng ta nên kiểm soát các tác nhân gây bệnh chính – những vi khuẩn, virus gây ra hiện tượng ức chế miễn dịch và mở đường cho các tác nhân thứ phát khác vào cơ thể gây bệnh (trong trường hợp này chính là H.parasuis).

 

Tóm lại, thực hiện một chẩn đoán đầy đủ và chính xác là điều cần thiết để kiểm soát bệnh Glasser trên heo. Thậm chí với sự hỗ trợ của công nghệ mới này, càng dễ dàng hơn khi chúng ta muốn xác định chính xác tới cả độc lực hay chủng vi khuẩn H.parasuis gây bệnh.

VietDVM team biên dịch.
theo pig333        

Theo thông báo mới nhất của Cục thú y, tình hình cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp. Đã có 7 tỉnh trên cả nước bùng phát ổ dịch trong thời gian qua, tuy nhiên hiện có 6 tỉnh có ổ dịch chưa qua 21 ngày.

 

Cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước
Cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước

 

Cụ thể:

- Tại tỉnh Bạc Liêu (Cúm A/H5N1): Tại 01 hộ nuôi gà (2.785 con) của xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Từ ngày 21/02/2017 đến nay, không phát sinh gia cầm mắc mới.

 

- Tại tỉnh Nam Định (Cúm A/H5N1): Tại 01 hộ nuôi vịt (894 con) của xã Trực Nội và 01 hộ nuôi gia cầm (500 con vịt và 40 con gà) của xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh. Từ ngày 15/02/2017 đến nay, không phát sinh gia cầm mắc mới.

 

- Tại tỉnh An Giang (Cúm A/H5N1): Tại 01 hộ nuôi gà (80 con) của xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn. Từ ngày 17/02/2017 đến nay, không phát sinh gia cầm mắc mới. Trước đó, 01 ổ dịch xảy ra trên đàn vịt trời nuôi tại xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang làm 300 con vịt trời mắc bệnh và 809 con vịt trời phải tiêu hủy.

 

- Tại tỉnh Sóc Trăng (Cúm A/H5N1): Tại 01 hộ nuôi gà (945 con) của xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú. Từ ngày 21/02/2017 đến nay, không phát sinh gia cầm mắc mới.

 

- Tại tỉnh Đồng Nai (Cúm A/H5N1): Tại 01 hộ nuôi gà (5.000 con) xã Suối Trầu, huyện Long Thành. Từ ngày 16/02/2017 đến nay, không phát sinh gia cầm mắc mới.

 

- Quảng Ngãi (Cúm A/H5N6): Tại 01 hộ nuôi vịt (1.660 con) của xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Từ ngày 09/02/2017 đến nay, không phát sinh gia cầm mắc mới.

 

 

Phản ứng của Bộ Nông nghiệp & PT Nông thôn với dịch cúm gia cầm

Gần đây vào ngày 22/2/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Giấy mời số 89/GM-BNN-TY về việc tổ chức “Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm qua biên giới” tại tỉnh Lạng Sơn vào ngày 26/02/2017 do lãnh đạo Bộ chủ trì.

 

Trước đó:

- Ngày 17/02/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/ H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.

 

- Ngày 21/02/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn số 1536/BNN-TY về việc khẩn trương triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017.

 

 

Cục thú y làm gì để ứng phó cúm gia cầm?

Trong ngày 22/2/2017, Cục Thú y ban hành Quyết định số 53/QĐ-TY-DT về việc thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9 tại Việt Nam.

 

Trước đó

Ngày 17/2/2017, Cục Thú y đã ban hành công văn số 240/TY-DT về việc tăng cường công tác giám sát vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam.

 

- Các đoàn công tác đang đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh Cúm gia gia cầm tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nội theo công văn số 241/TY-DT ban hành ngày 17/2/2017 của Cục Thú y.


Hiện tại các địa phương có dịch đang tích cực các biện pháp khoanh vùng dập dịch, phun thuốc khử trùng, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh và lập các chốt kiểm soát gia cầm ra, vào vùng có dịch.

 

VietDVM team tổng hợp
Theo: Cục thú y     

Với số lượng trang trại tăng tới 23%, năm 2016, sản lượng lợn hơi của Việt Nam đã lên tới khoảng 6 triệu tấn, ngốn khoảng 21 triệu tấn TĂCN. Việc gia tăng đàn lợn quá nóng được xem là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn thê thảm thời gian qua. Cùng với việc kìm hãm quy mô đàn, Cục Chăn nuôi cho rằng đã đến lúc.

 

Không tăng thêm lợn nái: Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, năm 2016, với trên 4,3 triệu lợn nái, đàn lợn thịt có mặt thường xuyên cả nước ước lên tới trên 31 triệu con, cho ra sản lượng trên dưới 6 triệu tấn. Con số này lớn hơn khá nhiều so với những gì mà ngành thống kê công bố.

 

Năm 2016, số lượng trang trại lợn lớn và vừa đã tăng tới 23%
Năm 2016, số lượng trang trại lợn lớn và vừa đã tăng tới 23%

 

Ngoài thịt lợn, chăn nuôi gia cầm đóng góp thêm khoảng 1 triệu tấn thịt gà, cùng khoảng 300 nghìn tấn thịt vịt, chưa kể thịt gia súc lớn như trâu bò.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, đặc thù chủ yếu tiêu thụ thịt lợn tươi, với mức bình quân tiêu thụ thịt của người dân Việt Nam hiện vào khoảng 37-38kg/người/năm, cả nước hiện chỉ ăn hết cỡ hơn 3 triệu tấn thịt lợn/năm. Trong bối cảnh XK thịt lợn còn chưa đáng kể, có thể nói thị trường thịt lợn trong nước đã cơ bản hết dư địa.

 

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi tính toán: Với đàn nái hiện nay xoay quanh khoảng 4 triệu con, nếu tính bình quân năng suất sinh sản lợn nái cả nước khoảng 17 lợn con/nái/năm, mỗi năm chúng ta đã SX được khoảng 75 triệu lợn con.

 

Thời gian tới, nếu năng suất nái tiếp tục được nâng lên, với kịch bản tiến tới bình quân 22 lợn con/nái/năm thì tới đây, chúng ta sẽ có 88 triệu lợn con/năm. Nếu tính bình quân lợn thịt xuất chuồng khoảng 90kg/con, sản lượng thịt lợn tới đây sẽ vào khoảng 7 triệu tấn/năm – một con số khổng lồ. Vì vậy thời gian tới, một trong những chiến lược đầu tiên của chăn nuôi lợn là kiên quyết không tăng thêm đàn lợn nái, mà chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng đàn nái.

 

Ông Vân đánh giá thêm: Trong 5 nhóm vấn đề lớn của chăn nuôi lợn gồm giống, KH-CN, sản xuất, quy hoạch và thị trường thì 3 nhóm vấn đề đầu hiện nay đã cơ bản tốt, tuy nhiên, vấn đề thị trường đầu ra và đặc biệt là quy hoạch chăn nuôi lợn hiện nay đang vô cùng nhức nhối. Việc mở ra các trang trại chăn nuôi đang không kiểm soát được.

 

Theo tổng hợp của Cục Chăn nuôi, ước tính tới cuối 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, chỉ riêng số lượng các trang trại lớn và vừa đã lên tới con số 26 nghìn, tăng tới 23% so với năm 2015. Đáng nói là cả 3 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm là ĐBSH, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ đều phát triển nóng đàn lợn.

 

Theo tính toán, lượng thịt lợn bị ứ lại trong năm 2016 do quy mô SX tăng quá nhanh ước vào khoảng 1 triệu tấn, khiến giá thịt lợn rớt thảm hại về cuối năm. Hiện tại, mặc dù giá thịt lợn đang tăng trở lại. Tuy nhiên về lâu dài, việc quy mô đàn lợn tăng chóng mặt thời gian qua đang tạo ra những hệ lụy mà chính người chăn nuôi phải chịu trận.

 

 Cục Chăn nuôi khuyến cáo không tăng thêm số lượng lợn nái
Cục Chăn nuôi khuyến cáo không tăng thêm số lượng lợn nái

 

Mặc dù quy hoạch chăn nuôi lợn đã có từ năm 2008, tuy nhiên đến nay, không tỉnh nào thực hiện quy hoạch này và hầu hết là phá vỡ quy hoạch. Trong khi đó, các địa phương cũng không thể kìm được tốc độ tăng trang trại tới chóng mặt, bởi dân hễ có tiền, thích nuôi là mở ra nuôi được ngay.

 

“Nếu mở cửa được thị trường XK thịt lợn, để nâng sản lượng thịt lợn của cả nước lên 10 triệu tấn/năm là không khó, tuy nhiên trong bối cảnh chưa mở được thị trường XK thì đây đang là vấn đề lớn cần phải có giải pháp can thiệp để kìm hãm tốc độ tăng đàn, nhất là công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các địa phương”, ông Vân đề nghị.

 

Tại buổi làm việc với Cục Chăn nuôi về một số công tác trọng tâm trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn đánh giá: Mặc dù định hướng quy hoạch của ngành chăn nuôi nói là đưa lợn lên miền núi nuôi, nhưng thực tế thì đại đa số trang trại lợn vẫn chúm chụm ở ĐBSH, Đông Nam Bộ, nơi những vùng dân cư đông đúc do tiện lợi về điều kiện quản lí. Việc phát triển nóng đàn lợn trong năm 2016 một phần là hậu quả lâu dài của việc phá vỡ quy hoạch chăn nuôi.

 

Hãm đà SX thức ăn chăn nuôi

Với quy mô tổng đàn lợn “béo phì” lên nhanh chóng, Việt Nam cũng đang trở thành một cường quốc SX và tiêu thụ TĂCN. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi tới năm 2016, tổng lượng TĂCN của nước ta đã lên tới con số 21 triệu tấn, đứng đầu Đông Nam Á, thứ 6 ở châu Á và là một trong số 12 quốc gia có sản lượng TĂCN cao nhất thế giới. Trong khi đó, việc mở rộng công suất và đầu tư mới các nhà máy TĂCN vẫn chưa dừng lại.

 

Theo tiết lộ, một tập đoàn trong ngành công nghiệp “thò tay” sang lĩnh vực TĂCN và đang quyết tâm xây mới bằng được hai nhà máy TĂCN, mỗi nhà máy có công suất tới 300 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, một vài nhà máy khác cũng đang nhăm nhe tăng công suất mặc cho nhiều khuyến cáo của Cục Chăn nuôi về tình trạng quá tải sản lượng TĂCN.

 

Cùng với đàn lợn tăng chóng mặt, số lượng nhà máy TĂCN cũng mọc như nấm
Cùng với đàn lợn tăng chóng mặt, số lượng nhà máy TĂCN cũng mọc như nấm

 

Theo dự báo, khi các nhà máy mới và các nhà máy tăng công suất đi vào hoạt động, nhiều khả năng công suất sản xuất TĂCN cả nước sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu tấn trong năm 2017. Điều đáng nói là trong khi các nhà máy vẫn mọc lên như nấm thì giá TĂCN vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó, chưa có một đánh giá chính xác cũng như công bố của các nhà máy nào về giá thành sản xuất TĂCN hiện nay.

 

Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, Cục Chăn nuôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính (Cục Quản lí giá) có chương trình giám sát về giá TĂCN để minh bạch lãi suất, tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn đang bỏ ngỏ.

 

Cùng với việc kìm hãm quy mô đàn, Cục Chăn nuôi cho rằng đã đến lúc ngừng việc mở rộng các nhà máy TĂCN mới cũng như “hãm phanh” việc gia tăng công suất, tránh tình trạng “thả gà ra đuổi” trong kiểm soát chất lượng TĂCN cũng như cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, cái khó trong vấn đề này đang nằm ở chỗ, quyền cấp phép xây dựng các nhà máy hiện nay thuộc về các địa phương.

 


  • Làm việc với Cục Chăn nuôi mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Cục Chăn nuôi thời gian tới phải sớm rà soát, đánh giá chi tiết về tình hình sản xuất TĂCN nước ta, có con số chính xác về số lượng nhà máy, sản lượng, có nghiên cứu đánh giá kỹ những tác động, hệ lụy của việc phát triển nóng và phình to quá mức cả về đàn nái và sản lượng TĂCN tới SX.
  • Bởi với thực trạng tăng trưởng nóng như thời gian qua, dù có thể thời điểm này, thời điểm khác chăn nuôi lợn có lãi, nhưng về dài hạn thì lãi không thể bù đắp được lỗ. Việc phát triển quá nóng đàn lợn về dài hạn sẽ ảnh hưởng trước hết tới nông hộ chăn nuôi, lực lượng dễ tổn thương và đang chiếm gần 50% tổng đàn lợn cả nước.

 

Tác giả: Lê Bền            
Ngồn tin: Bào Nông nghiệp Việt Nam

Cập nhật giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường miền Bắc tuần 07 năm 2017

Tại thị trường miền Bắc nước ta, giá cả các sản phẩm chăn nuôi trong tuần 07 năm 2017 đều tăng nhẹ. Giá heo hơi tăng nhẹ  lên 37.000đ/kg (heo siêu bán tại trại) tăng gần 1000 đ/kg so với tuần trước. Giá trứng gia cầm cũng tăng mạnh trở lại sau nhưng tuần ảm đạm sau tết.

Giá cả thị trường miền Bắc tuần 07 năm 2017
Giá cả thị trường miền Bắc tuần 07 năm 2017

Giá heo siêu bán hơi tại thị trường Hưng Yên hiện có giá 36.000 - 37.000 đ/kg, tại Hà Tây (cũ) giá heo cũng có giá 36.500 - 37.000đ/kg tăng gần 1000đ/kg, tại Vĩnh Phúc 35.000 - 36.000đ/kg còn các vùng chăn nuôi có chất lượng con giống thấp hơn hiện có giá 32.000 - 33.000đ/kg (Phú Thọ: 31.000đ/kg, Nam Định: 32.000đ/kg heo lai với biểu cân 80-90kg/con).

 

Giá trứng gia cầm sau khi tăng mạnh ở tuần trước, tuần này duy trì ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Hiện giá trứng gà Ai Cập (trắng) 1.900đ/quả, trứng gà Ai Cập (hoa mơ) 2.100đ/quả, giá trứng gà công nghiệp (gà đỏ) 1.600đ/quả

 

Giá gà thịt hiện có giá 40.000 - 42.000đ/kg tuy nhiên vẫn khá khó bán.

  

Chi tiết giá cả thị trường các sản phẩn chăn nuôi tuần 07/2017 tại các tỉnh miền Bắc

 

Giá cả thị trường tuần 07 năm 2017

  Heo thịt

 Heo siêu 36.000 - 37.000 đ/kg 
 Heo lai đẹp 32.000 - 33.00 đ/kg
 Heo lai 29.000 - 30.000 đ/kg 

  Gà thịt 

Gà thịt công nghiệp >3kg 22.000 - 24.500 đ/kg
Gà lông màu 40.000 - 42.000đ/kg
Gà ta nuôi thả vườn (nuôi hơn 4,5 tháng) 53.000 - 62.000 đ/kg
Gà đông tảo lai 62.000 - 72.000 đ/kg
Gà lai chọi 60.000 - 65.000 đ/kg
Gà đẻ loại 38.000 - 42.000 đ/kg

   Trứng gà

Gà công nghiệp (trứng đỏ) 1.550 - 1.600 đ/quả
Gà ai cập trắng 1.850 - 1.900 đ/quả
Gà ai cập hoa mơ 2.050 - 2.150 đ/quả 
 Vịt thịt Vịt bầu cánh trắng 23.000 - 27.000 đ/kg

 Trứng vịt 

Trứng vịt lộn 2.300  - 25.000đ/quả
Trứng thường 2.000 - 2.100 đ/quả

  

Giá giống
Gà ta lai (gà lông màu) bắt xô 11.000-16.000 đ/con
Gà trắng công nghiệp 9.000 - 12.000 đ/kg
Gà đẻ công nghiệp 18.000 - 21.500 đ/con
Gà ai cập 14.000 - 18.500 đ/con
Heo Heo siêu xách tai 800.000  - 900.000 đ/con
Heo lai (22 - 30kg) 45.000 - 50.000đ/kg
Vịt Vịt thịt 7.000 - 9.000 đ/con

 

 

Chú ý:

 - Heo lai đẹp là heo có tỉ lệ máu ngoại từ 3/4 đến 7/8 trở lên

 - Heo lai xấu là heo có tỉ lệ máu nội cao.

 - Giá heo siêu giống là giá của heo giống xách tai 7-10kg.

 

 VietDVM team tổng hợp

Đan Mạch là một trong những quốc gia chăn nuôi heo hàng đầu thế giới, bởi vậy mà những vấn đề quan trọng với Đan Mạch hiện nay cũng sẽ trở nên quan trọng với toàn bộ nền chăn nuôi của thế giới trong tương lai. Vậy thì điều gì đang làm cho các nhà khoa học của Đan Mạch bận rộn thời gian qua? Dưới đây là tổng kết của chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi heo - Vivi Aarestrup Moustsen - từ một cuộc họp quan trọng ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch:

- Làm cách nào để giảm lượng thức ăn tiêu thụ trên heo nái mà không ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ của chúng?

- Những heo nái đẻ nhiều, năng suất tốt thì nhu cầu các chất dinh dưỡng để sản xuất sữa có tăng cao hơn bình thường không?

- Có cách nào để phát hiện sớm dấu hiệu của một đợt bùng phát “hiện tượng cắn đuôi nhau” trên heo con cai sữa hay không?

- Liệu việc sử dụng kẽm có ảnh hưởng đến vấn đề tiêu chảy và việc điều trị bằng kháng sinh trên heo con cai sữa hay không?

- Chi phí cần thiết để xóa sổ bệnh MRSA (bệnh tụ cầu khuẩn kháng Methicillin) trên các đàn heo ở Đan Mạch?

- Quan điểm về việc ứng dụng một số trò chơi vào trong quá trình học tập chuyên ngành thú y?

 

Trên đây là những câu hỏi được đặt ra trong buổi hội thảo định kỳ hàng năm lần thứ 4 của “trung tâm nghiên cứu sản xuất và sức khỏe đàn heo (CPH)” thuộc đại học Copenhagen (UCPH). Hội thảo có sự tham gia của hơn 170 người trong khoảng 2h đồng hồ với những nghiên cứu điển hình nhất trong ngành chăn nuôi heo đã được lựa chọn.

 

Đây cũng là một ví dụ điển hình cho việc hợp tác có hiệu quả giữa các trường đại học với các doanh nghiệp trong ngành nhằm cùng nhau giải quyết những vấn đề chung.

 

Ảnh 1: hội thảo có sự góp mặt của khoảng 170 người
Ảnh 1: hội thảo có sự góp mặt của khoảng 170 người

 

 

Hội thảo chủ yếu bàn về các chủ đề như: heo nái và heo con, sức khỏe và phúc lợi động vật, chăn nuôi và mô hình hóa, vi khuẩn tụ cầu kháng methicillin (MRSA).

 

1. Làm thế nào để giảm chi phí thức ăn nhưng không ảnh hưởng đến năng suất heo nái?

 

Thức ăn là chi phí tốn kém nhất trong chăn nuôi heo. Theo thống kê, đã có một sự gia tăng trong việc tiêu thụ thức ăn trên các đàn heo nái ở Đan Mạch đẩy chi phí cho thức ăn càng tăng cao.

 

Thực tế cho thấy việc gia tăng lượng thức ăn này không chỉ vì số đầu heo con gia tăng mà còn vì kích thước heo nái gia tăng buộc chúng cần phải ăn nhiều hơn để duy trì thể trạng. Bởi vậy nên câu hỏi đặt ra lúc này là chúng ta có thể “tạo” ra những con heo nái có kích thước nhỏ hơn mà không ảnh hưởng tới năng suất và tuổi thọ của chúng hay không?

 

Trước thực tế đó, một nghiên cứu về chủ đề: “tác dụng của mức protein và chiến lược thức ăn lên trọng lượng heo, độ dày mỡ lưng và phần trăm mỡ của heo nái hậu bị” đã được tiến hành với sự hợp tác 3 bên giữa đại học Aarhus, đại học UCPH và trung tâm nghiên cứu heo SEGES Đan Mạch. Cho đến nay, các kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn – nhiều khả năng vẫn có thể tạo ra được những heo nái hậu bị có trọng lượng, kích thước cơ thể nhỏ hơn, ít béo hơn bằng cách sử dụng hợp lý protein trong khẩu phần ăn sao cho vẫn đáp ứng đầy đủ năng lượng cho heo nái và không ảnh hưởng đến năng suất của chúng.

 

2. Giải pháp nào để tăng năng suất cho heo nái nuôi con?

Câu hỏi này được trả lời bởi nghiên cứu sinh Anja V.Strathe thuộc đại học UCPH – người đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình liên quan đến tác động của việc tăng axitamin trong khẩu phần ăn của heo nái đang cho con bú lên năng suất heo con.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tăng lượng protein trong khẩu phần ăn cho heo nái thì không chỉ năng suất sữa trung bình/ngày của heo nái tăng cao hơn các lứa trước mà chất lượng sữa cũng được cải thiện (hàm lượng protein và chất béo trong sữa tăng hơn bình thường).

 

Đồng thời, biết bổ sung protein hợp lý cũng sẽ điều chỉnh được cân nặng cho heo nái. Cơ thể heo nái giảm huy động protein hơn, thay vào đó việc huy động chất béo diễn ra nhiều hơn trước. Với những heo nái hậu bị chưa phát triển đầy đủ ở chuồng đẻ sẽ được tách riêng ra và chăm sóc với chế độ ăn riêng với các heo nái đã đẻ nhiều lứa.

 

 

3. Việc sử dụng kẽm cho heo con sau cai sữa.

Việc sử dụng kẽm cho heo con sau cai sữa đang được thảo luận khắp châu Âu. Theo đó người ta cho rằng cần cấm sử dụng hóa chất này vì nếu cứ sử dụng kẽm với mục đích kháng khuẩn trong chăn nuôi như hiện nay sẽ có 2 vấn đề phát sinh:

- Một là tăng hiện tượng kháng kháng sinh.

- Hai là ảnh hưởng đến môi trường: nồng độ kẽm trong đất tăng cao vượt quá ngưỡng hấp thụ của cây.

 

Theo đó, Ủy ban châu Âu đang xem xét ban hành một lệnh cấm đối với hóa chất này.

 

Ảnh 2: các chủ đề thảo luận xoay quanh việc sử dụng kẽm, hiện tượng cắn đuôi và vi khuẩn tụ cầu kháng Methicillin
Ảnh 2: Các chủ đề thảo luận xoay quanh việc sử dụng kẽm, hiện tượng cắn đuôi và vi khuẩn tụ cầu kháng Methicillin

 

Tuy nhiên, một nghiên cứu của cố vấn trưởng trung tâm nghiên cứu heo SEGES Đan Mạch, ông Niels J. Kjeldsen cho thấy rằng: việc sử dụng kẽm cho heo con sau cai sữa giúp giảm đáng kể các phương pháp điều trị bằng kháng sinh. Hơn nữa, không tìm thấy bất kỳ một chất phụ gia nào có thể cho kết quả điều trị tương tự khi thay thế kẽm.

 

4. Cách phát hiện sớm hiện tượng heo cắn đuôi nhau?

Hiện tượng heo cắn đuôi nhau thường rất khó để dự đoán trước. Nó không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quy định liên quan đến quyền lợi động vật.

 

Để giảm thiểu nguy cơ heo cắn đuôi nhau sinh dịch, tiến sĩ Helle Pelant Lahrmann, thuộc đại học UCPH và trung tâm nghiên cứu heo SEGES Đan Mạch, đã tiến hành nghiên cứu các dấu hiệu cảnh báo sớm về việc bùng phát hiện tượng cắn đuôi ở heo con cai sữa trong một dự án hợp tác giữa UCPH, Trung tâm nghiên cứu heo SEGES Đan Mạch và trường Đại học Nông nghiệp Scotland.

 

Để tiến hành nghiên cứu, các đợt bùng phát khi heo cắn đuôi nhau được ghi chép lại một cách đầy đủ. Sau đó, các đoạn băng ghi hình vào thời gian trước khi heo cắn đuôi nhau được đưa ra xem xét và phân tích một cách kỹ lưỡng tập trung vào các điểm nghi ngờ như:

- Phản ứng của heo khi bị cắn đuôi.

- Những tư thế của đuôi khi bị cắn, các hành động đặc trưng...

 

Kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn và bước tiếp theo chỉ là xác định và thống kê lại các hành động lặp đi lặp lại của heo con trong thí nghiệm trước khi xảy ra hiện tượng cắn đuôi nhau, từ đó có những lưu ý cho người chăn nuôi nhằm giúp hạn chế tối đa thiệt hại.

 

5. Biện pháp kiểm soát, xóa bỏ bệnh do vi khuẩn tụ cầu vàng kháng Methicillin (LA-MRSA) trên heo gây ra.

Một chủ đề khác được nói đến tại hội thảo nữa là thống kê chi phí cần có để xóa bỏ và kiểm soát bệnh do MRSA gây ra trên đàn heo tại Đan Mạch. Thống kê này được thực hiện bởi Ông Francisco Fernando Calvo Artavia, viện thú y quốc gia. Ông Francisco cho biết, chi phí ước tính cần thiết để xóa bỏ MRSA là 743 triệu bảng anh (tương đương…vnđ) nhưng sau đó nguy cơ tái nhiễm vẫn tồn tại. Bởi vậy nên hội thảo đề nghị nghiêm cứu thêm các biện pháp kiểm soát khác.

 

6. Các nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thú y.

Một nghiên cứu khác thuộc lĩnh vực giáo dục thú y cũng được đề cập tới trong hội thảo nhằm nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên. Đó là việc ứng dụng các trò chơi vào trong việc học tập được trình bày bởi nghiên cứu sinh Camilla Kirketerp thuộc Đại học UCPH. Dù là một nghiên cứu mới mẻ nhưng cũng khá được chú y tại hội thảo vì tính ứng dụng thực tiễn của nó.

 

Trên đây là 6 vấn đề, 6 xu hướng của nền chăn nuôi heo công nghiệp của Đan Mạch mà thế giới sẽ gặp phải dù sớm hay muộn. Có thể hiện tại những thông tin trên chưa giúp ích cho các độc giả ngay lập tức nhưng khi nắm bắt được xu hướng, VietDVM.com hy vọng quý độc giả sẽ có những góc nhìn khách quan hơn, những quyết định đúng đắn hơn cho các hành động ở hiện tại.

 

VietDVM team biên dịch.   
theo: tạp chí chăn nuôi heo thế giới

Bệnh hoại tử tai trên heo – giải mã những bí ẩn
Published in Bệnh trên Heo

Bệnh hoại tử tai trên heo là bệnh gì?

Là một căn bệnh khá bí ẩn và không thường xuyên bắt gặp. Nên khi bệnh xảy ra, đa phần người ta chỉ có thể phỏng đoán nguyên nhân gây bệnh dựa theo kinh nghiệm.

 

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh hoại tử tai trên heo như: chấn thương từ các heo trong cùng ô chuồng gây ra, mật độ nuôi quá dày, nuôi nhốt chung heo nhiều lứa tuổi cùng nhau, độ ẩm môi trường quá cao, không gian ăn uống chật chội, khẩu phần ăn quá ít, độc tố nấm mốc, bệnh do virus vi khuẩn.

 

Các cơ chế gây bệnh và sinh bệnh học chính xác gây ra bệnh hoại tử tai trên heo vẫn chưa được sáng tỏ. Rất có thể tình trạng này không chỉ do một thực thể hay một cơ chế tạo nên. Tương tự vậy, chúng ta cũng chưa thể làm rõ cơ chế vì sao bệnh thường xuất hiện cùng với các triệu chứng khác như răng nanh tổn thương kèm viêm mạch, đặc biệt là viêm mạch trung gian miễn dịch kết hợp với nhiễm trùng; phản ứng vaccine, phản ứng với thuốc (Scott, Miller và cộng sự năm 2001).

 

Bệnh hoại tử tai trên heo khi bị thường xuất hiện cả hai bên tai. Một số ít trường hợp chỉ xuất hiện một bên tai ở phần rìa phía ngoài và hoại tử ở cánh mũi. Tổn thương ban đầu từ mức độ nhẹ, sau đó viêm loét dần ra khắp bề mặt và cuối cùng nặng là vùng viêm tiết dịch nhầy, loét, hoại tử (hình 1). Sau đó vùng viêm tiếp tục tiến sâu vào lớp biểu bì, các mô mạch, các vi khuẩn từ đó tiếp tục di chuyển gây viêm nhiễm các cơ quan bộ phận trong cơ thể như khớp, viêm phổi tắc mạch, hình thành ổ áp xe và cuối cùng buộc phải loại thải.

 

Ảnh 1: Loét ở rìa tai, tai sưng và tăng sinh lớp vỏ biểu bì
Ảnh 1: Loét ở rìa tai, tai sưng và tăng sinh lớp vỏ biểu bì

 

Theo thống kê của các phòng thí nghiệm chẩn đoán của đại học thú y bang Iowa thì đa phần các đàn heo tại Mỹ đều có xuất hiện bệnh hoại tử tai trên heo nhưng với những tần số khác nhau, mức độ nặng nhẹ và phạm vi ảnh hưởng cũng khác nhau trong mỗi lần xuất hiện.

 

Một số giả thiết về nguyên nhân gây bệnh hoại tử tai trên heo:

1. Do một tác nhân gây bệnh nào đó lan rộng ra toàn cơ thể làm kế phát cả hiện tượng heo bị hoại tử tai.

 

2. Lắng đọng phức hợp miễn dịch trong các mao mạch làm tổn thương mao mạch và hoại tử tai.

 

3. Do một bệnh thần kinh không rõ nguyên nhân hay bệnh lý trên mạch máu gây bệnh hoại tử tai trên heo. Các cấp độ tổn thương trên mạch máu và/hoặc các ảnh hưởng của thuốc giãn mạch là hoàn toàn khác nhau giữa những con heo khỏe mạnh và heo đang bị bệnh.

 

4. Do nhiễm trùng một loại vi khuẩn có tác động lên biểu bì gây hoại tử tai.

 

 

Các kết quả nghiên cứu gần đây về bệnh hoại tử tai trên heo.

Mục tiêu của các cuộc điều tra, nghiên cứu về căn bệnh này trên các trang trại thuộc khu vực miền đông nước Mỹ thời gian gần đây là nhằm mô tả lại tiến triển của bệnh cũng như phát hiện các mầm bệnh, nguyên nhân tiềm tàng.

 

Mọi trường hợp nghiên cứu đều được thu mẫu bệnh phẩm và nghiên cứu ở cấp độ mô học đồng thời làm xét nghiệm cấp độ phân tử. Có thể nói đây là một nghiên cứu có khối lượng mẫu (được xét nghiệm phân tử) khổng lồ.

 

Mô bệnh học của lớp biểu bì và hạ bì heo bệnh cho thấy sự tổn thương ở nhiều cấp độ khác nhau từ viêm da sâu quanh thành mạch cho đến những thay đổi nhỏ của lớp biểu bì (hình 2).

 

Những thay đổi trên lớp biểu bì đa phần là tăng sinh lớp sừng. Theo thống kê cho thấy, tại vùng tai bị bệnh thường có các triệu chứng bệnh tích như viêm mạch, tụ huyết, tăng số lượng tế bào bạch cầu, hoại tử lớp biểu bì.

 

Đối với các trường hợp bệnh hoại tử tai trên heo mãn tính, các dấu hiệu bệnh lý thường là viêm loét, biểu bì tăng sinh không đều, hình thành mô hạt, tụ huyết ở lớp da sâu bên trong (hình 3).

 

Hình 2: Sinh thiết tai mũi từ một heo bệnh nặng, cấp tính. Lớp hạ bì sưng to phù nề và số lượng bạch cầu trung tính tăng nhẹ ở lớp thượng bì
Hình 2: Sinh thiết tai mũi từ một heo bệnh nặng, cấp tính. Lớp hạ bì sưng to phù nề và số lượng bạch cầu trung tính tăng nhẹ ở lớp thượng bì

 

 

Hình 3: Sinh thiết tai mũi từ một heo bị bệnh mãn tính. Viêm loét lớp biểu bì tầng sâu, hình thành lớp vỏ cellular, biểu bì tăng sinh. Các lớp hạ bì sâu tăng sinh do hình thành mô hạt và xuất huyết. Các mạch máu sâu dưới da bị tắc mạch do viêm mạch và tụ huyết
Hình 3: Sinh thiết tai mũi từ một heo bị bệnh mãn tính. Viêm loét lớp biểu bì tầng sâu, hình thành lớp vỏ cellular, biểu bì tăng sinh. Các lớp hạ bì sâu tăng sinh do hình thành mô hạt và xuất huyết. Các mạch máu sâu dưới da bị tắc mạch do viêm mạch và tụ huyết 

Kết quả của phản ứng PCR trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra sự có mặt của vi khuẩn Staphylococcus Hyicus trong các mẫu bệnh phẩm, mặc dù đoạn gen mã hóa dùng làm phản ứng PCR được chiết xuất từ nuôi cấy chứ không phải từ mẫu bệnh phẩm (Onuma, Uoya et al, 2011).

 

Phân tích di truyền học của lớp biểu bì và hạ bì cho kết quả cuối cùng là sự xuất hiện của một số loại vi khuẩn trên các heo bị bệnh như:

- Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi dích sườn trên heo: Actinobacillus.

- Các vi khuẩn thuộc chi Fusobacterium: là những vi khuẩn khu trú chủ yếu trên đường tiêu hóa và tiết niệu của động vật.

- Liên cầu khuẩn: Streptococcus spp.

- Tụ cầu khuẩn: Staphylococcus spp.

 

Là có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa những heo bị bệnh hoại tử tai trên heo (cấp và mãn tính) với những heo khỏe mạnh. Nghĩa là những vi khuẩn trên có xuất hiện trên hầu hết cơ thể heo bệnh.

Hình 4: So sánh sự có mặt một cách khá đa dạng của các nhóm, chi vi khuẩn và lớp Clostridia giữa heo bệnh và heo khỏe mạnh
Hình 4: So sánh sự có mặt một cách khá đa dạng của các nhóm, chi vi khuẩn và lớp Clostridia giữa heo bệnh và heo khỏe mạnh

 

Một phân tích thống kê dựa trên kết quả thí nghiệm cho biết:

- Có 209 loài vi khuẩn được tìm thấy có ý nghĩa thống kê giữa heo bị bệnh và heo khỏe mạnh.

 

- Có 24 loài vi khuẩn được tìm thấy có ý nghĩa thống kê giữa heo bị bệnh cấp tính, mãn tính và heo khỏe mạnh.

 

- Trong 24 nhóm trên có 2 loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng huyết cao được xác định là có ý nghĩa về mặt chẩn đoán đối với bệnh hoại tử tai trên heoActinobacillus sppHaemophilus spp.

 

Đa phần những trường hợp heo bị bệnh trong nghiên cứu này khi da bị tổn thương thường là bị “từ trong ra ngoài” chứ không phải từ ngoài vào trong. Nghĩa là tổn thương bắt nguồn từ mạch máu (viêm mạch, tụ huyết…) tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

 

Phân tích di truyền học quần thể còn chỉ ra rằng: các tổn thương trên tai tiến triển song song với sự biến đổi không ngừng của các vi khuẩn xâm nhập và 2 chi vi khuẩn Actinobacillus spp Haemophilus spp là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu hay chỉ là những vi khuẩn kế phát thì đang được nghiên cứu thêm.

 

Kết luận.

Như vậy, dù nghiên cứu đã chỉ ra sự nghi ngờ đối với 2 vi khuẩn là Actinobacillus sppHaemophilus spp nhưng bệnh hoại tử tai trên heo vẫn còn là một bí ẩn. Việc sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán, phân tích khác nhau (mô bệnh học, phân tích gen (PCR) hay di truyền quần thể) một cách hợp lý có thể làm sáng tỏ cơ chế hay nguyên nhân gây bệnh. Từ đó giúp người chăn nuôi có biện pháp phòng bệnh hợp lý hoặc điều trị hiệu quả khi bệnh xảy ra, hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có.

 

VietDVM team biên dịch.
theo pig333       

Trong khi Việt Nam đang có nguy cơ bị tấn công bởi đại dịch cúm A/H7N9 đến từ Trung Quốc qua gia cầm “bẩn” xâm nhập vào nội địa, thì các ngành chức năng ở Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển vịt, gà giống, thu giữ hàng vạn gia cầm giống nhập lậu.

 

Theo đánh giá của tỉnh Lạng Sơn; mặc dù gia súc, gia cầm thịt nhập lậu từ Trung Quốc đã giảm mạnh trong dịp trước và sau tết nguyên đán. Nguyên nhân do giá cả giữa thịt gà ta và Trung Quốc không chênh lệnh là bao, người dân không thích gà nhập ngoại vì ăn bở, không ngon. Thế nhưng, gà, vịt giống thì có chiều hướng gia tăng từ một vài tuần nay

 

Đang vào vụ chăn nuôi nên nhu cầu giống gia cầm rất cao. Việc buôn bán vịt, gà con từ Trung Quốc có chiều hướng phức tạp.
Đang vào vụ chăn nuôi nên nhu cầu giống gia cầm rất cao. Việc buôn bán vịt, gà con từ Trung Quốc có chiều hướng phức tạp.

 

Thời điểm này đang vào mùa chăn nuôi, thả đàn nên nhu cầu gia cầm giống cao. Giá cả mặt hàng gia cầm ở Trung Quốc rất rẻ; cụ thể, một con gà, vịt một tuần tuổi có giá 2 đồng NDT (tương đương 6-7 nghìn đồng Việt Nam); nhưng khi vận chuyển chót lọt vào Lạng Sơn, giá có thể lên từ 15 đến 17 nghìn đồng/con. Do vậy, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu qua các đường mòn biên giới như khu vực mốc 1228,1229 thuộc khu Nà Phát, Nà Quân (cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình), gia tăng.

 

Ông Nguyễn Văn Trường, quyền Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lực lượng QLTT làm việc tại khu vực biên giới và 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã ra quân kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu. Nhất là trên khâu lưu thông, các Đội- trạm đã bắt giữ được nhiều vụ, thu giữ hàng vạn con gia cầm giống. Điển hình, tối khuya 07/2; đội QLTT số 4 huyện Chi Lăng phối hợp với Trạm CSGT Tùng Diễn tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát: 29C-025.30 do ông Chu Văn Ánh (SN 1982), trú tại Phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn điều khiển và ông Nguyễn Toàn Thắng (SN 1972), trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn là chủ hàng đã vận chuyển 6.500 vịt con giống loại 5-7 ngày tuổi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chủ hàng khai đã thu gom số gia cầm giống từ khu vực cửa khẩu Chi Ma rồi vận chuyển theo đường quốc lộ 1A về tỉnh Bắc Giang tiêu thụ, kiếm lời. Ngày 21/2, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã tiến hành xử phạt 50 triệu đồng đối với chủ hàng buôn bán gia cầm lậu kể trên.

 

Đội QLTT huyện Chi Lăng chặn bắt 6500 con gia cầm giống.
Đội QLTT huyện Chi Lăng chặn bắt 6500 con gia cầm giống.

 

Ông Trường cho biết thêm: Trong thời điểm hiện nay, lực lượng chống buôn lậu cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa; khi mà cúm gia cầm A/H7N9 đang bùng phát rất mạnh ở Trung Quốc. Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và việc giao lưu, đi lại, buôn bán giữa hai nước cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt là qua việc buôn bán gia cầm giống có chiều hướng gia tăng nên rất đáng lo ngại.


Tác giả: Nguyễn Huy Chiến
Nguồn tin: Báo Tiền Phong 

Bạn có muốn biết các nhà lãnh đạo trong hội đồng gia cầm quốc gia Mỹ đang suy nghĩ những gì?

 

Theo chủ tịch mới của công ty Case Foods, ông Mike Popowycz và nguyên chủ tịch công ty Simmons Foods năm 2016, ông Todd Simmons thì ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm Mỹ sẽ phải đối mặt với 9 thách thức trong năm 2017như: an toàn sinh học; bệnh tật; cải cách trong quản lý, thương mại và nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Bất chấp những trở ngại và thách thức, chăn nuôi gia cầm Mỹ vẫn hứa hẹn một năm thắng lợi
Bất chấp những trở ngại và thách thức, chăn nuôi gia cầm Mỹ vẫn hứa hẹn một năm thắng lợi

 

1. An toàn sinh học trước đại dịch cúm gia cầm.

“Sự bùng phát dịch cúm gia cầm năm 2015 buộc toàn ngành phải tăng cường tập trung vào khâu an toàn sinh học trong các trại chăn nuôi, điều đó vẫn còn tác dụng cho đến hôm nay” – ông Simmons cho biết.

 

2016 là một năm khá thành công của Mỹ trong đối phó với dịch cúm gia cầm – cả năm chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao được phát hiện. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp tục giữ an toàn trong năm 2017 khi áp lực mầm bệnh ngày càng gia tăng đang là vấn đề mà ngành chăn nuôi gia cầm Mỹ đang phải đối mặt.

 

2. Thương mại quốc tế và xuất khẩu thịt gia cầm.

Một trong những thành công của ngành chăn nuôi gia cầm Mỹ năm 2016 là việc mở cửa giao thương trở lại với Nam Phi. Simmons thừa nhận công việc của hội đồng xuất khẩu thịt và trứng gia cầm Mỹ cùng các bên liên quan trong năm nay chỉ là làm thế nào để tiếp tục duy trì và phát huy những thành công trong năm 2016 về xuất khẩu và thương mại quốc tế.

 

 

3. Các quy định của GIPSA (cơ quan kiểm tra ngũ cốc, đóng gói và dự trữ).

“Trong khi các cuộc xung đột đang trong thời kỳ cao trào, có thể nói ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm Mỹ đã thành công trong việc ngăn chặn các quy định mới của GIPSA. Điều đó giúp ích rất lớn trong việc lựa chọn thị trường hợp tác (không quá bị hạn chế bởi những quy định mới), giảm sự cồng kềnh cho bộ máy vận hành. Đồng thời hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực lên vấn đề quyền lợi động vật và ngăn chặn một làn sóng xung đột mới”, ông cho biết thêm.

 

4. Tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ và chế biến gia cầm.

Việc áp dụng các quy định của chương trình “an toàn lao động và quản lý y tế (OSHA) trong khu vực trọng điểm” để tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm vẫn đang là một thách thức lớn đáng lo ngại cho ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm Mỹ trong năm 2017.

 

5. Sự hiện đại hóa của hệ thống giết mổ gia cầm mới.

Một thách thức nữa cũng là một trong những phần quan trọng trong các quy định nhằm điều hướng ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm đó là sự hiện đại hóa của hệ thống giết mổ gia cầm với nhiều tiêu chuẩn an toàn thực phẩm lần đầu tiên được áp dụng.

 

6. Tiêu chuẩn về nhiên liệu tái tạo trong chăn nuôi gia cầm:

Giống như tất cả các khoản trợ cấp của chính phủ, tiêu chuẩn về nhiên liệu tái tạo luôn gắn bó mật thiết với ngành chăn nuôi từ trước đến nay; nhưng đã đến lúc nó cần được cải cách, đổi mới nhằm bắt kịp với sự phát triển của ngành, tránh gây ra những rắc rối không đáng có.

 

7. Cải cách nhập cư – gián tiếp tác động lên chăn nuôi gia cầm:

“Với một tổng thống và một quốc hội mới, việc cải cách trong vấn đề nhập cư có thể xảy ra và sẽ kéo theo những ảnh hưởng gián tiếp tới chăn nuôi gia cầm Mỹ (kiểm soát bệnh dịch, quyền lợi động vật…)”, ông Popowycz cho biết.

 

8. Các tiêu chuẩn về phúc lợi với giống gà Broiler của NCC (hội đồng gia cầm quốc gia).

NCC đang nỗ lực cải thiện các vấn đề về quyền lợi động vật cho đàn gà thịt công nghiệp (gà Broiler) thông qua việc bổ sung các tiêu chuẩn về quyền lợi động vật cho đối tượng vật nuôi này – một thách thức không hề nhỏ giành cho ngành chăn nuôi gia cầm khi việc đó đồng nghĩa với hàng loạt chi phí đội lên và đương nhiên lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm xuống.

 

9. “Chicken check in”.

“NCC vẫn đang tiếp tục một chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ nhằm thúc đẩy những người làm trong ngành công nghiệp gia cầm chia sẻ những câu chuyện về một ngày làm việc của họ trên các mạng xã hội hay các kênh thông tin đại chúng. Đó là những nỗ lực vô cùng tích cực để tiếp cận cộng đồng”, Simmons cho biết.


“Bất chấp những trở ngại và thách thức trên, tôi vẫn lạc quan cho rằng năm 2017 sẽ là một năm thành công của ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm Mỹ”, ông Popowycz nói thêm.

 

VietDVM team biên dịch.
(theo wattagnet).    

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status