Chó poodle có hôi không? - Chắc chắn nhiều bạn đang muốn nuôi poodle nhưng vẫn còn phân vân về mùi hôi trên chó. Tất nhiên ngoài vấn đề này, các bạn còn nhiều thắc mắc khác nữa, nhưng đây
 
Items filtered by date: /12/ 2013 - VietDVM | Trang thông tin kiến thức Chăn nuôi UY TÍN

Tập đoàn Carlo Genetics đã bị mười một trang trại chăn nuôi heo khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại lên tới 2 triệu đô do cung cấp tinh heo kém chất lượng.

 

Theo đài truyền thông Canada cho biết, mười một trang trại chăn nuôi heo ở Manitoba, Canada đã kiện Tập đoàn Carlo Genetics do cung cấp tinh dịch heo kém chất lượng và đòi bồi thường thiệt hại lên tới gần 2 triệu đô la Canada.

 

Tinh heo kém chất lượng làm 11 trang trại heo ở Canada thiệt hại hơn 32 tỷ đồng.
Tinh heo kém chất lượng làm 11 trang trại heo ở Canada thiệt hại hơn 32 tỷ đồng.

 

Tinh heo kém chất lượng sinh ra một loạt các vấn đề từ việc heo nái giảm tỷ lệ đẻ cho đến số heo con sinh ra giảm làm đội chi phí chăm sóc, chi phí chẩn đoán…tăng cao. Do đó, vào hồi tháng 3/2017 vừa qua, bên nguyên đơn gồm 11 trang trại chăn nuôi heo nói trên đã khởi kiện và đòi công ty này bồi thường 2 triệu đô la Canada-CAD (tương đương hơn 33 tỷ vnđ) cho những thiệt hại họ đang gánh chịu.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của đài truyền hình Canada (CBC), những cáo buộc về tinh dịch heo kém chất lượng có thể không đủ căn cứ do môi trường pha chế và điều kiện bảo quản không đạt tiêu chuẩn cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của tinh trùng heo. Môi trường pha chế tinh trùng được sản xuất bởi Công ty TNHH PIC-Canada, cũng đang bị kiện bởi 11 trang trại chăn nuôi heo trên.

 


Vụ kiện của Công ty Thực phẩm Maple Lead.

 

Ngoài 11 trang trại heo trên thì Tập đoàn Carlo Genetics và một nhà cung cấp tinh dịch heo khác nữa là Tập đoàn MOFE Global cũng đã bị Công ty Thực phẩm Maple Lead khởi kiện vào hồi cuối tháng 3/2017, theo báo cáo của CBC. Công ty Thực phẩm Maple Lead cho biết, họ đã bị thiệt hại khoảng 600.000 CAD (tương đương hơn 10 tỷ vnđ) do chất lượng tinh dịch heo không đảm bảo.

 

Một nhóm nhà nhân giống ở Manitoba cho biết họ đã bán lô tinh dịch heo kém chất lượng đó cho một công ty trong tỉnh và cũng đang bị kiện gần 33 tỷ đồng. Trong một tuyên bố vào ngày 24/3/2017, 11 trang trại chăn nuôi heo trên khẳng định rằng họ đã mua tinh dịch heo của Tập đoàn Carlo Genetics.

 

Cuối cùng, 11 trang trại heo trên cho biết, ngoài việc tỷ lệ đẻ của heo nái giảm đáng kể thì tổng tổn thất mà họ phải chịu là 1.9 triệu CAD (tương đương hơn 32 tỷ vnđ) cho các chi phí quản lý, chi phí mua tinh dịch heo và số tiền bỏ ra để tìm ra nguyên nhân lý do vì sao tỷ lệ đẻ của heo nái giảm.

 

 

Vân Anh biên dịch.
(theo wattagnet) 

Với thời tiết mùa hè như ở Việt Nam thì chó rất dễ bị mắc cảm nóng hoặc cảm nắng, đặc biệt là chó mới được nhập về từ nước ngoài nơi có điều kiện khí hậu ôn đới hoặc lạnh như Châu Âu. Một số giống chó có cấu tạo giải phẫu mà đường hô hấp ngắn hoặc xoang mũi ngắn như Pug, Bull Pháp, Bully, Chi hua hua… có nguy cơ mắc cao dù ở điều kiện nuôi bình thường vào mùa hè nóng. 

 

Trong thực tế cũng như thông tin từ các bạn nuôi đến và trang trại chó giống thì việc gặp phải cảm nắng, cảm nóng là vấn đề cấp bách khi nhiệt độ môi trường cao hoặc oi nóng. Do đó việc cấp cứu ban đầu sao cho đúng cách rất quan trọng.

 

cam-1

Chó Bull pháp - giống chó rất dễ bị cảm nóng, cảm nắng

 

Bước đầu để phân biệt cảm nóng và cảm nắng chúng ta có thể hiểu như sau:


Cảm nắng: thường xảy ra vào mùa hè, những ngày nắng gắt. Khi chó vận động, chơi đùa hay thả dưới trời nắng to, ít gió, ánh nắng chiếu trực tiếp lên đỉnh đầu làm cho sọ và hành tủy nóng lên ảnh hưởng đến não và màng não gây trở ngại đến cơ năng của hệ thần kinh.

 

Hay gặp trong các trường hợp chó tham gia các sự kiện ngoài trời hay  tập luyện khi nắng nóng…

 

 

Cảm nóng: thường xảy ra khi điều kiên khí hậu nóng khô làm cho quá trình trao đổi nhiệt của cơ thể và môi trường bên ngoài gặp khó khăn dẫn đến tích nhiệt trong cơ thể gây ảnh hưởng đến trung ương thần kinh làm rối loạn trung khu điều hòa thân nhiệt.

 

Hay gặp trong các trường hợp nhiệt độ quanh chó quá cao khi nuôi nhốt, vật chuyển hoặc thả ( có thể trên 34°C). Chênh lệch nhiệt độ quá lớn khi chuyển từ nơi này sang nơi khác, như từ phòng điều hòa ra ngoài trời nóng, từ trong ô tô điều hòa ra ngoài nắng nóng.

 


Ở điều kiện sức khỏe bình thường các chỉ tiêu sinh lý cơ bản của chó dao động trong khoảng:

 

Một số chỉ tiêu sinh lý bình thường của chó
Thân nhiệt 38 - 39,2ºC
Tần số hô hấp 18 - 34 lần/phút với chó trưởng thành 
Nhịp hô hấp  14 - 22 lần/phút với chó trưởng thành 
Mạch đập 70 - 120 lần/phút với chó trưởng thành 

 

Tùy từng trường hợp nặng nhẹ khác nhau mà chúng ta phải cấp cứu nhanh hoặc có thời gian đưa tới phòng khám thú y, Ở đây ta đề cập đến những trường hợp mà chú chó có những biểu hiện cấp mà cần nhanh chóng cấp cứu tại chỗ.

 

 

 


 Biểu hiện ban đầu dễ nhận biết

 

 -  Chó có biểu hiện lè lưỡi cùng tiếng thở “khó to rõ”, nhịp hô hấp tăng nhanh. Nghe có âm thanh khò khè liên tục theo nhịp hô hấp.


 -  Loạng choạng, mất kiểm soát.


 -  Mạch nhanh.


 -  Mắt căng đỏ, không chớp, đồng tử mở rộng.


 -  Có thể các chân co cứng, duỗi thẳng.


 -  Chó nằm như liệt không đi lại.

Khi phát hiện những triệu chứng trên ta phải xử lý nhanh như sau:


Giảm thân nhiệt khẩn cấp bằng cách:


- Đưa nhanh vào chỗ mát ( bóng cây xanh, trong bóng dâm, hoặc phòng mát).


- Làm mát bằng cách: dùng nước mát hoặc đá lạnh chườm nhanh vào phần trán và đầu đồng thời chườm mát toàn thân, đệm bàn chân, bụng … đặc biệt phần đầu liện tục chườm đá lạnh. Có thể bọc đá lạnh hoặc thấm ướt vào khăn vải để chườm.


Đồng thời làm cùng thao tác: dùng vật sắc nhọn như: kim châm cứu hoặc kim khâu, dao nhọn… châm (rạch) chảy máu tại các vị trí sau:

 

 cam-2

Huyệt Sơn Căn vị trí cần trích máu

 

 

cam-3

Huyệt Nhĩ Tiêm vị trí cần trích máu

 

 

cam-4

Huyệt Vĩ Tiên vị trí cần trích máu

 

Lưu  ý: châm chảy máu hoặc rạch đủ để nặn máu chảy theo giọt, nặn chảy máu nhiều lần, vị trí châm và rạch cần cố gắng được làm sạch trước khi thao tác. 

 

Điều này được giải thích như sau:
  • Khi mắc phải bệnh cơ thể con vật bị rối loạn sản nhiệt và thải nhiệt dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường mất kiểm soát, sinh lý cơ thể bất bình thường: nhịp tim tăng cao, áp lực máu lên não rất lớn điều này dễ làm con vật đột quỵ hoặc có thể ảnh hường một vùng nào đó của thần kinh mà hậu quả không mong muốn là di chứng bại liệt sau này. Do vậy việc châm chảy máu là cần thiết để giảm áp lực, giảm nhiệt của máu trong huyết quản. Vị trí được ưu tiên lựa chọn chích chảy máu là: huyệt Sơn Căn được châm chảy máu là gần với não, huyệt Vĩ Tiên nằm cùng trục với cột sống.

Nhiều trường hợp quá cấp còn có thể cắt bỏ một đoạn cuối phần đuôi, hoặc tai để giúp cho hạ nhiệt trong máu nhanh hơn. Phương pháp này thường ít dùng.

Chúng ta vẫn tiếp tục thao tác làm mát cơ thể con vật tới khi các triệu chứng bất thường giảm đi rõ rệt hoặc hết hẳn. Trên thực tế nhiều trường hợp đã được cứu sống bằng phương pháp trên, thông thường là mất khoảng 1-3 giờ đồng hồ con vật mới tỉnh táo và trở lại yên tĩnh: nhịp thở nhẹ nhàng, nằm tự nhiên, không còn tiếng khò khè liên tục do hô hấp phát ra, nhiệt độ đo tại trực tràng còn 37,9 - 39,9°C.

 

 

Sau khi qua được cơn nguy hiểm chúng ta nên có những chú ý trong chăm sóc như sau:


Tạo mọi điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng sao cho: thoáng mát, tránh nắng nóng. Với chú ý: khi con vật đã mắc cảm nóng cảm nắng thì có nguy cơ dễ mắc lại.


Cho ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, có thể như: cháo, sữa… giúp con vật nhanh chóng lấy được dinh dưỡng có năng lượng chống stress mắc phải.


Đặc biệt: đường Glucoza sẽ rất tốt trong trường hợp này, nên nhanh chóng hòa cũng nước cho con vật uống sau khi giảm triệu chứng.


Nếu nhà có nhiều con vật khác hoặc tiếng ồn nên chuyển con vât bị cảm nóng cảm nắng đến nơi yên tĩnh.


Có thể sử dụng thuốc bổ qua đường tiêm như: Các vitamin nhóm B, các chất điện giải . . .


Có thể truyền dịch bù nước và chất điện giải cho cơ thể con vật nhưng cần tham khảo ý kiến bác sỹ thú y trong từng trường hợp cụ thể.

 


Machiko.NQT

Bệnh hô hấp phức hợp trên heo - PRDC
Published in Bệnh trên Heo

Bệnh hô hấp phức hợp trên heo hay còn gọi tắt là PRDC (Porcine Respiratory Disease Complex), thực ra không phải là một bệnh mới, nó bao gồm phức hợp nhiều yếu tố gây bệnh liên quan đến đường hô hấp và tốc độ sinh trưởng heo như môi trường, quản lý chuồng trại, di truyền, ...  Bệnh này đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các Bác sỹ thú y trên toàn thế giới bởi tính phức tạp của nó. Việc chẩn đoán sớm cũng như xác định được chính xác được bệnh rất có ý nghĩa không chỉ trong điều trị bệnh mà còn trong việc quản lý và kiểm soát bệnh này.

 

Việc xác định được heo đang mắc cụ thể là bệnh nào trong hội chứng PRDC như: Viêm phổi dính sườn (APP) hay Suyễn heo (do Mycoplasma hyopneumoniae), ... hay do yếu tố nào gây lên  sẽ giúp ta giảm được những thiệt hại không nhỏ trong chăn nuôi heo như: giảm tỷ lệ chết, tăng tăng trọng ngày, giảm FCR, thời gian xuất chuồng, giảm chi phí thuốc, ...

 

Bệnh trên đường hô hấp chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bởi vậy việc quan tâm đến cách mà bệnh xâm nhập vào cơ thể heo cũng như các bệnh tích trên phổi cũng là một phương pháp đánh giá đem lại kết quá tương đối chính xác.

 

 

Sơ qua về cấu tạo giải phẫu của phổi heo.

 

Phổi heo gồm 7 thùy: 4 thùy bên phải (Thùy đỉnh, thùy giữa, thùy hành cách mô, thùy tim) + 3 thùy bên trái (thùy đỉnh, thùy giữa, thùy hành cách mô). Không khí đi từ mũi  --> khí quản --> Phế quản -->vào Thùy đỉnh của phổi, rồi vào các thùy còn lại trên phổi. 

 

Điều này giải thích vì sao khi mà heo hít không khi bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh thì bệnh tích sẽ tập trung trên thùy đỉnh nhiều hơn so với các thùy khác.

Giống như các bộ phận khác, phổi được bao bởi một lớp màng liên kết mỏng, người ta gọi là lá tạng. Bên ngoài lá tạng là màng liên kết khác bao phủ lồng ngực được gọi là lá thành. Giữa lá thành và lá tạng được gọi là xoang màng phổi. Lá thành và lá tạng gặp nhau ở cuống phổi.

 

Đầu mút dây thần kinh cảm giác nằm trên mô liên kết của lá thành, chúng tập trung nhiều ở mặt lưng hơn là ở phần rìa của phổi. Cho nên khi heo bị nhiễm bệnh hô hấp, gây ra các bệnh tích trên phổi sẽ khiến heo bị đau, ảnh hưởng đến sự hô hấp của heo.

Phổi heo dính với sườn
Phổi heo dính với sườn

Các nhân tố gây lên PRDC trên heo

 

Heo bị mắc PRDC có thể do virus hoặc do vi khuẩn gây ra, hoặc có thể chỉ là các yếu tố môi trường, di truyền; hoặc cũng có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chẳng hạn như:

 

- Vi khuẩn ta có thể gặp các tác nhân như: Mycoplasma hyopneumoniae (MH) gây lên , Actinobacillus pleuropneumoniae (APP), Hemophilus parasuis, Pasterella multocida, Steptococcus suis, Salmonella cholerasuis.

 

- Virus ta có thể gặp như: PRRSv (Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản), Aujeczky virus (Giả dại - AD), Swine Influenza Virus (Cúm heo - SIV), Classic Swine Fever (Dịch tả heo - CSF), Circo virus.

 

- Yếu tố môi trường: mật độ dày, thay đổi nhiệt độ, thời tiết, ký sinh trùng ...

 

Các nhân tố này chúng tôi sẽ trình bày chi tiết ở các bài viết khác.

 

 Ảnh hưởng của bệnh PRDC trên heo

 

PRDC thường xảy ra ở 14 - 20 tuần tuổi, và khoảng 8 - 10 tuần sau khi chuyển chuồng, với các biểu hiện giảm tăng trọng, giảm năng suất do có triệu chứng, bệnh tích trên đường hô hấp. Với các triệu chứng lâm sàng như:

 

 - Ủ rũ, mệt mỏi

 

 - Biếng ăn, ăn kém, bỏ ăn

 

 - Sốt

 

 - Chảy nước mũi

 

 - Nhãn cầu giãn, có thể chảy nước mắt.

 

 - Ho: ho thành từng cái một, hay ho thành 1 tràng, cũng có thể ho về đêm và rạng sáng, ...

 

 - Khó thở, có thể thở thể bụng, có thể thở đau, ...

 

  - Xuất hiện các điểm, mảng tím trên da, đặc biệt là phần tai.

 

Tất cả các triệu trứng biểu hiện lâm sàng trên sẽ làm cho heo giảm năng suất, giảm tăng trọng, dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, thiệt hại về kinh tế không chỉ về chi phí điều trị mà còn tăng trọng, FCR, sức khỏe của đàn heo mới là những chi phí thiệt hại ngầm nặng nề hơn cả. 

 

Không phải trên một con heo có thể biểu hiện hết tất cả các triệu chứng trên, cũng có heo biểu hiện một số triệu chứng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của heo nhiễm bệnh.

 

Để chẩn đoán được bệnh PRDC, ta cần phải có càng chi tiết các dấu hiệu lâm sàng trên heo càng tốt, có thể về tuổi mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh trong đàn, tỷ lệ chết, lịch tiêm phòng, đáp ứng điều trị của heo, các triệu chứng, các bệnh tích đặc biệt là bệnh tích trên phổi,  ... 

 Heo bị chảy nước mũi
Heo bị chảy nước mũi

  

Kiểm soát PRDC trên heo

 

Việc phòng ngừa, kiểm soát thành công bệnh PRDC không chỉ đòi hỏi tiêm phòng vaccine kịp thời mà còn phải loại bỏ những yếu tố môi trường gây stress cho heo, thậm chí trong một số trường hợp chúng ta cũng phải thay đổi cả cách quản lý chăm sóc trại heo.

 

- Tiêm phòng là yếu tố quan trọng hàng đầu mà chúng ta có thể làm. Cần phải tiềm phòng đầy đủ các bệnh gây PRDC.

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm vaccine trong kiểm soát PRDC:

 

* Độ tuổi của heo được làm vaccine, miễn dịch thụ động (Kháng thể mẹ truyền): Một heo con được làm vaccine phòng quá sớm khi mà lượng kháng thể mẹ truyền trong heo đang ở mức cao sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine.

 

Môi trường chăn nuôi: Môi trường có áp lực mầm bệnh quá lớn, cũng ảnh hưởng đến sự hiệu quả của việc làm vaccine.

 

Sinh miễn dịch của vaccine: hiệu quả tạo miễn dịch của vaccine.

 

Kỹ thuật làm vaccine và bảo quản vaccine cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc làm vaccine.

 

An toàn sinh học cũng có vai trò quan trọng trong kiểm soát PRDC:

 

Vệ sinh chuồng trại sát trùng định kỳ, hoặc giữa các lứa nuôi trong trang trại, trong và ngoài trang trại, cổng hoặc cửa ra vào cần có hệ thống sát trùng.

 

Quản lý chăm sóc, cùng nhập heo - cùng xuất heo.

 

Tránh, hạn chế di chuyển heo, chỉ làm khi thật sự cần thiết.

 

Tỷ lệ, mật độ nuôi phù hợp. Có thể tham khảo bảng dưới đây:

 

Mật độ thả heo
Trọng lượng heo (kg) Diện tích tối thiếu (m2)
< 10  0.15
< 20 0.20 
< 30 0.30 
< 50 0.40 
< 85 0.55 
< 110 0.65 
>110 1.00 

 

Những trại có tiền sử xảy ra PRDC thì nên xây dựng riêng cho mình một chương trình phòng và kiểm soát bệnh.

 

Theo dõi nhiệt độ trong chuồng nuôi thường xuyên, tránh biến động nhiệt độ ± 2°C

 

Kiểm soát độ ẩm trong chuồng <70%, tránh hiện tượng Amoniac quá nhiều (>50pm) bằng cách sử dụng hệ thống thông gió hợp lý.

 

Định kỳ tẩy giun sán cho heo, làm giảm sự di chuyển của các ấu trùng gây lên PRDC.

 

PRDC vẫn là một thách thức không chỉ với những người chăn nuôi mà còn với cả với những người làm chuyên môn, các bác sỹ thú y trên toàn thế giới do tính phức tạp của nó, mà ở đó để kiếm soát được PRDC ta cần phải làm đồng bộ kết hợp nhiều biện pháp từ tiêm chủng cho đến quản lý chăm sóc, an toàn sinh học.

 

Theo báo cáo của BPHS: Chúng ta có thể kiếm soát PRDC bằng cách theo dõi, chấm điểm phổi tại lò mổ và ghi lại kết quả rồi đánh giá. Từ đó, ta có thể biết được heo đang chính xác bị bệnh gì và đưa ra biện pháp kiểm soát phù hợp.

  

VietDVM team

Bruce Wedset một chuyên gia nghiên cứu tại trường đại học Georgia cho biết, đây là một vấn đề bình thường trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô nhỏ tại các nông hộ. Chúng tôi nghiên cứu do nhu cầu của rất nhiều các chủ trại đó muốn biết lý do vì sao gà của họ lại ngừng đẻ trứng. Có rất nhiều lí do có thể dẫn tới vấn đề này và không thể nêu ra hết trong bài viết này. Tuy nhiên, một số nguyên nhân phổ biến mà các chủ trại nên quan tâm.

 

Trứng gà 

Độ dài ngày (thời gian chiếu sáng)

 Gà rất nhạy cảm với độ dài ngày hay thời gian chiếu sáng trong ngày, đặc biệt là gà đẻ trứng. Khi thời gian chiếu sáng giảm thì tỉ lệ đẻ trong đàn cũng giảm theo. Đối với những trang trại có gà đẻ vào cuối mùa hè sang đầu mùa thu khi thời gian ban ngày ngắn tỉ lệ đẻ của đàn gà cũng giảm. Cách để cải thiện vấn đề này là nên chiếu sáng cho gà bằng ánh sáng nhân tạo (thắp điện, nên sử dụng bóng đèn sợi đốt). Cần chú ý tới gà nuôi thả tại các nông hộ không nên để thời gian chiếu sáng (thắp điện + tự nhiên) cao hơn thời gian chiếu sáng tự nhiên cao nhất trong ngày (ở Việt Nam là 15 tiếng). Vì vậy về mùa đông ta nên chú ý tăng thời gian chiếu sáng cho gà để tăng hiệu quả chăn nuôi.

  

Dinh dưỡng

 Gà cần một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng để duy trì cơ thể và sản xuất trứng mỗi ngày. Mỗi quả trứng có chứa một lượng protein và năng lượng nhất định để hình thành, ngoài ra gà còn cần năng lượng để duy trì các hoạt động bình thường khác vậy nên cần cung cấp một lượng dinh dưỡng đầy đủ cho gà để tăng khả năng sản xuất. Cung cấp quá ít năng lượng và sự mất cân đối các acid amin cũng là một nguyên nhân dẫn tới giảm sản lượng trứng.

Vỏ của trứng gà chứa khoảng 2g canxi. Bộ xương của gà chứa khoảng 20g canxi, như vậy mỗi quả trứng chiếm khoảng 10% canxi trong cơ thể gà. Bộ xương của gà mái có dự trữ một lượng canxi nhất định để cung cấp cho nhu cầu sản xuất trứng, tuy nhiên lượng dự trữ này không lớn và nhanh chóng được sử dụng hết nếu trong thức ăn không bổ sung liên tục canxi. Nếu gà không được cung cấp đầy đủ canxi trong thức ăn hay gà không thể tổng hợp canxi trong thức ăn thì chúng sẽ dừng đẻ trứng. Do vậy cần cung cấp canxi cho gà bằng cách bổ xung thêm đá vôi, đất, vỏ sò, vỏ ốc . . . (chú ý kích thước các chất bổ sung sao cho phù hợp) nếu thức ăn chưa cung cấp đủ.

Lượng muối cung cấp vào thức ăn chăn nuôi không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc tụt giảm sản lượng trứng. Ở một số vùng trong nước uống cho gà có chứa nhiều Natri hòa tan cũng làm cho gà giảm đẻ trứng. Để kiểm tra chất lượng nước có ảnh hưởng tới gà hay không ta có thể gửi mẫu tới các phòng nghiên cứu để họ phân tích và kiểm tra, để kết quả xét nghiệm chính xác nhất bạn nên liên hệ trước với các phòng nghiên cứu để được hướng dẫn cụ thể về cách lấy mẫu.

  

Ấp trứng

 Ấp trứng là tập tính tự nhiên của gà tuy nhiên trong trường hợp này ta cần loại bỏ những con có hiện tượng này. Bởi những con gà mái chuyển sang trạng thái ấp thì chúng không đẻ. Vấn đề này thường gặp phải vào mùa xuân và thường là gà được nuôi dưới ánh sáng tự nhiên, chúng bị kích thích bởi ánh sáng tự nhiên vì chuyển từ chiếu sáng ngắn sang chiếu sáng dài hơn. Với một số giống gà khi đã đẻ một số trứng nhất định chúng sẽ làm tổ và ấp, đây cũng là một yếu tố cần được các nông trại quan tâm. Cách xử lý cho vấn đề này là nhặt trứng hàng ngày để loại bỏ tập tính làm tổ ở gà, ngoài ra nó còn giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của trứng, tránh làm nhiễm khuẩn trứng. Nếu có thể nên di chuyển gà định kỳ sang các chuồng khác để phá vỡ các tập tính làm tổ và ấp.

  

Thay lông

Sau một thời gian gà mái sản xuất trứng (khoảng 5 tháng từ khi bắt đầu đẻ) chúng có xu hướng thay lông mới. Khi điều này xảy ra, chúng ngừng đẻ dẫn tới sản lượng trứng trong đàn giảm. Quá trình này gà không chỉ thay lông mới mà đường sinh sản cũng được làm mới do vậy sau thời gian này chúng sản xuất trứng tốt hơn cả về chất lượng và số lượng. Khi theo dõi quá trình này chúng tôi thấy gà thường thay lông vào mùa thu khi thời gian chiếu sáng trong ngày giảm xuống. Tuy nhiên nếu gà được nuôi công nghiệp và thời gian chiếu sáng là như nhau ở các mùa thì chúng có thể thay lông vào bất kì thời điểm nào trong năm. Điều này xảy ra khiến gà không đẻ trứng khoảng 2 -3 tuần. Để xử lý vấn đề này cần loại những con thay lông ra khỏi đàn hay kiểm tra tổng đàn để xem xét thay thế đàn mới sao cho mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

 Tuổi

 Một con gà mái có thể sống nhiều năm. Đối với chăn nuôi nông hộ thường không chú ý tới tuổi của gà tuy nhiên cũng giống như các loài chim khác, gà mái quá già không thể tiếp tục đẻ trứng.

  

Bệnh

 Có rất nhiều bệnh ảnh hưởng tới sản lượng trứng của gà. Khi gà có các triệu chứng về bất kỳ một bệnh nào cần tham khảo ý kiến của bác sỹ thú y để có những phương án điều trị thích hợp với mỗi bệnh. Trong những trường hợp gặp những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người như cúm H5N1 việc chẩn đoán nhanh và chính xác là yếu tố quan trọng để làm giảm thiệt hại kinh tế do dịch cúm gây ra và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

VietDVM team

Sau một hồi cứu giá, huy động toàn dân ăn thịt heo trợ giá cho người chăn nuôi heo làm giảm nhu cầu với các mặt hàng khác như thịt gà và trứng, theo đà đó các mặt hàng này cũng giảm giá làm cho người chăn nuôi gà lao đao, không biết phải bắt đầu từ đâu.

 

»› Cập nhật tình hình giá cả thị trường thời gian qua?

 

Hiện giá trứng gà so công nghiệp (trứng đỏ) chỉ 600-700 đồng/quả, trứng gà loại 2 (là loại trứng chiếm 60-70% trong trại) đã giảm xuống chỉ còn 9.00-1.000 đồng/quả (so với giá 1.500-1.600 đồng/quả như trước

đây). Tương đương, trung bình mỗi quả trứng người chăn nuôi lỗ tới 300-400 vnđ.

 

Giá trứng gà ai cập chỉ còn 1000 đồng/ quả
Giá trứng gà ai cập chỉ còn 1000 đồng/ quả

 

Như vậy, nếu một trang trại mỗi ngày xuất 10.000 quả trứng thì sẽ lỗ khoảng 3.000.000 – 4.000.000 đồng/ngày. Theo nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết, mỗi quả trứng bán ra với mức giá đấy là người chăn

nuôi đang phải tự chịu các chi phí như chuồng trại, nhân công.

 

Giá trứng gà ai cập cũng chẳng khấm khá hơn dù trước đó đang bán 2.800 đồng/quả nhưng nay chỉ còn 1.000-1.200 đồng/quả. Trung bình người chăn nuôi lỗ 300 đồng/quả.

 

Giá trứng gà đã vậy giá gà thịt cũng thê thảm chẳng kém. Gà công nghiệp hiện nay ở miền bắc chỉ 17.000-18.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg; ở miền nam là 23.000-24.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 đồng/kg.

 

»› Người chăn nuôi gà lỗ tới 8.000 đ/kg

 

Nguyên nhân do đâu?

 

Xét về mặt nguyên nhân trực tiếp có 3 nguyên nhân có thể dẫn đến việc giá gà và giá trứng gà giảm như sau.

 

Một là do thịt heo giảm giá, đẩy nhu cầu thịt heo tăng hơn bình thường đồng thời làm giảm nhu cầu với thịt gà và trứng.

 

Nguyên nhân sâu xa vẫn là do khâu quy hoạch tổ chức chăn nuôi chưa bài bản.
Nguyên nhân sâu xa vẫn là do khâu quy hoạch tổ chức chăn nuôi chưa bài bản.

 

Hai nữa có thể là do giá trứng gà, thịt gà và các bộ phận của gà (chân, cổ, cánh) nhập khẩu trong các siêu thị quá cạnh tranh; chiếm một phần lớn thị trường làm cho người chăn nuôi trong nước càng khốn khó.

 

Ba là do bắt đầu vào hè, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng giảm nên kéo giá trứng gà, thịt gà giảm theo.

 

Xét về sâu xa, nguyên nhân vẫn là do khâu quy hoạch tổ chức chăn nuôi chưa chặt chẽ, bài bản, không dự báo được thị trường, không kiểm soát được lượng cung đầu vào, để người dân chăn nuôi tự phát, cung vượt quá cầu. Người chăn nuôi thì bị động, không có khái niệm chuẩn bị đầu ra trước khi nuôi.

 

 

VietDVMTeam

Trong khi cả nước vẫn còn tồn hàng trăm ngàn tấn thịt heo thì mặt hàng này vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch.

 

Mới đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc muốn đặt mua hàng ngàn tấn thịt heo theo hình thức bao tiêu cả năm thông qua các công ty chuyên tư vấn xuất khẩu. Đây thực sự là tin vui cho ngành chăn nuôi heo trong bối cảnh giá heo hơi xuống đáy, chỉ còn quanh mức 25.000 đồng/kg và mỗi con heo người nuôi lỗ tới 1,5-2 triệu đồng.

 

»› Heo xuất bán sang Campuchia tăng mạnh

»› Cơ hội xuất khẩu hàng nghìn tấn thịt heo sang Hàn Quốc

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với thịt heo Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

 

Nhiều trở ngại trong xuất khấu heo

 

Việt Nam nằm trong những quốc gia có ngành chăn nuôi hàng đầu thế giới với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Thế nhưng những năm qua Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu dạng tiểu ngạch heo sống sang Trung Quốc, còn xuất khẩu chính ngạch vẫn bế tắc.

 

»› Trung Quốc cũng muốn 'giải cứu' heo Việt?

»› Trung Quốc nhập khẩu heo tăng trong năm 2017

 

Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), nhận định thịt heo Việt Nam khó xuất khẩu dù nhu cầu nhập khẩu thịt của nhiều nước trên thế giới là rất lớn. Một trong những nguyên nhân chính là do vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt heo của Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ, đông lạnh của các công ty nước ta chưa đạt được các tiêu chuẩn cao do thế giới đặt ra.

 

»› Giá heo hơi Đồng Nai cán mốc 28.000đ/kg

 

Ông Bình nhấn mạnh: “Có thể nói xuất khẩu thịt heo hay những loại thịt gia cầm khác của Việt Nam là vô phương ở thời điểm này, trừ khi chúng ta làm thực phẩm chế biến sẵn rồi xuất khẩu. Ví dụ, một công ty đã liên kết với đối tác Nhật Bản làm xuất khẩu sang nước này”.

 

Hơn nữa, giá thành chăn nuôi heo của VIỆT NAM vẫn còn cao hơn một số nước trên thế giới. Chẳng hạn, năng suất heo nái của thế giới sinh 25 con trong khi heo nái VIỆT NAM chỉ sinh được cao nhất 18 con.

 

Con đường xuất khẩu thịt heo của Việt Nam đang là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ảnh: Quang Huy
Con đường xuất khẩu thịt heo của Việt Nam đang là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ảnh: Quang Huy

 

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Vang, cho biết thêm hiện nay Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được heo sữa sang Hong Kong và Malaysia nhờ chúng ta đã ký hiệp định về thú y và công nhận chất lượng kiểm dịch của nhau. Như vậy, nếu về chính ngạch, sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này, tuy nhiên với số lượng không nhiều.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, giải thích thêm Việt Nam đã có đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm. Song các nước chưa công nhận Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh nên khó xuất khẩu.

 

 

Ngoài ra còn do các trại chăn nuôi của Việt Nam chưa đảm bảo an toàn thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm, như vẫn tồn tại vấn đề dư lượng kháng sinh, chất cấm.

 

Thái Lan làm được, Việt Nam cũng có thể

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Đông Âu có nhu cầu nhập khẩu các loại thịt từ Việt Nam. Nhưng vấn đề là sản phẩm phải đạt chất lượng và an toàn.

 

“Thái Lan cũng nằm trong khu vực có dịch cúm gia cầm như Việt Nam nhưng nước này vẫn xuất khẩu được thịt gà đi nhiều quốc gia. Lý do là họ làm tốt công tác triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện của Tổ chức Thú y Thế giới” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn chứng.

 

Từ đó, ông Tám cho rằng Việt Nam cũng có thể làm được tương tự Thái Lan. Bằng chứng là sắp tới một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai sẽ xuất khẩu thịt gà sang thị trường khó tính là Nhật Bản sau khi cơ quan thú y hai nước gặp nhau giải quyết các vướng mắc về vấn đề thú y. Hơn nữa, Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do và đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu vào các thị trường cực kỳ lớn, giúp tăng đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trong nước.

 

 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông tin Bộ NN&PTNT đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi vào danh mục xuất khẩu. Chẳng hạn thịt heo và trứng gia cầm đã được đưa vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu, nhất là tại các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Úc...

 

“Hiện Bộ đã kết hợp cùng các ngành chức năng tăng cường tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, giúp người chăn nuôi gia tăng được lợi nhuận. Rõ ràng muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các hiệp định thú y phải đi trước một bước” - ông Tám nói.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần xây dựng các hiệp định thú y với nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu thịt lớn và tăng cường xúc tiến thương mại thì chắc chắn đầu ra của chăn nuôi sẽ rộng mở.

 

Ngoài ra để xuất khẩu thịt đảm bảo đầu ra, các công ty chăn nuôi nên liên doanh, liên kết hợp tác với các đối tác nhập khẩu, thậm chí bắt tay với các nhà bán lẻ nước ngoài để sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu của từng thị trường.

 

»› Điểm sáng chăn nuôi: Heo sạch được bao tiêu

 

Ông Vũ Văn Tám , Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Cần hệ thống thông tin kết nối chuỗi toàn cầu
  • Đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi đang có kế hoạch xuất khẩu cho hay công ty của ông có thể đầu tư chế biến để đáp ứng các thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần nhanh chóng xây dựng được một số vùng nuôi an toàn dịch bệnh.
  • Cũng theo doanh nghiệp này, Việt Nam cần có một hệ thống thông tin chuẩn xác để kết nối giữa nhà cung cấp với các nhà thu mua đến từ nhiều nước trên thế giới. Dần dần tạo thành một hệ thống giao thương với nhiều nhà cung cấp đến rất nhiều quốc gia, không chỉ các nước lân cận. Điều này rất cần Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT vào cuộc để người dân, doanh nghiệp có thể cập nhật và tiếp cận dễ dàng, hiệu quả.
  • Song song đó Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển khâu giết mổ, cấp đông và chế biến đa dạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra nước ngoài.
  • Cốt lõi vẫn là phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng bằng các sản phẩm sạch và an toàn. Từ đó đáp ứng mọi thị trường, đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm thịt từ nước ngoài. Đây chính là con đường sống còn của ngành chăn nuôi heo.

 

 

Theo Quang Huy

Nguồn: PLO  

Giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi tại miền Bắc tuần 20 năm 2017

Giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc nước ta trong tuần 20/2017 giảm nhẹ từ 25.000 đ/kg xuống còn 23.000 đ/kg. Trong đó giá heo hơi lai chỉ đạt từ 16.000 đ/kg - 19.000 đ/kg giá cao thấp tùy từng loại heo. Trong khi đó, một số nơi có thương lái thu mua song rất ít và giá heo hơi thường không cố định, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường bị ép giá xuống thấp

 

Giá heo hơi tại các địa phương có sự chênh lệch nhau khá nhiều, kể cả ngay trong cùng địa phương giá heo hơi cũng khác nhau tương đối nhiều. 

 

»› Cập nhật tin tức biến động thị trường

»› Lai tạo giống heo kháng virus tai xanh

»› Giá cả thị trường miền Nam tuần 20 năm 2017 (15 - 21/05/2017)

 

gia ca thi truong mb 3
Giá cả thị trường miền Bắc tuần 20 năm 2017

 

Giá heo hơi hiện chưa có tín hiệu khả quan khi các thống kê về số heo tồn đọng vẫn còn khá nhiều. Trong khi đó, việc giải cứu đàn heo ít nhiều cũng đã ảnh hưởng tới các sản phẩm gia cầm.

 

Giá heo giống siêu giữ ở mức 350.000đ/con.

 

Các sản phẩm gia cầm một số địa phương giảm nhẹ do tác động của dịch cúm gia cầm và sau một thời gian "tập trung lực lượng" giải cứu heo thì đã gây ảnh hưởng tới gia cầm (cụ thể là trứng gà và các sản phẩm thịt gà).

 

»› Cơ hội xuất khẩu hàng nghìn tấn thịt heo sang Hàn Quốc

»› Hải quan sẵn sàng làm ngoài giờ thông quan xuất khẩu thịt heo

  

Chi tiết giá cả thị trường các sản phẩn chăn nuôi tuần 20/2017 tại các tỉnh miền Bắc

 

Giá cả thị trường tuần 20 năm 2017

  Heo thịt

 Heo siêu 21.000 - 23.000 đ/kg 
 Heo lai đẹp 18.000 - 20.000 đ/kg
 Heo lai 16.000 - 18.000 đ/kg 

  Gà thịt 

Gà thịt công nghiệp >3kg 18.000 - 20.000 đ/kg
Gà thịt lông màu 40.000 - 52.000 đ/kg
Gà ta nuôi thả vườn (nuôi hơn 4,5 tháng) 68.000 - 75.000 đ/kg
Gà lai chọi 80.000 - 82.000 đ/kg
Gà đông tảo lai 72.000 - 75.000 đ/kg
Gà đẻ loại 32.000 - 38.000 đ/kg

   Trứng gà

Gà ai cập trắng 1.400 - 1.500 đ/quả
Gà ai cập hoa mơ 1.650 - 1.750 đ/quả
Gà công nghiệp (trứng đỏ) 1.200 - 1.400 đ/quả
 Vịt thịt Vịt bầu cánh trắng 23.000 - 27.000 đ/kg
Trứng vịt
Trứng thường 1.400  - 1.550 đ/quả
Trứng vịt lộn 1.700 - 1.900 đ/quả
Trứng cút Trứng cút thường 200 - 210 đ/quả
  Trứng cút lộn 320 - 360 đ/quả

 

  

Giá giống
Vịt Giống vịt thịt 6.000 - 8000 đ/con
Gà ta lai (gà lông màu) bắt xô 8.000 - 10.000 đ/con
Gà lại trọi 9.000 - 12.000 đ/con
Giống gà Ai Cập 14.000 - 17.000 đ/con
Heo Heo siêu xách tai 300.000  - 350.000 đ/con
Heo lai (22 - 30kg) 37.000 - 38.000 đ/kg

 

 

Chú ý:

 - Heo lai đẹp là heo có tỉ lệ máu ngoại từ 3/4 đến 7/8 trở lên

 - Heo lai xấu là heo có tỉ lệ máu nội cao.

 - Giá heo siêu giống là giá của heo giống xách tai 7-10kg.

 

 VietDVM team tổng hợp

Trong một vài năm trở lại đây, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó nổi lên những chủng cúm mới báo hiệu nguy cơ khó lường, đặc biệt là bênh cúm gia cầm.


cau-tao-chung-virus-cum-gia-cam

Cấu tạo virus cúm gia cầm


Năm 2014, thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm gia cầm mới như H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8… với đặc tính biến đổi thường xuyên. Tháng 2/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có đánh giá và nhận định về các dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi này đối với khả năng bảo vệ của các vaccine hiện tại.

 

»› Các chủng virus cúm đang lưu hành hiện nay

 

Mối lo từ loài chim


Việc xác định được sự đa dạng và phân bố theo khu vực địa lý của các chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành hiện nay ở các loài chim hoang dã và chim nuôi cho thấy thế giới cần phải lưu tâm tới đặc điểm này. Đơn cử như chủng virus H5 và H7 cần được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bệnh nặng và tử vong trên đàn gia cầm và gây ra dịch bệnh.

 


Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông báo về 41 vụ dịch do phân type virus H5 và H7 ở chim liên quan đến bảy loại virus cúm gia cầm khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Úc, châu Âu và Trung Đông.

 

 

»› Newzealand kiểm soát cúm gia cầm hiệu quả bằng phương pháp "One health"

 

 


H7N9: Có thể gây bệnh nặng

Ba trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận tại Trung Quốc tháng 3/2013 đã đánh dấu lần đầu tiên virus cúm gia cầm H7N9 được phát hiện gây bệnh trên người và gia cầm. Giống như virus cúm H5N1, H7N9 gây bệnh nặng trên người nhưng không gây bệnh hoặc chết trên các loài chim, gia cầm. Đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy virus cúm gia cầm H7N9 không dễ lây lan từ người sang người, mặc dù nó có thể lây truyền từ gia cầm sang người dễ dàng hơn so với virus cúm gia cầm H5N1.


Virus H5: Mối đe dọa rõ ràng nhất

Virus cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia. Từ cuối 2003- 1/2015, đã ghi nhận gần 1000 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 428 trường hợp tử vong (chiếm 55,1%). Đến nay, đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8 hiện đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới.


Theo các nhà virus học, đây là một dấu hiệu cho thấy các virus cúm gia cầm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng virus mới với những biến đổi đặc biệt do nguồn gen đa dạng đang dự báo những nguy cơ khôn lường và rất đáng lo ngại.

 

»› Cấu tạo virus Cúm gia cầm

 

 


Vaccine cúm mùa đang yếu đi

Kể từ tháng 2/2014, các đặc điểm về kháng nguyên và kháng thể của virus cúm gia cầm H3N2 (virus cúm mùa lưu hành chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu) thay đổi đáng kể. Sự thay đổi này khiến hầu hết các virus lưu hành trong mùa cúm có thể làm cho vaccine cúm mùa không có khả năng chống lại virus đã thay đổi này.

  

»› Các phương pháp nhận diện bệnh cúm?


Sẵn sàng trước đại dịch cúm gia cầm


Thế giới đang chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết để ứng phó với đại dịch cúm gia cầm trên nhiều cấp độ. Bằng cách giám sát chặt chẽ sự biến đổi không ngừng của virus, gần 150 phòng xét nghiệm ở 112 quốc gia trên toàn cầu luôn hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm có độ nhạy cao để phát hiện các virus cúm có khả năng gây ra đại dịch.


Mặc dù thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch, nhưng nguy cơ xảy ra đại dịch, đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm vẫn tiềm ẩn và không thể dự đoán trước được. Vì thế, các nghiên cứu về virus cúm gia cầm vẫn tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phát triển vaccine có hiệu quả hơn và rút ngắn thời gian sản xuất.

 

 

Lê Giang (tổng hợp)  

Theo thế giới Việt Nam

Tôi không chắc chắn lắm là vào thời điểm nào trong năm, nhưng gần đây tôi đã nghe về một số trường hợp bất thường của việc ngộ độc xylitol ở chó. Bất cứ điều gì đang xẩy ra có lẽ đều là một sự đánh giá về sự nguy hiểm mà xylitol gây ra cho họ hàng nhà cún.

 

keo cao su anh huong toi cho 1

Xylitol có mặt trong khá nhiều sản phẩm

 

Xylitol là một chất dạng đường. Nó có vị ngọt, nhưng vị ngọt đó được đánh lừa bằng những thành phần hóa học, có nghĩa là nó chứa ít calo hơn mía đường, xi-rô ngô, và các chất làm ngọt truyền thống khác. Nó cũng không được các vi khuẩn trong miệng sử dụng như một nguồn năng lượng, có nghĩa là nó ít có khả năng thúc đẩy quá trình hình thành sâu răng. Do đó, không ngạc nhiên khi những đặc điểm này dẫn đến Xylitol có mặt trong khá nhiều sản phẩm không đường như kẹo cao su, kẹo, bánh nướng, kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo bạc hà, và nhiều chất bổ sung dinh dưỡng khác.

 

 

Cún và con người đều có thể cảm nhận được hương vị ngọt ngào của xylitol, nhưng phản ứng của mỗi loài là khác nhau trong quá trình tiêu hóa. Loài người hấp thụ xylitol vào trong máu một cách từ từ, trong khi ở những loài cún, quá trình này xảy ra với một tốc độ cực kỳ nhanh. Cơ thể của một con cún phản ứng với các dòng xylitol bằng cách tiết ra một lượng lớn insulin một cách nhanh chóng (thường trong vòng chưa đầy 30 phút), dẫn đến lượng đường trong máu giảm đột ngột đến mức có khả năng gây tử vong. Các triệu chứng của hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) bao gồm:

• Hôn mê

• Yếu ốm

• Rối loạn

• Co giật

keo cao su anh huong toi cho 2

Cún phản ứng với Xylitol khác con người

 

Một chú cún may mắn sống sót nhưng những tác động của xylitol có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Các hóa chất có thể gây tổn hại gan nếu đến mức độ kéo dài trong một vài ngày, con cún có thể suy gan. Các triệu chứng của suy gan cấp tính thường là một hoặc kết hợp một số triệu chứng dưới đây:

• Chán ăn

• Nôn mửa

• Tiêu chảy

• Đau bụng

• Rối loạn

• Vàng da và màng nhầy

 

 

Một số con cún cũng có thể rơi vào tình trạng gọi là đông máu rải rác trong các mạch (DIC), Bác sĩ thú y cho biết, DIC thực sự có thể gây ra cái chết nhanh, để bạn thấy được mức độ nguy hiểm của vấn đề.

 

keo cao su anh huong toi cho 3

Cún có thể rơi vào tình trạng đông máu trong các mạch

 

Điều trị ngộ độc xylitol quan trọng nhất là gây nôn nếu tình trạng tiếp xúc với chất độc đã xảy ra trong vòng vài giờ và lượng đường trong máu bình thường cho đến khi có nguy cơ hạ đường huyết đi. Chúng tôi thực sự không biết nếu dùng s-adenosylmethionine (“SAMe” – là 1 loại thuốc hay dùng để chữa viêm khớp và trầm cảm) có hữu ích trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh suy gan ở cún tiếp xúc với xylitol hay không, nhưng nó không làm tổn thương đến cún nên chúng tôi vẫn thử. Cần theo dõi sự phát triển của bệnh suy gan của cún trong ít nhất ba ngày sau khi tiếp xúc với xylitol và bắt đầu có những biện pháo điều trị thích hợp nếu cần thiết.

 

 

 

 

Chỉ cần 1 lượng nhỏ Xylitol cũng có thể gây ra vấn đề cho cún, trong thực tế một hoặc hai miếng kẹo cao su không đường là đã đủ nguy hại đến sức khỏe của cún. Đừng bao giờ cho cún ăn thức ăn, trừ khi bạn chắc chắn 100% rằng nó không chứa xylitol. Những con cún nghi ngờ đã tiếp xúc với xylitol nên mang đến phòng khám thú y càng sớm càng tốt cùng với các thông tin về những thức ăn và liều lượng bao nhiêu mà cún đã ăn.

 

keo cao su anh huong toi cho

Chỉ cần 1 lượng nhỏ Xylitol cũng có thể gây ra vấn đề cho cún

 

Nếu các dấu hiệu của hạ đường huyết phát triển trước khi bạn có thể tới phòng khám của bác sĩ thú y, hãy cho một lượng nhỏ dung dịch nước đường, Karo syrup (siro ngô có chứa đường maltose) hoặc mật ong vào miệng của cún một cách an toàn.

 

 

VieDVM team biên dịch

theo petmd        

Bệnh mụn nước trên heo (Vesicular Disease) do một loại virus mới
Published in Bệnh trên Heo

Từ trước tới nay, mỗi khi thấy heo xuất hiện các mụn nước ở chân, miệng, mõm làm heo bị què, ốm…thì người ta chỉ thường nghĩ đến bệnh lở mồm long móng hay cùng lắm là do một số loại virus mụn nước quen thuộc.

 

»› Bệnh lở mồm long móng trên heo

 

Tuy nhiên cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện và khẳng định việc có thêm một loại virus nữa có thể gây bệnh mụn nước trên heo. Bài viết này là một kinh nghiệm thực tế vô cùng quý giá được chúng tôi biên tập lại một cách sát thực nhất giúp độc giả dễ hình dung và có thể áp dụng làm kinh nghiệm xử lý dịch bệnh cho chính trag trại mình.

 

 

Giới thiệu về bệnh mụn nước trên heo.

 

Cho đến đầu năm 2015, bệnh mụn nước trên heo (Vesicular Disease – viết tắt là VD) được biết là có thể do 4 nguyên nhân sau gây ra:

 

- Virus lở mồm long móng (FMDv, Aftovirrus thuộc họ Picornaviridae).

 

- Virus mụn nước gây viêm miệng (VSIV, aka VSV, Vesiculovirus thuộc Rhabdoviridae).

 

- Virus mụn nước gây phát ban (VESV, Vesiculovirus thuộc Rhabdoviridae).

 

- Virus gây bệnh mụn nước trên heo (SVD, Enterovirus thuộc Picornaviridae).

 

Trong bài viết này, chúng tôi tạm gọi 4 loại virus gây bệnh mụn nước trên heo này là “big 4 VD virus”.

 

Tuy nhiên, nhiều trường hợp âm tính với “big 4 VD virus” tương tự được báo cáo từ khắp nơi trên thế giới (trong đó có New Zealand, Ý, Mỹ, Brazil). Trong đó người ta tìm thấy một loại virus mới không thuộc 4 nhóm virus gây bệnh mụn nước như trên, nó có tên là Senecavirus A (SVA). Những trường hợp như vậy người ta gọi tạm gọi là “bệnh mụn nước tự phát trên heo”. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn chưa biết cụ thể có mối liên hệ nào giữa SVA và bệnh mụn nước trên heo (VD) hay không.

 

SVA là một ARN virus thuộc họ Picornaviridae (cùng họ với FMDV và SVDV). Trước đây virus này có tên gọi khác là Seneca Valley virus. Từ xa xưa, theo các tài liệu ghi chép, con người biết đến SVA nhờ vào đặc tính phá hủy khối u của nó (nghĩa là nó có khả năng phá hủy khối u ác tính). Chính vì vậy mà trong thực tế SVA được thử nghiệm lâm sàng rất nhiều lần trong vấn đề điều trị ung thư trên người.

 

Được biết, SVA có thể nhân rộng trong cơ thể heo, gia súc và động vật gặm nhấm. Gần đây, có 2 bệnh lâm sàng trên heo được báo cáo là có liên quan đến SVA là:

 

- Bệnh epidemic transient neonatal mortality (ETNL) – gây tử vong trên heo con theo mẹ.

 

- Và bệnh mụn nước trên heo (VD) .

 

Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm mô tả các dấu hiệu lâm sàng của do SVA gây ra trên heo nhằm giúp người chăn nuôi có thể nhận diện được bệnh, từ đó có thể chủ động hơn trong khâu phát hiện và điều trị bệnh

 

 

Trường hợp thực tế một ca bệnh mụn nước trên heo.

 

Mô tả trang trại:

 

Trang trại An thuộc khu vực Đông Nam của Brazil có 8000 heo nái bầu và tự sản xuất heo nái hậu bị. Tinh dịnh cung cấp cho trại được sản xuất tại một cơ sở heo rừng bên ngoài, được bảo quản và chuyển giao cho trang trại 3 lần mỗi tuần vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6.

 

Nhân viên trang trại 100% là người chỉ làm việc cho 1 trang trại đó và toàn bộ vật tư thiết bị chỉ dùng trong trang trại đó chứ không dùng chung với trang trại nào khác nữa.

 

Nhìn chung, toàn bộ các khu vực của trang trại trên đều thực hành an toàn sinh học rất tốt:

 

- Phun sát trùng định kỳ.

 

- Phòng tắm sát trùng có hệ thống vòi hoa sen, vòi phun sương…

 

- Tần số vận chuyển heo thấp.

 

- Xe vận chuyển được vệ sinh sạch cẩn thận.

 

- Mật độ chăn nuôi thấp.

 

- Khử trùng bằng hóa chất và để thời gian chết khoảng 24h trước khi nhập heo mới vào trại.

 

 

Lịch sử bệnh:

 

Trong suốt 10 năm hoạt động, trại không xuất hiện bệnh mụn nước trên heo (VD). Tại thời điểm nghiên cứu, trại âm tính với tai xanh (PRRS) và dương tính với suyễn (Mycoplasma hyopneumoniae). Mỗi ô chuồng được bố trí 30 heo thịt vỗ béo hoặc 60 heo con.

 

Diễn biến của ca bệnh:

 

Ngày 1-3: Nhân viên trang trại nhận thấy bầy heo vỗ béo chậm chạp hơn, ít vận động hơn bình thường nhưng không báo cho bác sỹ thú y của trang trại. Không có heo bị què quặt hay tổn thương nào nhìn được bằng mắt.

 

Ngày 4-10: khoảng 25% số heo vỗ béo và 15% heo con bị khập khiễng. Trang trại liên lạc với các bác sỹ thú y vào ngày thứ 9, ngày thứ 10 thì các bác sỹ tiến hành thăm khám và có nghi ngờ heo bị nhiễm Mycoplasma hyosynoviae (một loại vi khuẩn thuộc họ Mycoplasma thường thấy trên heo nái già gây ảnh hưởng lên hệ hô hấp, khớp và màng gân).

 

Sau khi kiểm tra lâm sàng toàn bộ heo trong trại, các bác sỹ thú y phát hiện các heo bị què có xuất hiện các nốt mụn nước ở kẽ chân và bàn chân theo từng dải băng một, 90% heo vỗ béo và 30% heo con bị què có xuất hiện dải mụn nước.

Dải mụn ở kẽ chân làm heo đi lại khó khăn
Dải mụn ở kẽ chân làm heo đi lại khó khăn

Ngoài chân, các bác sỹ còn tìm thấy các nốt mụn nước ở mõm của heo với đường kính khoảng từ 0,5-1,5 cm. Tỷ lệ này ở heo vỗ béo rơi vào khoảng 1% (tức là cứ khoảng 3 ô chuồng heo vỗ béo thì lại thấy 1 heo có mụn nước ở mõm). Đối với những heo con bị nổi mụn nước ở mõm, mỗi con trung bình sẽ xuất hiện khoảng 2 mụn nước.

 

Mụn nước ở mõm heo vỗ béo
Mụn nước ở mõm heo vỗ béo

 

Các bác sỹ thú y trang trại đã kết hợp với các bác sỹ thú y thuộc cấp nhà nước để chính thức mở cuộc điều tra về dịch bệnh động vật. Mẫu bệnh phẩm lấy từ các dải mụn nước đã được thu thập và gửi đến phòng thí nghiệm. Sau 3 ngày, kết quả RT-PCR cho biết toàn bộ mẫu đều âm tính với “4 big virus” và dương tính với virus SVA.

 

 

Trong khi đó:

 

- Heo bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi và chữa trị nhằm khắc phục những dấu hiệu lâm sàng của bệnh mụn nước và các bệnh ghép khác.

 

- Heo con theo mẹ tăng tỷ lệ chết một cách đột biến trong khoảng 7 ngày. Tỷ lệ tử vong sau đó trở về mức cơ bản từ đỉnh điểm là 50% trong nhóm tuổi bị ảnh hưởng.

 

- Không có sự què quặt hay bệnh mụn nước xuất hiện trong đàn heo nái giống và theo như quan sát, không có sự xuất hiện của bệnh mụn nước trên heo nái và heo con.

 

Trong các ô chuồng heo vỗ béo và heo con theo mẹ, vẫn xuất hiện các trường hợp què quặt mới với tốc độ khoảng 5% mỗi tuần cho đến 4 tháng sau khi khởi phát bệnh lâm sàng ban đầu. Khi heo bị què quặt, nó được đánh dấu và theo dõi các biểu hiện lâm sàng hằng ngày. Mụn nước được tìm thấy ở hầu hết heo què – vào ngày đầu tiên phát hiện heo bị què hoặc vào ngày thứ 1-2 sau khi què.

 

Các tổn thương do mụn nước được chữa lành hoàn toàn trong vòng 7-10 ngày. Không có thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ tử vong trên heo thịt đang phát triển.

 

Bệnh chỉ thấy xuất hiện trên heo thịt vỗ béo và heo con theo mẹ
Bệnh chỉ thấy xuất hiện trên heo thịt vỗ béo và heo con theo mẹ

 

 

 

Từ 4-5 tháng sau khi khởi phát ca bệnh đầu tiên, tỷ lệ heo bị tổn thương do bệnh mụn nước giảm xuống gần như bằng không. Tại thời điểm này, đã 6 tháng từ khi trang trại bị bệnh và không còn phát hiện thêm một trường hợp nào cho thấy heo bị què do bệnh mụn nước nữa.

 

Việc điều trị cho heo bị bệnh phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương của heo do bệnh mụn nước gây ra. Đối với những heo bị què nặng sẽ được cách ly và chăm sóc bàn chân cẩn thận giúp heo phục hồi. Đối với những cá thể heo bị nặng hơn, các bác sỹ buộc phải điều trị bằng kháng sinh tiêm và các thuốc chống viêm nhằm giúp heo tránh các trường hợp biến chứng do nhiễm trùng thứ phát

 

Thông thường, các tổn thương do mụn nước trên heo được chữa lành trong vòng 7-10 ngày
Thông thường, các tổn thương do mụn nước trên heo được chữa lành trong vòng 7-10 ngày

Kết luận:

 

Gần đây, một nghiên cứu chung giữa Đại học Iowa State (ISU) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được báo cáo tại hội nghị “ISU bệnh trên heo” ở Ames, Iowa, Mỹ đã cho thấy bằng chứng về việc bệnh mụn nước trên heo được tái tạo lại từ các chủng SVA phân lập được từ những heo thịt có biểu hiện lâm sàng của bệnh mụn nước.

 

Mặc dù bệnh mụn nước do SVA có mức độ tổn thương nhẹ hơn so với bệnh lở mồm long móng (FMD). Tuy nhiên, các dấu hiệu mụn nước xuất hiện ở thời kỳ đầu của 2 bệnh rất giống nhau nên chỉ có thể phân biệt được 2 bệnh này thông qua các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, kể cả trong trường hợp ta biết được SVA đang lưu hành và gây bệnh trong quần thể heo gần đó.

 

Trong trường hợp cụ thể của trang trại này, nguồn gốc của virus không được xác nhận. người ta chỉ biết rằng đã có các trang trại khác trong cùng khu vực đó cũng báo cáo dịch bệnh và có heo con tử vong ít nhiều liên quan đến SVA hoặc tổn thương do bệnh mụn mước trên heo (ít nhất 8 trang trại trong vòng bán kính 10km).

 

Trường hợp này là một ví dụ hoàn hảo cho thấy việc các mầm bệnh có thể bất ngờ xuất hiện bất cứ lúc nào, vì vậy các biện pháp an toàn sinh học nên thường xuyên được chú trọng và thực hành nghiêm túc hằng ngày.

 

VietDVM biên dịch.
(theo pig333).

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status