
Trung Quốc khan hiếm thịt lợn
Giá thịt lợn được dự báo sẽ vẫn ở mức cao đến cuối năm, do số hộ gia đình nuôi lợn và doanh nghiệp nước này tiếp tục giảm cung ra thị trường, dù lợi nhuận lớn.
Trong tháng 4, giá thịt lợn giao ngay tại Trung Quốc - nước tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất thế giới đã tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nó đã kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,75% lên 2,3%, theo Cục Thống kê Trung Quốc.
"Giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng tới cuối năm nay hoặc thậm chí là quý I năm sau. Nó có thể lên cao nhất tới 24 - 25 NDT một kg (3,67 USD - 3,82 USD)", Zhou Sha – chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán CMS cho biết.
Tính đến ngày 19/5, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng hơn 20% trong năm 2016 do thiếu cung, chạm 20,3 NDT một kg (3,1 USD). Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng mạnh như vậy.

"Không chỉ số lượng lợn bị giết mổ giảm mà cả số trang trại nuôi lợn và lợn nái cũng giảm mạnh. Không phải người bán muốn giảm hoạt động giết mổ để thao túng giá, mà là không có đủ lợn để giết", kinh tế trưởng Lu Zhengwei tại Ngân hàng Công nghiệp cho biết.
Người nuôi lợn không mở rộng sản xuất do quá trình đô thị hóa và sự cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn lớn.
"Chi phí cơ hội cho những lao động trẻ ở nông thôn chăn nuôi lợn đã tăng lên rất nhiều. theo đà tăng lương trung bình tại các thành phố. Mặt khác, công việc ở các thành phố cũng ổn định hơn việc chăn nuôi lợn. Vì vậy bây giờ, chúng tôi không còn thấy nhiều người đầu tư vào nuôi lợn nữa, do họ không có đủ nhân công trẻ"', ông Zhou cho biết. Hơn nữa, giá nhân công của các hộ chăn nuôi thường cao hơn so với các doanh nghiệp.
Các hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ đang có xu hướng rời bỏ thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn ngày càng chiếm ưu thế. Thị phần của các doanh nghiệp sở hữu trên 500 con lợn đã tăng từ 20% năm 2007 lên 45% năm 2015, theo số liệu của Ngân hàng Công nghiệp.
Thiếu nguồn cung nội địa trong thời gian dài đã buộc Trung Quốc tăng nhập khẩu. Trong quý I/2016, nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ vào Trung Quốc tăng tới 283% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ mở kho dự trữ thịt lợn và phân phát về các siêu thị, cơ sở giết mổ từ ngày 5/5 tới ngày 4/7. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định 150.000 tấn thịt lợn đã được phân phát về các khu vực từ đầu năm này. Cơ quan này cũng khẳng định, giá thịt lợn dù ở mức cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo ông Lu, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Ông dự đoán, chu kỳ tăng giá của thịt lợn sẽ kết thúc cuối năm nay khi nguồn cung dần nhích lên.
Tác giả: Kim Dung
Nguồn tin: Vnexprees

Kiểm soát APP (viêm phổi dính sườn) cấp tính
Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) là vi khuẩn gây bệnh viêm phổi màng phổi hay còn gọi là bệnh viêm phổi dính sườn trên heo. Trong số rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh hô hấp thì APP là một trong những nguyên nhân chính.
Hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ trang trại có heo nhiễm mầm bệnh APP là rất lớn, tuy nhiên hầu hết ở thể mãn tính gây ho và chậm tăng trưởng. Tuy vậy, thời gian gần đây số lượng heo bị chết do APP cấp tính tăng cao và lây lan thành dịch làm thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất chăn nuôi của các trang trại.
Bởi vậy, khác với bài viết bệnh viêm phổi dính sườn trên heo, trong bài viết này chúng tôi mô tả lại một trường hợp bệnh cấp tính trong thực tế từ triệu chứng, bệnh tích, cách chẩn đoán cho đến hướng xử lý từ đó nhằm giúp độc giả có thêm góc nhìn, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị APP.
Xem thêm:
Kiểm soát bệnh Viêm phổi dính sườn APP mãn tinh

1. Triệu chứng lâm sàng của ca bệnh viêm phổi dính sườn.
Thời điểm đó, bệnh xuất hiện và lây lan trên nhiều trang trại ở Châu Âu. Trong bài này, ví dụ điển hình là 1 trang trại với 650 heo nái. Buổi sáng đầu tiên phát hiện 44 heo bệnh chết một cách đột ngột, sau đó 1h đồng hồ chết thêm 22 heo và trong quá trình chẩn đoán điều trị chết thêm 9 heo nữa.
Heo chết ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Dấu hiệu đầu tiên là chết một cách đột ngột và đa phần không có biểu hiện gì trước đó, một số ít trường hợp heo có ho nhẹ hoặc cúm nhẹ trước khi chết.
Số heo bệnh còn lại thường suy hô hấp cấp tính: khó thở, giảm hấp thu thức ăn. Khi ở tư thế nằm nghiêng, heo giảm ho nhưng chỉ cần 1 sự chuyển động cũng có thể khiến heo đột quỵ và tử vong. Heo con sinh ra không muốn di chuyển và tím tái 4 chân.
Nhiệt độ trực tràng lên tới 41ºC (thân nhiệt bình thường của heo là 38-40ºC). Trường hợp nặng heo chết hộc máu ra ở mũi.

2. Các bác sỹ đã làm thế nào để xác định heo đã bị bệnh viêm phổi dính sườn?
Heo chết một cách đột ngột và thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau nên ban đầu nhóm bác sỹ điều trị nghi ngờ heo chết do nhiễm trùng huyết. Từ đó, một loạt các nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết được xem xét, nghi ngờ như: Tụ huyết trùng cấp, Salmonella cấp, Viêm đa xoang Glassers hay các bệnh virus khác như dịch tả heo.
Sau đó các bác sỹ tiến hành mổ khám bệnh tích thì gần như toàn bộ bệnh tích đều là đặc trưng của bệnh viêm phổi dính sườn cấp tính – APP:
- Ngoài các mảng fibrin trên phúc mạc thì bệnh lý dường như được giới hạn trong xoang ngực của heo bệnh: xoang ngực xuất huyết, phổi được bao bọc bởi dịch fibrin màu vàng, tim bình thường.
- Có trường hợp, phổi xuất huyết nặng 1 bên, bên còn lại vẫn bình thường (hình 1) nhưng đa phần, chỉ có 1 phần của phổi bị viêm.
- Khí quản xuất huyết, có bọt, thậm chí heo chết xuất huyết (hộc máu) tràn ra cả xoang mũi và phía ngoài mũi.


Dù gần như chắc chắn nhưng các bác sỹ vẫn lấy mẫu bệnh phẩm từ các phần phổi bị viêm để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: kiểm tra kiểu huyết thanh và làm kháng sinh đồ.
Tuy nhiên vì bệnh quá cấp tính, heo chết nhiều và nhanh (buổi sáng đầu tiên phát hiện 41 heo chết, sau đó 1h thêm 22 heo nữa chết và trong quá trình điều tra, chẩn đoán đã chết thêm 9 heo nữa) nên không thể đợi kết quả xét nghiệm. Buộc các bác sỹ phải ngay lập tức điều trị chẩn đoán, thăm dò.
Theo các bác sỹ điều trị trực tiếp, đây là một trong những trường hợp rất điển hình của bệnh viêm phổi dính sườn trên heo.
3. Các bác sỹ đã hành động can thiệp như thế nào?
Trong trường hợp bệnh cấp tính và không thể đợi kết quả chẩn đoán chính xác từ phòng thí nghiệm như thế này thì phác đồ điều trị được đưa ra dựa trên kinh nghiệm chẩn đoán, kinh nghiệm chữa trị của các bác sỹ điều trị lâm sàng.
Phác đồ điều trị được lựa chọn tùy thuộc vào tuổi heo bệnh và mức độ tác động cho phép lên khả năng tăng trưởng của heo (ví dụ: với heo thịt choai thì sẽ chọn loại thuốc, kháng sinh ít ảnh hưởng tới hệ thống tiêu hóa, hấp thu nhất hay sẽ chọn loại thuốc ít ảnh hưởng đến khả năng tăng trọng của heo nhất để sau khi khỏi bệnh heo không bị còi cọc, chậm lớn).
Ở Châu Âu thời điểm xảy ra bệnh, các nhóm kháng sinh đã có hiệu quả với viêm phổi dính sườn cấp tính bao gồm: penicillin, ampicillin / amoxicillin và tetracycline thì đang bị hạn chế sử dụng do lo ngại về việc kháng kháng sinh. Nên lựa chọn hợp lý nhất lúc đó còn lại là cephalosporin thế hệ thứ ba và fluoroquinolones.
Tuy nhiên, với diễn biến quá nhanh của mầm bệnh, các bác sĩ quyết định sử dụng 1 loại kháng sinh cho tác dụng nhanh trong vòng 1h đồng hồ - Ceftiofur – tiêm thẳng cho từng cá thể heo. Sau đó luân phiên sử dụng 1 trong các kháng sinh có tác động tiêu diệt mầm bệnh tốt hơn nhưng thời gian phát huy hiệu lực lâu hơn Ceftiofur như: Trimethoprim / sulphonamide, florfenicol, Doxycycline và Tulathromycin tiêm liên tục trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên thời gian đào thải của các kháng sinh này khá lâu nên chỉ những trường hợp cấp thiết như trên các bác sỹ mới sử dụng.
Sau khi tiêm những mũi đầu tiên, tỷ lệ chết giảm đáng kể (chỉ chết thêm 9 heo nữa từ khi bắt đầu tiêm thuốc). Và sau khoảng 1 tuần điều trị thì ngăn chặn được tình trạng heo chết đột ngột.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng loại thuốc có tác động nhanh, ngắn hạn trong 3 ngày đầu tiên có hiệu quả tốt hơn các loại thuốc chậm phát huy tác dụng.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy thuộc vào phản ứng của heo bệnh và sau khi có kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ.
4. Kết luận:
Thứ nhất: Có 2 đặc điểm triệu chứng bệnh tích cực kỳ điển hình của bệnh viêm phổi dính sườn (APP) cấp tính mà ta cần ghi nhớ → khi gặp 2 đặc điểm này, nghĩ ngay đến APP:
- Heo hộc máu mũi, miệng; chết rất nhanh 1 cách đột ngột.
- Phổi viêm ở mặt lưng có fibrin làm cho phổi dính vào xương sườn của heo → rất khó để tách ra.
Thứ 2: Khi gặp trại heo bị viêm phổi dính sườn cấp tính, hướng xử lý trước mắt là tùy thuộc vào kinh nghiệm điều trị của bạn mà chọn và tiêm ngay cho mỗi heo loại kháng sinh nhạy cảm với APP và có thời gian phát huy hiệu lực nhanh nhất có thể. Sau đó, kết hợp tiêm luân phiên với một loại kháng sinh nhạy cảm nhất với APP mà bạn biết nhưng có thời gian phát huy tác dụng lâu hơn.
- Vì bệnh cấp tính nên ban đầu bắt buộc phải tiêm thuốc cho từng cá thể để có hiệu quả nhanh nhất chứ không trộn thuốc vào thức ăn hay pha vào nước uống.
Trong 3 ngày đầu điều trị, tùy thuộc vào tình hình tiến triển của bệnh (tỷ lệ chết có giảm không) mà điều chỉnh thuốc cho hợp lý. Sau khoảng 3 ngày khi có kết quả kháng sinh đồ rồi thì các bạn có thể điều chỉnh lại phác đồ điều trị cho phù hợp.
Trên đây là toàn bộ bức tranh của một ca bệnh viêm phổi dính sườn cấp tính từ lúc phát hiện bệnh, cách chẩn đoán và xử lý đã thành công mà qua đó giúp chúng ta có thêm những bài học vô cùng hữu ích. VietDVM.com hy vọng những kinh nghiệm trên có thể giúp các trang trại hạn chế tối đa những thiệt hại do APP gây ra.
VietDVM team biên dịch
theo pig333

Hết thời ào ào nhập bò Úc về Việt Nam
Khác với phong trào nhập ồ ạt cách đây vài năm, lượng bò Úc sống nguyên con về Việt Nam gần đây đã giảm. Theo các doanh nghiệp (DN), lượng bò Úc ế từ năm ngoái đến nay còn cả trăm nghìn con. Lãi giảm, rủi ro về dịch bệnh, khiến nhiều DN lo ngại.

Bài học đua nhau nhập
Ông Võ Xuân Hòa, Giám đốc điều hành Cty CP Kết Phát Thịnh (Long An), một trong những DN nhập khẩu bò Úc lớn nhất cả nước cho biết, năm 2015, DN của ông nhập khoảng 100 nghìn con bò sống của Úc về Việt Nam. Tuy nhiên, sau Tết đến nay, công ty chỉ nhập khoảng 10 nghìn con, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bò nhập khẩu có cân nặng 350-400 kg/con, sau đó nuôi vỗ béo hơn 3 tháng mới bán giết thịt.
Theo ông Hoà, năm ngoái, mỗi ngày Kết Phát Thịnh cung cấp ra thị trường khoảng 300 bò giết thịt, trong đó chủ yếu là khu vực TPHCM và Hà Nội. Ông Hoà tính toán, nhu cầu tiêu thụ bò Úc ở Việt Nam chỉ 200-250 nghìn con/năm. Tuy nhiên, năm ngoái, Việt Nam đã nhập khoảng 360 nghìn con từ Úc, đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết. Bò vẫn nằm trong trại của đơn vị nhập khẩu, hoặc đơn vị liên kết.
Phong trào nhập bò Úc nở rộ trong năm 2013-2014, vì lãi lớn. Tuy nhiên, qua năm 2015, hiệu quả giảm mạnh. Đến nay, nhập bò về vỗ béo, gần như không có lời. “DN Việt đua nhập bò Úc nên họ tăng giá, về Việt Nam tranh nhau bán, giá lại giảm. Đây cũng là lúc để thị trường sàng lọc, ai hiệu quả mới tồn tại được”- ông Hòa nói.
Theo tính toán, nhập một con bò Úc, DN phải bỏ ra trên 30 triệu đồng, nếu nuôi vỗ béo đến khi giết thịt, không dịch bệnh, DN lời khoảng 500 nghìn đồng/con/tháng, nuôi khoảng 100 ngày, tính ra lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Tuy nhiên, theo các DN, mức lãi trên có được khi nuôi an toàn, tận dụng được thức ăn, phụ phẩm… giá rẻ. Nếu đàn bò “dính” dịch bệnh, thì thiệt hại rất lớn. Chẳng hạn, mỗi con bò ăn tốn khoảng 40-50 nghìn đồng/ngày. Khi có dịch bệnh, bò ăn nhưng không lên cân, nên số tiền đó sẽ mất.
Trong khi đó, Ông Vương Xuân Hiến, đại diện Cty TNHH Liên họp công-công nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Đắk Lắk) cho biết, công ty của ông đang nhập bò Úc về vỗ béo giết mổ và bò sinh sản. Trong hai đợt vừa qua, công ty đã nhập trên 3 nghìn con. Theo ông Hiến, gần đây, xu hướng nhập bò Úc đang chững lại, vì lượng bò nhập về trước đây chưa bán hết. Trong khi đó, thịt bò Úc đang bị cạnh tranh rất lớn vì bò nhập tiểu ngạch từ Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan…

Nguy cơ dịch bệnh cao
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện thịt bò chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thực phẩm cho bữa ăn, trong khi thế giới là gần 30%. Do nhu cầu lớn, nên việc nhập khẩu thịt bò, trong đó có Úc là đương nhiên. Theo ông, hiện Việt Nam có trên 5 triệu con bò, mỗi năm phải giết thịt trên 1,5 triệu con, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu từ Úc 360 nghìn con bò sống, từ Thái Lan 56.000 con, Lào khoảng 7.000 con…Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 71.000 con bò từ Úc.
Theo ông Vang, hiện các DN Việt Nam đang phải chi khoảng 3,1 USD/kg thịt bò sống nguyên con từ Úc. Tuy nhiên, xu hướng nhập thịt đông lạnh đang tăng, khi giá thấp hơn, khoảng 3,05 USD/kg thịt có xương, tuỳ từng thời điểm. Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam là nước nhập bò từ Úc lớn thứ 3 trên thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Việt Nam nhập bò từ Úc có nhiều loại, có con già yếu, trọng lượng lớn mang về giết mổ luôn. Còn lại, phần lớn là bò loại 16-18 tháng tuổi (nặng khoảng 250-280 kg/con), nhập về vỗ béo khoảng 100 ngày sau lên khoảng gần 500 kg mới giết mổ.
Tuy nhiên, ông Chinh cho rằng, nếu chúng ta chỉ nhập bò loại thải, hoặc nhập bò trọng lượng lớn về giết thịt ngay rất rủi ro về môi trường, dịch bệnh và hầu như các nước không nhập loại này. “Hầu hết các nước họ chỉ nhập giống, không nhập về giết thịt trực tiếp. Và nếu cần, họ nhập trực tiếp thịt đông lạnh về chứ không cho nhập bò về giết mổ luôn như ta”- ông Chinh nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, về lâu dài, DN phải chủ động nhập giống từ các nước, trong đó có nhập từ Úc, Canada, Mỹ… để từng bước chọn tạo, nhân giống, hạn chế nhập khẩu bò thịt.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, nguồn bò từ Thái Lan, Myanmar, Lào, Ấn Độ… đang cạn dần, hơn nữa, việc kiểm soát dịch bệnh rất khó. Bộ NN&PTNT cho biết, DN cần tìm hiểu các thị trường khác như các nước Nam Mỹ là Brazil, Columbia, Argentina… vì ở đây có nguồn bò lớn.
“Ở Việt Nam bao giờ cũng thế, thấy ngon, lúc đầu cứ làm ào ào theo phong trào, sau đó, do sức ép về cạnh tranh, mới đi vào thực chất. Bây giờ, DN nhập bò đã có sự thay đổi. Thay vì nhập về chuyên vỗ béo, giết thịt, họ đã nhập bò về làm giống, sinh sản. Đây là bước chuyển quan trọng, hạn chế mất ngoại tệ để nhập bò”.
Tác giả: Phạm Anh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong

Ông chủ khu trang trại khiến không ít người phải thán phục vì độ "chịu chơi" khi đầu tư hẳn nhà cao tầng, thang máy như một chung cư hiện đại chỉ để... nuôi lợn.
Đổ máu vì học lỏm
Kể về những ngày đầu làm trang trại, ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: “Ngày đó vất vả gian nan lắm! Có lần đến một trang trại chăn nuôi ở tỉnh Bắc Ninh xin vào học, nhưng chủ không cho vào, chúng tôi đành phải trèo trộm qua tường rào để vào xem bằng được kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc lợn của họ. Tôi bị mảnh sành đâm vào người chảy cả máu đấy”.

Ý tưởng xây dựng “chung cư lợn” của ông Long xuất phát từ những năm 2000. “Khi đó, tôi làm xây dựng bên huyện Thanh Trì (Hà Nội), thấy nhiều người lập trang trại nuôi lợn thuê cho Công ty chăn nuôi CP của Thái Lan, tôi chỉ nghĩ người nước ngoài đến nước mình thành lập công ty nuôi lợn, bắt người dân quê mình đi làm thuê, chẳng lẽ lại để họ chi phối thế sao” - ông Long chia sẻ.
Sau đó, ông về nhà và rủ bạn bè có cùng chí hướng góp vốn, lập đề án xây dựng cụ thể để gửi lên UBND xã xin mặt bằng. “Khi mang hồ sơ dự án trình lên xã, ai cũng bảo là hâm. Ở cái đất chiêm khê, mùa thối cây lúa còn khó sống được, huống chi mở trang trại chăn nuôi quy mô hàng tỷ đồng, khác nào vứt tiền qua cửa sổ. Nhưng tôi kiên trì thuyết phục và cuối cùng đã được xã đồng ý cấp mặt bằng”- ông Long kể lại.
Sau khi có mặt bằng, ông Long nghĩ không thể làm mà không có kiến thức nên ông đã bàn với anh em đi học quản lý, học kỹ thuật chăn nuôi, thú y. Ngoài học lý thuyết, ông và mọi người còn tìm đến các trung tâm chăn nuôi và trang trại lớn để học hỏi kinh nghiệm thực tế, từ đó về áp dụng xây dựng trang trại cho mình. Với diện tích hơn 2ha mặt bằng do xã cấp, ông Long tính nếu xây trang trại theo cách truyền thống (chuồng trệt 1 tầng) thì sẽ không khả thi. “Từ những kiến thức đã học, tôi đã tính toán và tìm hiểu kỹ lưỡng việc xây dựng trang trại làm sao cho phù hợp với điều kiện địa hình, vừa tiết kiệm được diện tích, vừa đảm bảo quy mô lớn như trong đề án. Cuối cùng đã tìm được phương án xây nhà tầng và lắp cầu thang máy giống như ở chung cư cho người để chăn nuôi” - ông Long chia sẻ.
Cũng theo lời ông Long: “Năm 2007, dù chúng tôi đã làm xong chuồng trại nhưng vẫn chưa hết vất vả. Nguyên nhân vì mặt bằng xã cấp ngay vào khu đất cỏ cây rậm um tùm, mùa mưa nước ngập tới nửa người. Nhiều người đi qua đều khuyên đừng làm nữa, nhưng anh em tôi vẫn kiên trì, biến khó khăn thành động lực” – ông Long kể.
Làm dần cũng ra tấm, ra miếng. Chỉ sau 1 năm, trang trại đã cơ bản xây dựng xong phần nhà nuôi giai đoạn 1. Ban đầu ông Long đầu tư mua 156 con lợn lai siêu nạc giống ngoại (chủ yếu là lợn bố, mẹ). Với môi trường chuồng trại hiện đại, đàn lợn thích ứng rất nhanh. “Sau những ngày vất vả, đến lúc đàn lợn đẻ lứa đầu tiên, rồi nuôi đến khi xuất bán, nhìn thấy con nào cũng trắng, béo mập nối đuôi nhau trên hệ thống cầu dẫn tự động đi vào ô tô, anh em tôi mừng rơi nước mắt” - ông Long nhớ lại.
Hiện, trang trại chăn nuôi của ông Long đã hoàn thiện và được trang bị các loại máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài khu nhà 3 tầng chăn nuôi lợn được trang bị hệ thống cầu thang máy hiện đại, nối giữa các chuồng với nhau là các cầu dẫn được xây dựng kiên cố, giúp chuyển lợn đến tận xe ô tô mà không hề phải dùng đến sức người.
Vừa nói, ông Long vừa dẫn chúng tôi đến các chuồng lợn giống, bắt lợn lên, ông bảo: “Chú xem, lợn nuôi trong mô hình mới này rất đảm bảo, tỷ lệ lợn con sau cai sữa to hơn so với chuồng trệt 1 tầng nhiều. Cụ thể, sau 21 ngày tách mẹ, lợn con nuôi trong chuồng truyền thống đạt trọng lượng từ 4 – 5,5kg thì chuồng tầng đạt từ 7kg trở lên”.
Cùng với đó, tỷ lệ động dục, đậu thai cũng đạt cao trên 90%, trong khi mô hình truyền thống chỉ khoảng 80%; tỷ lệ khô thai, thai chết lưu giảm còn dưới 3%, trước kia là 7%. Tỷ lệ con đẻ trên 1 nái đạt bình quân 9,7 – 10 con/lứa sau cai sữa. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp giảm tỷ lệ dùng thuốc kháng sinh, thuốc sát trùng chỉ bằng hơn 1 nửa so với trước. Ông Long cũng cho biết, khi nuôi ở mô hình nhà tầng, lợn luôn được kiểm soát và bảo đảm sức khỏe. Đàn lợn giống được sinh ra trong điều kiện môi trường tốt, khỏe mạnh, trong khi đó lượng thức ăn tiêu tốn ít hơn so với mô hình truyền thống.
Thịt sạch cho mọi nhà
Đầu năm 2013, thấy công ty chăn nuôi của ông Long hoạt động hiệu quả, lãnh đạo xã đã đề nghị ông sáp nhập vào làm HTX chăn nuôi, thay cho HTX trước đây hoạt động kém hiệu quả. Ông đồng ý ngay, vậy là từ Công ty CP chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long, nay chuyển thành HTX dịch vụ chăn nuôi Hoàng Long.
Đến nay, HTX chăn nuôi do ông lãnh đạo mỗi năm xuất chuồng hơn 800 tấn lợn thịt và hàng nghìn con lợn giống, mang về doanh thu hơn 50 tỷ đồng.

Không chỉ đảm bảo doanh thu tăng không ngừng, trang trại của ông còn luôn đảm bảo được tiêu chí về vệ sinh môi trường. Là người dân sống ngay bên trang trại, ông Nguyễn Văn Phương ở xã Tân Ước cho biết: “Dù sống gần trang trại chăn nuôi lớn nhưng chưa khi nào gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối hay bị ô nhiễm nguồn nước. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường luôn được ông Long làm tốt, đầu tư công nghệ xử lý hiện đại”.
Hỏi về hướng đi trong thời gian tới, ông Long cho biết: “Sắp tới HTX chăn nuôi sẽ chuyển dần từ sử dụng thức ăn nhập khẩu (cám tăng trọng) sang phương thức dùng thức ăn sạch được tạo ra bằng men ủ sinh học để thịt lợn cung cấp cho thị trường không có chất độc hại, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.
Ông Long chia sẻ thêm: “Hiện HTX đang xúc tiến việc xây dựng một lò mổ mini có công suất từ 4 - 6 tấn thịt/ngày. Theo đó, sản phẩm thịt lợn sạch sẽ được đóng gói, hút chân không và được đưa lên xe chuyên dụng chuyển đến cung ứng cho thị trường ở Thủ đô, sau đó sẽ mở rộng việc cung cấp thịt lợn sạch cho người tiêu dùng cả nước”.
Tác giả: Hải Đăng
Nguồn tin: Báo Dân Việt

Mẹo chăm sóc heo con: sử dụng dây rút nhựa để buộc dây rốn cho heo con sơ sinh.
Mục tiêu: sử dụng dây rút nhựa để buộc dây rốn cho heo con sơ sinh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Thủ thuật này được nhiều nông dân trong các trang trại tại Tây Ban Nha sử dụng để chăm sóc heo con sơ sinh.

Thắt dây rốn cho heo con sơ sinh đúng kỹ thuật, kịp thời sẽ giúp hạn chế được rất nhiều nguy cơ nhiễm trùng rốn cho heo con cũng như việc xuất huyết rốn rất nguy hiểm nhưng lại gặp ở khá nhiều trang trại hiện nay.
Bởi vậy, các bác sỹ thú y luôn khuyến cáo người chăn nuôi trong việc chăm sóc heo con cần nhớ thắt dây rốn cho heo con càng sớm càng tốt sau sinh.
Hiện nay đa phần các trang trại sử dụng sợi dây chỉ, dây len, thậm chí có trang trại dùng chỉ y tế để thắt dây rốn cho heo (như hình 2) nhưng cách làm này nhìn chung còn khá nhiều thao tác rắc rối và chưa thực sự ưu việt.

Để khắc phục nhược điểm trên, các nông dân Tây Ban Nha đã nghĩ ra một cách làm vô cùng nhanh chóng, đơn giản mà hiệu quả. Đó là dùng dây rút nhựa (như hình 1) để thắt dây rốn cho heo.
→ Lưu ý: rút chặt dây cách rốn khoảng 3 - 5cm.

Cách làm này đã thực sự mang lại rất nhiều tiện ích cho chăn nuôi và đã được khá nhiều trang trại trên thế giới áp dụng trong việc chăm sóc heo con sơ sinh.
Tiến Dũng biên dịch
Theo pig333

Liên Hiệp các Hội Thú Y Châu Á (Federation of Asian Veterinary Associations- FAVA) là tổ chức kết nối hoạt động của các hội thú y các nước Châu Á được thành lập từ năm 1978. Cứ hai năm một lần, Hội nghị khoa học của FAVA được tổ chức tại các nước thành viên để trao đổi những vấn đề quan tâm về thú y trong khu vực và cập nhật thông tin khoa học mới nhất.
Và năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị FAVA lần thứ 19 với sự tham gia tổ chức của Hội thú y Việt Nam, Trường Đại Học Nông Lâm TpHCM từ ngày 7-8-9 tháng 9 năm 2016 tại trung tâm hội nghị White Palace - TpHCM.

Hội nghị là nơi tăng cường sự cộng tác giữa các nhân viên thú y trên thế giới và đặc biệt là khu vực Châu Á nhằm đạt được lợi ít về sức khỏe cho cộng đồng, động vật và môi trường mà gọi chung là “một sức khỏe”. Người tham gia hội nghị có thể tiếp cận với những kiến thức tuyệt vời từ các chuyên gia hàng đầu thế giới và nhiều nghiên cứu mới nhất trong nhiều lĩnh vực liên quan (chăm sóc sức khỏe động vật, quản lý, thuốc thú y, dinh dưỡng, trang thiết bị, giáo dục thú y…).
Hội nghị dự kiến sẽ đón chào 1.500 đại biểu từ khắc nơi trên thế giới làm việc trong các lĩnh vực chăn nuôi động vật, thủy sản cũng như nhiều lĩnh vực khác có liên quan. Do đó đây là cơ hội tuyệt vời để quý độc giả của Vietdvm.com, quý đồng nghiệp cũng như những ai đang làm việc trong ngành chăn nuôi thú y, các bạn sinh viên… có thể gặp gỡ các chuyên gia, đối tác để tìm kiếm, chia sẻ kiến thức, thông tin, và cơ hội.
Bên cạnh việc tham dự hội nghị, các bạn còn có cơ hội được viếng thăm một Thành Phố Hồ Chí Minh năng động, các làng quê xanh tươi bình yên ở Đồng bằng sông cửu long, và khám phá các bãi biển quyến rũ cùng với các hòn đảo nổi tiếng như Phú quốc hoặc Côn Đảo trong không khí mát mẻ dễ chịu của tháng 9 trên vùng đất phương nam.
Với các sự kiện hấp dẫn như vậy, ban tổ chức rất mong được chào đón tất cả các bác sĩ thú y, các chuyên gia, và các vị khách mời đến với Thành Phố Hồ Chí Minh, thành phố năng động nhất Việt Nam. Để biết thêm chi tiết về hội nghị xin quý vị vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website chính thức: http://fava2016.vn/
Hoặc liên hệ trực tiếp với ban thư ký của hội nghị - TS Nguyễn Quang Thiều - qua:
- Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
- Tel: +84 913 850.960.
Chắc chắn rằng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp và quý vị sẽ có được nhiều điều bổ ích!
Chủ tịch hội nghị FAVA lần thứ 19 năm 2016
Phó giáo sư Tiến sĩ Dương Duy Đồng
Phó hiệu trưởng Trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh

Làm thế nào để giảm stress nhiệt cho heo?
Nếu heo bị stress nhiệt và không thể tự cân bằng nhiệt chúng sẽ sinh bệnh. Trong trường hợp xấu nhất, có thể nó sẽ chết. Dưới đây là 1 số hướng dẫn do tổ chức nông nghiệp và phát triển bền vững Vương Quốc Anh (AHDB) cung cấp giúp bạn có thể hạn chế tối đa những thiệt hại do stress nhiệt gây ra cho heo.
Stress nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể của heo tăng vượt quá giới hạn nhất định. Khi đó, việc đầu tiên là heo sẽ tăng tỷ lệ hô hấp của nó như một phản ứng tự nhiên để cân bằng nhiệt.
Sau đó nó sẽ tìm kiếm các cách làm mát từ môi trường, như là đắm mình trong bể nước hay nằm lên các vũng nước tiểu.
Stress nhiệt cần thiết được loại bỏ để ngăn ngừa những phản ứng không cần thiết và làm giảm năng suất chăn nuôi. Nhiệt độ quá cao sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của heo thịt (có thể giảm đến 50 g/ngày) và giảm tỷ lệ đẻ của heo nái đến 25%.
Vậy mục tiêu của việc duy trì nhiệt độ thích hợp cho heo trong suốt quá trình chăn nuôi là:
- Duy trì khả năng sinh sản của heo nái trong suốt cả năm.
- Duy trì lượng thức ăn ăn vào và tốc độ tăng trưởng của heo thịt trong suốt mùa hè.
Cách tiến hành nhằm giảm stress nhiệt cho heo gồm 2 công việc chính:
- Kiểm tra tổng quát toàn trang trại.
- Quản lý phù hợp đối với từng đối tượng, loại heo khác nhau.
A – Danh sách kiểm tra tổng quát.
1. Kiểm tra toàn bộ chuồng nuôi:
Kiểm tra hệ thống cách nhiệt trên mái nhà, nó có thể hư hỏng theo thời gian. Cách nhiệt tốt giúp chuồng nuôi luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm vào mùa đông.
Nếu khu vực chuồng heo đẻ tiếp giáp với chuồng heo thịt, nên đóng kín cửa lại tránh làm tổn thất nhiệt sang khu vực chuồng đẻ.
Nhiệt độ của khu vực chuồng đẻ cũng nên được kiểm soát và điều chỉnh cho phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của heo con.

2. Thông gió.
Luôn đảm bảo đủ số lượng và kích thước quạt cần thiết cho toàn bộ diện tích chuồng nuôi. Xem xét nếu cần thì bổ sung thêm quạt thay cho các hệ thống thông gió tự nhiên đối với những ô chuồng lớn.
Duy trì tình trạng vệ sinh sạch sẽ, mát mẻ và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo các quạt luôn hoạt động tốt.
3. Hệ thống báo động và các thiết bị khẩn cấp.
Hệ thống báo động và các thiết bị khẩn cấp như máy phát điện phải được kiểm tra thường xuyên. Khi nhiệt độ tăng cao vượt mức cho phép, nhất là khi mất điện phải đảm bảo các thiết bị đó luôn trong tình trạng sẵn sàng.
Ngoài ra, toàn bộ nhân viên cũng phải nắm được quy trình xử lý khi có báo động xảy ra, nhằm giảm thiểu mọi ảnh hưởng do stress nhiệt gây ra cho heo.
4. Nước.
Đảm bảo luôn đủ nguồn nước sạch, mát cho heo mọi lúc.
Hệ thống núm uống nước phải đảm bảo không quá ít so với số lượng heo trong ô chuồng và phải luôn hoạt động tốt. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về việc đó, nên cung cấp nước bổ sung trong máng để dự phòng.
Mật độ núm uống và diện tích máng uống theo khuyến cáo của các nhà chăn nuôi:
Heo không thể đổ mồ hôi nhưng có thể cảm thấy mát mẻ và dễ chịu hơn nếu da ẩm. Khi trời quá nóng, có thể bố trí thêm vòi phun nước (dạng nhỏ giọt) trong ô chuồng giúp heo thoải mái hơn. Các bạn có thể tham khảo cách làm chi tiết trong bài viết “làm thế nào để heo không nằm cạnh máng, vòi uống nước trong mùa nóng?”
B – Hướng dẫn quản lý
1. Heo giống
- Heo nái:
Nếu được chăm sóc, làm mát 2 lần vào buổi sáng và chiều trong 1 ngày, heo nái sẽ cảm thấy rất dễ chịu.
Dùy trì vệ sinh tốt, đặc biệt là bể nước, nơi heo nái “đắm mình” khi nóng bức. Ngoài ra, luôn đảm bảo vệ sinh âm hộ sạch sẽ trước khi thụ tinh. Các bạn có thể đeo găng tay để cọ rửa cho heo hoặc dùng các dụng cụ vệ sinh chuyên dụng khác.
- Heo đực giống:
Stress nhiệt có xu hướng làm giảm ham muốn tình dục của heo đực giống và có thể làm giảm khả năng sống của tinh dịch lên đến 8 tuần sau khi stress nhiệt.
Bởi thế, dù là vào mùa thu nhưng hãy nhớ kiểm tra chất lượng tinh trùng kỹ càng, nhất là sau khi stress nhiệt (hoặc sau mùa hè) ít nhất là 8 tuần.

Kiểm soát nhiệt độ của liều tinh là rất quan trọng vì chúng có thể trở nên quá nóng 1 cách nhanh chóng và giảm chất lượng đáng kể. Phải đảm bảo liều tinh được bảo quản trong 1 bình chứa cách nhiệt khoảng 16-18oC và tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp cho đến khi mang ra thụ tinh.
2. Heo mẹ đang cho con bú.
Cho heo ăn 2 lần/ngày và 3 lần/ ngày vào giữa giai đoạn cho con bú, bữa tối nên cho ăn nhiều hơn 2 bữa kia 1 chút. Kiểm tra máng ăn thường xuyên, không để thức ăn thừa đã hỏng, ôi thiu trong máng, nhất là mùa nóng.
Kiểm tra chất lượng nước và tốc độ dòng chảy (nên là 2-2,5 lit/phút) trong khoảng thời gian cao điểm mỗi ngày. Nếu quá nóng và heo ăn kém, có thể cho ít nước làm ẩm cám cho heo ăn.
Kiểm soát nhiệt bổ sung trong chuồng heo đẻ. Đặc biệt là 12h đầu sau khi sinh heo con. Mục đích là để heo con và heo mẹ không quá lạnh hay quá nóng.
Khu vực ổ của heo con nên được cách nhiệt, tránh làm heo mẹ nóng. Ngoài ra, nếu heo mẹ quá nóng, ta có thể dùng nước lạnh làm ướt cổ cho heo nhưng tuyệt đối không làm ướt heo con.

3. Heo nái mang bầu
Stress nhiệt có thể làm thiếu hụt 1 số hormone cần thiết hỗ trợ cho bào thai heo. Nên chuẩn bị cho heo 1 nền bê tông ướt, sạch để nằm lên cho mát.
Chú ý quan sát vị trí heo nằm vào các thời điểm trong ngày, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên vị trí đó. Nếu cần thiết, có thể dùng rèm che bớt cửa sổ lại.
4. Heo choai và heo vỗ béo.
Kiểm tra chất lượng nước và tốc độ dòng chảy thường xuyên đủ cho heo dùng.
Kiểm tra thức ăn, không để tình trạng bị lên men do mùa nóng thức ăn thường lên men rất nhanh chóng. Nếu cần thiết, nên điều chỉnh lại việc đặt hàng thức ăn, tránh thức ăn tồn trong kho quá nhiều, nhất là các thùng chứa thức ăn lại có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
Giảm mật độ heo trong mỗi ô chuồng và sử dụng vòi phun để làm mát cho heo nếu quá nóng.
VietDVM team biên dịch
Theo: thepigsite

Virbac Việt Nam được thành lập ngày 18/8/1997 và là công ty 100% vốn của Pháp.
Virbac Việt Nam có đội ngũ nhân viên được đào tạo chính quy và bài bản. Công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước các loại thuốc chất lượng cao dùng trong thú y, thủy sản và chăm sóc thú cưng.

Hiện nay Virbac Việt Nam chúng tôi cần tuyển:
Vị trí: Chuyên viên Kỹ Thuật – Gia súc & Gia cầm (Biên chế thuộc bộ phận Kỹ thuật, báo cáo trực tiếp cho Giám đốc Kỹ thuật – Gia súc & Gia cầm)
Số lượng: 02
Địa điểm làm việc:
- 01 làm việc tại văn phòng Hà Nội.
- 01 làm việc tại văn phòng TP.HCM
Trách nhiệm chính sẽ là:
- Cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các trại chăn nuôi nhằm tạo nhu cầu sản phẩm Virbac
- Nắm bắt thông tin cạnh tranh và làm các báo cáo phân tích
- Tổ chức thực hiện các hội thảo, thăm và hổ trợ các trại chăn nuôi
- Tập huấn đội ngũ kinh doanh và các câu lạc bộ Virbac
- Triển khai các chiến lược marketing của Công ty
- Thực hiện các báo cáo theo yêu cầu
Yêu cầu:
Tốt nghiệp bác sĩ thú y, bằng thạc sĩ hoặc đào tạo đặc biệt có kinh nghiệm tương đương về chăn nuôi và điều trị bệnh cho heo
Có ít nhất năm năm kinh nghiệm ở vị trí kỹ thuật trong ngành thuốc thú y hoặc trại chăn nuôi heo.
Hiểu biết thị trường và các sản phẩm thú y dùng trong ngành chăn nuôi heo & gà, đặc biệt hiểu biết về các sản phẩm vaccine
Nắm vững cách tổ chức thực hiện hội thảo
Kỹ năng giao tiếp, trình bày và giải quyết vấn đề tốt
Sử dụng tốt tiếng Anh và vi tính văn phòng (đặc biệt Power Point)
Sẵn sàng đi công tác, có tinh thần phục vụ khách hàng, hợp tác đồng đội và sáng tạo.
Liên hệ:
- Ứng viên quan tâm vui lòng gửi hồ sơ (không cần công chứng) ghi rõ vị trí ứng tuyển đến
- Bộ phận Nhân sự: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. hoặc Lầu 6, tòa nhà Minh Long,17 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP. HCM
- Điện thoại: 084 8 39 333 170 - Fax: 084 8 39 333 160
Chúng tôi chỉ liên lạc các hồ sơ phù hợp.
Thông tin được cung cấp
Mr. Tran Quyen

Thời gian gần đây, VietDVM nhận được rất nhiều trường hợp bệnh trên heo thịt từ 20-30 kg trở lên bị đỏ người, nổi nốt, sưng phù, triệu chứng thần kinh, chết đột ngột, sùi bọt mép, có con mổ ra thì bàng quang căng phồng...
VietDVM quyết định giới thiệu đến quý độc giả một trường hợp bệnh trên heo tương tự đã xảy ra trong thực tế (từ quy mô trại, biểu hiện bệnh, bệnh tích mổ khám cho đến các cách lập luận mà các chuyên gia đã áp dụng để chẩn đoán, cách xử lý khi đã chẩn đoán ra bệnh) để các bạn có thể tham khảo, học hỏi cũng như rút kinh nghiệm cho chính trường hợp của mình.
»› Tổng hợp kiến thức chăn nuôi heo
Trường hợp lâm sàng này được biết đến cách đây 4 năm tại một khu vực trại có mật độ chăn nuôi khá cao tại Mỹ với 1.100 con heo nái. Các heo nái được tiêm vaccine giả dại và PRRS (tai xanh) định kỳ 4 tháng 1 lần cũng như định kỳ tiêm vaccine parvovirus và vaccine đóng dấu heo vào tuần đầu tiên của chu kỳ tiết sữa. Các trang trại đều dương tính ổn định với PRRS (bệnh tai xanh).
Cấu tạo trang trại bao gồm một các dãy chuồng cho heo nái và kèm theo mỗi dãy đó là 8 dãy chuồng cho heo con, mỗi dãy 300 heo con.
Các triệu chứng cụ thể về bệnh trên heo
Heo thường phát bệnh vào giai đoạn cuối của thời kỳ cai sữa, lúc chuẩn bị đổi từ cám cai sữa sang cám heo thịt, cân nặng lúc đó vào khoảng 30kg trở lên.
Một số heo chết đột ngột mà không có triệu chứng rõ ràng. Những heo còn lại 2 mắt sưng to, trầm cảm, ban đầu có khó thở, rối loạn thần kinh (co giật, đi lại không vững).
Một vài con thậm chí còn nặng đến mức xuất hiện triệu chứng nằm nghiêng người và chân đạp như đạp xe. Tuy vậy, đa phần heo chết trước khi xuất hiện triệu chứng “đạp xe”.
Heo nhiễm bệnh không sốt. Tỷ lệ tử vong gần 100%.

Bệnh tích của heo có biểu hiện triệu trứng như trên.
Phù mí mắt, đoạn ruột già và lớp biểu mô của dạ dày phình to tích nước. Trong một số trường hợp nặng, hệ thống hạch bạch huyết màng treo ruột phát triển dày đặc, heo tiêu chảy thậm chí có thể xuất huyết cả ruột.

Các dấu hiệu bệnh tích này thường khá đặc trưng, chúng cũng thường nhanh chóng kết hợp với các bệnh tích điển hình thuộc giai đoạn cuối của bệnh phù nề. Các dấu hiệu bệnh này thường xuất hiện nhiều nhất khi thay đổi thức ăn cho heo mà heo lại ăn quá nhiều.
Tỷ lệ mắc bệnh thường rất thấp, trung bình khoảng 1% nhưng khoảng dao động lại khá lớn, có đàn 0% nhưng cũng có đàn tới 4% heo mắc bệnh.
Thời gian mắc bệnh càng lâu, bệnh càng nặng, nhiều heo con ở các ô khác bắt đầu bị ảnh hưởng. Có những lúc tỷ lệ chết có thể lên tới 10%.
»› Xem thêm: 10 nguyên nhân gây bùng phát bệnh E.coli trong trại
»› Xem thêm: Chẩn đoán - điều trị bệnh E.coli trên heo con theo mẹ
Phân tích trong phòng thí nghiệm.
Heo bệnh không sốt, cũng không có bất kỳ phản ứng tích cực nào với kháng sinh hay thuốc chống viêm. Kết hợp với các triệu chứng, bệnh tích quan sát được, các bác sỹ thú y đã loại bỏ sự nghi ngờ đối với bệnh viêm màng não do cầu khuẩn và bệnh glasser .
Chẩn đoán ban đầu ở trên càng được khẳng định hơn trong phòng thí nghiệm. Giải phẫu não bộ heo con bệnh cho thấy các tổn thương tiêu biểu như: tổn thương mạch máu não và phù màng não trên 5 heo bệnh.
Các bác sỹ thú y cũng đã phân lập được vi khuẩn Ecoli có trong ruột heo và cũng đã test thử các chủng kháng sinh nhạy cảm.
Cuối cùng, sau khi phân tích, các bác sỹ đã kết luận nguyên nhân gây heo chết là do nhiễm độc tố của vi khuẩn E.coli.
Rất nhiều biện pháp đã được các bác sỹ thú y tiến hành lúc đó:
01 Đầu tiên, các bác sỹ bổ sung các thuốc kháng sinh nhạy cảm đã test ở trên vào thức ăn và nước uống để chống lại các tác nhân lây nhiễm kế phát nhưng không giải quyết được vấn đề, hơn nữa số heo chết còn tăng lên theo thời gian, các heo con trong trại đó cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tuy nhiên, heo con của các trang trại xung quanh không bị nhiễm bệnh tương tự nên có thể dễ dàng kiểm soát không cho mầm bệnh phát tán.
02 Bổ sung kháng sinh thất bại nên các bác sỹ tiếp tục hành động để hạn chế sự xuất hiện của E.coli trong nước và trong môi trường. Nước uống vừa được axit hóa vừa được bổ sung thêm các vi khuẩn có lợi cho heo tiêu hóa như Lactobacillus, Streptococcus và Enterobacteriaceae. Đồng thời, rút ngắn chu kỳ phun sát trùng toàn trại xuống còn 3-7 ngày phun 1 lần.
03 Tìm kiếm các loại thức ăn thích hợp hơn, đồng thời điều chỉnh chế độ cho ăn – thay đổi từ từ không đột ngột và giảm hàm lượng protein trong thức ăn xuống.
04 Sử dụng các chế phẩm sinh học khác nhau, chẳng hạn như Saccharomyces cerevisiae để bảo vệ heo từ thực vật gây bệnh bằng cách loại trừ cạnh tranh (nghĩa là các chế phẩm sinh học này sẽ cạnh tranh với mầm bệnh nhằm giảm thiệt hại do mầm bệnh gây ra).
05 Thời điểm đó chưa có vaccine chống bệnh phù nề nên không thể tiêm.
»› Xem thêm: Kiểm soát E.coli gây sưng phù đầu trên heo con
Biện pháp thứ 2 được thực hiện:
Sau khi 1 loạt các biện pháp trên không giải quyết được vấn đề, các bác sỹ thú y bắt đầu:
- Giảm mật độ của toàn bộ chuồng heo con cai sữa.
- Sau đó vệ sinh sạch toàn bộ cơ sở vật chất có trong trại: vệ sinh cơ học, phun sát trùng.
- Đồng thời làm sạch toàn bộ đường ống cấp nước để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
- Vì không thể làm sạch một số khu vực như hố chứa phân, nơi chứa thức ăn nên các bác sỹ đã bổ sung các chất khử trùng vào những nơi đó để giảm thiểu tối đa vi khuẩn.
- Những chú heo được đưa ra khỏi khu vực cách ly, điều trị (khu vực mật độ thấp) sau ít nhất 7 tuần ở trong đó mà vẫn khỏe mạnh bình thường.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng không thành công: hàng loạt heo tiếp tục chết do phù nề với một tỷ lệ tương đương trường hợp trên.
»› Bạn có biết tại sao heo con bị tiêu chảy???
Biện pháp thứ 3 được thực hiện:
Tuyệt vọng với tình hình ngày càng tồi tệ, tỷ lệ heo chết ngày càng tăng, nhưng căn cứ vào việc heo cai sữa ở các trang trại khác không bị bệnh (nghĩa là nguyên nhân bệnh có thể không phải do bệnh truyền nhiễm), nhóm các bác sỹ thú y điều trị đã ra 1 quyết định đặc biệt. Di dời toàn bộ số heo trong chuồng và dọn sạch sẽ hố phân ở phía dưới chuồng.

Miệng hố cũng được vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa chất bẩn tích tụ, sau đó dùng vôi rắc lên trên bề mặt để thấm hút nước và sát trùng.

Tổng chi phí lên tới 60.000 EUR. Trong thời gian sữa chữa đó, heo cai sữa bệnh được gửi đến các cở sở heo cai sữa khác hoặc di chuyển thẳng đến chuồng heo thịt.
Lần này bệnh đã được loại trừ. Tuy nhiên, chiến lược lần này là vô cùng mạo hiểm khi số vốn đầu tư ra khá lớn trong khi không thể đảm bảo 100% bệnh không tái phát trở lại vì nếu nguồn gây bệnh là do trong phân của heo nái có vi khuẩn tiết độc tố E.coli thì khi áp lực mầm bệnh đủ lớn heo sẽ tái nhiễm bệnh.
Trong thực tế, các bác sỹ biết rằng, trong 1 số trường hợp chúng ta không thể kiểm soát được vi khuẩn E.coli (vào thời điểm xảy ra dịch này cách đây 5 năm), tuy nhiên họ không còn sự lựa chọn nào khác.
Kết luận
Vấn đề sức khỏe nói chung và bệnh phù nề trên heo nói riêng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng để có hướng điều trị đúng đắn nhưng điều trị bằng kháng sinh không phải lúc nào cũng hiệu quả, đó không phải là lựa chọn lâu dài, bền vững trong việc kiểm soát mầm bệnh và cũng không nên lạm dụng kháng sinh trong khi căn nguyên của vấn đề đôi khi là do quản lý, môi trường chưa tốt như trường hợp trên.
An toàn sinh học tổng thể là một khía cạnh thường bị coi nhẹ trong các trường hợp chẩn đoán bệnh đường ruột.
Mỗi chiến lược kiểm soát bệnh cần được tính toán kỹ càng từ hiệu quả mong đợi, thời gian, chi phí...sau đó cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm của từng chiến lược một để có quyết định hợp lý nhất thì chúng ta sẽ giảm thiểu được rất nhiều những thiệt hại không đáng có.
VietDVM team biên dịch
Theo: Pig333

Vừa qua một số phương tiên thông tin đại chúng đưa tin về việc Cục Thú y tiếp tục đề xuất nhập khẩu gà từ Trung Quốc. Cục Thú y khẳng định với NNVN không có chuyện cơ quan này đề xuất nhập khẩu thịt gà và gà giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Như đã thông tin, trong nhiều năm qua Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc đã thực hiện việc hợp tác để chia sẻ thông tin trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích là để giảm thiểu và ngăn chặn sự xâm nhiễm dịch bệnh động vật nguy hiểm qua biên giới, bảo vệ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của hai nước, cũng như giảm thiểu nguy cơ của một số dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người.
Tại cuộc họp song phương lần thứ 3 được tổ chức tại Nam Ninh (Trung Quốc) vào tháng 12/2014, Cục Thú y Trung Quốc chủ động đề xuất với Việt Nam về việc xuất khẩu thịt gà và gà giống 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời đề nghị Cục Thú y Việt Nam cho biết yêu cầu về vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu thịt gà và gà giống từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Ngược lại, Cục Thú y Việt Nam đã chủ động đề xuất xuất khẩu trâu, bò, lợn sống và vịt sống từ Việt Nam sang Trung Quốc, đồng thời đề nghị Cục Thú y Trung Quốc cho biết yêu cầu về vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu các loại động vật này từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tại cuộc họp song phương lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 1/2016, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục trao đổi các thông tin về kiểm soát dịch bệnh động vật truyền lây qua biên giới và các nội dung đã được hai bên đề xuất như đã nêu trên.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ NN-PTNT Việt Nam chưa chấp nhận và chưa đề nghị Chính phủ về việc nhập khẩu gà từ Trung Quốc vào Việt Nam. Về tình hình nhập khẩu gà giống từ các nước vào Việt Nam: Trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin, Việt Nam đủ khả năng cung cấp gà giống để chăn nuôi trong nước và không phải nhập khẩu gà giống từ các nước.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của các đơn vị liên quan: Năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu trên 1,3 triệu con gà giống, năm 2015 nhập khẩu trên 2,2 triệu con gà giống và năm 2016 đang tiếp tục nhập khẩu rất nhiều gà giống từ nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức.
Như vậy, khẳng định không có chuyện Cục Thú y Việt Nam chủ động đề xuất nhập khẩu thịt gà và gà giống từ Trung Quốc vào Việt Nam; Trung Quốc là nước chủ động đề xuất tại cuộc họp song phương vào cuối năm 2014, nhưng đến nay phía Việt Nam chỉ mới ghi nhận đề nghị này.
Việc đề xuất của các nước đối với việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào thị trường Việt Nam cũng tương tự như đối với việc đề xuất xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước là hoàn toàn đúng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và Tổ chức Thú y thế giới. Các nước có quyền căn cứ quy định và các tiêu chuẩn kỹ thuật của mình, cũng như các quy định của quốc tế để xem xét việc quyết định việc xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Tác giả: PV báo Nông Nghiệp Việt Nam