Hai đoạn video ngắn được đưa ra nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở ấp trứng và các cán bộ thú y cách ấp trứng sao cho hợp vệ sinh và tối đa lợi nhuận.
Dự án do Cục chăn nuôi (DLP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ NN & PTNT), trung tâm khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ tài chính từ cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đưa ra hai video nhằm hướng dẫn cách ấp trứng an toàn, hợp vệ sinh cũng như tuyên truyền tầm quan trọng của nguồn con giống sạch trong chăn nuôi.
Ông Lê Thành Thương - chủ lò ấp tham gia dự án
Đoạn video đào tạo sẽ được sử dụng để giáo dục các cán bộ thú y và hướng dẫn các chủ trại giống và công nhân để quản lý các trại giống của họ một cách hợp vệ sinh và có lợi nhuận cao hơn nữa. Còn đoạn video tuyên truyền vận động lại nhằm mục đích truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo, các nhà tài trợ, các đối tác và công chúng nói chung về việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy tầm quan trọng của trại sản xuất giống sạch và an toàn.
Hai đoạn video được xây dựng dựa trên câu chuyện thành công từ chính các trại sản xuất giống thí điểm tại Cần Thơ và Quảng trị trong dự án lần này của FAO và DLP.
Theo ông Lê Viết Tuệ, một trong những chủ trại giống từ các dự án thí điểm ở tỉnh Quảng Trị, "Bằng cách áp dụng các biện pháp thực hành an toàn sinh học được khuyến cáo, thu nhập của chúng tôi từ việc sản xuất giống đã tăng năm phần trăm, môi trường sống của chúng tôi cũng tốt hơn và sạch hơn nhiều so với trước đó."
Theo thống kê và đánh giá của FAO và DLP, các trại giống quy mô vừa và nhỏ sau khi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đã được khuyến cáo trong thời gian 3 tháng thì tỷ lệ ấp nở tăng trung bình 3,9% so với trước và thu nhập của mỗi trại tăng từ 5,64 đến 90 triệu đồng (271 đến 4327 đô la Mỹ), tùy thuộc vào quy mô trại giống.
Ngoài ra, tỷ lệ sống của vịt con trong tuần đầu tiên cũng được cải thiện đáng kể, từ đó nâng cao sự tin tưởng của khách hàng đối với các cơ sở ấp nở cũng như giúp việc kinh doanh của các cơ sở ấp nở giống phát triển hơn trước.
"Các mô hình thí điểm đã chỉ ra rằng chỉ bằng một số biện pháp đơn giản nhưng có thể cải thiện đáng kể vệ sinh và năng suất của trại giống từ đó góp phần chăn nuôi gia cầm khỏe mạnh. Bằng chứng này đã được sử dụng để ban hành hướng dẫn chính thức của Bộ NN & PTNT nhằm hỗ trợ các trại giống có quy mô vừa và nhỏ đồng thời cải thiện tình hình kinh doanh hiện tại ", ông Scott Newman, Điều phối viên kỹ thuật cao cấp của FAO ECTAD Việt Nam cho biết.
Với nhu cầu tiêu thụ gia cầm ngày càng tăng do tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tại Việt Nam, số lượng các hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giống quy mô vừa và nhỏ cũng tăng theo. Vì vậy các trại sản xuất giống đã trở thành một nút thắt quan trọng trong dây chuyền sản xuất gia cầm của Việt Nam.
Chính vì công tác an toàn sinh học tại các trại này vẫn chưa được chú trọng từ đó góp phần vào sự lây lan của mầm bệnh như virus cúm gia cầm (AI), hay các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác đồng thời gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Cho nên việc tuyên truyền, hướng dẫn các trại giống thực hiện theo đúng các biện pháp an toàn sinh học cơ bản đã được hướng dẫn là vô cùng quan trọng.
"Với sự hỗ trợ từ USAID, DLP và FAO sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trên toàn quốc để giảm nguy cơ cúm gia cầm và thúc đẩy một môi trường trong sạch, an toàn hơn cho cả người và gia cầm tại Việt Nam." Theo ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc DLP cho biết.
Hoa đá tổng hợp