'Đấu trường' chăn nuôi và chiến lược 'xe tăng' của Hòa Phát

| Ngày10/08/2016

Không rón rén tiếp cận thị trường qua đường ngách, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chọn cách cạnh tranh trực diện. Chiến lược “xe tăng, xe lu” của Hòa Phát liệu có mạo hiểm trong một thị trường đầy những đối thủ sừng sỏ như hiện nay?

 

Chịu chơi rót 1.400 tỷ đồng

 

Câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp lại tiếp tục là “điểm nóng” của Hòa Phát được cổ đông đặc biệt quan tâm, bởi trong khoản lãi hơn 3.050 tỷ đồng (sau thuế) thu về 6 tháng đầu năm 2016, chưa có đồng lãi nào đến từ mảng nông nghiệp.

 

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này đã tăng 300 tỷ đồng, lên hơn 1.400 tỷ đồng. Số vốn này bao gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi đã hoàn thành ở Hưng Yên, nhà máy thức ăn chăn nuôi đã hoàn thành 50% ở Đồng Nai, nhà máy thức ăn chăn nuôi chuẩn bị xây dựng ở Phú Thọ, 1.400 con lợn cụ kị được nhập về bằng máy bay từ Đan Mạch… Chưa kể, Hòa Phát đang chuẩn bị nhập khẩu bò Úc về vỗ béo, tiếp tục xây dựng hoặc mua lại một nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long… 

Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 300.000 tấn/năm ở Hưng Yên của Hòa Phát đã hoàn thành và đang đi vào chạy thử. Ảnh: T.H
Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 300.000 tấn/năm ở Hưng Yên của Hòa Phát đã hoàn thành và đang đi vào chạy thử. Ảnh: T.H

Lý giải nguyên nhân mảng nông nghiệp chưa mang lại lợi nhuận, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho hay, nhà máy nào cũng vậy, phải sản xuất đến một lượng nhất định mới đến điểm hòa và có lãi. Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát có công suất 300.000 tấn/năm, thì theo nguyên tắc, phải sản xuất được 150.000 tấn mới đạt điểm hòa, trên mức đó mới có lãi.

 

“Điều đáng mừng là tình hình bán hàng của nhà máy thức ăn chăn nuôi rất tốt, vượt cả mong đợi. Còn đòi hỏi có lãi ngay trong năm 2016 thì chưa thể được, vì nhà máy vừa xây dựng cơ bản xong và đang làm thị trường. Tương tự, đàn lợn cụ, kị mới nhập về và theo kế hoạch thì phải 3 năm, tức sang năm 2018 mới cho xuất lô lợn giống đầu tiên”, ông Long giải thích.

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, với bất kỳ doanh nghiệp nào nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện tiên quyết là phải trường vốn, bởi đây là lĩnh vực chậm hoàn vốn, tỷ lệ lợi nhuận biên khá thấp. Tuy nhiên, nếu có khả năng “chịu lỗ” được trong vòng 3-5 năm và có khả năng sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, nông nghiệp sẽ đem lại doanh thu ròng cho doanh nghiệp những năm sau đó, với tốc độ phát triển bền vững.

 

Nhìn vào bảng cân đối tài chính , có thể thấy, vốn không phải là bài toán khó với ông lớn ngành thép này, khi nợ ngắn hạn và dài hạn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng tài sản. Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2015 còn gần 5.550 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát tiếp tục làm cổ đông “choáng” khi lãi tới hơn 3.050 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2015. Với tiềm lực tài chính này, Hòa Phát thừa sức lấy thép nuôi nông nghiệp.

 

Hơn nữa, Hòa Phát nhảy vào nông nghiệp thời điểm này cũng được coi là thời điểm vàng, khi thị trường thức ăn chăn nuôi tăng trưởng trên 10% mỗi năm, ngành chăn nuôi liên tục phát triển. Không những thế, trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi hoang mang, ám ảnh của từng gia đình, sự tham gia của những ông lớn như Hòa Phát, Vingroup… trở thành sự mong đợi của người tiêu dùng .

 

“Đầu tư vào nông nghiệp rủi ro cao, song bao giờ cũng đi kèm cơ hội lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch chưa bao giờ cao như hiện nay. Dĩ nhiên, trong ngắn hạn khoảng 3 năm tới, cổ đông chưa thể trông mong lợi nhuận thu về từ các công ty nông nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp Công ty phải triển ổn định, bền vững”, ông Trần Đình Long khẳng định.

 

Nhìn vào cơ cấu đầu tư, có thể thấy Hòa Phát đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và lựa chọn sản phẩm rất thận trọng, bao gồm: thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà với thứ tự đầu tư ưu tiên. Đầu tiên là thức ăn chăn nuôi, sau đó là lợn (chiếm 65% nhu cầu thịt của người tiêu dùng Việt Nam) rồi mới đến bò, gà. Đồng thời, xác định nông nghiệp là lĩnh vực có tỷ lệ lãi biên không quá lớn, nên đối với mỗi sản phẩm, Hòa Phát đều có chủ trương cạnh tranh bằng quy mô: 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, 1 triệu đầu lợn, 1 triệu đầu gà…

 

Một “điểm cộng” nữa khiến việc đầu tư vào nông nghiệp của Hòa Phát có điểm tựa vững chắc, đó là ngay từ đầu Tập đoàn đã chọn mô hình 3F, tức hoạt động theo quy trình khép kín Feed - Farm - Food (sản xuất thức ăn chăn nuôi - trang trại và chế biến thực phẩm). Hiện Tập đoàn đang tập trung vào 2 công đoạn Feed và Farm, nhưng bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó giám đốc tài chính Hòa Phát cho biết, tương lai, sau khi ổn định mảng chăn nuôi, Hòa Phát sẽ tiến hành mảng Food.

 

Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt gần đây nhận định, thức ăn và chi phí chiếm tới 80% giá thành chăn nuôi lợn. Với Hòa Phát, việc sản xuất từ gốc cả thức ăn lẫn con giống, làm chủ công nghệ, chăn nuôi khép kín với quy mô lớn… thì giá thành lợn hơi chỉ khoảng 33.000 đồng/kg (so với giá thành của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 42.000 đồng/kg). Với giá này, sản phẩm thịt lợn của Hòa Phát có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường, kể cả khi thực phẩm nhập ngoại tràn vào do hiệu ứng TPP (giá lợn hơi tại Mỹ khoảng 37.000 đồng/kg).

 

Vấn đề còn lại của Hòa Phát là làm sao để trụ trên thị trường đầy rẫy đối thủ sừng sỏ bởi không chỉ Hòa Phát mà rất nhiều doanh nghiệp khác, cả nội lẫn ngoại, đều trường vốn và lựa chọn mô hình đầu tư này.

 

Không ngại đối đầu trực diện với đối thủ

 

Với một tập đoàn đa ngành, tham gia lĩnh vực “lạ” không còn là chuyện mới với Hòa Phát. Trước đây, từ một doanh nghiệp sản xuất máy xây dựng, Hòa Phát đột ngột rẽ ngang sản xuất thép trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, thép Trung Quốc tràn ngập thị trường. Thế nhưng, hiện Hòa Phát đã là tập đoàn số 1 về thép. Nếu lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thị trường thịt tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hiện nay, chỉ sau 10 năm nữa, doanh thu của Hòa Phát từ lĩnh vực này có thể lên tới khoảng 15.000 tỷ đồng, tương đương 2/3 doanh thu đến từ mảng thép.

 

Chính vì vậy, sự tham gia của Hòa Phát vào “đấu trường” chăn nuôi khiến không ít đối thủ khó chịu. Hiện nay, chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi là Công ty CP với thị phần khoảng 20%, tiếp đó là Masan (sau khi đã thâu tóm Proconco và Anco) với khoảng 14% thị phần, đứng thứ ba là Greenfeed và Hùng Vương với hơn 8% thị phần. Đây cũng là những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi 3F, chưa kể một số tên tuổi khác như Dabaco, Japfa...

 

Trả lời chất vấn của nhà đầu tư về sự cạnh tranh của những đối thủ tầm cỡ trên thị trường, nhất là những đại gia ngoại, ông Trần Đình Long nói: “Tôi rất thích câu nói của bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam rằng, không sợ sự cạnh tranh bởi vì cạnh tranh cũng mang lại nhiều lợi ích. Thị trường thức ăn chăn nuôi có hàng chục tên tuổi lớn như CP, Con Cò, Green Feed... Quan điểm của tôi là rất tôn trọng họ, nhưng cũng không có gì phải lo ngại. Nhiều người khi theo đuổi một lĩnh vực mới thường chọn những thị trường ngách để tránh các đối thủ lớn. Nhưng Hòa Phát không ngại cạnh tranh, chiến lược của Hòa Phát là phải trở thành xe tăng, xe lu, nên cứ trực diện mà làm”.

 

Theo phân tích của các chuyên gia ngành chăn nuôi, khả năng thành công của Hòa Phát là khá lớn, bất chấp thị trường cạnh tranh khốc liệt. Trước hết, đó là do Hòa Phát chọn lĩnh vực dễ nhất và “ngon” nhất trong ngành nông nghiệp là chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Hòa Phát lại có lợi thế doanh nghiệp địa phương, có thể giúp doanh nghiệp thiết lập mạng lưới phân phối, cung ứng và giành được niềm tin của người tiêu dùng do tận dụng được uy tín đã được tạo lập từ trước.

 

Ngoài ra, Hòa Phát cạnh tranh chủ yếu bằng quy mô lớn, chăn nuôi tập trung, có thể kiểm soát chất lượng và hạn chế tối đa rủi ro. Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, với những lợi thế trên, Hòa Phát có thể cạnh tranh đạt được tỷ suất sinh lợi khá trong mảng kinh doanh này.

 

Tác giả: Hà Tâm
Nguồn tin: Báo Đầu Tư

  • Hãy là người đầu tiên bình luận về bài viết này
Bình luận như khách
Hoặc đăng nhập để bình luận
0 / 3000 Giới hạn ký tự
Chuỗi của bạn nên trong khoảng 10-3000 ký tự
Lưu ý: Bình luận của bạn sẽ phải đợi kiểm duyệt trước khi hiển thị.
Điều khoản & Quy định.
Xem thêm:

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status