Chó poodle có hôi không? - Chắc chắn nhiều bạn đang muốn nuôi poodle nhưng vẫn còn phân vân về mùi hôi trên chó. Tất nhiên ngoài vấn đề này, các bạn còn nhiều thắc mắc khác nữa, nhưng đây
 
Items filtered by date: /12/ 2013 - VietDVM | Trang thông tin kiến thức Chăn nuôi UY TÍN

Trong thực tế, các vaccine trên thị trường bây giờ được làm từ các chủng khác nhau, có một hỏi đặt ra là có hiện tượng bảo hộ chéo giữa các chủng của Newcastle? nếu có bảo hộ chéo thì dùng 1 chủng vaccine nào đó cho trại gà thì khi xảy ra dịch do các chủng khác thì nó có bảo hộ được không?

 

 

Chia sẻ bài viết của Trần Sỹ Hùng trên Vettalk.vn

 

Thời gian gần đây, tại Châu Âu đã xuất hiện một loại vi rút gây bệnh trên gia súc có tên là Schmallenberg (SBV). SBV được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2011 tại Đức, đến tháng 2/2012, SBV đã lây lan rộng tại các nước Bỉ, Đức, Anh, Pháp, Luxembourg và Italia. Các điều tra vi khuẩn học, miễn dịch học và dịch tễ học vẫn đang được tiến hành tại một số nước Châu Âu. Cục Thú y tổng hợp và giới thiệu một số thông tin về SBV.

 

images 16

Ảnh minh họa


Tác nhân gây bệnh

 

Vi rút được đặt tên theo địa phương Schmallenberg là nơi phát hiện vi rút đầu tiên. Đây là loại vi rút ARN, có vỏ bọc, phân đoạn, thuộc họ Bunyaviridae, giống Orthobunyavirus. SBV có liên quan đến nhóm vi rút huyết thanh Simbu, cụ thể là vi rút Shamonda, Akabane và Aino. Đến nay, số liệu giải trình tự gen cho thấy mối quan hệ gần với vi rút Shamonda.


Mặc dù vai trò chính xác của SBV cần được điều tra thêm, các thí nghiệm tiêm truyền ban đầu cũng như dữ liệu chẩn đoán cho thấy cừu và bê bị dị tật có mối liên hệ giữa sự xuất hiện của vi rút và các triệu chứng lâm sàng được ghi nhận.


Sức đề kháng của vi rút

 

Nhiệt độ: SBV mất tính lây nhiễm (hoặc giảm rõ rệt) ở 50 – 600°C trong ít nhất 30 phút.

 

Hóa chất/chất sát trùng: SBV mẫn cảm với các chất sát trùng thông thường (sodium hypochlorite 1%, glutaraldehyde 2%, ethanol, formaldehyde 70%).


Tồn tại: Vi rút không tồn tại bên ngoài vật chủ hoặc vật chủ trung gian trong thời gian dài.

 

Dịch tễ học

 

SBV gây bệnh trên động vật nuôi nhai lại. Ít có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Sự phân bố theo không gian và thời gian cho thấy bệnh trước tiên được lây truyền qua vật chủ trung gian sau đó lây truyền dọc theo nhau thai.


Vật chủ

 

Trâu, bò, cừu, dê là động vật cảm nhiễm. Không có thông tin về tính cảm nhiễm của động vật nhai lại hoang dã hoặc các loài động vật khác. Điều đáng lưu ý là nhóm vi rút huyết thanh Simbu gây bệnh trên động vật nhai lại hoang dã và kháng thể của vi rút Akabane đã được ghi nhận trên ngựa, lừa, trâu, hươu, lạc đà và lợn. Một số vi rút thuộc nhóm huyết thanh Simbu (vi rút Mermet, Peaton và Oropouche) cũng được phát hiện trên chim.

 

Chuột có thể mắc bệnh trong điều kiện thí nghiệm.


Chưa có ca bệnh trên người được ghi nhận đối với SBV tại các khu vực có dịch và hầu hết vi rút thuộc giống Orthobunyaviruses không gây bệnh trên người. Các đánh giá nguy cơ hiện tại cho thấy mặc dù chưa thể loại trừ nhưng mầm bệnh ít có khả năng gây bệnh trên người. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa ngành thú y và y tế là rất cần thiết nhằm phát hiện sớm các ca bệnh có thể xảy ra trên người, đặc biệt là người chăn nuôi và cán bộ thú y có tiếp xúc với động vật mắc bệnh.


Truyền lây

 

Sự lây truyền của SBV cần được nghiên cứu thêm, tuy nhiên giả thuyết dưới đây được đưa ra qua các điều tra dịch tễ và sự so sánh với các vi rút khác thuộc giống Orthobunyaviruses:

 

- Bệnh được truyền lây qua vật chủ trung gian (muỗi, muỗi vằn, côn trùng hút máu).

 

- Việc lây truyền qua nhau thai đã được chứng minh.

 

- Lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang động vật hoặc từ động vật sang người ít có khả năng xảy ra, tuy nhiên cần điều tra thêm.


Nhiễm trùng huyết và thời gian ủ bệnh

 

Gây nhiễm thí nghiệm trên bê xuất hiện triệu chứng nhẹ của bệnh trong khoảng 3 đến 5 ngày tiêm truyền và nhiễm trùng huyết trong 2 đến 5 ngày sau tiêm truyền. Chưa có dữ liệu trên dê và cừu (đến thời điểm tháng 2/2012).


Nguồn vi rút

 

Nguồn lây nhiễm là do vật chủ trung gian.

 

Vi rút đã được phân lập từ máu của động vật trưởng thành và thai bị nhiễm mầm bệnh, não thai nhiễm bệnh.

 

Nội tạng và máu của bào thai, nhau, dịch màng ối, phân của động vật sơ sinh.


Triệu chứng lâm sàng

 

Triệu chứng lâm sàng khác nhau theo loài gia súc: bò trưởng thành biểu hiện triệu chứng nhẹ, dị tật bẩm sinh xuất hiện trên các loài động vật nhai lại (bò, cừu, dê). Bò sữa và cừu có thể xuất hiện tiêu chảy.

 

Bò trưởng thành: sốt (>400°C), suy sụp, chán ăn, giảm sản lượng sữa (tới 50%), tiêu chảy, hồi phục sau vài ngày đối với cá thể và 2-3 tuần đối với đàn.

 

Dị tật và chết ngay sau khi sinh: tràn dịch não, cứng liền khớp, chứng trẹo cổ, chứng vẹo xương sống. Tỉ lệ chính xác dị tật chưa được biết.

 


Phân bố bệnh

 

Chỉ có một số Orthobunyaviruses được ghi nhận tại Châu Âu: vi rút Tahyna thuộc nhóm huyết thanh California, tuy nhiên vi rút từ nhóm huyết thanh Simbu chưa từng được phân lập tại Châu Âu.


Giai đoạn đầu: SBV được phát hiện vào tháng 11 năm 2011 tại Đức trên các mẫu bệnh phẩm được lấy từ động vật mắc bệnh (sốt, giảm sản lượng sữa). Các triệu chứng tương tự (bao gồm tiêu chảy) được phát hiện trên bò sữa tại Hà Lan – nơi phát hiện SBV vào tháng 12/2011.


Giai đoạn hai: đầu tháng 12/2011, dị tật bẩm sinh được ghi nhận trên cừu mới sinh tại Hà Lan và SBV đã được phát hiện và phân lập từ mô não. Đến tháng 2 năm 2012, Bỉ, Đức, Anh, Pháp, Luxembourg và Italia đã ghi nhận có các trường hợp chết non và dị tật bẩm sinh trên gia súc với kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SBV.


Phòng chống dịch

 

Hiện tại chưa có biện pháp điều trị bệnh đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh do SBV gây ra. Kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh theo mùa vụ có thể giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Phương pháp tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh được thực hiện để ngăn chặn SBV lây lan.

 

Từ những thông tin thu nhận được trong thời gian qua, Cục Thú y nhận định trong thời gian tới bệnh do SBV gây nên có nguy cơ xuất hiện và lây lan tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Để chủ động trong công tác giám sát phát hiện bệnh sớm, Cục Thú y đã yêu cầu các đơn vị liên quan liên hệ với các phòng thí nghiệm chẩn đoán quốc tế và chuẩn bị quy trình chẩn đoán, nguyên vật liệu cần thiết sẵn sàng phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm dịch bệnh do SBV gây nên.

 

Theo Cục Thú Y

Hội chứng Viêm tử cung - Viêm vú - Mất sữa (MMA) ở heo nái
Published in Bệnh trên Heo

Hội chứng viêm tử cung - viêm vú - mất sữa (MMA - Mastitis - Metritis - Agalactia) là một hội chứng phức hợp các căn nguyên bệnh trên heo nái, bệnh thường xảy ra trong giai đoạn heo nái trước và sau khi đẻ. Giống tên gọi của nó, hội chứng bao gồm hiện tượng Viêm vú trên heo nái (trong giai đoạn trước khi đẻ), bệnh viêm tử cung ở heo nái (trong giai đoạn sau đẻ khoảng 1 tuần), hiện tượng Mất sữa ở heo nái (trong giai đoạn heo nái nuôi con). Hội chứng này nằm trong nhóm bệnh do quản lý, bởi vậy, ta hoàn toàn có thể khống chế được.

 

 

Bệnh viêm vú trên heo nái

 

Như ta đã biết, heo nái có khoảng 10 -18 vú (tức là 5 - 9 cặp), sữa được tiết ra ngoài qua 2 - 3 ống dẫn sữa 

     

Hình 1, 2, 3: vú bình thường (tiết sữa bình thường)

Hình 4: Vú có chức năng kém                             
Hình 5: Vú bị tổn thương, hoại tử đầu vú (mất sữa)

Các cặp vú của heo nái

 

 

»› Tổng hợp kỹ thuật chăn nuôi heo bạn nhất định phải biết

 

Vì những nguyên nhân khác nhau, có thể do heo nái bị nhiễm trùng hay do thiếu dinh dưỡng, do hormone, hay do một số virus như cúm, PRRS, heo bị Viêm dạ dày-ruột mà dẫn đến heo nái bị mất sữa. Điều này khiến cho heo nái không có đủ sữa nuôi con, heo con sẽ gầy, sơ xác, kháng thể mẹ truyền cho heo con ít nên heo con dễ mắc bệnh, chậm lớn.

Bệnh viêm vú trên heo nái
Bệnh viêm vú trên heo nái

 

 Xem thêm: Bí quyết chăn nuôi heo nái thành công

 

Heo nái bị nhiễm khuẩn: 

 

Trường hợp này, heo nái có thể bị một số vi khuẩn xâm nhập trong núm vú gây viêm vú: E.Coli (Coliform), Staphilococus, Streptococcus, Pseunomonas, ... 

 

»› Tổng hợp kiến thức kháng kháng sinh trong chăn nuôi bạn nhất định phải biết

 

Heo nái thiếu dinh dưỡng:

 

Trường hợp này hay gặp vào mùa nóng, heo nái kém ăn trong khi nhu cầu dinh dưỡng trong lúc này đang cần rất cao để sản sinh ra sữa nuôi con. Điều này dẫn đến heo nái kém sữa, mất sữa.

 

»› Nhu cầu dinh dưỡng trong chăn nuôi heo sinh sản giai đoạn mang thai

 

Heo nái bị phù tuyến vú:

 

Nguyên nhân là do heo nái ăn nhiều trước khi đẻ, heo nái uống ít nước dẫn đến bị táo bón, hay cũng có thể do heo nái bị stress. Heo nái bị dịch phù tích lại trong mô bào tuyến vú, dẫn đến các bầu vú cứng, heo nái cảm thấy khó chịu (nhưng không cảm thấy đau) do sức ép của dịch phù. 

 

Heo nái có tuyến vú kém phát triển:

 

Nguyên nhân có thể do di truyền, do hormone, do thiếu dinh dưỡng, độc tố nấm mốc, ... có thể dẫn đến tuyến vú của heo nái kém phát triển, gây thiếu sữa, mất sữa.

 

Heo nái quá già, quá mập. 

 

 

Bệnh viêm tử cung ở heo nái

 

Bệnh viêm tử cung ở heo nái trong thực thế đa số do con người can thiệp vào trong giai đoạn đẻ (dùng tay hoặc dụng cụ móc ), cũng có thể do thai ngang (ít gặp hơn), hay thời gian đẻ quá kéo dài:

 

- Thời tiết mát mẻ, thời gian đẻ trung bình khoảng 3 giờ

 

- Thời tiết nóng, thời gian đẻ trung bình khoảng 4 giờ.

 

Trong khi ta không tiêm phòng viêm cho heo nái kịp thời. Thực tế, ta có thể dùng kháng sinh Amoxicylin để tiêm phòng bệnh viêm tử cung ở heo nái. Do kháng sinh Amoxicylin khá lành cho heo nái nên có thể tiêm trước hoặc trong lúc đẻ mà không ảnh hưởng đến heo nái. Tiêm thêm kháng sinh phòng lúc này giúp cho heo nái phòng một số vi khuẩn cơ hội gây viêm.

 

 

Để phát hiện là heo nái có bị viêm hay không, ta có thể quan sát qua dịch tiết từ tử cung từ đó phát hiện bệnh viêm tử cung ở heo nái

 

Bệnh viêm tử cung trên heo nái - heo nái chảy dịch
Bệnh viêm tử cung  ở heo nái - heo nái chảy dịch
Ý nghĩa của dịch tiết trên heo nái
Thời gian xuất hiện dịch tiết Ý nghĩa dịch tiết
1 - 4 ngày sau đẻ Bình thường
> 5 ngày sau đẻ Viêm
Khi phối Bình thường
> 5 ngày sau phối Bình thường
14 - 21 ngày sau khi phối Viêm
Trong khi mang thai Viêm

 

 

Nguồn gốc các loại dịch viêm
Loại dịch viêm Nguồn gốc
Mủ vàng/trắng, đặc Sừng tử cung, Tử cung, Cổ tử cung, Âm đạo
Dịch lỏng, có mủ, màng nhầy, màu, nước tiểu Thận, Bàng quang, Âm đạo, Âm hộ
Lẫn chất trắng như phấn Cặn nước tiểu từ thận, bàng quang
Có máu tươi Xuất huyết trong cơ quan sinh dục

 

 

Bệnh mất sữa trên heo nái

 

Bình thường, heo nái tiết sữa từ 24 -26 lần/ngày, tức khoảng 1 lần/giờ. Heo nái thiếu sữa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và sức đề kháng của heo con. Nguyên nhân gây ra hiện tượng heo nái thiếu sữa là do:

 

- Heo nái sản xuất sữa kém: do tuyến vú kém phát triển.

 

- Heo nái tiết sữa kém: do phù tuyến vú (đã nói ở trên). Đối với heo nái lứa đầu, do hoảng sợ và đau đẻ.  

 

 

Phạm Nga               
(Bài viết có thao khảo một số tài liệu của đồng nghiệp)

Bệnh Gumboro (Infections Bursal Disease- IBD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng.  Bệnh thường nổ ra với gà từ 1 - 12 tuần tuổi, nhưng xảy ra mạnh nhất ở 3- 6 tuần tuổi. Động vật cảm thụ là tất cả các giống gà.

  

Virus gây bệnh Gumboro

 Bệnh do virus thuộc họ Binaviridae là một virus  ARN 2 sợi.  Virus có khả năng đề kháng cao, vậy nên các biện pháp sát trùng thông thường không thể tiêu diệt hết mầm bệnh ngoài môi trường. Sử dụng thuốc sát trùng Cloramin cho hiệu quả cao nhất. Khi virus tồn tại ngoài môi trường nó tăng độc lực qua mỗi lần cảm nhiễm nên cần có biện pháp để chống chuồng trại sau mỗi lứa nuôi.

 

 

Ảnh: viralzone

 

Con đường lây lan

 

- Lây từ mẹ sang con.

 

- Lây theo đường thức ăn, qua không khí.

 

- Lây qua dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi.

 

Khi virut xâm nhập cơ thể nó tấn công vào các tế bào lympho của ống tiêu hóa, gan sau đó đi đến túi fabricius gây nên các bệnh tích điển hình tại đây.

 

Biểu hiện khi gà mắc bệnh

 

Gà có những biểu hiện ban đầu sau nhiễm virus 2 - 3 ngày (thời gian ủ bệnh), sau đó có các biểu hiện bên ngoài như:

- Ủ rũ, giảm ăn, lông xù, run rẩy tụ lại thành từng đám.

 

- Tự mình quay lại cắn vào hậu môn.

 

- Tiêu chảy phân trắng có bọt, nhiều trường hợp có lẫn cả máu.

 

Phân gà mắc bệnh Gumboro

 

Biểu hiện khi mổ khám gà bệnh:

 

Gumboro3

Xác  chết bẩn, chân khô

 

Gumboro2

Gà bị xuất huyết cơ ngực

Gumboro4

Gà bị xuất huyết cơ đùi 

- Túi Fabricius sưng to tới ngày thứ thì 5 teo nhỏ.

 

Thận có chứa nhiều muối urat.

 

tui-Fa

 Túi Fabricius thay đổi kích thước theo diễn biến bệnh

 

Gumboro5   Gumboro6   Gumboro9

 Túi Fabricius của gà mắc bệnh

 

 

Chẩn đoán phân biệt

 

Ta cần chẩn đoán phân biệt bệnh Gumboro với một số bệnh khác dựa vào các triệu chứng và bệnh tích:

 

-Bệnh Newcastile

 

-Bệnh Cúm gia cầm

 

-Bệnh tụ huyết trùng

 

Kiểm soát bệnh Gumboro

 

Ngoài việc sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế mầm bệnh phát triển trong trại ta cần chú ý tới biện pháp sử dụng vaccine phòng bệnh. Sử dụng vaccine cho hiệu quả cao nhất, lựa chọn vaccine cho trại là điều quan trọng nhất, cần lựa chọn một trong 2 lịch dưới đây.

 

Lịch vaccine cho vùng bình thường

Ngày   Chủng vaccine
 10 -12  Chủng vaccine trung bình +
18 -20   Chủng vaccine trung bình

Lịch vaccine cho vùng có áp lực bệnh gumboro cao

 Ngày  Chủng vaccine
 5 - 7  Chủng vaccine trung bình
 12 - 15  Chủng vaccine trung bình +
20 - 22   chủng vaccine trung bình

Ngoài ra ta cần chú ý tới sức khỏe đàn gà khi làm vaccine, chủng virus, công ty sản xuất, nhà phân phối, bảo quản vaccine, kỹ thuật làm vaccine sao cho có hiệu quả cao nhất.

 

 

Xử lý khi gà mắc bệnh Gumboro

 

- Bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. 

- Ta cần phát hiện gà bệnh càng sớm càng tốt và chẩn đoán chính xác bệnh Gumboro.

- Việc đầu tiên khi xử lý bệnh Gumboro là không sử dụng kháng sinh.

- Nên sử dụng các biện pháp bổ sung tích cực các chất điện giải, đường, vitamin, hạ sốt cho gà .v .v . 

 

(Còn nữa ...)

 

VietDVM team

Bệnh Newcatle là một bệnh rất phổ biến và cũng được rất nhiều người chăn nuôi quan tâm, bởi bệnh có tỷ lệ chết rất cao và tỷ lệ lây lan rất nhanh, có thể lây lan trên một diện rộng. Cũng chính bởi tính chất nguy hiểm như vậy mà trong chăn nuôi, bệnh này được người chăn nuôi luôn chú trọng hàng đầu. Tuy nhiên, hiểu biết về bệnh của người chăn nuôi còn hạn chế, hoặc có một số thông tin còn nhiều tranh cãi.

 

Hôm nay chúng tôi xin đưa ra một số thông tin về bệnh Newcastle trên gà để mọi người cũng trao đổi, đóng góp để cùng hoàn thiện.

 

Bệnh Newcastle do Paramyxo virus - một ARN virus, gây ra. Virus có vỏ bọc, trên vỏ có gai kháng nguyên HN và kháng nguyên F và có khả năng ngưng kết hồng cầu. Bệnh có 9 type huyết thanh: PMV 1- 9. Chất chứa mầm bệnh: não, phổi, cơ quan nội tạng, dịch tiết đường hô hấp, phân. Lây lan qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

 

 

Các thể của bệnh Newcastle trên gà

* Dòng virus newcastle độc hướng đường ruột (Thể Doyle)

- Bệnh biểu hiện cấp tính, chết ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ chết 100%

- Sưng mặt, phù đầu, chảy nước mắt, nước mũi.

- Co giật, liệt chân

- Tiêu chảy phân xanh, có thể vấy máu.

 

* Dòng virus newcastle độc hướng thần kinh

- Bệnh biểu hiện cấp tính.

- Thường gây chết tỷ lệ cao.

 

* Dòng virus newcastle có độc lực trung bình

- Bệnh thường gây chết ở gà nhỏ

- Tỷ lệ chết thường thấp

- Biểu hiện triệu trứng về hô hấp và thần kinh.

 

 

* Dòng virus newcastle nhẹ hướng hô hấp

- Gây bệnh nhẹ hơn, biểu hiện ở thể hô hấp

- Đại diện ở dòng này là Hitchner B1 và Lasota dùng để làm vaccine

 

* Dòng virus newcastle nhẹ hướng tiêu hóa

- Không biểu hiện bệnh rõ ràng

- Đại diện ở dòng này là Ulster 2C dùng để làm vaccine.

 

Một số chủng thường gặp của Newcastle
Type Chỉ số ICPI Đánh giá
Phy IMV 0 - 0.16 Yếu
Hitchner B1 0.2 Trung bình
F 0.25 Trung bình
VG / GA 0.35 Trung bình
Clone 30 - 45 0.36 Trung bình
Lasota 0.4 Trung bình
Makteswa 1.4 Mạnh, cường độc

 Triệu chứng của bện Newcastle

* Thể tiêu hóa

- Xuất hiện bất thình lình, sốt cao, bỏ ăn.

- Khó thở, khát nước, liệt chân. Chết sau 4 - 8 ngày.

- Phù mắt, mũi, đầu, chảy nước mắt, nước mũi.

- Tiêu chảy phân xanh, có thể vấy máu.

- Tỷ lệ chết: 100% 

 

 * Thể hô hấp - thần kinh

- Xuất hiện đột ngột

- Khó thở, ngáp gió, ho, bỏ ăn, giảm hay ngừng đẻ

- 1-2 ngày sau xuất hiện triệu chứng thần kinh

- Tỷ lệ chết ở gà lớn 50%, ở gà con lên đến 90%

 

* Thể Hitchner B1

- Không gây bệnh trên gà lớn

- Ở gà con gây bệnh nặng ở đường hô hấp, có thể gây chết. 

Bệnh tích của bệnh Newcastle trên gà

- Tích dịch viêm ở thanh quan, khí quản

- Xung huyết, xuất huyết khí quản

- Có thể viêm ở phổi

- Túi khí viêm dày đục, tích dịch viêm và casein

- Dạ dày cơ có thể xuất huyết

- Dạ dày tuyến: xuất huyết ở đỉnh các tuyến

- Thành ruột xuất huyết đỏ đậm, kêt hợp hoại tử ở các mảng lympho, ở ngã ba van hồi manh tràng.

- Gà đẻ: nang trứng xuất huyết, mềm nhão, thoái hóa, có khi rớt trứng vào xoang bụng.

 

Chủng Newcastle mới - Class II genotype VIId

Trong những tháng cuối năm 2010, ở Malaysia, người ta phát hiện ra một chủng Newcastle mới: Newcastle virus Class II genotype VIId. Bệnh xảy ra trên gà thịt, gây chết khoảng 30 %, đặc biệt là giai đoạn gà 30 ngày tuổi. Trên gà đẻ, tỷ lệ đẻ giảm 30 -50%.

 

Bệnh xảy ra với triệu chứng đặc trưng là run đầu. Bệnh tích xuất huyết trên nhiều cơ quan nội tạng.

 

Chẩn đoán Bệnh Newcastle trong phòng thí nghiệm

- Phương pháp Elisa: Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là ta chỉ đánh giá được dương tính/âm tính về kháng thể trong máu của gia cầm. Phương pháp không định lượng được kháng thể có GMT (hiệu giá kháng thể trung bình) là bao nhiêu.

 

- Phương pháp HA - HI: cho kết quả nhanh, chính xác. Máu được lấy để kiểm tra kháng thể sau 2 tuần chủng ngừa vaccine.

 

+ Đối với gà nhỏ, kháng thể trong máu phải đạt: 2.5 ≤ GMT ≤ 5.5

Nếu GMT < 2.5, kháng thể trong máu không đủ bảo hộ cho gà con, nên làm lại vaccine cho gà.

Nếu GMT > 5.5, nên theo dõi thêm các triệu chứng lâm sàng để có hướng giải quyết kịp thời. Lúc này, kháng thể trong máu gia cầm, có thể là do virus trong chuồng nuôi chứ không phải do virus trong vaccine.

 

+ Đối với gà hậu bị và gà đẻ thì chỉ số GMT phải đạt: 7.5 ≤ GMT ≤ 9

 

Diễn biến kháng thể trong máu gia cầm

- Sau 4 tuần tuổi đầu tiên, ta có một lịch vaccine Newcastle khá dày cho gia cầm. Ra ngoài 4 tuần tuổi, khoảng ngày thứ 32 - 36, lượng kháng thể trong máu gia cầm giảm xuống.

 

- Khoảng ngày 35-36 ta chủng ngừa vaccine cho gia cầm, lượng kháng thể sẽ tăng lên đến khoảng ngày thứ 50 sẽ giảm dần.

 

Nếu ta tiêm vaccine nhũ dầu trong giai đoạn này, nó sẽ duy trì lượng kháng thể đến khoảng khoảng 16 tuần tuổi.

 

- Đến giai đoạn 16 tuần tuổi, ta chủng ngừa vaccine; nó sẽ duy trì đến giai đoạn khoảng 23-25 tuần tuổi giảm xuống. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ta nên chủng ngừa tiếp ở khoảng 21-22 tuần tuổi để duy trì lượng kháng thể sẽ hợp lý hơn.

 

- Trong giai đoạn sau, cứ 5 tuần, ta nên nhắc lại vaccine một lần.

 

Phòng bệnh newcastle trên gà

- Vệ sinh thú y tốt, thực hiện an toàn sinh học.

- Phòng bệnh bằng vaccine. Có thể tham khảo lịch vaccine cho trại:

+ 5 - 7 ngày bắt nhỏ từng con

+ 20 - 22 ngày nhỏ hoặc cho uống

+ 35 -40 ngày tiêm vaccine nhũ dầu

+ 16 - 18 tuần tiêm vaccine nhũ dầu

+ 21 tuần tiêm 1 mũi nhũ dầu

+ Khi vào đẻ cứ 5 tuần nhắc lại 1 lần uống. 

VietDVM team

Giáo trình Bệnh nội khoa gia súc của tác giả PGS Phạm Ngọc Thạch Trưởng bộ môn Nội - Chẩn - Dược - Độc chất khoa Thú Y - Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội là tài liệu không thể thiếu của bác sỹ thú y.

Đây còn là tài liệu được Khoa Thú Y - Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội sử dụng làm giáo trình giảng dạy cho các sinh viên ngành thú y.

Đăng nhập để thấy link download icon download1 

 

 

Heo con bị tiêu chảy - nguyên nhân heo con bị tiêu chảy
Published in Bệnh trên Heo

Heo con bị tiêu chảy là vấn đề mà người chăn nuôi heo hay gặp phải nhất, cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Tiêu chảy trên heo con có rất nhiều nguyên nhân, có thể do nhiễm vi trùng, do thức ăn bị hỏng, hay đôi khi lại là do sinh lý, quản lý của con người không tốt. Cũng chính bởi do nhiều nguyên nhân mà  người ta gọi chung là hội chứng. Hiện tượng Heo con bị tiêu chảy sẽ làm cho heo con gầy còm ốm yếu, giảm sức đề kháng, giảm tăng trọng, thậm chí dẫn đến gây chết cho heo con.

 

 

Hôm nay tôi xin trao đổi với các bạn về hội chứng Heo con bị tiêu chảy, từ đó chúng ta có thể kiểm soát hiện tượng này được tốt hơn, tăng hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên của heo con. Điều này rất quan trọng, bởi 70% sự thất thoát xảy ra nằm trong 5 ngày đầu tiên sau khi sinh.

 

Các nguyên nhân dẫn tới Heo con bị tiêu chảy có thể kể như sau:

 

Heo con bị tiêu chảy do không bú đủ sữa đầu

 

Trong những ngày đầu của heo con, việc heo con mắc những bệnh do virus gây ra thường sẽ rất ít xảy ra. Lý do là do ta đã tiêm các vaccine phòng một số bệnh quan trọng cho heo nái trước khi heo nái đẻ, điều này sẽ giúp cho heo con có một lượng kháng thể mẹ truyền bảo hộ cho heo con vượt qua những bệnh virus trong những ngày đầu tiên.

 

Trong giai đoạn heo con này, ta thường chuyển hướng quan tâm hơn một số nguyên nhân khác gây cho heo con bị tiêu chảy, và một trong số đó là nguyên nhân mà ít người để ý đến: Heo con không bú đủ sữa đầu trong những giờ đầu tiên. Heo con mới sinh ra, được bú sữa đầu càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 6- 10 tiếng đầu tiên, ít nhất phải trước 24 giờ đầu tiên.  Việc bú sữa đầu rất quan trọng, bởi không chỉ trong sữa đầu có hàm lượng dinh dưỡng cao cung cấp năng lượng cho heo con mà trong sữa đầu có một hàm lượng rất lớn các kháng thể quan trọng (Kháng thể mẹ truyền) giúp heo con vượt qua được những bệnh nguy hiểm trong khoảng 3 - 4 tuần đầu tiên. Cố gắng cho heo con bú sữa đầu càng sớm, càng nhiều càng tốt. 

 

Uống sữa đầu sau 24 giờ sẽ làm giảm sự hấp thu sữa đầu của heo con. Lý do là vì, hàm lượng sữa đầu trong những giờ đầu tiên là lớn nhất; mặt khác, trong cơ thể heo con lúc này chưa có hình thành những men tiêu hóa như:

 

- Pepsin, trypsin, chymotrypsin: được hình thành trong tuần đầu.

 

- Saccaraza: sau 2 tuần.

 

- Mantaza: đầy đủ sau 4 tuần.

 

Những men này cũng góp phần làm giảm hiệu quả hấp thu kháng thể trong sữa đầu của heo con. 

 
 

 

 

Heo con thiếu Sắt

 

Như chúng ta đã biết, Sắt là một thành phần rất quan trọng, tham gia vào quá trình tạo máu của cơ thể. Sắt liên kết trong các tổ hợp Heme của Hemoglobin và Myoglobin - thành phần chủ yếu của máu. Thiếu Sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, Sắt còn tham gia vào quá trình chuyển hóa một số vitamin như chuyển hóa β - Carotene thành Vitamin A. Hơn nữa, thiếu Sắt còn làm giảm hoạt tính của các Enzyme chứa Sắt, các Enzyme tham gia vào quá trình tổng hợp protein.

 

Nhu cầu Sắt của heo con trong 20 ngày đầu rất cao, mỗi ngày heo con cần  từ 7-12mg Sắt, trong khi đó sữa mẹ chỉ đủ cung cấp cho heo con 1mg Sắt mỗi ngày. Điều này dẫn đến tình trạng heo con thiếu Sắt. Việc bổ sung thêm Sắt cho heo con là rất cần thiết và quan trọng. Ta có thể bổ sung Sắt cho heo con vào ngày thứ 3 với ngày 10, mỗi lần 1cc/con; hoặc cũng có thể chỉ cần 1 mũi vào ngày thứ 3 với lượng là 2cc/con.

Thống kê các nguyên nhân hay gặp
Thống kê các nguyên nhân hay gặp

Vệ sinh kém dẫn tới heo con bị tiêu chảy

 

Vệ sinh rốn khi cắt rốn không tốt cũng có thể làm cho heo con bị viêm rốn, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cơ hội như E.Coli, Salmolella, Clostridium, Staphylococcus, ... xâm nhập, dẫn đến tiêu chảy cho heo con.

 

Vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là nước uống và thức ăn không tốt. Có thể thức ăn bị nấm, mốc, đặc biệt là những ngày nồm ầm ướt; làm cho heo con bị tiêu chảy do ngộ độc độc tốc nấm mốc.

 

Việc heo nái mắc hội chứng MMA: Viêm vú, Viêm Tử cung, mất sữa cũng là một nguyên nhân hay gặp làm cho heo con bị tiêu chảy. Trong sữa của heo nái bị viêm vú, chứa nhiều các vi khuẩn cơ hội như Staphylococcus, E.Coli, Salmolella, ... sẽ theo sữa vào trong cơ thể heo con, gây cho heo con bị tiêu chảy.

 

 

Heo con mắc một số vi khuẩn, virus

 

Có thể vì một lý do nào đó, dẫn đến heo con bị mắc một số bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Và hay gặp trong giai đoạn này có thể là E.Coli, Cầu trùng, Clostridium, Rotavirus, Coronavirus, ...

Heo con bị tiêu chảy theo độ tuổi của heo
Heo con bị tiêu chảy theo độ tuổi của heo

Ở trong giới hạn bài viết này tôi xin trình bày ngắn gọn, sơ qua về các nguyên nhân gây lên tiêu chảy cho heo con. Ở những bài viết sau, tôi sẽ trình bày chi tiết các bệnh cụ thể.

 

Tiêu chảy heo con theo độ tuổi
Tiêu chảy heo con theo độ tuổi

Sưởi ấm cho heo con không đầy đủ

Sưởi ấm cho heo con không đủ, cũng làm cho heo con bị tiêu chảy
Sưởi ấm cho heo con không đủ, cũng làm cho heo con bị tiêu chảy

Lồng úm cho heo con đảm bảo nhiệt độ
Lồng úm cho heo con đảm bảo nhiệt độ 
Ta cũng có thể làm sàn ngủ cho heo
Ta cũng có thể làm sàn ngủ cho heo

Tiến Dũng

Trong phần trước, tôi đã trao đổi về vai trò của các hormone sinh sản trong chu kỳ sinh sản của heo nái. Trong bài này, chúng tôi xin trao đổi với các bạn chi tiết hơn về vai trò của các hormone sinh sản này và ứng dụng chúng trong quản lý cũng như tăng năng suất đàn heo nái.

 

Việc sử dụng các hormone sinh sản trong quản lý đàn heo nái sẽ giúp giảm chi phí và công lao động, tăng hiệu quả, năng suất đàn nái. Điều này được các nước phát triển đang áp dụng rất phổ biến và rộng rãi.

 

Trong bài viết này, tôi xin trao đổi với các bạn một số hiện tượng gặp phải trên con nái và ứng dụng các hormone sinh sản để giải quyết các hiện tượng đó.

- Chứng hiện tượng tồn tại thể vàng dẫn đến chậm động dục.

- Viêm tử cung ảnh hưởng đến động dục.

- Heo hậu bị chậm lên giống so với bình thường.

- Heo nái đang nuôi con nhưng lại lên giống.

- Heo cai sữa rồi mà 7 ngày vẫn chưa lên giống.

- Làm thế nào để gây động dục hàng loạt

Bình thường, khi thấy heo nái có biểu hiện động dục (lên giống), đây chính là lúc ta cần phải phối cho heo nái. Ở một số trại thường áp dụng quy trình phối cho heo nái như sau, đem lại hiệu quả khá tốt:

 

- Nếu là hậu bị, thì lần đầu bỏ, không phối --> 12 giờ sau: phối lần 1 --> 12 giờ sau: phối lần 2

 

- Nếu là nái: phối lần 1: 12 giờ sau khi thấy biểu hiện lên giống --> 12 giờ sau: phối lần 2.

 

Vai trò và ứng dụng của hormone Protasglandin

 Như ta đã biết, hormone Protasglandin do nội mạc tử cung tiết ra, tham gia vào quá trình tiêu biến thể vàng --> ức chế hormone Progesteron. Tuy nhiên,  có thể do quá trình thụ tinh cho heo nái, hay một lý do nào đó dẫn đến Viêm tử cung của heo nái. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến lượng tiết Prostasglandin F2α - PGF2α, dẫn đến ảnh hưởng lượng PGF2α không đủ để tiêu biến thể vàng --> chậm lên giống, vô sinh do tồn tại thể vàng.

 

Điều này cũng giải thích vì sao khi heo nái bị viêm tử cung thì dẫn đến heo nái chậm lên giống, hay có khi vô sinh.

Việc sử dụng Protasglandin cũng được dùng để tham gia vào quá trình gây động dục hàng loạt. Do ta không thể biết được chính xác heo nái nào nằm trong giai đoạn noãn nang hay hoàng thể trong chu kỳ sinh sản, đặc biệt là đàn hậu bị mới bắt về. Bởi vậy, ta sử dụng Protasglandin để phá vỡ thể vàng (trong giai đoạn hoàng thể) cho tổng đàn: những heo nái nào nằm trong giai đoạn hoàng thể sẽ được phá vỡ thể vàng, quay lại bắt đầu một chu kỳ mới, còn những heo nái nào nằm trong giai đoạn noãn nang thì không có ảnh hưởng gì do giai đoạn này không có thể vàng tồn tại. Vai trò của Protasglandin ở đây là đưa tất cả đàn heo về bắt đầu một chu kỳ mới. Sau đó, ta sẽ sử dụng hormone LH + FSH để gây động dục hàng loạt, tôi sẽ trình bày rõ hơn ở  phần bên dưới đây.

 

Hormone LH, FSH

 Vai trò của 2 hormone này làm cho trứng phát triển, thành thục, chín và rụng. Bởi vậy, 2 hormone này được sử dụng gây động dục hàng loạt sau khi sử dụng Protasglandin như đã trình bày ở trên sau 24 giờ. Tức là sau khi tiêm Protasglandin 24 giờ, ta sẽ tiêm LH và FSH (tỷ lệ LH/FSH : 3/1).

 

Nếu ta không sử dụng Protasglandin mà chỉ sử dụng LH và FSH, thì sự hiệu quả trong việc động dục heo nái sẽ giảm hơn rất nhiều do có thể khi ta sử dụng FSH và LH vào đúng giai đoạn hoàng thể của heo nái.

* Trường hợp heo nái đang nuôi con nhưng lại có hiện tượng lên giống:

Nguyên nhân do heo nái đã bị mất sữa khoảng 5 ngày sau đẻ, khi đó prolactin bị dừng lại, có nghĩa là LH + FSH đồng thời sẽ tăng lên, dẫn đến  hiện tượng động dục.

 

Để khắc phục hiện tượng này, ta sẽ tiêm Protasglandin, sau đó 24 giờ, ta tiêm FSH + LH. Sau tối đa 5 ngày, heo sẽ động dục trở lại, bắt đầu một chu kỳ sinh sản mới. Trong trường hợp này, ta cần quan tâm nhiều hơn đến heo con, bởi heo con bị bắt buộc phải cai sữa sớm (do con mẹ mất sữa sớm), nên ta có thể tập ăn sớm cho heo con.

Vai trò của Tuyến yên trong đó có FSH+LH và Prolactin (tuyến vú)

* Trường hợp Heo cai sữa rồi mà 7 ngày chưa lên giống.

Lý do là vì một nguyên nhân nào đó, có thể là do Viêm hoặc do tồn tại thể vàng, prolactin đang cao. Tất cả nguyên nhân này làm cho lượng Progesteron cao, nó sẽ ức chế LH và FSH, gây lên hiện tượng chậm động dục. 

 

 Trường hợp này ta có thể dựa vào chu kỳ sinh sản của heo nái đó (ta ghi chép theo dõi), ta sẽ tiêm FSH và LH vào đầu giai đoan noãn nang (tức là ngày thứ 15, 16) của chu kỳ sinh sản. Sau tối đa 5 ngày thì động dục trở lại.

 

 Để chắc chắn hơn, ta cũng có thể tiêm thêm Protasglandin trước khi tiêm FSH + LH khoảng 24 giờ để ức chế hoàn toàn Progesteron.

 

Việc sử dụng LH và FSH rất hiếm và tốn kém. Bởi vậy, trong thực tế, người ta thường sử dụng 2 hormone có vai trò tương tự đó là HCG và PMSG:

 

- HCG (Human Chorionic Gonadotropin): là kích tố của nhau thai người, kích tố của phụ nữ có chửa. Về chức năng sinh lý, nó gần giống với hormone LH.

 

- PMSG (Pregnant Mare Serum Gonadotropin) - huyết thanh ngựa chửa: là hormone của nhau thai ngựa, hormone này có chức năng gần giống với hormone FSH.

 

Hormone Progesteron

 Dựa vào vai trò của hormone Progesteron mà người ta thường sử dụng nó trong việc an thai nhằm tránh hiện tượng sảy thai sớm. Ngoài ra, do Progesteron có vai trò ức chế động dục, nên người ta sử dụng Progesteron trong trường hợp ta không muốn vật nuôi hoạt động sinh dục; điều này thường được áp dụng đối với thú cánh như chó, mèo, ít khi hoặc dường như không sử dụng đối với heo.

 

Có một việc cần lưu ý nữa khi sử dụng các hormone sinh sản này vào trong quá trình quản lý đó là là sử dụng đúng liều. Việc sử dụng hormone không đúng liều sẽ làm mất cân bằng nội tiết tự nhiên, vì một hormone với nồng độ khác nhau có thể ảnh hưởng ngược (feedback) dương tính hay âm tính đến trao đổi chất trong cơ thể.

 

 

 

VietDVM Team

Đây là giống gà hướng trứng được nuôi phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Với nhu cầu mong muốn được biết và hiểu rõ về nó, chúng tôi xin giới thiệu một số hiểu biết về giống gà trên.

 

 

Gà ISA có 2 loại Isa Brown và Isa White:

 

Isa Brown

isa-brown

Là giống gà đang được nuôi phổ biến ở nước ta.  Gà mái thương phẩm có màu nâu, ta có thể phân biệt trống mái từ lúc 1 ngày tuổi, con trống lông màu trắng, mái màu nâu rất thận thiện trong quá trình chăn nuôi.

 

 

Về  chỉ tiêu đánh giá chất lượng giống 

 

 

 

Chỉ tiêu giống của gà ISA Brown
Chỉ tiêu giống  Tiêu chuẩn
Tỷ lệ sống 94%
Ngày tuổi đạt 50% 144 ngày

Tỷ lệ đẻ cao điểm

96%
Số trứng trên 1 mái 409 quả
Trọng lượng trứng trung bình 62,9 g
Thức ăn/con/ngày 111 g
Trọng lượng gà 2015 g
Tiêu tốn thức ăn/1kg trứng 2,15 kg

 (Thời gian theo dõi từ tuần 18 đến tuần 90)

 

Isa White

isa-white

Là giống gà có năng suất và chất lượng ổn định. Với khả năng hấp thu thức ăn tốt nên Isa White thích nghi tốt trong nhiều điều kiện chăn nuôi. Là giống gà có chất lượng trứng tốt cả về độ cứng vỏ trứng và chất lượng trứng.

 

Về chỉ tiêu đánh giá chất lượng giống

Chỉ tiêu giống của gà ISA White
Chỉ tiêu giống  
Tỷ lệ sống 95%
Ngày tuổi đạt 50% 142 ngày
Tỷ lệ đẻ cao điểm 96%
Số trứng trên 1 mái 413 quả
Trọng lượng trứng tb 63,1g
Thức ăn/con/ngày 110g
Trọng lượng gà 1775g
Tiêu tốn thức ăn/1kg trứng 2,11kg

(Thời gian theo dõi từ tuần 18 đến tuần 90)

 

Bảng so sánh một số chỉ tiêu theo dõi giữa hai giống gà Isa trong thời gian từ 18 tuần tuổi đến 90 tuần tuổi.

 

So sánh chỉ tiêu giống của gà ISA brown và ISA white
Chỉ tiêu giống ISA brown Gà ISA white
Tỷ lệ sống 94% 95%
Ngày tuổi đạt 50% 144 ngày 142 ngày
Tỷ lệ đẻ cao điểm 96% 96%
Số trứng trên 1 mái 409 quả 413 quả
Trọng lượng trứng trung bình 62.9 g 63.1 g
Thức ăn/con/ngày 111 g 110 g
Trọng lượng gà 2015 g 1775 g
Tiêu tốn thức ăn/ 1kg trứng 2.15kg 2.11 kg
Độ cứng của vỏ 4000 4000
Màu vỏ trứng 32.0
Đơn vị Haugh 82 HU 89 HU

 

 

 

 

(Còn nữa ...)

VietDVM team     

(Nguồn: Isapoultry)

Chăn nuôi gia cầm đang ngày một phát triển ở nước ta, trong đó chăn nuôi gà hướng trứng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Cũng chính bởi vậy mà, nuôi gà hướng trứng đang được nhiều người Việt ta quan tâm. Nhằm giới thiệu một số giống gà đang được nuôi ở nước ta và trên thế giới, hôm nay tôi xin giới thiệu, chia sẻ cùng mọi người những giống gà hướng trứng nổi tiếng . 

 Bảng so sánh các chỉ tiêu của các giống gà brown

 

Giống gà Isa.   >> Xem chi tiết

Isa Brown là giống gà được chọn lọc cách đây hơn 30 năm, trong quá trình đó giống gà Isa brown đã được chon lọc để thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Isa brown là giống gà có sản lượng trứng cao và mang lại hiệu quả chăn nuôi. 

Isa White là giống gà có năng xuất và chất lượng ổn định. Với khả năng hấp thu thức ăn tốt nên Isa White thích nghi tốt trong nhiều điều kiện chăn nuôi,  Là giống gà có chất lượng trứng tốt cả về độ cứng vỏ trứng và chất lượng trứng.

 

 

Giống gà Shaver.

 

Shaver Brown là giống gà thích nghi với nhiều điều kiện chăn nuôi truyền thống. Và có khối lượng trứng nhỏ nhưng có chất lượng tốt .

 

Shaver White là giống gà lý  tưởng vì nó có ỷ lệ hao hụt đầu con thấp và chất lượng trứng cao, khối lượng trứng trung bình và tiêu tốn thức ăn thấp. 

 

Shaver Black là giống gà thích nghi cao tuy nhiên lại tiêu tốn thức ăn lớn.

 

 

Giống gà Hisex.

Hisex Brown là giống gà có kích thước trứng trung bình như lại rất đồng đều và vỏ dày. Hisex có khả năng thích nghi cao với việc thay đổi thức ăn trong quá trình nuôi.

Hisex White là một thắng lợi trong quá trình chọn lọc và tiến hóa. Nó đáp ứng đượcj tất cả các yêu cầu về một giống gà hướng trứng. Sản lượng trứng cao, trứng to, khối lượng trứng phù hợp,  độ cứng của vỏ trứng tốt. Tiêu tốn thức ăn không cao.

 

Giống gà Dekalb.

Dekalb Brown là giống gà có độ dày và độ cứng của vỏ trứng nên là giống gà có tỷ lệ dập vỡ trúng thấp.

Dekalb White cũng là giống gà thích nghi tốt với điều kiện nuôi chuồng lồng thay thế cho chuồng nuôi truyền thống. Với sản lượng trứng tốt và khối lượng trứng cao.

 

 

Giống gà Bovans.

Bovans Brown  Giống gà rất thích hợp với điều kiện nuôi lồng  và khả năng chống stress. Với kích thước trứng to và sản lượng cao.

 

Bovans White là giống gà thích nghi tốt ở mọi điều kiện nuôi. Bovans trắng có khối lượng tốt và độ dày vỏ trứng tốt nhất trên thế giới.

Bovans Black là giống gà mạnh mẽ nó có khối lượng lớn hơn các giống gà khác 200g. Tiêu tốn thức ăn lớn. Bovans đen là giống gà thích nghi với nhiều điều kiện chăn nuôi khó khăn nhất.  

 

Giống gà Babcock.

Babc0ck Brown  Là giống gà thích nghi tốt ở nhiều môi trường khác nha. Sản lượng và khối lượng trứng lớn.

 Babcock White  Là giống gà kết hợp cân bằng giữa chất luongj trứng và năn xuất. Tiêu tốn thức ăn trên 10 trứng thấp và thích nghi trong mọi điều kiện chăn nuôi.

  

 

VietDVM team

(Nguồn: Isapoultry) 

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status