Với cơ cấu nông nghiệp chiếm 70% trong toàn bộ nền kinh tế nên nhà nước luôn có những ưu tiên đặc biệt cho nó nhưng nền nông nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm lực sẵn có. Dù vậy, những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp Việt của nhà nước ta chưa bao giờ dừng lại. Cụ thể, nhà nước liên tục đưa ra nhiều chính sách mới hỗ trợ các cá nhân, tập thể hoạt động trong các lĩnh vực này như giảm lãi suất cho vay, ban hành các văn bản pháp luật phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển, thậm chí nhà nước còn hỗ trợ con giống cũng như tư vấn kỹ thuật đối với một số trường hợp, vùng trọng tâm.
Lãi suất giảm
Có thể nói, chưa bao giờ mức lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Trước đó, vào hồi đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/ năm (theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước).
Ngày 28 tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại ban hành thêm quyết định số 2174/QĐ-NHNN điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hành vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo qui định tại Thông tư 08/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014 xuống còn 7%/năm.
Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi trên bao gồm: các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá tra, tôm xuất khẩu.
Và 5 Ngân hàng thương mại nhà nước được chỉ định là:
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
- Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang khan về nguồn vốn để vượt qua khó khăn thì sự hỗ trợ kịp thời này vô cùng có ý nghĩa. Đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp – thời gian quay vòng vốn tùy thuộc vào mùa vụ chứ không thể điều chỉnh để nhanh hơn như các ngành dịch vụ khác, tuy nhiên nếu đủ vốn để duy trì đến cuối vụ thì khả năng thành công là rất cao.
Hy vọng với sự hỗ trợ thiết thực và tạo điều kiện mạnh mẽ của Nhà nước trên nhiều phương diện, ngành Nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng sẽ có thể vượt qua được khó khăn và đạt được những thành công nhất định, mang lại bộ mặt mới cho nền kinh tế nước nhà.
Hoa Đá tổng hợp
Công ty thú y Agrovet.H tuyển dụng nhân sự
Công ty TNHH thuốc thú y Agrovet.H nhà phân phối các sản phẩm thuốc thú y, dinh dưỡng, phụ gia sản xuất thức ăn gia súc của các công ty hàng đầu trên thế giới như: Cenavisa (Tây Ban Nha), Insect Biotech (Hàn Quốc), Nova Medicine (Thái Lan). Ngoài ra, công ty còn phân phối độc quyền các sản phẩm thức ăn cao cấp dành cho chó, mèo của công ty Dr.Clauder (Đức).
Để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn cho thú cưng tại thành phố Hà Nội, công ty cần tuyển dụng nhân sự:
- Đại diện thương mại: 5 nam, nữ làm việc tại thành phố Hà Nội
Yêu cầu: Tốt nghiệp chuyên ngành Thú y, Chăn nuôi thú y, Quản trị kinh doanh, năng động, nhiệt tình, chịu được áp lực công việc cao, làm việc tại Hà Nội
Ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm.
Ứng viên trúng tuyển được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước, có cơ hội thăng tiến.
Các ứng viên nộp hồ sơ qua địa chỉ Email: huyenle101188@ gmail.com.
Hoặc liên hệ qua điện thoại Ms. Huyền: 0984.260.172 hoặc 0943.125.222
Trân trọng thông báo!
Nhan Dorter

Hiện nay, chăn nuôi heo nái sinh sản đang được rất nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn nhằm chủ động con giống cho giai đoạn nuôi thịt, tự mình có thể lựa chọn những con giống có chất lượng cao, hạn chế mầm bệnh từ ngoài trại xâm nhậm vào trại qua đường con giống, giảm chi phí và thời gian bắt giống.
Tuy nhiên việc chăn nuôi heo nái sinh sản yêu cầu kỹ thật cao và đòi hỏi người nuôi cần có kinh nghiệm xử lý các tình huống xảy ra tại trại. Giai đoạn heo nái nuôi con được coi là thành quả của quá trình chăn nuôi heo nái, nhưng chính giai đoạn này lại có tỷ lệ hao hụt cao nhất, và chưa thực sự được người chăn nuôi chú trọng. Theo thống kê tại Mỹ số heo chết trong giai đoạn này chiếm 9,4 % tổng số heo được sinh ra trong đó số heo chết do mẹ đè chiếm 48,7%.
»› Các nguyên nhân gây sẩy thai trên heo nái và 4 bước kiểm soát !
»› Chăm sóc heo con từ khi sinh đến khi cai sữa
Việc quản lý, chăm sóc trong giai đoạn này giúp heo con khỏe mạnh và giúp phát triển hệ tiêu hóa cũng như nâng cao khả năng thich nghi với điều kiến sống mới để làm được điều đó người chăn nuôi cần hiểu rõ về các đặc điểm sinh lý cũng như các nhu cầu cần thiết của heo và có những điều chỉnh sao cho phù hợp với từng mùa, giai đoạn phát triển của heo trong năm.
Heo con theo mẹ
Việc chăm sóc cũng như nuôi dưỡng heo con giai đoạn theo mẹ chúng ta cần chú ý tới điều kiện môi trường, đặc biệt là tiểu khí hậu chuồng nuôi "riêng biệt", nhiệt độ phù hợp với điều kiện heo mẹ là 15,5ºC - 18,5 ºC trong khi nhiệt độ trong những ngày đầu đối với heo con là 34ºC – 35ºC do vậy để đạt được tất cả các yêu cầu trên nhiệt độ chuồng cần duy trì ở mức 18 ºC -21 ºC và có một khu vực úm cho heo con. Trong giai đoạn này cần chú ý tới hành vi của heo mẹ cũng như heo con để có thể điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp với heo.
»› Mẹo nhỏ chăn nuôi heo: “hộp tăng nhiệt độ” cho heo con sơ sinh.
- Đối với heo con khi nhiệt độ quá cao chúng không nằm trong ổ mà di chuyển ra ngoài khu vực úm và nằm gần mẹ điều này không những làm hao phí điện mà còn tăng tỷ lệ chết do heo mẹ gây ra.
- Khi nhiệt độ khu vực úm không đủ heo con nằm tụm lại với nhau và đè lên nhau, điều này rất nguy hiểm vì như vậy heo con dễ bị nhiễm lạnh và bị tiêu chảy.
- Nhiệt độ phù hợp với heo con khi chúng nằm ngủ với tư thế thoải mái và nằm đều trong khu vực úm.
Việc chuẩn bị khu vực úm cần làm trước khi heo đẻ 24 giờ và nên bố trí ở phía sau của nái như vậy heo con sẽ nhanh chóng tìm được vú mẹ để bú hơn.
Nhiệt độ úm phù hợp
Dinh dưỡng cho heo con theo mẹ
Giai đoạn này heo con thu nhận dinh dưỡng chủ yếu từ heo mẹ, chỉ thu nhận dinh dưỡng từ bên ngoài ở cuối giai đoạn nuôi.
- Sữa đầu là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho heo con do có chứa một lượng lớn các chất kháng thể. Sữa đầu có chất lượng tốt nhất trong 6 giờ đầu sau khi sinh, sau đó lượng kháng thể này giảm dần và mất hẳn sau 24 giờ.
- Cần cố định đầu vú cho heo con để tất cả chúng đều có thể bú được sữa đầu đặc biệt là những con yếu hơn trong đàn nên được bú những núm vú phía trên ngực. Điều này giúp những con heo nhỏ hơn có sức khỏe tốt và đàn heo được phát triển đồng đều.
»› Phương pháp nâng cao chất lượng đàn heo, tăng độ đồng đều và giảm tỷ lệ chết ngay sau khi sinh
- Nên tách những con heo con có khối lượng lớn hơn ra khỏi heo mẹ 2 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều trong thời gian đầu để đàn heo nhỏ hơn có thêm thời gian bú sữa để đàn heo được đều hơn. Lưu ý cần tiêm cho heo mẹ 1 - 1,5 ml oxytocin trước mỗi lần tách heo con có khối lượng lớn hơn ra khỏi heo mẹ để tăng số sữa cho đàn heo nhỏ hơn và cần chắc chắn rằng đàn heo lớn luôn được ủ ấm cẩn thận.
- Cho ăn sớm được khuyến cáo nên bắt đầu bổ sung cho heo con lúc 10 ngày tuổi khi lượng sữa cũng như chất lượng sữa giảm; cho ăn sớm sẽ giảm hiện tượng heo con thiếu dinh dưỡng từ ngày thứ 12 trở đi.
Heo con tập ăn
Một số yêu cầu khi cho heo con tập ăn
+ Dinh dưỡng cho heo cần chú ý dễ tiêu nên gồm có các thành phần dễ tiêu hóa như Protein huyết tương, sữa . . .
+ Nên ép viên có kích thước nhỏ phù hợp với tập tính của heo con, chất lượng viên cám ép cần cứng để đảm bảo khi vận chuyển không bị vụn nhưng khi gặp nước bọt của heo cần tan ngay và có mùi, vị giống như mùi, vị của sữa mẹ như vậy sẽ kích thích heo con ham ăn hơn.
Ép viên cám
+ Nên cho heo con ăn làm nhiều bữa trong ngày và đảm bảo rằng thức ăn trong máng luôn mới.
+ Chú ý khi cho heo con tập ăn, cần thiết phải cho chúng uống nước sạch đầy đủ.
»› Tại sao ngày cai sữa cho heo nên từ 21 ngày trở đi?
»› Các bước cai sữa cho heo hiệu quả
Các cách cho heo con tập ăn hiệu quả
Với chuồng nuôi hiện đại (chuồng sàn) nên sử dụng máng tập ăn có thể máng gang, máng nhựa, máng inox . . . nhưng chú ý nên lựa chọn màu mận chín (đỏ đậm) vì màu này kích thích heo con tới máng nhiều hơn.
Máng gang cho con tập ăn
Máng nhựa cho heo con tập ăn
Cho ít cám vào máng và đặt vào khu vực vui chơi của heo ngày 5 -6 lần, mỗi lần 1 - 2h sau đó bỏ máng ra khỏi chuồng.
Với chuồng nuôi ngoài dân ta cũng có thể sử dụng máng tập ăn tuy nhiên nên sử dụng máng gang (heo mẹ không thể ăn cũng như làm đổ cám ra khỏi máng) sau đó làm như đã hướng dẫn ở trên.
Cho quá nhiều thức ăn vào máng
Ta cũng có thể sử dụng máng tự chế bằng lốp ôtô để làm máng tập ăn cho heo con. Đây là cách bà con chăn nuôi tận dụng để giảm thiểu chi phí chăn nuôi.
Máng cao su tự chế
Hiện nay có một phương pháp hiệu quả được sử dụng phổ biến đó là rắc một lượng nhỏ thức ăn lên sàn chuồng (chú ý sàn cần khô và nằn ở khu sân chơi của heo), ngày cũng rắc 5- 6 lần tuy nhiên chỉ rắc cho heo ăn vào ban ngày đặc biệt khi nhiệt độ môi trường tăng.
Cần đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này chuồng nuôi heo luôn luôn phải khô, ấm, thoáng gió, luôn có nước uống sạch và mát cung cấp cho heo con đặc biệt khi heo con bắt đầu tập ăn cho tới khi biết ăn hoàn chỉnh.
Trong giai đoạn này chúng ta cần chú ý tới việc phòng các loại vaccine để chuẩn bị cho các giai đoạn nuôi sau.
Mỗi công ty có các sản phẩm vaccine khác nhau và có lịch cho loại vaccine đó phù hợp với công nghệ sản suất vaccine, Ngoài ra, tùy vào điều kiện từng trại, do vậy thông tin trên cho các trại tham khảo.
Ngoài ra trong giai đoạn này cần bổ sung thêm cho heo Fe (lúc 3 ngày tuổi), thuốc phòng cầu trùng (lúc 1 - 2 ngày tuổi), để hạn chế các bệnh trong giai đoạn này.
Giai đoạn chăn nuôi heo con giai đoạn theo mẹ là vô cùng quan trọng, nó góp phần nâng cao năng xuất cũng như hiệu quả chăn nuôi con giống và quyết định thành công trong giai đoạn nuôi thịt do vậy cần đặc biệt chú ý tới nhiệt độ và dinh dưỡng trong quá trình úm heo.
Tiến Dũng
Bùng phát dịch newcastle trên gà
Trong báo cáo gửi cơ quan thú y thế giới ngày 13 - 11- năm 2104, cơ quan thú y Romania thông báo nước này bùng phát một ổ dịch newcastle trên gà.
Ổ dịch được phát hiện trên gà 4 tuần tuổi ở một trang trại tại Grivita - Iolomita - Romania vào ngày 1- 11 - 2014.
Iolomita - Romania nơi diễn ra ổ dịch (ảnh wikimedia)
Ổ dịch làm ảnh hưởng tới 95.574 con gà thịt 4 tuần tuổi và đã có 63.294 con bị chết và tiêu hủy.
Sau khi phát hiện dịch cơ quan thú y nước này lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm của Viện chẩn đoán và thú y quốc gia và kết luận virus newcastle là nguyên nhân gây ra ổ dịch.
Hiện nguyên nhân xảy ra ổ dịch vẫn đang được điều tra làm rõ.
Hiện các biện pháp dập dịch đang được được thực hiện như kiểm soát vận chuyển gia cầm trong nước, khoanh vùng, tẩy uế.
- Bùng phát dịch newcastle tại Anh.
- Bùng phát dịch cúm gia cầm tại Đức.
VietDVM team tổng hợp
Tổng hợp thị trường tháng 10 năm 2014
Thị trường chăn nuôi nước ta trong tháng 10 vừa qua với những biến động trái ngược với 2 miền, với miền nam hầu hết các sản phẩm chăn nuôi đều tăng nhẹ còn thị trường miền bắc thị ngược lại.
Trong khi các dịch bệnh lớn như LMLM, cúm gia cầm, PRRS được kiểm soát thì các bệnh trong thời gian giao mùa cũng đang phát triển mạnh gây ảnh hưởng lớn cho người chăn nuôi. Trong đó cần đặc biệt chú ý tới dịch tiêu chảy trên heo do Clostridium (bệnh viêm ruột hoại tử).
Cùng với đó là sự biến động mạnh mẽ của thị trường gà thịt lông màu nuôi thả vườn trong tháng. Tiếp tục đà giảm của thị trường miền bắc cuối tháng 9 năm 2014 sang tuần đầu của tháng 10 giá gà thịt lông màu bán tại trại ở miền bắc là 51.500đ/kg, trung bình cả tháng 10 giá gà lông màu tại miền bắc là 58.125đ/kg giảm gần 5.000đ/kg so với tháng 9. Tại các thị trường chăn nuôi gà lông màu lớn giá gà trong tháng có lúc đã giảm xuống 45.000đ/kg như Bắc Giang, Hà Tây cũ, Hải Dương . . . Ngược lại với tình hình khó khăn ngoài miền bắc, tại miền nam giá gà lông màu trung bình của tháng 10 tăng 1.000đ/kg so với tháng 9 đạt mức trng bình 42.500đ/kg cho cả tháng.
Biểu đồ biến động giá lông màu
Với thị trường thịt heo trên cả nước trong tháng 10 vừa qua vẫn duy trì ở mức ổn định và có lãi khá cho người chăn nuôi. Tại thị trường miền bắc giá heo có dấu hiệu giảm nhẹ vào cuối tháng tuy nhiên vẫn duy trì ở mức 51.000 - 52.000đ/kg giảm 1.000đ/kg so với tháng 9. Tại miền nam giá heo hơi tại trại cũng duy trì mức khá 50.000 - 51.000đ/kg và tăng dần về cuối tháng.
Giá heo biến động trong tháng
Thị trường trong tháng 10 vừa qua còn chứng kiến mức tăng mạnh mẽ của giá trứng gà công nghiệp tại thị trường miền nam, giá trứng tăng từ 1.400đ/quả vào đầu tháng lên 1.750đ/quả vào những ngày cuối tháng đây là dấu hiệu đáng mừng của thị trường miền nam. Tại miền bắc giá trứng vẫn duy trì ổn định ở mức cao 1.900 - 2.000đ/quả.
Giá trứng tháng 10 năm 2014
Như vậy trong tháng vừa qua biến động giá của 2 miền có sự trái ngược nhau, những tín hiệu tốt tại miền nam và ngược lại tại miền bắc đang duy trì mức ổn định và có sự giảm nhẹ. Tuy vậy tình hình thị trường trong tháng 10 vẫn duy trì mức độ ổn định và có lãi cho người chăn nuôi, đây là tháng có lãi liên tiếp thứ 5 trong năm 2014.
Theo nhận định của chúng tôi giá cả các sản phẩm chăn nuôi không có nhiều biến động lớn từ giờ tới cuối năm. Các mặt hàng sẽ có su hướng tăng nhẹ do nhu cầu cuối năm tăng cùng với đó là thị trường tết nguyên đán và những ngày lễ sắp tới. Tuy nhiên mức tăng không lớn do tình hình nhập khẩu thịt vẫn đang ở mức cao.
Tuy nhiên trong thời gian tới do điều kiện khí hậu nước ta chuyển biến phức tạp nên người chăn nuôi cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa bệnh dịch cho đàn gia súc.
Ga_8xx

Trong bối cảnh nền chăn nuôi heo công nghiệp trên thế giới đang ứng phó với những khó khăn từ hệ lụy của biến động chính trị thì sự bùng phát của các dịch bệnh trên quy mô rộng lớn càng làm cho những khó khăn thêm chồng chất. Trong đó, bệnh tiêu chảy cấp (PED) trên heo xảy ra tại Mỹ trong năm 2014 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Bệnh tiêu chảy cấp (PED) và những thiệt hại do PED gây ra trên thế giới
Với 8.758 trường hợp dương tính (tính từ tháng 10/2013 đến ngày 03/11/2014), bệnh tiêu chảy cấp (PED) đã làm thay đổi bộ mặt của toàn bộ ngành chăn nuôi heo công nghiệp tại Mỹ nói riêng và thay đổi cơ cấu của ngành công nghiệp thịt tại Mỹ nói chung. Cụ thể, giá thịt heo giao dịch tăng mức kỷ lục từ trước đến nay từ trung bình 4,951 USD/ pound (tương đương 233.000 vnđ/1kg) vào đầu tháng 11 năm 2013 đến 8,003 USD/pound (tương đương 377.000 vnđ/1kg) vào đầu tháng 11 năm nay (2014). Ngoài ra, nhiều nước cũng đã cấm các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo từ Mỹ do lo ngại vấn đề truyền lây bệnh, từ đó làm cho tổng kim ngạch xuất khẩu thịt heo của Mỹ năm 2014 cũng giảm theo đáng kể.
Với tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao (gần như 100% đối với những heo con theo mẹ và 30% đối với heo nái) cùng với những di chứng để lại trên đàn heo nái (bệnh tiêu chảy cấp (PED) gây thiệt hại 50-100% lứa đẻ trong vòng 24h sau khi đẻ trên đàn heo nái tơ), ta có thể nói PED là một trong những mối lo ngại lớn của các nhà chăn nuôi heo trên toàn thế giới.
Virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PEDv) được tìm thấy lần đầu tiên tại Châu Âu vào thập niên 1970 và lan sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 1990. Từ năm 2000 về sau, PED được phát hiện thấy ở Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Heo ở mọi độ tuổi đều nhạy cảm với virus này, heo con theo mẹ nhạy cảm nhất, có tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao.
Bệnh tiêu chảy cấp (PED) do 1 loại ARN virus sợi đơn thuộc họ Coronavirus gây ra. Với kích thước thuộc loại khá lớn so với nhiều virus khác – từ 27 đến 30 kb. Virus có 2 type chính, type 1 thường gây bệnh cho heo sau cai sữa, type 2 gây bệnh cho heo con theo mẹ và heo hậu bị.
Virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) như thế nào?
Khi heo khỏe mạnh tiếp xúc với các nguồn gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) như: heo mang mầm bệnh, phân, tinh heo, vật dụng chăn nuôi có mầm bệnh, xe tải, con người, nguồn nước…Virus sẽ từ các nguồn đó xâm nhập vào cơ thể heo chủ yếu thông qua đường tiêu hóa.
Tại đường tiêu hóa của heo (chủ yếu là đoạn không tràng và hồi tràng của ruột non), virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PEDv) nhân lên trong các tế bào nhung mao ruột non làm cho lông nhung ruột hư hại, teo đi và ngắn hơn, dẫn đến giảm khả năng hoạt động của các men tiêu hóa trong ruột, từ đó giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn hay trong sữa (đối với heo con).
Đây là nguyên nhân gây tiêu chảy trên heo.

Heo con theo mẹ do có hệ thống lông rung phát triển chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu nên khi virus gây bệnh tiêu chảy cấp tấn công thì nó là đối tượng bị lây nhiễm nhiều nhất (gần như 100%) và bị tổn thương nặng nhất. Ngoài ra, trong ruột heo con theo mẹ chủ yếu là sữa nên phân thường có màu vàng, nhiều nước (lỏng), mùi hôi và có cả sữa không tiêu hóa hết. Một thời gian ngắn sau khi tiêu chảy, heo bắt đầu có hiện tượng nôn, dịch nôn chủ yếu là sữa chưa tiêu hóa hết còn trong dạ dày và có màu trắng sữa, nhiều nước, vị chua (do sữa lên men).
- Sau khi ống tiêu hóa bị tổn thương, nó phát ra một kích thích bất thường tác động lên trung tâm gây nôn trên não. Sau đó, trung tâm này tác động ngược trở lại cơ hoành, cơ bụng >> hai cơ này co thắt lại làm tăng áp lực ổ bụng >> co các cơ hô hấp, cơ thực quản giãn ra tống các chất từ dạ dày ra ngoài (hay còn gọi là hiện tượng nôn).
Tiêu chảy quá nhiều kết hợp với nôn làm cho những heo con này mất nước nặng → heo lạnh, nằm chồng lên nhau và nằm lên bụng heo mẹ. Chúng sẽ chết trong vòng 3-4 ngày do mất nước. Khi chết, xác heo gầy kèm theo các triệu chứng như mắt lõm sâu.
Đồng thời, nếu mổ khám ta sẽ thấy các bệnh tích rất đặc trưng của bệnh tiêu chảy cấp như:
- Thành ruột rất mỏng, trong suốt và có thể nhìn thấy chất chứa bên trong do lớp lông rung trên niêm mạc bị phá hủy và bào mòn.
- Dạ dày có chứa nhiều sữa bị đóng vón.
- Hạch màng treo ruột sưng to.
- Xuất hiện các tia tĩnh mạch sữa song song với tĩnh mạch màng treo ruột.
Đối với heo choai hay heo nái, sức đề kháng cao hơn đồng thời hệ thống lông rung trên niêm mạc ruột cũng khó bị phá hủy hơn nên tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ chết không cao như heo con. Những heo lớn trong hệ tiêu hóa có rất nhiều loại chất chứa (không chỉ có mỗi sữa như heo con theo mẹ) nên khi hệ thống lông rung ruột bị phá hủy, thức ăn không được tiêu hóa triệt để, các chất chứa trong ống tiêu hóa lên men làm cho phân tiêu chảy có màu xám, hay xám đen giống như xi măng hoặc có màu vàng (chủ yếu heo choai).
Đối với những heo choai và heo nái không chết, triệu chứng tiêu chảy sẽ biến mất sau 3 đến 4 tuần và đàn heo bắt đầu phục hồi. Một thời gian sau, heo nái hình thành miễn dịch và truyền sang sữa cho heo con.
Thông thường:
- Khi trại bị nhiễm lần đầu, toàn bộ heo trong trại sẽ nhiễm bệnh và thường là rất nghiêm trọng.
- Sau 3 năm, ở những trại đã từng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ chết lại cao do những heo sau 3 năm thường là heo mới về trại (heo thay thế đàn) nên chưa có miễn dịch với mầm bệnh PEDv của trại đó.
Video cơ chế xâm nhập của virus PED
Làm thế nào để xác định đàn heo đã nhiễm virus gây bệnh tiêu chảy cấp PEDv?
Trước tiên, khi phát hiện các dấu hiệu khả nghi (heo bị tiêu chảy và bắt đầu lây lan) ta cần quan sát, theo dõi, kiểm tra thường xuyên xem heo có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh hay không (màu phân, tốc độ lây lan, tỷ lệ chết, loại heo nhiễm bệnh, heo bị nôn…?).
Nếu vẫn chưa khẳng định được chắc chắn ta nên tiến hành mổ khám để kiểm tra các bệnh tích trên ruột như: có sữa trong dạ dày không? Thành ruột dày hay mỏng? hạch màng treo ruột có sưng không? Có xuất hiện tĩnh mạch sữa trên heo con theo mẹ không? Nếu đàn heo nhà bạn có hầu hết các triệu chứng, bệnh tích điển hình trên, bạn gần như có thể khẳng định đó là bệnh tiêu chảy cấp (PED) hoặc là bệnh TGE (viêm dạ dày ruột truyền nhiễm).
Tuy nhiên, muốn khẳng định chính xác mầm bệnh có phải là PEDv hay không ta có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm như: dùng kính hiển vi điện tử, phản ứng RT-PCR, Elisa, hóa miễn dịch huỳnh quang.
Hiện nay, trên thị trường có 1 loại dụng cụ chẩn đoán gọi là test kit đối với bệnh tiêu chảy cấp (PED) nhằm giúp người chăn nuôi cũng như các cán bộ thú y phát hiện bệnh 1 cách nhanh chóng nhất. Với nguyên lý là phản ứng miễn dịch sắc ký, bản chất là phản ứng bắt cặp giữa kháng nguyên và kháng thể bằng phương pháp sắc ký nhằm xác định có kháng nguyên PEDv trong mẫu thử nghiệm hay không.

Theo như hướng dẫn của nhà sản xuất, với cấu tạo của test kit như trong hình ta có thể thấy, khi cho mẫu vào đúng kỹ thuật, vạch C sẽ có màu đỏ đậm và ngược lại, nếu quá trình cho mẫu vào test kit không đúng thì sẽ không có vạch nào xuất hiện màu đỏ đậm. Khi trong mẫu thử có kháng nguyên PEDv, cả hai vạch C và T sẽ có màu đỏ đậm. Nếu không, sẽ chỉ có vạch C đỏ lên.
Kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) như thế nào là tốt?
Trong thực tế, việc kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào 2 biện pháp chính là auto vaccine và quản lý trại tổng thể tốt. Sau đây, chúng tôi xin được tổng hợp lại để mọi người cùng tham khảo.
Auto vaccine (gây nhiễm nhân tạo)
Với mục đích đẩy nhanh thời gian xuất hiện bệnh và kết thúc bệnh nhằm cắt dịch sớm.
Cách làm như sau:
- Chọn 1 heo con còn sống (từ 1-3 ngày tuổi) có biểu hiện dấu hiệu bệnh.
- Cắt lấy phần ruột non cùng với dịch chứa bên trong. Điều này rất quan trọng vì virus nằm trong tế bào nhung mao và tế bào bong tróc vào lòng ruột. Không sử dụng ruột đã bị mỏng và trong suốt vì không có đủ lượng virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) bên trong.
- Nghiền nhỏ đoạn ruột vừa cắt ra, cho thêm vào đó 1 lit nước muối sinh lý và 6 gam kháng sinh bột để giảm tạp nhiễm (thường là Amoxicillin kết hợp với Colistin) trộn đều với nhau.
Một bộ huyễn dịch chỉ cho 25-30 heo nái trong các giai đoạn: heo hậu bị, heo nái đã cai sữa, heo nái mang thai < 13 tuần tuổi ăn với liều 20-50 ml/ 1 con, mỗi ngày 2 lần và ăn liên tục trong 5-7 ngày và ngừng cho heo nái ăn auto vaccine nếu có biểu hiện tiêu chảy.
Chú ý:
- Không cho heo nái > 13 tuần tuổi và nái đang nuôi con ăn vaccine vì miễn dịch không kịp sinh ra để bảo vệ heo con mà ngược lại còn truyền nhiễm bệnh cho heo con. Heo nái mang thai < 2 tháng tuổi có thể bị sẩy thai nếu ăn huyễn dịch này.
- Nên cho heo ăn lần 1 vào lúc 6h chiều và ăn cùng với cám khô để sau 12h tiêu hóa → khi heo có biểu hiện bệnh thì ta có thể theo dõi được vào ban ngày.
- Những heo nái nhiễm bệnh tiêu chảy cấp (PED) rồi thì không cho ăn auto vaccine nữa.
- Khi cho heo nái ăn auto vaccine vẫn phải tiêm thêm kháng sinh phòng bội nhiễm.
- Một thời gian sau khi bị dịch, trại tiếp tục nhập heo hậu bị thay thế đàn, trong quá trình nuôi cách ly, ta nên cho những heo này ngửi phân và nhau thai của những con nái cũ trong trại để hệ thống miễn dịch của vật làm quen với mầm bệnh và sinh ra miễn dịch thụ động cho chính con nái đó.
Sau khi ăn auto vaccine, những con nái đều có hiện tượng tiêu chảy nhẹ. Nếu không tiêu chảy thì cho ăn liều tăng lên đến khi có hiện tượng tiêu chảy thì ngừng.
Miễn dịch được sinh ra sau khi ăn auto vaccine 2-3 tuần, kháng thể sẽ truyền cho heo con, giúp heo con vượt qua 7 ngày đầu.
Một số lưu ý:
- Ruột heo ở trại nào chỉ hiệu quả với trại đó và chỉ hiệu quả với tình hình dịch tại thời điểm đó.
- Heo thịt chưa nhiễm bệnh thì không nên cho ăn.
- Cần tính toán, lấy ruột bảo quản trong ngăn đá đề phòng trường hợp thiếu ruột để làm auto vaccine.
- Loại thải những heo cai sữa có khối lượng < 4,5 kg.
Quản lý tổng thể đẻ kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED)
Ngoài các biện pháp tổng thể như thiết lập hệ thống an toàn sinh học, ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài, vệ sinh sát trùng…ta cần tập trung chú trọng vào những điểm chính như sau:
01Ngăn chặn các mầm bệnh bệnh tiêu chảy cấp (PED) phát bằng các kháng sinh uống và tiêm kết hợp với bổ sung đường glucose 5%, điện giải, vitamin…
- 1 g kháng sinh Amoxicillin kết hợp với Colistin bột/ 20 kg thể trọng, hòa tan vào nước cho heo uống.
- Tiêm kháng sinh Amoxycillin 2ml/ 10 kg thể trọng.
- Uống thêm đường glucose 5%, điện giải, vitamin tổng hợp…
02Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly từ dụng cụ phục vụ heo ốm, nước sát trùng cho mỗi ô chuồng cho đến con người (những người đang chăm sóc heo ốm hạn chế tối đa tiếp xúc với những người đang chăm sóc heo khỏe), đội xe trung gian vận chuyển cám (những xe này sẽ vận chuyển cám cho từng xe cám của từng khu vực trại).
03Giảm tối đa stress cho heo: Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh. Hạn chế bắt heo quá nhiều lần. Ví dụ: một lần bắt heo ta tận dụng làm nhiều thao tác như bơm nước muối sinh lý, tiêm thuốc bổ, tiêm hay uống kháng sinh phòng kế phát…sau đó mới thả heo xuống. Như vậy ta sẽ giảm được số lần bắt heo từ đó giảm stress cho heo.
04Quản lý nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi: Đối với heo nhiễm bệnh tiêu chảy cấp (PED), nhiệt độ và ẩm độ đóng vai trò rất quan trọng trong việc con heo đó có thể vượt qua được và khỏe bệnh hay không. Cụ thể, thường khi heo tiêu chảy và nôn nhiều sẽ cảm thấy rất lạnh, nhất là với heo con. Nếu ta không đảm bảo đủ nhiệt độ cho chúng, thì khả năng sống sót là rất thấp. Tương tự như thế, môi trường ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi cho PEDv phát triển, nếu ta không khống chế được ẩm độ trong các ô chuồng thì công tác dập dịch sẽ vô cùng khó khăn. Thông thường để hạn chế ẩm độ trong chuồng nuôi người ta sẽ dùng vôi bột trong quá trình vệ sinh sát trùng chuồng trại thay vì phun nước như bình thường.
05Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Cân đối khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng (chủ yếu đối với các trại tự trộn thức ăn). Đối với heo nái đang nuôi con, cho ăn như bình thường. Đối với heo choai, giảm ½ khẩu phần ăn trong 4-5 ngày đầu tiên để giảm bội nhiễm và tránh lãng phí cám. Sau đó tăng dần lượng thức ăn để hỗ trợ phục hồi niêm mạc ruột. Ngoài ra có thể bổ sung các sản phẩm kích thích tăng miễn dịch vào trong khẩu phần ăn để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho heo.
Hiện nay trên thị trường vẫn có vaccine sống giảm hoạt lực virus giúp heo nái cải thiện khả năng chống lại PEDv. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy hiệu quả của vaccin luôn không ổn định. Thời gian gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra một sản phẩm giúp ngăn chặn bệnh tiêu chảy cấp (PED) khá hiệu quả có bản chất là kháng thể IgY trong lòng đỏ trứng gà, nó có tác dụng giống như kháng thể IgG trong huyết thanh và sữa đầu của động vật có vú (nhưng trên động vật có vú, hàm lượng không cao).
Với tác dụng xác định và trung hòa các chất lạ trong cơ thể, IgG (chỉ có trên động vật có vú) đóng một vai trò miễn dịch vô cùng quan trọng đối với con vật trong những ngày đầu sau sinh; tuy nhiên do hàm lượng quá ít và không ổn định nên không đủ để bảo vệ con vật. Trong thực tế, người ta đã tìm ra một loại kháng thể khác có tác dụng tương tự với IgG là IgY (IgY chỉ có trên gia cầm) nhưng số lượng dồi dào hơn, dễ tìm, dễ tách chiết hơn. Vì hàm lượng IgY trong lòng đỏ trứng rất cao nên người ta đã tách chiết IgY trong trứng đó rồi bổ sung cho heo con mới sinh nhằm thay thế IgG ngăn chặn ngay từ đầu những mầm bệnh không mong muốn.

Sản phẩm công nghệ mới này là một bước tiến vô cùng quan trọng trong vấn đề kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) nói riêng và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể heo nói chung trong suốt quá trình sinh trưởng của heo. Từ việc nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa rối loạn đường ruột nó góp phần làm giảm tỷ lệ chết trong những giai đoạn đầu của heo cũng như góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng suất tăng trưởng của toàn đàn.
Như vậy, việc kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) cần tiến hành đồng thời nhiều biện pháp tổng thể, trên quy mô toàn trại và trong cả khu vực xung quanh trại thì mới mang lại hiểu quả nhất định là lâu bền. Từ đó giảm thiểu tối đa những thiệt hại không đáng có do PED gây ra.
VietDVM team

Hội nghị chuyên đề PRRS bắc Mỹ 2014
Hội nghị sẽ diễn ra vào hai ngày 05 và 06 tháng 12 năm 2014, tại khách sạn Intercontinental, Magnificent Mile ở Chicago trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành liên tục trên phạm vi rộng lớn gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho ngành chăn nuôi Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Song song với dịch tiêu chảy cấp (PED) thì bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) trên heo cũng là một mối lo ngại không hề nhỏ. Hội nghị lần này dự kiến sẽ dành nhiều thời gian nói về những phát hiện mới nhất về PRRS và các bệnh liên quan khác như bệnh liên quan đến Circovirus (PCVAD) và bệnh do PED virus.
Khách sạn Intercontinental nơi diễn ra hội nghị ( ảnh ksvma.site-ym)
Cụ thể, ngày 5/12/2014 hội nghị sẽ thảo luận về các biện pháp tổng quát nhằm kiểm soát dịch bệnh trên heo như sự phối hợp trong khu vực hay các công cụ, ứng dụng mới phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn heo. Dự kiến toàn bộ chương trình ngày hôm đó sẽ do công ty Boehringer Ingelheim Vetmedica, Inc tài trợ.
Sang ngày 6/12/2014, hội nghị sẽ tập trung chuyên sâu hơn chủ yếu về các vấn đề nóng xoay quanh hai bệnh là PRRS và PED như sinh bệnh học, các phương pháp chẩn đoán mới, dịch tễ học, di truyền hoc, vaccine…
Hội nghị được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2005 do một nhóm có tên gọi là NA-PRRS bao gồm các nhà nghiên cứu, các bác sỹ thú y, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho heo, các sinh viên, các công ty và nhà sản xuất trên khắp thế giới. Bởi vậy, nhiều chuyên đề trong hội nghị sẽ được trình bày bởi các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ vô cùng hấp dẫn và thiết thực đối với những người hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y trên khắp thế giới.
Ngoài ra, hội nghị còn có học bổng du lịch tham gia chương trình này tại Chicago vào hai ngày 5-6/12/2014 trị giá 1000 usd (tương đương 21,2 triệu vnđ) dành cho đối tượng là sinh viên và các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ.
Chi phí đăng ký là 150 usd (tương đương 3,18 triệu vnđ) cho những người tham dự thường xuyên và 100 usd (tương đương 2,1 triệu vnđ) cho sinh viên trong đó bao gồm cả các chi phí thủ tục, ăn trưa vào thứ Bảy và ăn uống giờ nghỉ giải lao.
Xem chi tiết: ksvma.site-ym.com/?NAPRRS
Hoa đá tổng hợp

Cấu tạo virus Cúm gia cầm
Xuất hiện từ năm 412 trước công nguyên nhưng mãi đến năm 1680 mới bắt đầu bùng phát thành đại dịch và từ đó đến nay, cúm gia cầm luôn là mối lo ngại của toàn thế giới. Bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và gây ra hàng loạt thiệt hại không hề nhỏ trên động vật và cả con người bất chấp những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y học trong thế kỷ qua.
»› Video 3D - cấu trúc virus cúm gia cầm
Trước những diễn biến phức tạp đó nhất là trong thời gian gần đây, chúng tôi quyết định cho ra đời loạt bài viết về cúm gia cầm bao gồm các thông tin chi tiết từ đặc điểm cấu tạo của virus, các chủng cúm đang lưu hành hiện nay, cách nhận diện cúm, cũng như cách thức phòng và kiểm soát cúm nhằm cung cấp cho người đọc những cái nhìn toàn diện nhất về bệnh cúm trên gia cầm.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến virus cúm như:
- Hình dạng ngoài của virus: Lớp vỏ: HA, NA, M2, M1(cấu tạo+vai trò của mỗi thành phần).
- Nhân ARN.
- Tại sao virus cúm lại nguy hiểm như vậy? Cách đặt tên cho các chủng virus cúm. Khả năng gây bệnh của virusVirus cúm có hình dạng và cấu tạo như thế nào?
Virus cúm có hình dạng và cấu tạo như thế nào?
Virus cúm gia cầm (hay còn gọi là virus cúm A, virus cúm gà) có tên khoa học là Avian Influenza (AI), thuộc họ Orthomyxoviridae trong hệ thống phân loại chung.
Virus cúm gia cầm có dạng hình cầu hay hình khối đa diện, đường kính từ 80-120nm. Đôi khi cũng có dạng hình sợi với chiều dài sợi có thể lên đến 2000nm và đường kính lõi khoảng 80-120nm. Virus có khối lượng phân tử là 250 triệu Da.
Virus có cấu tạo đơn giản bao gồm vỏ (capsid), vỏ bọc ngoài (envelope) và lõi là ARN sợi đơn âm
Lớp vỏ virus
Lớp vỏ được bao bọc ngoài cùng bởi 1 lớp màng lipid kép có nguồn gốc từ màng tế bào nhiễm (thường là các tế bào trong đường hô hấp trên hoặc hồng cầu) đã được đặc hiệu hóa gắn các protein màng của virus cúm gia cầm.
Các protein màng (hay kháng nguyên bề mặt, hay gai glycoprotein) là các yếu tố kích thích sinh miễn dịch có ý nghĩa rất lớn đối với virus cúm gia cầm, chủ yếu bao gồm : HA, NA, protein kênh ion (M2), protein gian bào hay protein nền (M1).
Kháng nguyên bề mặt HA (Hemagglutinin)
HA (Hemagglutinin) là một glycoprotein thuộc protein màng typee I, có khả năng gây ngưng kết hồng cầu gà trong ống nghiệm .
Phân tử HA có dạng hình trụ, dài khoảng 130 ăngstron (Å), cấu tạo gồm 3 đơn phân (trimer), mỗi đơn phân (monomer) được tạo thành từ hai “dưới đơn vị HA1” và “ dưới đơn vị HA2” , liên kết với nhau bởi các cầu nối disulfide (-S-S-). Các đơn phân sau khi tổng hợp sẽ được glycosyl hóa (hay glycosylation là quá trình gắn kết các phân tử protein với nhau dưới tác động của enzym) như sau :
• “Dưới đơn vị HA1” sẽ gắn vào mặt ngoài vỏ capsid.
• “Dưới đơn vị HA2” (phần đầu tự do hình chỏm cầu) chứa đựng vị trí gắn với thụ thể thích hợp trên bề mặt màng tế bào đích.
Cấu tạo một phân tử HA
Trên bề mặt capsid của một virus có khoảng 400 phân tử HA với 2 chức năng chính là :
• Nhận diện và gắn virus cúm gia cầm với tế bào đích của vật chủ tương thích (ví dụ như các tế bào thuộc đường hô hấp trên và tế bào hồng cầu của động vật có xương sống).
• Sau đó khởi động quá trình xâm nhiễm của virus vào tế bào chủ đồng thời làm kết dính, ngưng kết hồng cầu hay dung hợp các tế bào bị nhiễm.
Có 18 nhóm HA (H1-H18), mỗi nhóm HA có khả năng kết hợp với một nhóm NA để tạo ra các chủng virus cúm gia cầm khác nhau, ví dụ như H5N6 (xem chi tiết cách phân chủng ở phần dưới).
Protein HA còn là kháng nguyên bề mặt quan trọng của virus cúm A và được coi là protein vừa quyết định tính kháng nguyên, vừa quyết định độc lực của virus. HA là đích của hệ thống miễn dịch, nó kích thích cơ thể sinh ra đáp ứng miễn dịch dịch thể đặc hiệu với từng typee HA , và tham gia vào phản ứng trung hòa virus, nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm của virus ở cơ thể nhiễm; từ đó là cơ sở điều chế các vaccine phòng cúm hiện nay.
- Cái tên Hemagglutinin (HA) bắt nguồn từ một loại protein có khả năng làm cho các tế bào hồng cầu tan ra và dính lại với nhau gọi là hiện tượng ngưng kết hồng cầu.
- Trước đây, người ta chỉ mới tìm ra có 15 nhóm HA, những năm gần đây các nhà khoa học tiếp tục phát hiện thêm 3 nhóm HA nữa là: - H16 (2004, tại Thụy Điển và Nauy). - H17 (2012, trên cơ thể những con dơi ăn quả). - H18 (được tìm thấy vào năm 2013).
Kháng nguyên bề mặt NA (Neurominidase)
Protein neurominidase còn gọi là sialidase, là một protein enzyme có bản chất là glycoprotein được gắn trên bề mặt capsid của virus cúm, mang tính kháng nguyên đặc trưng theo từng phân typee NA.
Có 9 phân typee (từ N1 đến N9) được phát hiện chủ yếu ở virus cúm gia cầm, hai phân typee N1 và N2 được tìm thấy ở virus cúm người liên quan đến các đại dịch cúm trong lịch sử (Webster, 1998). Có khoảng 100 phân tử NA xen giữa các phân tử HA trên bề mặt capsid virus.
Phân tử NA có dạng nút lồi hình nấm, đầu tự do (chứa vùng hoạt động) gồm 4 dưới đơn vị giống như hình cầu nằm trên cùng một mặt phẳng, và phần kị nước gắn vào vỏ capsid.
Cấu tạo 1 phân tử NA
Protein NA có vai trò là một enzyme cắt đứt liên kết giữa gốc sialic acid của màng tế bào nhiễm với phân tử cacbonhydrate của protein HA (sau khi HA kết dính vào bề mặt của tế bào nhiễm) giải phóng hạt virus cúm gia cầm ra khỏi màng tế bào nhiễm, đẩy nhanh sự lây nhiễm của virus trong cơ thể vật chủ, và ngăn cản sự tập hợp của các hạt virus mới trên màng tế bào.
Mặt khác, NA tham gia vào phân cắt liên kết này trong giai đoạn “hòa màng”, đẩy nhanh quá trình cởi áo “uncoating” giải phóng hệ gen của virus vào trong bào tương tế bào nhiễm, giúp cho quá trình nhân lên của virus diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, NA còn phân cắt các liên kết glycoside, giải phóng neuraminic acid làm tan loãng màng nhầy bề mặt biểu mô đường hô hấp, tạo điều kiện cho virus nhanh chóng tiếp cận tế bào biểu mô và thoát khỏi các chất ức chế không đặc hiệu.
Cùng với vai trò của kháng nguyên HA, cả 3 khâu tác động trên của NA đều tham gia làm gia tăng độc lực gây bệnh của virus cúm A ở cơ thể vật chủ. Do đó, NA là đích tác động của các thuốc, hóa dược ức chế virus không đặc hiệu hiện nay, đặc biệt là Oseltamivir (biệt dược là Tamiflu) phong tỏa enzyme này, ngăn cản sự giải phóng hạt virus mới khỏi các tế bào đích, bảo vệ cơ thể (Theo Castrucci, Kawaoka ; Aoki và cộng sự).
Bên cạnh đó, NA còn là một kháng nguyên bề mặt của virus cúm gia cầm, tham gia kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể vật chủ, sinh ra kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên NA của các chủng virus đương nhiễm có tác dụng phong tỏa protein NA (Theo Doherty và cộng sự, 2006).
Như vậy, kháng nguyên NA cùng với kháng nguyên HA của virus là các đích chủ yếu của cơ chế bảo hộ miễn dịch của cơ thể với virus cúm gia cầm, và là cơ sở điều chế các vaccine phòng cúm hiện nay cho người và gia cầm, nhằm ngăn chặn dịch cúm ở gia cầm và hạn chế lây truyền sang người.
Protein kênh ion (M2)
Protein M2 bao gồm 3 phân đoạn protein với tổng cộng là 97 amino acid.
M2 là một kênh proton, nghĩa là nó điều hòa sự vận chuyển các ion H+ đi qua màng virus khi điều kiện PH môi trường có sự thay đổi. Cụ thể, khi virus cúm gia cầm đi vào trong một tế bào vật chủ, PH môi trường giảm xuống >> kích thích kênh M2 mở ra và các proton (H+) từ nguyên sinh chất của tế bào vật chủ đi qua màng vào trong virus, điều này làm khởi phát quá trình phân ly của vỏ virus và cho phép các ARN của virus tự do phiên mã thành protein virus.
Protein nền (M1)
Protein M1 là một trong số các protein ma trận của virus cúm gia cầm. Tất cả các phân tử M1 xếp sát với nhau tạo thành một lớp áo khoác bên trong lớp màng lipid và là cầu nối giữa lớp màng với nhân ARN của virus. Đồng thời nó cũng giữ những chức năng quan trọng trong quá trình tái tạo, lắp ráp và nhân lên của virus cúm gia cầm như:
- Vận chuyển Ribonucleoprotein (RNP) từ ngoài vào trong và từ trong ra khỏi nhân virus cúm gia cầm. Cụ thể, khi virus xâm nhập vào tế bào vật chủ rồi nhân bản lên thành nhiều đoạn RNP, M1 sẽ liên kết với RNP mới đó và di chuyển lần lượt các RNP đó vào trong nhân virus mới (M1 sẽ tách khỏi RNP sau khi vận chuyển RNP đến đích). Trong giai đoạn cuối của quá trình nhiễm trùng, M1 ức chế hoạt động của ARNvirus bằng cách gắn vào RNP → tạo nên tín hiệu cho quá trình vận chuyển RNP từ trong nhân ra bề mặt tế bào. Cuối cùng, M1 kết hợp giữa RNP với glycoprotein của vỏ virus trên bề mặt bên trong của màng tế bào chất, sau đó thúc đẩy sự hình thành và nhân lên của virus cúm gia cầm.
- Lắp ráp các bộ phận của virus cúm gia cầm thành 1 con virus hoàn chỉnh (nó giống như 1 “chiếc xe vận chuyển”).
- Sự tương tác của M1 với các protein vỏ virus là rất cần thiết để chỉ đạo M1 đến màng tế bào phóng thích RNP (nhân) của virus cúm gia cầm.
Nhân ARN
Virus cúm gia cầm có nhân là ARN sợi đơn âm bao gồm 8 phân đoạn gen riêng biệt mang tên từ 1-8 theo thứ tự giảm dần của kích thước phân tử (hay được gọi theo tên protein mà chúng mã hóa tổng hợp), mã hóa cho 11 protein khác nhau là HA, NA, NP, M1, M2, PB1, PB1 – F2, PB2, PA, NS1 và NS2.
Mỗi phân đoạn RNA của virus cúm gia cầm có cấu trúc xoắn bậc 2 α đối xứng dài 50 - 100 nm, đường kính 9 - 10 nm, được bao bọc bởi nucleoprotein (NP) - bản chất là lipoprotein, tạo thành cấu trúc ribonucleoprotein (RNP). Mỗi RNP kết hợp với 3 protein enzyme polymerase (PA, PB1 và PB2) chịu trách nhiệm trong quá trình phiên mã và sao chép RNA của virus (Hình 5).
Các phân đoạn của hệ gen virus cúm A nối với nhau bằng các cầu nối peptide tạo nên vòm (loop) tại giới hạn cuối của mỗi phân đoạn, và tạo thành một sợi RNA duy nhất có tổng độ dài từ 10.000 - 15.000 bp (tuỳ theo từng chủng virus cúm gia cầm), chứa đựng khoảng 13,5 kilobase thông tin di truyền và có cấu trúc xoắn α bên trong vỏ virus.
Cấu tạo chi tiết của virus cúm và hệ gen
8 đoạn ARN đươc bố trí trong nhân virus
Lưu ý : PB1 – F2 là 1 Polypeptide mới được phát hiện những năm gần đây nên hiện chúng tôi chưa có thông tin.
Tại sao virus cúm gia cầm lại nguy hiểm như vậy?
Thứ nhất, hệ gen của virus cúm gia cầm luôn luôn biến đổi rất linh hoạt tạo thành các chủng cúm mới có khả năng thích nghi cao hơn và khả năng gây bệnh nặng hơn chủng cũ.
Thứ hai, virus cúm gia cầm có hệ gen được cấu trúc từ 8 phân đoạn riêng biệt và không có gen mã hóa enzyme sửa chữa RNA, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện các đột biến điểm trong các phân đoạn gen/hệ gen qua quá trình sao chép nhân lên của virus, hoặc trao đổi các phân đoạn gen giữa các chủng virus cúm đồng nhiễm trên cùng một tế bào, rất có thể dẫn đến thay đổi đặc tính kháng nguyên tạo nên các chủng virus cúm gia cầm mới.
Thứ ba, virus cúm gia cầm độc lực cao có sự thích nghi rất tốt trên nhiều loại vật chủ khác nhau như gia cầm, động vật có vú, và con người. Điều đó làm cho việc kiểm soát mầm bệnh là vô cùng khó khăn.
Thứ tư, đa phần virus khu trú trong cơ thể chim hoang dã nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta gần như không thể kiểm soát được sự phát tán của mầm bệnh.
Cách đặt tên cho các chủng virus cúm gia cầm:
Virus cúm có 3 type A, B, và C khác nhau:
- Type A gây cúm ở các loại gia cầm: gà, gà tây, ngan, vịt, ngỗng, vẹt, cú, sẻ, bồ câu, lợn, ngựa, ng¬ười ...
- Type B gây bệnh cúm ở người và ngựa.
- Type C chủ yếu gây bệnh cúm ở trẻ nhỏ không gây thành dịch.
Trong đó type A là type gây bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất. Trong 15 nhóm thuộc type A thì H5 và H7 có nhiều chủng độc lực cao nhất.
Người ta phân loại virus cúm type A thành các subtype dựa trên các kháng nguyên bề mặt HA (1-18) và NA (1- 9).
Ví dụ như: chủng H7N6 tức là trên vỏ bọc của virus chỉ có gai H7 và gai N9. Từ đó, đáp ứng miễn dịch giữa các chủng virus cúm gia cầm trên cơ thể nhiễm bệnh là khác nhau.
Có 18 phân typee HA và 9 phân typee NA đã được phát hiện, sự tổ hợp giữa các phân typee này, về lí thuyết, có thể tạo ra rất nhiều các biến chủng khác nhau.
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quy định thống nhất tên gọi theo thứ tự kí hiệu: .
- Tên serotypee.
- Loài động vật bị nhiễm.
- Vùng địa lí phân lập.
- Số hiệu đăng kí chủng virus.
- Thời gian phân lập.
- Loại hình phân typee [HA(H) và NA(N)].
- Ví dụ: A/Chicken/Vietnam/ HG4/2005(H5N1)..
- Đối với các virus được phân lập trên người bệnh, thì không cần ghi loài mắc trong danh pháp, ví dụ: A/Vietnam/1194/2004(H5N1).
Khả năng gây bệnh của virus cúm gia cầm:
Virus cúm gia cầm có tính thích ứng lây nhiễm cao với biểu mô đường hô hấp, gây bệnh chủ yếu ở đường hô hấp, và cũng có thể tác động gây tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể của các động vật cảm nhiễm, do đó còn được gọi là virus hướng đa phủ tạng.
Khả năng gây bệnh của virus cúm A phụ thuộc vào độc lực và tính thích nghi vật chủ của từng chủng virus. Thông thường chúng không gây bệnh hoặc chỉ gây bệnh nhẹ giới hạn ở đường hô hấp của chim hoang dã và gia cầm nhiễm, nhưng một số chủng cường độc (H5, H7, và H1, H2, H3) có thể gây bệnh nặng ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể, gây nên dịch cúm ở gia cầm và ở người, có lẽ do tính thích ứng thụ thể sialic của chúng.
Sau khi bị nhiễm virus cúm gia cầm, cơ thể vật chủ sinh ra đáp ứng miễn dịch chống lại virus bảo vệ cơ thể, nhưng đáp ứng miễn dịch này có thể không có tác dụng bảo vệ hoàn toàn cho những lần nhiễm sau, do virus cúm gia cầm luôn có sự biến đổi kháng nguyên của nó trong quá trình lưu hành ở tự nhiên, và không có đáp ứng miễn dịch chéo giữa các chủng virus cúm gia cầm (Webster, 1998). Do đó, khi xuất hiện những biến chủng virus cúm gia cầm có đặc tính kháng nguyên khác với các chủng virus trước đó, cơ thể nhiễm sẽ không hoặc ít có đáp ứng miễn dịch bảo hộ thích ứng với chủng virus cúm mới.
Đây là nguyên nhân làm cho gia cầm và con người thường bị mắc bệnh cúm nhiều lần trong năm, và các đợt dịch cúm xảy ra về sau thường nặng nề hơn và có thể gây nên đại dịch cúm mới.
Khả năng gây bệnh của biến chủng virus cúm gia cầm mới giảm hoặc biến mất, khi cơ thể có được đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với biến chủng đó và chúng trở nên thích nghi lây nhiễm ở loài vật chủ mới. ví dụ: virus A/H1N1, A/H2N2, A/H3N2 là nguyên nhân của các đại dịch cúm trên người trước đây và đã thích nghi lây nhiễm ở người. Tuy nhiên, các chủng này vẫn thường gây ra các vụ dịch cúm tản phát hàng năm ở người, do khả năng biến đổi kháng nguyên của chúng. Đây cũng chính là nguồn virus trao đổi gen với các chủng virus cúm đang lưu hành ở gia cầm, để thích ứng lây nhiễm gây bệnh cho nhiều loài khác ngay cả trên người.
Độc lực gây bệnh của virus cúm gia cầm
Tính gây bệnh hay độc lực của virus cúm gia cầm được chia làm hai loại: Loại độc lực cao (HPAI - Highly pathogenic avian influenza), và loại độc lực thấp (LPAI - Low pathogenic avian influenza), cả hai loại đều cùng tồn tại trong tự nhiên.
- HPAI: là loại virus cúm A có khả năng gây tổn thương nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể nhiễm, trên gia cầm chúng thường gây chết 100% số gia cầm bị nhiễm trong vòng 48h sau nhiễm. Loại này rất nguy hiểm gây lo ngại cho cộng đồng. Virus loại HPAI phát triển tốt trên tế bào phôi gà và tế bào thận chó trong môi trường nuôi cấy không có trypsin.
- LPAI: là loại virus khi phát triển trong cơ thể nhiễm, có thể gây bệnh cúm nhẹ không có triệu chứng lâm sàng điển hình và không làm chết vật chủ. Đây là loại virus lây truyền rộng rãi và tạo nên các ổ bệnh trong tự nhiên của virus cúm A, loại này có thể trao đổi gen với các chủng virus có độc lực cao đồng nhiễm trên cùng một tế bào, và trở thành loại virus HPAI nguy hiểm.
Tính thích ứng đa vật chủ của virus cúm gia cầm
Vật chủ tự nhiên của tất cả các chủng virus cúm gia cầm là chim hoang dã (chủ yếu là vịt trời), đây là nguyên nhân lan truyền virus trong tự nhiên rất khó kiểm soát. Virus cúm có khả năng gia tăng loại vật chủ của chúng trong quá trình lây truyền ở tự nhiên.
Nhờ đặc tính luôn thay đổi kháng nguyên trong tự nhiên, virus cúm gia cầm có khả năng xâm nhiễm ở nhiều loài vật chủ trung gian khác nhau như gia cầm, một số loài động vật có vú (hải cẩu, cá voi, ngựa, lợn) và cả ở người, tạo nên tính thích ứng lan truyền “nội loài” như gà - gà, hay “ngoại loài” như gà - lợn; gà - lợn - người. Vịt (vịt trời) và một số loài thuỷ cầm khác (ngỗng) luôn luôn là vật chủ tàng trữ nguồn virus gây nhiễm.
Đặc điểm thích ứng vật chủ này là điều kiện thuận lợi cho virus cúm A trao đổi, tái tổ hợp các phân đoạn gen, đặc biệt là các phân đoạn gen kháng nguyên (gen “độc” HA và NA) giữa các chủng, tạo ra một chủng virus cúm mới có khả năng thích ứng xâm nhiễm ở loài vật chủ mới của chúng đặc biệt khi chúng vượt qua được “rào cản loài” dễ dàng thích ứng lây nhiễm gây bệnh từ gia cầm sang người và giữa người với người.
Trong lịch sử các đại dịch cúm ở người, lợn thường là vật chủ trung gian chuyển tiếp giúp cho virus cúm Gia cầm biến đổi để dễ dàng lây nhiễm sang người gây nên bệnh dịch. Ví dụ: cúm A/H3N2 là kết quả tái tổ hợp tự nhiên của virus cúm A/H2N2 của người và virus chứa gen H3 trong tự nhiên thông qua đồng nhiễm trên lợn, gây nên đại dịch cúm châu Á năm 1968.
- Hấp thụ và xâm nhập, phiên mã mARN, tổng hợp protein, sao chép genome. lắp ráp và giải phóng.(chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở bài viết tiếp theo)
Sức đề kháng của virus
Virus cúm A tương đối nhạy cảm với các tác nhân bất hoạt vật lí hay hóa học. Các hạt virus tồn tại thích hợp trong khoảng pH từ 6,5 đến 7,9. Ở pH quá acid hay quá kiềm, khả năng lây nhiễm của virus bị giảm mạnh.
Lớp vỏ ngoài của virus bản chất là lớp lipid kép, có nguồn gốc từ màng tế bào nhiễm, dễ bị phá hủy bởi các dung môi hòa tan lipid, chất tẩy rửa và các chất sát trùng: formaldehyde, phenol, β-propiolacton, sodium hypochloride, acid loãng và hydroxylamine. Virus bị bất hoạt dưới ánh sáng trực tiếp sau 40 giờ, tồn tại được 15 ngày ánh sáng thường, tia tử ngoại bất hoạt được virus nhưng không phá hủy được kháng nguyên của virus cúm gia cầm.
Tuy nhiên, virus cúm A dễ dàng bị tiêu diệt hoàn toàn ở 100oC và ở 60oC/30 phút, tồn tại ít nhất 3 tháng ở nhiệt độ thấp (trong phân gia cầm), và tới hàng năm ở nhiệt độ bảo quản (−70oC). Trong phủ tạng gia cầm (40oC), virus tồn tại 25 - 30 ngày, nhưng chỉ tồn tại 7 - 8 ngày ở nhiệt độ cơ thể người (37oC); trong nước, virus có thể sống tới 4 ngày ở nhiệt độ 30oC.
Như vậy, việc nắm rõ cấu trúc, cũng như những đặc tính cơ bản của virus cúm gia cầm sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm của bệnh đồng thời nó cũng là cơ sở để chúng ta đưa ra các phương án tốt nhất để khắc chế virus, nhằm giảm thiểu mức tối đa thiệt hại về kinh tế và đời sống con người do bệnh cúm gia cầm gây ra.
Hoàng Nam TY
Trong báo cáo gửi tổ chức thú y thế giới OIE ngày 07 tháng 11 năm 2014 cơ quan thú y nước này cho biết nước này đã nổ ra 7 ổ dịch newcastle mới.
7 ổ dịch nổ ra lần này nằm ở New Groud và Half Tree Hollow với 96 con gia cầm nhạy cảm và 51 con đã chết, tất cả các số gia cầm đã được tiêu hủy.
Bản đồ Helena nơi đang diễn ra ổ dịch ( ảnh googlemap)
Tại NewGroud đã có 41 con gia cầm nhiễm bệnh và tất cả đã chết hoặc được tiêu hủy. Tại Half Tree Hollow số gia cầm bị nhiễm là 19 con gia cầm.
Trước đó cũng tại đây ngày 21 - 8 - 2014 đã có 128 con gia cầm chết do dịch này.
Nguyên nhân các ổ dịch được cơ quan thú y nước này cho biết là do đàn chim hoang dã lây nhiễm cho đàn gia cầm.
Hiện nay các biện pháp phòng dịch đã được thực hiện. Số gia cầm trong vùng đã được tiêm phòng (2.222 con gia cầm đã được tiêm phòng).
Ga_8xx tổng hợp
![[Video] Cấu trúc virus cúm gia cầm](/media/k2/items/cache/2cf20e200ca2c770a044a65b100b0636_Generic.jpg)
[Video] Cấu trúc virus cúm gia cầm
VietDVM team giới thiệu video cấu tạo virus cúm gia cầm.
Nội dung: VietDVM team
Kỹ thuật: VietDVM