
Công ty Biofarm tuyển dụng nhân viên
Công ty Biofarm có địa chỉ tại Km 8, Vạn Lộc, Đông Anh, Hà Nội, công ty Biofarm là công ty chuyên sản xuất và phân phối thuốc thú y từ các nước Hàn Quốc, Pakistan, Malaysia, Dược phẩm trung ương 1...

Công ty Biofarm có môi trường chuyên nghiệp luôn đào tạo và thu hút nhân tài.
Hiện nay chúng tôi cần tuyển dụng vị trí: Nhân viên kỹ thuật thị trường
Yêu cầu của công ty Biofarm
- Tốt nghiệp chuyên ngành thú y. (ưu tiên nhân viên có kinh nghiệm)
- Có tuyển nhân viên Nữ
- Địa điểm làm việc: Các tỉnh phía bắc
Lương: Theo thoả thuận
Liên hệ
- Người liên hệ: Mr. Chuyền
- Địa chỉ công ty: Km 8, Vạn Lộc, Đông Anh, Hà Nội
- Số điện thoại: 0439.500.140 giờ hành chính hoặc 01656.106.483
(chi tiết xin truy cập website: www. Biofarm.com.vn)
Thông tin được chia sẻ
Mr Chuyền

Giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi của Trung Quốc được trung tâm thông tin thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) cập nhật lúc 14h hàng ngày. Trong tuần 27/2016 vừa qua giá cả thị trường bán buôn ở Trung Quốc có giảm nhẹ so với các tuần trước đó, tuy nhiên giá thịt heo vẫn duy trì ở mức cao (85.909đ/kg).
So với cùng kỳ năm ngoái giá heo thịt đã tăng lên 25% (cũng theo thống kê của MOA). Giá gà thịt mổ sẵn cũng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chăn nuôi khác đều có mức giảm nhẹ.
Sau đây là tổng hợp giá cả thị trường Trung Quốc trong tuần 27/2016.
Biểu đồ chi tiết giá cả thị trường từng mặt hàng biến động trong tuần



VietDVM team tổng hợp

Như đã nói trong bài viết phần 1 lần trước về kiểm soát APP cấp tính (hay còn gọi là bệnh viêm phổi màng phổi, viêm phổi dính sườn), hầu hết mọi trang trại chăn nuôi heo tại Việt Nam hiện nay đều có heo nhiễm bệnh viêm phổi dính sườn và đa phần là ở thể mãn tính.
Bởi vậy, bài viết lần này sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào các tác động lâu dài đã thành mãn tính mà Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) gây ra trên đàn heo và cách kiểm soát chúng.

Các trường hợp bệnh viêm phổi dính sườn thường gặp trong thực tế.
Sau một đợt bùng phát dịch viêm phổi dính sườn cấp tính, đa phần mầm bệnh vẫn còn lưu cữu trong trại và gây bệnh mãn tính trên vật nuôi. Một số trường hợp có thể xảy ra trong thực tế sau khi vụ dịch cấp tính kết thúc như sau:
1. Bệnh biến mất mà không có dấu hiệu lâm sàng hoặc bệnh mãn tính nào.
2. Nhiễm khuẩn APP có thể giảm nhưng thỉnh thoảng vẫn có trường hợp cấp tính bùng phát.
3. Viêm phổi dính sườn trở thành một phần trong phức hợp các bệnh hô hấp trên heo tồn tại trong trại đặc biệt là kết hợp với Mycoplasma hyopneumoniae (suyễn heo) hay bệnh tai xanh (PRRS).
Trường hợp này xuất hiện nhiều nhất trong các đàn có sức khỏe yếu hoặc những đàn có mật độ chăn nuôi dày đặc trong thời gian dài liên tục, những đàn nuôi trộn lẫn heo của nhiều lứa tuổi khác nhau và những đàn có vấn đề trong quản lý tiểu khí hậu chuồng nuôi.
4. Bệnh viêm phổi dính sườn mãn tính có thể xảy ra trên một số cá thể heo hoặc nhiều hơn trong đàn. Thông thường bệnh sẽ ngày càng gia tăng khi heo trên 10 tuần tuổi và thỉnh thoảng có một số biểu hiện triệu chứng lâm sàng như khó thở, thở kiểu chó ngồi, ho, giảm tăng trọng, tăng tỷ lệ chết.
Tại lò mổ, chúng ta có thể quan sát rõ các bệnh tích điển hình của viêm phổi dính sườn mãn tính như việc phổi và màng phổi dính với sườn như trong hình bên dưới.






Nguyên lý kiểm soát viêm phổi dính sườn mãn tính.
Dịch tễ học của APP mãn tính có tính chu kỳ. Nghĩa là thông thường mầm bệnh bắt nguồn từ heo nái giống truyền trực tiếp sang cho heo con và đến khi heo con khoảng 9-12 tuần tuổi, mầm bệnh mới bắt đầu nhân lên, gây bệnh cho heo. Sau đó heo bệnh tiếp tục bài tiết vi khuẩn ra môi trường → lây nhiễm cho heo con và heo nái khác → cứ như vậy lặp đi lặp lại tuần hoàn trong trại nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Chính vì vậy mà nguyên tắc kiểm soát viêm phổi dính sườn là dựa trên cơ sở của việc phá vỡ chu kỳ lây bệnh của nó. Nghĩa là loại bỏ mầm bệnh có trong heo nái (nơi mà mầm bệnh không có bất kỳ biểu hiện nào trên con vật) và ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh giữa các đối tượng, lứa tuổi heo con khác nhau.
Chiến lược và các biện pháp cụ thể kiểm soát viêm phổi dính sườn.
Chiến lược kiểm soát viêm phổi dính sườn phụ thuộc vào hệ thống quản lý tại chỗ, với các biện pháp như cùng vào cùng ra, kích thích đẻ đồng loạt sẽ giúp kiểm soát mầm bệnh tốt hơn.
Thách thức lớn nhất được biết đến chính là sự lan truyền một cách rộng rãi và rất khó kiểm soát của mầm bệnh trong chu trình tiếp xúc giữa heo nái với heo con.
Các biện pháp hạn chế mầm bệnh viêm phổi dính sườn tốt nhất bao gồm:
• Giảm mật độ chuồng nuôi.
• Khử trùng, làm sạch các mầm bệnh tự do trong trại.
• Kiểm soát sự nhân lên của mầm bệnh bằng thuốc.
- Diệt mầm bệnh trong cơ thể heo con ngay từ lúc cai sữa bằng một số loại kháng sinh như tulathromycin, ceftiofur hoặc fluorquinolones.
- Kết hợp với ức chế mầm bệnh trong cơ thể heo nái bằng cách trộn kháng sinh tilmicosin vào trong thức ăn heo nái trong một liệu trình kéo dài tùy từng trường hợp.
• Cuối cùng, các biện pháp trên chỉ có thể giúp hạn chế mầm bệnh bùng phát và gây bệnh chứ chưa có trường hợp nào chứng minh là có thể loại bỏ được hoàn toàn mầm bệnh viêm phổi dính sườn mãn tính lây truyền từ heo nái sang heo con trong trại.
Nhìn chung, xét về góc độ kinh tế thì việc kiểm soát APP mãn tính nên được tiến hành một cách bài bản bắt đầu từ khâu theo dõi đánh giá, chấm điểm phổi cho heo tại lò mổ để biết mức độ nặng nhẹ của bệnh từ đó có các biện pháp phòng bệnh hợp lý với điều kiện kinh tế, địa lý, môi trường của trang trại mình.
Trong một số trường hợp bệnh xuất hiện với cường độ nghiêm trọng, ta có thể dùng một số loại kháng sinh có tác động nhanh tiêm trực tiếp vào heo bệnh đồng thời trộn vào trong cám cho heo ăn. Ví dụ như: trộn kháng sinh tilmicosin vào cám 2 tuần liên tục đồng thời tiêm tulathromycin hoặc metaphylactically cho từng cá thể heo hay trường hợp gấp hơn có thể tiêm tiamulin. Tuy nhiên, kiểm soát mầm bệnh bằng thuốc kháng sinh về lâu về dài không phải là một giải pháp được ưu tiên.
Kiểm soát viêm phổi dính sườn bằng vaccine phòng bệnh.
Thực tế đã chứng minh, kiểm soát APP bằng vaccine mang lại hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên tiêm chủng như thế nào cho đúng cách, phát huy tác dụng tốt nhất thì không phải ai cũng nắm được.
Tùy thuộc thời điểm bùng phát các triệu chứng bệnh tích của heo mà ta có thể tính thời điểm làm vaccine cho phù hợp với trại mình. Cụ thể, ta phải tiêm vaccine trước thời điểm heo xuất hiện các triệu chứng bệnh tích của viêm phổi dính sườn để vaccine có thời gian phát huy tác dụng.

Ví dụ như: nếu bệnh bùng phát thành triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài lúc heo nhà bạn 12 tuần tuổi thì thời điểm tiêm mũi vaccine thứ 2 là trước đó 3 tuần (lúc heo 9 tuần tuổi) và mũi thứ nhất trước mũi thứ 2 ba tuần (tức là lúc heo được 6 tuần tuổi).
VietDVM team biên dịch
theo pig333

Tập đoàn New Hope là một tập đoàn kinh tế lớn 100% vốn nước ngoài, đứng thứ 3 trên thế giới và thứ nhất Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện nay tại thị trường Miền Bắc Việt Nam tập đoàn xây dựng 4 nhà máy hiện đã và đang đi vào sản xuất. Nhằm phục vụ cho các khâu sản xuất, kinh doanh ngày một lớn mạnh

Công ty New hope Miền Bắc cần tuyển dụng một số lượng nhân sự cụ thể như sau:
1. Nhân viên kinh doanh phát triển thị trường 20 người
Yêu cầu: Ưu tiên chuyên nghành chăn nuôi, chuyên nghành thú y. Trực tiếp đi thị trường đến các đại lý, trang trại chăn nuôi lớn, giúp đỡ thú y, chăn nuôi. Giới thiệu quảng bá và mời sử dụng sản phẩm của công ty
2. Nhân viên kinh doanh chăm sóc thị trường 5 người
Yêu cầu: Ưu tiên chuyên nghành chăn nuôi, chuyên nghành thú y. Trực tiếp đi thị trường đến các đại lý, trang trại chăn nuôi lớn, giúp đỡ thú y, chăn nuôi. Chăm sóc đại lý, trang trại lớn sử dụng sản phẩm của công ty.
Yêu cầu :
- Nhiệt tình, chịu khó, ham học hỏi.
- Giao tiếp tốt, mạnh rạn.
- Có phương tiện đi lại, có phương tiện liên lạc.
- Ưu tiên những người học bên nông nghiệp và có chuyên nghành thú y.
Lương thưởng:
Đối với nhân viên kinh doanh phát triên, chăm sóc thị trường.
- Thử việc từ 11 triệu + Lương thưởng (thời gian 1 – 2 tháng)
- Chính thức 15.5 triệu + Lương thưởng (tùy theo thành tích đạt được)
- Lương thưởng = thành tích + kết quả ( không giới hạn)
Quyền lợi khi làm việc :
Có cơ hội học tập & phát triển
Cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp
Hưởng toàn bộ chế độ ưu đãi cho người lao động (theo yêu cầu của nhà nước việt nam)
Có cơ hội thăng tiến (tăng chức, tăng lương).
Hưởng chế độ nghỉ lê, tết theo quy định việt nam
Ưu tiên làm việc tại tỉnh nhà (tại nơi cư trú của mình)
Luu ý : Chỉ tuyên nhân viên làm việc tại thị trường các tỉnh miền bắc.
Nộp hô sơ tại:
Công ty TNHH Newhope Hà Nội - chi nhánh Bắc Giang
Địa chỉ: Lô P (P3), KCN Quang Châu - Huyện Việt Yên - Bắc Giang
Liên hệ trực tiếp Phòng kinh doanh: Trần Văn Tuất sdt: 0963.072.130
Thông tin được cung cấp bởi
Mr. Mạnh

Luật Thú y và Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y chính thức có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2016 vừa qua.
Sau đó, trong tháng 7/2016, một loạt Thông tư của Bộ NN-PTNT về lĩnh vực thú y cũng có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực thú y. VietDVM.com giới thiệu những vấn đề liên quan đến tài chính trong Luật, Nghị định, Thông tư này.

Luật Thú y quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.
Điều 23, Luật Thú y quy định kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được sử dụng cho các hoạt động sau đây: Phòng, chống dịch bệnh động vật; khắc phục hậu quả dịch bệnh động vật; phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được hình thành từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; kinh phí của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật như sau:
- Nguồn từ ngân sách nhà nước: Ngân sách TƯ bố trí kinh phí cho các Bộ, cơ quan TƯ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; ngân sách địa phương bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.
Trường hợp kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh báo cáo bằng văn bản, gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 27 của Luật Thú y.
- Nguồn kinh phí của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Các chi phí để phòng, chống dịch ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Các nội dung chi từ ngân sách nhà nước: Chi tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị, thuốc thú y (vắc xin, thuốc sát trùng) và chi phí cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; chi hoạt động giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật; chi dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật, điều tra, nghiên cứu bệnh động vật; chi hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật; chi hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra hoặc do phải áp dụng biện pháp xử lý bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí xử lý; chi hỗ trợ để phục hồi môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như sau: Mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra, hỗ trợ thiệt hại do phải áp dụng biện pháp xử lý động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với những nội dung chưa có quy định về mức hỗ trợ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với BNN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 27 và Khoản 3 Điều 30 của Luật Thú y; UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.
Mức hỗ trợ phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và yêu cầu thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.
Tác giả: Hiếu Minh - VP
Nguồn tin: Báo Nongnghiep.vn

Tại miền Nam nước ta trong tuần 27 vừa qua, giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi biến động như thế nào?
Tuần cuối của tháng 06 năm 2016 và bước vào những ngày đầu của tháng 07, giá cả các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường miền Nam nước ta tiếp tục có mức giảm khá. Giá heo giảm 2000 - 3000đ/kg so với đầu tháng 6/2016, hiện chỉ còn 47.000đ/kg.

Giá cả thị trường nhìn chung vẫn duy trì ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Giá heo giống vẫn duy trì ở mức 100.000 - 110.000đ/kg (heo siêu).
Với mặt hàng gia cầm thịt; giá gà lông màu nuôi bán công nghiệp có giá 36.000đ/kg tiếp tục giảm so với tháng 5 và tháng 6 vừa qua (đây là tháng thứ 3 liên tiếp sản phẩm này giảm).
Giá trứng gia cầm tiếp tục giảm so với tuần trước; hiện trứng gà có giá 1.650 đ/kg với mức giá như hiện nay người nuôi gà đẻ đã có lãi.
Nhìn chung giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường miền Nam nước ta khá ổn định, mặc dù các dấu hiệu cho thấy thị trường đang đi xuống.
Tổng hợp giá cả thị trường tuần 27/2016:
Giá giống tại trại các loại
Loại giống | Giá bán | Đơn vị tính | |
Heo | Heo giống <20kg | 100.000 - 110.000 | đ/kg |
Gà | Gà thịt lông màu | 6.500 | đ/con |
Gà thịt công nghiệp | 11.000 | đ/con | |
Gà đẻ trứng công nghiệp | 18.000 | đ/con | |
Vịt | Vịt Super thịt | 14.000 | đ/con |
Vịt Super bố mẹ | 27.000 - 33.000 | đ/con | |
Vịt Grimaud | 16.000 | đ/con | |
Vịt Grimaud bố mẹ | 45.000 - 55.000 | đ/con |
Lưu ý: Gà lông màu ở đây là gà lai lương phượng có thời gian nuôi ngắn 70 - 90 ngày.
VietDVM team tổng hợp

Cập nhật giá cả thị trường tại miền Bắc nước ta.
Trong tuần 27/2016 vừa qua, giá cả các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường miền Bắc nước ta có rất nhiều biến động có lợi cho người chăn nuôi. Giá trứng gà Ai Cập có mức tăng cao đột biến (có lúc lên tới 2.600đ/kg tại thị trường Hà Tây (cũ), Bắc Ninh), trong khi đó giá heo vẫn duy trì ở mức ổn định 50.000 - 53.000đ/kg, giá các sản phẩm gia cầm thịt cũng tăng nhẹ lên mức 77.000đ/kg (gà lông màu)

Trong tuần các sản phẩm từ gia cầm đầu tăng; Giá trứng gà Ai Cập có giá 2.500đ/quả (gà hoa mơ) tăng 100đ/quả so với tuần trước. Tuy nhiên giá vịt thịt có xu hướng tiếp tục giảm, hiện chỉ còn 36.000đ/kg.
Giá Heo hơi vẫn duy trì khá ổn định, tại thị trường Hưng Yên vẫn ghi nhận được giá 53.000đ/kg ở những đàn heo siêu đẹp. Hiện giá giống heo vẫn khá khó bắt và giá rất cao.
Nói chung trong tuần 27 /2016 giá cả thị trường rất có lợi cho người chăn nuôi
Giá cả thị trường chi tiết trong tuần 27/2016 tại các tỉnh miền Bắc
Chú ý:
- Heo lai đẹp là heo có tỉ lệ máu ngoại từ 3/4 đến 7/8 trở lên.
- Heo lai xấu là heo có tỉ lệ máu nội cao.
- Giá heo siêu giống là giá của heo giống xách tai 7-10kg.
VietDVM team tổng hợp

Điều trị bệnh nấm diều ở gà không khó nhưng cái khó là tìm ra được căn nguyên của vấn đề tại sao bệnh lại bùng phát để điều trị tận gốc làm cho bệnh không tái phát nữa mới là khó.
VietDVM.com hy vọng các bước điều trị cụ thể, chi tiết, nhanh, hiệu quả dưới đây có thể phần nào giúp các bạn không lúng túng và chủ động hơn khi đối mặt với bất kỳ ca bệnh nấm diều ở gà nào trong thực tế.
»»› Bệnh nấm diều ở gà (P1) – Cách nấm men gây các triệu chứng, bệnh tích trên gà như thế nào?
»»› Bệnh nấm diều ở gà (P2) – 4 bước chẩn đoán bệnh cơ bản.

Làm gì khi phát hiện vật nhiễm bệnh nấm diều ở gà?
Bước 1: Diệt nấm trong cơ thể gà bệnh và tăng sức đề kháng cho gà.
- Cho uống CuSO4 (1gam/4 lít nước), cho uống 2 giờ/1ngày, liên tục trong 3-4 ngày.
- Đồng thời bổ sung thuốc giải độc gan thận pha vào nước hoặc trộn vào cám cho ăn.
- Bổ sung thêm các thuốc bổ tăng sức đề kháng như vitamin C, vitamin B,E hay các chất điện giải…
Bước 2: Tìm nguyên nhân mấu chốt gây bệnh nấm diều ở gà để xử lý.
Ví dụ như nếu nhiễm nấm từ môi trường, thức ăn nước uống thì tiến hành vệ sinh chuồng trại, thay chất độn chuồng mới đã được xử lý bằng thuốc diệt nấm; xử lý nguồn nước bằng CuSO4; loại bỏ hoặc xử lý nguồn thức ăn nhiễm nấm…
Nếu nhiễm nấm do bệnh khác thì xử lý bệnh đó, do dùng kháng sinh lâu ngày thì dừng kháng sinh lại…

Các bước phòng bệnh nấm diều ở gà cơ bản:
Bệnh nấm diều ở gà chỉ xảy ra khi có các yếu tố bất lợi ảnh hưởng lên cơ thể con vật, bởi vậy nguyên tắc của việc phòng bệnh là làm sao không cho các yếu tố bất lợi đó xảy ra bằng cách như:
- Luôn đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ: chuồng trại thông thoáng; xử lý chất độn chuồng trước khi đưa vào bằng thuốc giệt nấm mốc CuSO4 01gam/ 03 lít nước; phun sát trùng định kỳ.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Nước uống, thức ăn sạch mầm bệnh, dụng cụ uống và ăn cũng luôn sạch sẽ đảm bảo tránh lây nhiễm mầm bệnh nấm diều ở gà qua 2 đường này.
- Loại bỏ các yếu tố gây stress cho gà như: quá sáng, quá dày, quá nóng…
- Sử dụng kháng sinh hợp lý.
- Loại bỏ bớt những con còi cọc, ốm yếu trong đàn.
Các bước phòng bệnh như trên tuy rất dễ thực hiện nhưng như đã nói trong phần 1, thiệt hại do bệnh nấm diều ở gà gây ra chính là các vấn đề kéo theo sau ca bệnh như gà hấp thu và tiêu hóa kém, chậm lớn, dễ kế phát các bệnh khác, năng suất chăn nuôi giảm…chính vì thế mà càng phải coi trọng việc phòng bệnh cho đàn gia cầm ngay từ đầu, tránh trường hợp chủ quan, xem thường mà gây ra những thiệt hại không đáng có.
Minh Hòa

Người chăn nuôi heo Việt Nam đang phải đối mặt với “3 mũi tên nguy hại: Rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh – thiệt thòi qua ưu đãi – mơ hồ về đối thủ”.
Ngày 24/6/2016, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố Danh sách các quốc gia, khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt, bao gồm cả thịt heo, sang Trung Quốc.
Xem thêm:
«»› Giá heo hơi tại Việt Nam và các nước trong khu vực
«»› Tổng hợp cập nhật tình hình giá cả thị trường chăn nuôi
Danh sách này không có tên Việt Nam, khiến cho việc xuất khẩu thịt heo của Việt Nam theo chính ngạch vào Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương.
Động thái này diễn ra ra sau khi thương nhân Trung Quốc vừa tạo nên một “cơn sốt heo” tại Việt Nam từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2016.
VnExpress ngày 21/4 đưa tin, trong nửa cuối tháng 4/2016, "thủ phủ heo" lớn nhất cả nước, huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai trở nên nhộn nhịp hơn khi nhiều thương lái ồ ạt đi thu gom heo, đặc biệt là heo mỡ để bán sang thị trường Trung Quốc.

"Giá heo hiện nay có nơi đến 54.000 VND/kg, tăng từ 3.000 VND/kg đến 4.000 VND/kg so với hồi cuối tháng 3/2016. Dù giá cao vậy nhưng việc gom đủ số hàng để đi cũng không phải dễ dàng với các thương lái.
Một mặt người dân lo sợ dội hàng nên nuôi không nhiều, mặt khác họ đang găm heo lại để chờ giá lên cao hơn nữa”, theo lời một tài xế chuyên chở heo có tên là Hùng cho hay.
Còn một thương lái chuyên mua heo xuất đi Trung Quốc, tên là Lan, ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai thì cho biết, tình hình thu mua heo xuất đi Trung Quốc đã trở nên rất nóng.
"Trước đây mua heo người ta gọi điện tới tấp, nay mình phải đặt trước, nếu không thì người khác mua mất", VnExpress dẫn lời thương lái này cho hay.
Và tình hình được đẩy gần như đến mức cao trào khi báo Thanh Niên ngày 5/5 đưa tin, heo hơi bán tại các trại heo ở Đồng Nai đã tăng tới “mười mấy giá” trong những ngày đầu tháng 5/2016.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2016, giá heo hơi ở các tỉnh phía nam tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 3/2016, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, việc các thương lái gom heo đưa đi Trung Quốc không còn lạ trong mấy năm trở lại đây. Trung bình một ngày có hàng nghìn con heo được chở ra Bắc để bán qua biên giới.
Khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu heo lớn thì giá cả đội lên, tuy nhiên khi họ ngừng mua thì thị trường bị dội, giá lại rớt xuống.
Và quả thật là như vậy, tờ Kinh tế Nông thôn (kinhtenongthon.vn) ngày 20/5 đưa tin, theo ghi nhận tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc cho thấy, từ trung tuần tháng 5/2016, thương lái Trung Quốc đã tạm dừng thu mua heo mỡ của Việt Nam, khiến cho lượng hàng này bị dồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc và giá heo hơi giảm mạnh so với trước đó.
Cụ thể, giá heo hơi mấy ngày đầu tháng 5/2016 chỉ còn 50.000-51.000 đồng/kg, thậm chí một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh... đã giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg, giảm từ 7.000 VND/kg đến 8.000 VND/kg so với khoảng 1 tuần trước đó.
Đây là diễn biến đã được cảnh báo từ trước, theo tờ Kinh tế Nông thôn.
Thực ra, sự việc này không có gì mới và bản chất của nó không khác gì “Những cơn sốt mơ hồ” mà người viết đã từng phân tích. Vậy nhưng tại sao nó vẫn diễn ra và người dân Việt Nam vẫn là người thiệt hại, còn thương lái Trung Quốc thì làm loạn thị trường Việt Nam, gây ra nhiều hệ luỵ cho kinh tế - xã hội của Việt Nam?
Vì rủi ro “thiên tai” luôn rình rập nên người chăn nuôi heo Việt Nam đành phải mạo hiểm với “nhân tai”
Có thể thấy rằng, “những cơn sốt mơ hồ” luôn liên quan đến lợi ích mà người Trung Quốc mang đến và thiệt hại mà người Trung Quốc gây ra cho người dân các nước trên thế giới – trong đó có người dân Việt Nam.
Bản chất của vấn đề được nhận diện là lợi ích tăng nhanh nhưng không xác định được cơ sở, còn thiệt hại cũng tăng nhanh nhưng lại xác định được nguyên nhân – đó là chiêu trò của người Trung Quốc.
Chỉ cần nhận diện như vậy là đã thấy lợi bất cập hại cho người nông dân Việt Nam nếu chạy theo “những cơn sốt mơ hồ” mà người Trung Quốc tạo ra.
Tuy nông dân Việt Nam đã thấy rõ nguy cơ này và đã từng phải trả giá, nhưng khi người Trung Quốc gây ra những "cơn sốt" mới tới thì người nông dân Việt Nam có thể quên ngay những “giọt lệ đã rơi”. Tại sao vậy?
Có thể thấy rằng, lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, là lĩnh vực phụ thuộc vào thiên nhiên và điều kiện ngoại cảnh nhiều nhất trong số các lĩnh vực kinh tế ngành của một nền kinh tế quốc dân.
Từ khí hậu cho đến thời tiết, từ địa điểm cho đến địa hình đều có thể làm thay đổi hiệu quả của ngành chăn nuôi, có thể biến lãi thành lỗ chỉ trong chốc lát như một cơn gió độc thổi qua chuồng gà mùa gió chướng.
Và ai cũng biết, tác hại của “thiên tai” luôn lớn gấp nhiều lần tác hại của “nhân tai”, và người Việt Nam thì đã khái quát điều ấy qua câu nói cửa miệng: Người hại không đáng lo, Trời hại mới đang sợ.
Và chính vì phải “nhờ Giời” nên hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trong đó có chăn nuôi, phụ thuộc vào “ơn Giời” rất lớn. Đặc biệt, trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay thì “ông Trời” có thể “nổi giận” bất cứ lúc nào và hậu quả của người chăn nuôi vì thế không thể lường trước được.
Dư luận đặc biệt là bà con nông dân hẳn chưa thể quên, dịch heo tai xanh đã khiến cho nhiều trại heo hàng ngàn con chỉ trong vài ngày đã trở nên xơ xác – nỗi niềm cay đắng không thể viết thành lời, không thể nói nên lời, khi chứng kiến cảnh “người phải khóc heo”.
Theo báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) ngày 28/3/2011, câu chuyện trại ông H chết một lúc 2.000 con heo ngay trước tết năm 2011, thiệt hại 8-10 tỷ VND, trại bà M. chết 3.000 heo nái phải kêu xe tải chở xác heo đi tiêu hủy trong đêm, luôn là một nỗi ám ảnh với giới chăn nuôi heo tại Đồng Nai.
Trong khi đó, nếu chạy theo “cơn sốt heo” của thương nhân Trung Quốc, trại ông H. gom 2.000 heo nhưng rồi không bán theo giá sốt được vì “cơn sốt hạ nhiệt”.
Giả thiết, giá heo giảm mất 25% so với trước khi sốt, tức là giảm khoảng : 40.000 x 25% = 10.000 VND/kg. Nếu mỗi con heo nặng 100 kg, thì số thiệt hại sẽ là: 2.000 x 100 x 10.000 = 2 tỷ VND.
Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với thiệt hại bởi dịch tai xanh.
Như vậy, rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh đối với người chăn nuôi heo luôn rất lớn, chỉ một cần một lần “ông Trời nổi giận” là có thể khiến cho hàng loạt những tỷ phú trở nên khánh kiệt, phá sản vì nợ nần.
Ai đã từng phá sản, từng sống trong cảnh bị nợ nần réo rắt mới thấy được việc tranh thủ nắm bắt thời cơ để kiếm đồng lời, đề phòng lúc “ông Trời nổi giận”, quan trọng đến mức nào.
Thời cơ thì chỉ thoáng qua, nhưng rủi ro thì luôn rình rập. Bởi thế, khi “cơn sốt” đến thì luôn được xem là cơ hội nên cần phải chớp lấy ngay, cho dù nó có “mơ hồ” như thế nào đi chăng nữa.
Người viết cho rằng đây mới là lý do chính khiến người nông dân Việt Nam – trong đó có người chăn nuôi heo phải chạy theo những cơn sốt mơ hồ, chứ không phải vì họ “tham và dại”.
Có thể thấy rằng, nguy cơ mà “ông Trời” mang đến cho người chăn nuôi Việt Nam đáng sợ hơn rất nhiều nguy cơ mà thương nhân Trung Quốc mang tới. Vì vậy, có thể người chăn nuôi Việt Nam biết rõ rủi ro khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc nhưng vẫn chấp nhận, nhắm mắt đưa chân là vì như thế.
Rõ ràng, thiệt hại của người chăn nuôi heo do thiên tai dịch bệnh gây ra rất khủng khiếp. Nếu dịch bệnh bùng phát, thậm chí có người gục ngã và ám ảnh cả đời vì những thiệt hại đó.

Vì thế khi thương nhân Trung Quốc lùng sục mua heo, tạo nên “cơn sốt heo” thì người chăn nuôi sẽ lao theo. Có thể họ đoán biết rủi ro, nhưng nếu nghĩ tới nguy cơ thiệt hại bởi thiên tai dịch bệnh thì họ không ngừng bám theo cơn sốt.
Bởi vậy, “những cơn sốt mơ hồ” do thương nhân Trung Quốc tạo ra trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam có thể sẽ vẫn lặp lại trong tương lai.
Người chăn nuôi heo Việt Nam chưa được trang bị “vũ khí hữu hiệu” để có thể chống lại các thủ đoạn của thương lái Trung Quốc
Có thể thấy rằng, hai yếu tố khiến cho người chăn nuôi Việt Nam lao theo những “cơn sốt” của thương nhân Trung Quốc là liên quan tới tài chính và rủi ro.
Vì vậy, để người chăn nuôi heo tránh bị thiệt hại bởi những cơn sốt này thì họ phải miễn nhiễm với hai yếu tố nêu trên. Hay nói cách khác là nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp phải giúp cho người chăn nuôi heo những công cụ có thể né rủi ro, tránh thiệt hại.
Theo cá nhân người viết thì cỏ 2 giải pháp được xem là công cụ trợ giúp cho người chăn nuôi miễn nhiễm với hai hệ luỵ gây ra bởi những cơn sốt này, đó là lãi suất ưu đãi cho nợ vay đầu tư chăn nuôi heo, công tác dịch tễ, phòng chống dịch bệnh chăn nuôi.
Thứ nhất là về ưu đãi qua lãi vay cho người chăn nuôi. Đây là câu chuyện đong đầy nước mắt, bởi với người chăn nuôi không có mấy chữ “ưu đãi lãi vay chăn nuôi”.
Mặc dù Chính phủ có ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, nhưng thực tế thì việc triển khai những nghị định rất khó khăn.
Bởi lẽ, theo báo Giao Thông (baogiaothong.vn) ngày 5/10/2015 thì người chăn nuôi phải chịu lãi vay nghịch lý - cao hơn lãi vay tiêu dùng.
Trong khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho người chăn nuôi vay có thế chấp, thời hạn 12 tháng với lãi suất 10,5%/năm, thì Ngân hàng HSBC chào gói vay mua nhà, lãi suất 6,49%/năm, còn Ngân hàng Vietcombank dành 10 nghìn tỷ VND cho vay tiêu dùng, vay kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Như vậy, nếu một chủ trại chăn nuôi heo vay 20 tỷ VND để đầu tư nuôi heo thì một năm người này phải chịu thiệt so với những ông chủ kinh doanh ngành nhề khác một số tiền lãi không nhỏ. Đó là: R = 20 tỷ x (10,5% - 7%) = 700 triệu VND.
Đây được xem là một yếu tố cộng hưởng rất nghiêm trọng với rủi ro bởi thiên tai, và sự cộng hưởng rủi ro + thiệt thòi ấy khiến cho người chăn nuôi phải mạo hiểm trong những cơn sốt mơ hồ.
Thứ hai là về công tác dịch tễ, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Câu chuyện này cũng đượm buồn, thậm chí còn gây nhiều bức xúc. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan từng nhận định rằng, ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam hiện chịu rủi ro cao do công tác dịch tễ quá kém.
Còn ông Trần Quang Trung, chủ trại heo có trên 1.000 con tại Thống Nhất, Đồng Nai từng nhận xét rằng, ngành thú y và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại Việt Nam đang tụt hậu, trong khi dịch bệnh ngày một nghiêm trọng hơn, nếu bùng phát.
Trong công tác phòng chống dịch hiện nay thì ngành chức năng chủ yếu đợi địa phương công bố dịch thì mới khoanh vùng tiêu hủy. “Đó là cách làm tiêu diệt người chăn nuôi chứ không phải dập dịch”, báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) ngày 28/3/2011 dẫn lời một chủ trại bức xúc và thất vọng.
Theo nhiều người chăn nuôi, cách tốt nhất phòng chống dịch là dùng vắc xin nhưng không phải lúc nào cũng mua được, đặc biệt có một số loại vắc xin phân phối độc quyền bởi một số cơ quan thú y thì thường hết hàng khi người dân cần đến.
Như vậy là, rủi ro bởi thiên tai luôn ám ảnh người chăn nuôi heo Việt Nam khi việc phòng chống dịch cho đàn heo phập phù theo từng cơn gió.
Và khi dịch bùng phát, heo bệnh, heo chết thì ngoài những đau xót vì mất tiền mất của, cùng lúc là áp lực “nợ vay – lãi trả” tăng lên, khiến cho người chăn nuôi nhiều khi cảm thấy nuối tiếc "những cơn sốt mơ hồ".
Người chăn nuôi heo Việt Nam thiếu thông tin và thông tin cần thiết về thị trường Trung Quốc
Người viết cho rằng, người chăn nuôi thiếu thông tin về thị trường heo và thịt heo Trung Quốc là một trong những yếu điểm nhất, khiến cho thương nhân Trung Quốc cứ xuất chiêu là người Việt Nam lãnh hậu quả.
Người chăn nuôi cần phải biết về thị trường Trung Quốc với tư cách một đối thủ chứ không chỉ là bạn hàng.
Do vậy, thông tin phải bao gồm cả việc chăn nuôi của người dân Trung Quốc, ngành chế biến thịt heo, lượng tiêu thụ nội địa và lượng xuất khẩu thịt heo của Trung Quốc, vì hai nước đều ăn thịt heo, đều nuôi heo và đầu xuất khẩu thịt heo.
Tuy nhiên, theo người viết thì người chăn nuôi Việt Nam không có đủ thông tin cần thiết như vậy. Có thể thấy rằng, khi thương nhân Trung Quốc tạo ra những cơn sốt thì hầu hết những cơ quan chức năng đều cảnh báo người chăn nuôi và thương lái trong nước cần lưu ý thủ đoạn của người Trung Quốc.
Song những cảnh báo đó hầu hết mang tính suy đoán, thậm chí phụ thuộc vào cảm xúc yêu ghét người Trung Quốc.
Theo báo Kinh tế Nông thôn ngày 20/5/2016, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã nhiều lần cảnh báo, khuyến nghị bà con chăn nuôi không nên chạy theo thương lái Trung Quốc mà mở rộng chuồng trại, đàn lợn nhưng vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người vẫn nhắm mắt chạy theo.
Cục Chăn nuôi cho biết, trong khoảng 3-5 tháng tới, số lợn đang nuôi hiện tại sẽ xuất chuồng, nếu phía Trung Quốc tiếp tục không mua, dự báo giá sẽ càng giảm, nguy cơ người chăn nuôi bị thua lỗ nặng sẽ khó tránh khỏi.
Còn báo Thanh Niên (thanhnien.vn) ngày 5/5/2016 thì dẫn lời nhận xét của GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam rằng, thương mại tiểu ngạch với Trung Quốc là rất nguy hiểm và chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu.
Ban đầu họ luôn cho mình hưởng lợi trong ngắn hạn rồi sau đó có thể “xù” mình bất cứ lúc nào, nông dân sẽ khốn đốn. Gần như tất cả nông sản Việt Nam đều đã từng rơi vào cái bẫy quen thuộc này của họ.
Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “cơn sốt heo” thì thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua heo Việt Nam với khối lượng lớn.
Điều này khiến cho sự phát triển của ngành chăn nuôi heo hiện nay giống như một cái bong bóng, chỉ là "phồn vinh giả tạo". Nếu Trung Quốc đóng biên hay vì lý do gì đó ngưng thu mua thì sự phát triển này cũng tan biến.
Trên thực tế, những cay đắng này đã xảy ra quá nhiều với chúng ta và lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, báo Thanh Niên tường thuật.
Như vậy là, từ cơ quan chức năng, cơ quan quản lý đến giới nghiên cứu phân tích đều đã có những cảnh báo về hậu quả của việc người chăn nuôi heo Việt Nam chạy theo những cơn sốt do thương nhân Trung Quốc tạo ra, song không hề có sơ sở khoa học và con số, dữ liệu thực tế chứng minh.
Có chăng, đó là những hậu quả đã từng xảy ra. Có thể thấy rằng, đã 5 năm trôi qua, kể từ “cơn sốt heo” năm 2011 đến nay, người chăn nuôi heo vẫn chỉ nhận được lời cảnh báo chung chung, đại loại như vậy.
Cho đến giờ phút này, người chăn nuôi heo, ngành chăn nuôi heo Việt Nam đã bao lần “thập tử nhất sinh” vì những những cơn sốt của thương nhân Trung Quốc, nhưng ngoài việc nhận diện mục đích là để gây hại và kiếm lời, thì “những cơn sốt” ấy không được các cơ quan quản lý mổ xẻ dưới một góc độ khác khoa học và thuyết phục hơn.
Trong khi thực tế lại có những yếu tố đảm bảo cho sự ra đời những cơn sốt như vậy. Đó là vẫn có nhiều người chăn nuôi Việt Nam thắng lớn nhờ Trung Quốc tăng giá mua heo, nếu họ không bị cuốn theo cao trào mà dừng lại kịp lúc.
Một năm người Trung Quốc tiêu thụ bao nhiêu thịt heo? Thị trường Trung Quốc phải nhập khẩu bao nhiêu? Thời gian nào thì người Trung Quốc ăn thịt heo nhiều? Loại thịt heo mà người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích?
Thịt heo Việt Nam và thịt heo người Trung Quốc ưa thích khác nhau ở những điểm nào?…Những thông tin như vậy cần phải được cập nhật, phân tích và cung cấp cho người chăn nuôi heo.
Đây có thể được xem là cẩm nang giúp cho người chăn nuôi heo Việt Nam nhận diện bản chất của những “cơn sốt heo”, để biết cách phòng ngừa, tránh hậu hoạ.
Rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh luôn rình rập, sự trợ giúp thì chưa kịp thời và không hiệu quả, thông tin thì ít và thiếu cơ sở thuyết phục, thử hỏi người chăn nuôi Việt Nam làm sao không chớp thời cơ do thương nhân Trung Quốc mang đến qua việc tạo ra những cơn sốt mơ hồ?
Rất nhiều người phê phán người nông dân Việt Nam “tham và dại” nên bị người Trung Quốc làm hại.
Tuy nhiên, hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của người chăn nuôi heo Việt Nam đang phải đối mặt với “3 mũi tên nguy hại: Rủi ro bởi thiên tai dịch bệnh – thiệt thòi qua ưu đãi – mơ hồ về đối thủ” thì mới thấy được việc tại sao người chăn nuôi bất chấp cảnh báo thiệt hại bởi “nhân tai” Trung Quốc.
Tóm lại, ngành chăn nuôi heo Việt Nam và ngành chế biến thịt heo Việt Nam khó tránh khỏi sự phá hoại và nguy cơ bị khống chế bởi đối thủ Trung Quốc, nếu người chăn nuôi heo vẫn phải luôn một mình đối mặt với “3 mũi tên nguy hại” trong chăn nuôi.
Tác giả: Ngọc Việt
Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Trong bài viết ở Bệnh nấm diều ở gà (phần 1) – Cách nấm men gây các triệu chứng, bệnh tích trên gà như thế nào? chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu bản chất tại sao nấm men Candida albicans lại gây các triệu chứng, bệnh tích như thế cũng như hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh nấm diều ở gà nằm ở những hậu quả phía sau chứ không phải tỷ lệ chết nhìn thấy ngay trước mắt.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết câu hỏi tiếp theo của hầu hết người chăn nuôi cũng như các bác sỹ thú y: làm cách nào để chẩn đoán chính xác bệnh nấm diều ở gà?
Xem thêm: Bệnh nấm diều ở gà (phần 3) – các bước điều trị và phòng bệnh.

»› Cập nhật ngay biến động mới nhất thị trường chăn nuôi
Khi thấy gà có dấu hiệu bệnh lý đầu tiên như giảm ăn, ủ rũ, ít vận động, nếu nghi gà bị nấm diều ta kiểm tra theo trình tự như sau:
01 Banh miệng gà ra quan sát kỹ xem có mảng bám màu trắng hay không.
02 Quan sát vật có các triệu chứng điển hình của bệnh nấm diều ở gà như sau hay không:
• Nôn ộc ra thức ăn có chất nhầy hôi thối, có mùi chua.
• Có tiêu chảy phân sống không?
• Tỷ lệ chết cao hay thấp?
• Gà có chậm lớn hay không?
03 Nếu vẫn chưa chắc chắn, ta tiến hành mổ khám và quan sát xem vật có các bệnh tích điển hình của bệnh nấm diều ở gà hay không:
• Niêm mạc miệng và thực quản có loét không?
• Niêm mạc diều có bị dày lên không? Có xuất hiện nốt mụn trắng hay một lớp màng trắng đục mỏng bám bên trong không?
• Trong diều chứa nước nhầy hôi chua không?
• Dạ dày tuyến có sưng hoặc xuất huyết niêm mạc không? Trên niêm mạc có dịch viêm nhầy và các khối mụn trắng không?
• Niêm mạc ruột non có bị viêm cata với nhiều dịch nhầy không?
04 Để chắc chắn nhất hay muốn xác định chính xác chi, loài nấm gây bệnh ta có thể gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra bằng kính hiển vi hay làm các xét nghiệm khác.
»› Tổng hợp kỹ thuật chăn nuôi gia cầm
Lưu ý:
- khi mổ khám quan sát diều, trước khi có thể quan sát ta phải rửa trôi thức ăn bám trên đó, bước này nếu làm không cẩn thận, nhẹ nhàng sẽ làm bay mất luôn lớp màng giả do nấm hình thành nên sẽ dễ dẫn đến việc chẩn đoán sai.
- Cần phân biệt với bệnh nấm diều trên gà với bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB): gà cũng nôn ra nước liên tục nhưng không có mùi hôi thối; ngoài nôn ra nước gà còn khó thở khò khè. Còn bệnh do nấm Candida thì không thở khó.
VietDVM team