
Giá thịt heo hơi tại Đồng Nai đang ở mức trên 54.000 đồng một kg, tăng trên 50% chỉ trong 2 tháng.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ ngày 15/2 đến nay giá thịt heo hơi tại Đồng Nai tăng vùn vụt. Nếu giữa tháng 2 giá heo mới chỉ 35.000-38.000 đồng một kg thì nay lên trên 54.000 đồng một kg, tăng hơn 50% chỉ trong vòng 2 tháng.
“Đây là đợt tăng giá cao nhất tính từ năm 2012 đến nay. Với giá thu mua cao, một kg heo hơi người chăn nuôi hiện lãi khoảng 13.000 đồng. Tính ra, cứ một con heo bán cho thương lái Trung Quốc trọng lượng trung bình 120 kg, người nuôi lãi tầm 1,5 triệu đồng trong khoảng thời gian 5-6 tháng”, ông Đoán nói, đồng thời cho biết thêm, trong 4 ngày nghỉ lễ mới đây, giá thịt heo có chững lại, nhưng sau đó giá lại tăng mỗi ngày vì thương lái thu mua heo xuất đi Trung Quốc ngày càng đông. Mỗi ngày có khoảng 20-30 xe gom chở heo qua Trung Quốc, mỗi xe chở khoảng 150 -170 con. Như vậy, tại Đồng Nai, trung bình một ngày có khoảng 4.000 con heo (trọng lượng 120 -150kg mỗi con) được thu mua xuất đi Trung Quốc, số lượng này bằng với số lượng heo cung cấp cho thị trường TP HCM.
“Tuy nhiên, heo đi Trung Quốc đa phần là heo có lượng mỡ lưng từ 2 đến 2,5 cm vì được thị trường này ưa thích. Còn heo ở TP HCM đa phần heo có độ dày mỡ lưng thấp, thậm chí là heo siêu nạc”, ông Đoán nói thêm.

Xác nhận việc Trung Quốc nhập heo ồ ạt ở Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay mỗi ngày có khoảng trên 5.000 con heo Việt Nam xuất đi Trung Quốc. Nếu heo thu mua tại Đồng Nai có giá 54.000 đồng một kg thì khi vận chuyển ra Hà Nội mức giá này tăng thêm 4.000-5.000 đồng mỗi kg. Sở dĩ giá thu mua cao như vậy là do thực phẩm tại Trung Quốc đang đắt hơn Việt Nam. Tại Trung Quốc giá heo hơi đang ở mức 65.000 đồng một kg, nên khi thấy heo Việt giá rẻ họ ồ ạt thu gom.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, dự báo của Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, từ nay đến Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc (1/10), giá thịt heo vẫn tiếp tục duy trì tăng cao tuy nhiên biên độ tăng có giới hạn.
Còn theo hãng thông tấn Xinhua, chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa hơn 3.000 tấn thịt heo đông lạnh dự trữ ra thị trường nhằm tăng nguồn cung và giữ giá không tăng thêm nữa. Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/5 tới 4/7/2016. Khoảng 50.000 tấn thịt sẽ được bán cho 121 siêu thị heo với giá rẻ. Chính phủ cũng trợ giá 9 nhân dân tệ (1,4 USD) cho mỗi kg thịt heo được bán ra để khuyến khích các nhà bán lẻ giảm giá.
Mặc dù giá heo tăng cao đang giúp người nuôi có lãi tốt sau 3 năm chịu cảnh thua lỗ và hòa vốn, nhưng theo ông Nguyễn Kim Đoán việc này sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
“Hiện nay nhiều hộ nuôi ở Đồng Nai đang nhanh chóng tăng đàn thêm 20-30% so với trước đó. Cho nên heo hậu bị và heo giống đang thiếu hụt khiến giá tăng cao dẫn tới chi phí đầu vào cho vụ heo sắp tới cũng tăng lên. Thế nhưng, nếu Trung Quốc bất ngờ ngừng thu mua thì giá sẽ tụt mạnh và người nuôi có thể lâm vào cảnh thua lỗ”, ông Đoán nói.
Là chuyên gia trong ngành, TS Kiều Minh Lực cũng cho rằng, giá thịt heo đang tăng bất thường nên người nuôi cần thận trọng tránh ngộ nhận mà tăng đàn ồ ạt. Trong khi đó, lượng heo hậu bị và heo giống đang thiếu, nếu đổ xô đi mua heo giống để tăng đàn thì giá mặt hàng này sẽ tăng mạnh. Riêng heo hậu bị khoảng một năm sau mới sinh sản nên nếu đầu tư heo hậu bị nhiều thì sang 2017, không chỉ người nuôi heo thịt thua lỗ mà ngay cả người bán heo giống cũng phải chịu chung cảnh ế ẩm.
Với thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất cho rằng, giá thịt nội đang bị đẩy lên quá cao khiến nhiều đơn vị lo lắng. Trước đây, khi Trung Quốc chưa thu mua ồ ạt, giá heo hơi khoảng 41.000-42.000 đồng một kg. Nhưng nay các doanh nghiệp thu mua phải mua với giá 49.000-50.000 đồng, khiến giá bán lẻ tăng. Nếu tình trạng này kéo dài, thị trường thịt trong nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Khảo sát tại các chợ TP HCM cho thấy, giá thịt heo bán lẻ cũng đã tăng 10.000 đồng một kg so với tháng trước đó.
Tại chợ Hòa Bình (quận 5), Thái Bình (quận 1), sườn non từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng một kg; ba chỉ, chân giò cũng đắt thêm 10.000 đồng, lên 100.000 đồng một kg. Riêng tại các chợ Thị Nghè, Bà Chiểu (Bình Thạnh) giá thịt heo có rẻ hơn các chợ trên nhưng cũng tăng 5.000-10.000 đồng một kg so với tháng trước đó.
Tác giả: Hồng Châu
Nguồn tin: Vnexpress

Lợn xuất khẩu 'quay đầu' đi đâu?
Thời gian gần đây, hiện tượng lợn xuất khẩu sang Trung Quốc bị thải loại buộc phải quay đầu trở lại, gây ô nhiễm môi trường cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại Lạng Sơn.
Từ đầu năm nay, tại các đường mòn, lối mở ở Lạng Sơn như khu vực cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), Na Hình (huyện Văn Lãng), Bản Chắt (huyện Đình Lập), Bình Nghi (huyện Tràng Định), lợn được xuất bán qua biên giới rất nhiều.

Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Hải quan Chi Ma cho biết: Hiện nay có khoảng 10 hộ kinh doanh (chủ yếu là người huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) làm thủ tục mở tờ khai xuất bán lợn. Trung bình mỗi ngày ở cửa khẩu này có khoảng 20 đến 30 xe ô tô làm thủ tục xuất khẩu với hàng trăm tấn lợn hơi.
Ông Nguyễn Văn Huy, lái xe chở lợn từ Bắc Giang đến lối mở Co Sa (khu vực cửa khẩu Chi Ma), cho biết: Ô tô của ông chở 150 con lợn từ các tỉnh miền Trung mất 2-3 ngày mới đến biên giới rồi lại thêm thời gian chờ “dắt” lợn qua đường đồi. Thời tiết oi bức, thiếu thức ăn, đồ uống nên nhiều con bị kiệt sức; đối tác bên kia biên giới thải loại không thương tiếc những con ốm, yếu, chết.
Ông Hoàng Ngọc Tuyên, Q. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng 7 (Lạng Sơn) cho biết: Phía Trung Quốc yêu cầu lợn to, béo mỡ; nặng 80 kg trở lên mới nhập hàng. Số lượng lợn bị thải loại rất nhiều. Chủ lợn còn phải chi tiền cho người dân địa phương mang lợn thải đi chôn. “Tháng 3 vừa qua, chúng tôi lập đoàn kiểm tra thì phát hiện ở góc đồi, khe suối vùng biên, các thương lái lén lút vứt lợn chết khá nhiều. Có hôm, khi đi ngang qua khu vực Co Sa thì nghe thấy có tiếng quạ kêu; tìm đến nơi phát hiện 6 bao tải lớn đựng lòng, mề lợn vứt trong bụi rậm”, ông Tuyên kể.
Do phía Trung Quốc không chỉ yêu cầu lợn khỏe mà còn phải béo đẹp, vậy nên tại khu vực vùng biên cũng như một số điểm nghỉ dừng chân ở ven Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) xuất hiện hàng chục cơ sở tắm lợn.
Bà Hoàng Thị Léc, trú tại xã Vân Thủy nói: “Suối Bản Dù trong xanh ngày nào giờ bị nhuộm đen với mùi hôi thối kinh khủng vì toàn bộ nước thải từ các cơ sở tắm lợn đều đổ trực tiếp xuống. Nhiều ruộng dọc suối, người dân không cày cấy vì nguồn nước tưới đã bị ô nhiễm, cây lúa không thể trổ bông, đậu hạt”.
Nguy cơ “lợn quay đầu” vào bữa ăn
Do số lượng lợn ốm, yếu, chết thải loại rất lớn nên không biết đổ đi đâu, một số thương lái bán lại cho người dân địa phương với giá rẻ. Sau đó số lợn này được tư thương mang về các chợ đầu mối trên địa bàn Lạng Sơn tiêu thụ.
Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/2, tại xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, lực lượng chức năng phát hiện 8 con lợn chết (trọng lượng trên 1,2 tấn) chuẩn bị được người dân mang về các lò mổ ở huyện Lộc Bình. Ngày 14/3, quản lý thị trường ngăn chặn một chủ cơ sở kinh doanh thịt lợn tại thành phố Lạng Sơn mua 5 con lợn chết, tổng trọng lượng 520 kg của chủ hàng buôn bán lợn qua biên giới “quay đầu”, định mang bán tại chợ Kỳ Lừa.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh cho gia súc trên địa bàn, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo người dân cảnh giác khi mua gia súc, gia cầm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đồng thời kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển, xuất bán lợn qua biên giới.
Tác giả: Nguyễn Duy Chiến
Nguồn tin: Báo Tiền Phong

Bột cá là một thành phần rất phổ biến trong khẩu phần ăn của vật nuôi đặc biệt là trong chăn nuôi gà đẻ trứng từ trước đến nay vì ngoài những chất dinh dưỡng thiết yếu mà bột cá mang lại, thì nó còn là nguyên liệu giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng cũng như bổ sung thêm omega3 vào trong trứng cho gà đẻ.

Tuy vậy, sử dụng bột cá hay dầu cá trong khẩu phần ăn của gà đẻ nếu không được tính toán hợp lý thì sẽ làm trứng có mùi tanh và sẽ làm giảm giá trị của trứng vì đa phần người tiêu dùng không thích mùi vị đó.
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó cũng cho biết, trong chăn nuôi gà đẻ trứng, chỉ cần khoảng 1% dầu cá trong khẩu phần ăn là đã có thể làm trứng bị tanh và chỉ cần 2% dầu cá trong khẩu phần ăn thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của đàn gà.
Có một sự thật ít được biết nữa đó chính là nếu trong thức ăn mà hàm lượng dầu cá quá nhiều thì sẽ có thể làm giảm trọng lượng của trứng. Điều này đã được thử nghiệm thực tế và kết quả là cứ 1% dầu cá thêm vào trong khẩu phần ăn của gà có thể làm mỗi quả trứng giảm 0,35 gam.
Trong một nghiên cứu gần đây của Iran, nồng độ dầu cá cao trong khẩu phần ăn không chỉ làm giảm sản lượng trứng mà còn làm chậm thời gian đẻ bói của đàn gà đẻ trứng cũng như làm chậm sự phát triển của bộ máy sinh dục ở gà mái.
Cũng theo các nhà khoa học, trứng có mùi tanh được sản sinh ra bởi gen “Rhode Island” ở các giống gà đẻ trứng đỏ quy định (tuy nhiên gen trên không phải lúc nào cũng tồn tại ở giống gà này). Việc sử dụng các loại bột cá hay dầu cá khác nhau cũng không thể giảm mùi tanh trong trứng.
Như vậy, việc sử dụng bột cá hay dầu cá bổ sung vào trong khẩu phần ăn cho vật nuôi đặc biệt là trong chăn nuôi gà đẻ trứng cần được tính toán, cân nhắc một cách hợp lý giữa những lợi ích mang lại với tác hại mà chúng gây ra (một việc mà trước đây ít khi chúng ta để ý vì nghĩ rằng bột cá, dầu cá chỉ có lợi cho vật nuôi). Tránh trường hợp sử dụng quá nhiều hay quá ít dẫn đến những hệ quả không mong muốn.
VietDVM team biên dịch
theo wattagnet

Thương lái Trung Quốc tranh mua heo với TP.HCM, thổi giá tăng vùn vụt khiến người tiêu dùng nội địa phải gánh chịu mức giá phi lý.
Thời điểm giữa tháng 2, giá heo hơi chỉ khoảng 39.000 - 40.000 đồng/kg vì trước đó Trung Quốc (TQ) cấm biên mậu. Nhưng hiện nay heo hơi bán tại các trại ở Đồng Nai đã tăng tới “mười mấy giá”. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, ngành chăn nuôi heo đang phát triển tốt với giá bán heo hơi ở mức cao nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 4, giá heo hơi ở các tỉnh phía nam tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 3. Hiện giá thu mua heo hơi tại Đông Nam bộ và ĐBSCL lần lượt có mức 51.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg. “Các thương lái TQ đang tích cực thu mua heo VN với khối lượng lớn”, báo cáo của Bộ NN-PTNT giải thích.

Người tiêu dùng thiệt nặng
Nhưng giá heo hơi theo báo cáo của Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng... lỗi thời. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo hơi đang trong khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg. “Heo tăng giá mạnh như vậy là do TQ tăng mua. Họ đẩy giá lên để cạnh tranh với TP.HCM nên khoảng 2 tháng nay cứ liên tục tăng. Mỗi ngày có từ 10 - 15 xe, cao điểm 20 xe thu gom heo chở qua TQ. Mỗi xe chở cả trăm con heo.
Đặc biệt, họ mua toàn heo mỡ, trọng lượng từ 120 - 160 kg/con trở lên”, ông Đoán nói.
Là người trong ngành, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, tiết lộ mỗi ngày VN xuất đi TQ qua đường tiểu ngạch lên đến 10.000 con heo và Campuchia thêm khoảng 1.000 con. Nhưng ông Mười cũng không khỏi lo lắng khi phân tích về những rủi ro của tình trạng này. Đó là việc người tiêu dùng nội địa có thể quay lưng với thịt nội vì giá quá cao. Cụ thể, nếu không có yếu tố TQ tranh mua, giá thành sản xuất heo là 40.000 đồng/kg, chỉ cần xuất chuồng với giá 42.000 - 43.000 đồng là người chăn nuôi đã có lời. Nhưng “cuộc chiến” tranh mua do thương lái TQ "châm ngòi" đã đẩy giá xuất chuồng lên tới trên 50.000 đồng/kg. Mua cao thì bán cao, miếng thịt đến tay người tiêu dùng nội địa đã bị đội lên rất nhiều. Đơn cử thịt nạc đùi hiện khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi thịt ngoại cùng loại nhập khẩu từ các nước phát triển (phải chịu thuế 15%) giá tới tay người tiêu dùng cũng chỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Giá cao cộng với tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan như hiện nay, thịt nội không thể cạnh tranh với thịt ngoại.
“Nếu là một đơn vị chế biến thực phẩm hay kinh doanh đơn thuần, vì yêu nước tôi chọn cái 80.000 đồng thì sẽ bị các đối thủ khác “đánh chết” ngay lập tức. Tôi phải chọn cái 60.000 đồng chứ. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận cái 60.000 đồng này dù là thịt đông lạnh nhưng tiêu chuẩn của họ tốt hơn của mình nhiều. Đó là sự thật”, ông Mười kết luận.
Bong bóng tăng trưởng
Với giá xuất chuồng cao, một ký heo hơi người chăn nuôi hiện lãi khoảng 13.000 đồng. Một con heo bán cho thương lái TQ trung bình 120 kg, người chăn nuôi lãi chừng 1,5 triệu đồng trong khoảng thời gian 5 - 6 tháng. Đây là mức mà các chuyên gia nông nghiệp gọi là siêu lợi nhuận. Chính vì vậy nhiều hộ, trang trại chăn nuôi heo ở Đông Nam bộ và ĐBSCL tăng đàn ồ ạt. Điều này đang dấy lên những lo ngại về nguy cơ sập bẫy giống như đã từng xảy ra với nhiều nông sản khác trước đây.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, nhận xét thương mại tiểu ngạch với TQ là rất nguy hiểm và chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu. Ban đầu họ luôn cho mình hưởng lợi trong ngắn hạn rồi sau đó có thể “xù” mình bất cứ lúc nào, nông dân sẽ khốn đốn. Gần như tất cả nông sản VN đều đã từng rơi vào cái bẫy quen thuộc này của họ.
Ông Nguyễn Kim Đoán đặt vấn đề, heo tiêu thụ nội địa thường là 100 kg. Trong khoảng trọng lượng này độ dày mỡ lưng heo chỉ từ 1 - 1,2 cm là phù hợp với sở thích của người tiêu dùng nội địa. Thương lái TQ hiện nay đẩy mạnh mua heo mỡ. Khi heo đạt trọng lượng từ 120 - 140 kg, độ dày mỡ lưng sẽ tăng lên từ 2 - 2,5 cm. Nếu họ ngưng mua đột ngột, loại heo này rất khó tiêu thụ nội địa.
Nhìn sâu hơn, ông Mười không khỏi lo lắng, hiện giá heo hơi cao nên người chăn nuôi chỉ nghĩ đến việc tăng đàn thật nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Không ai còn có thời gian nghĩ đến việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi, nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh… dẫn đến sự phát triển của ngành chăn nuôi heo hiện nay giống như một cái bong bóng, chỉ là "phồn vinh giả tạo". Nếu TQ đóng biên hay vì lý do gì đó ngưng thu mua thì sự phát triển này cũng tan biến. Trên thực tế, những cay đắng này đã xảy ra quá nhiều với chúng ta và lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở.
“Sự nguy hiểm của ngành chăn nuôi hiện nay còn nằm ở chỗ thịt ngoại vừa rẻ vừa an toàn hơn so với thịt nội, người VN sẽ chuyển dần sang tiêu dùng hàng ngoại là tất yếu. Trong tương lai không xa họ sẽ chuyển sang tiêu thụ thịt nhập với giá rẻ và an toàn. Nếu không có gì thay đổi, ngành chăn nuôi sẽ bị mất thị phần ngay trong nước của mình, đó là điều khó tránh khỏi”, PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói.
Tác giả: Chí Nhân
Nguồn tin: báo Thanh Niên

Ngày 10-4, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) nhận định giá thịt heo ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do nông dân giảm chăn nuôi heo vì giá thấp kéo dài trong nhiều năm qua. Giá thịt heo đã tăng liên tục trong một năm trở lại đây sau khi đã giảm suốt ba năm trước đó.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, vào tuần trước, giá thịt heo sỉ đã tăng lên mức 25,3 nhân dân tệ (3,9 đô la Mỹ)/kg, mức cao nhất kể từ tháng 10-2011.
Sáng nay ngày 11-4, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc thông báo trong tháng 3-2016, chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, đáng chú ý là giá thịt heo tăng đến 28,4%.
Hãng tin Reuters nhận định Trung Quốc có thể đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo trong năm nay lên mức hơn 1 triệu tấn, tăng 28% so với mức 770.000 tấn vào năm ngoái. Nguyên nhân là do nguồn cung bị thiếu hụt khi khoảng 5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngừng chăn nuôi heo vào năm ngoái vì bị thua lỗ và vì các quy định môi trường mới cấm nuôi heo ở khu vực đô thị và cạnh các con sông lớn.
Cũng theo Reuters, Trung Quốc cũng có thể nhập khẩu hơn một triệu tấn tai mui và giò heo, vốn được xem là những món khoái khẩu ở Trung Quốc.
Nông dân ở ở các nước xuất khẩu thịt heo như Đức, Mỹ và Brazil sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng ở Trung Quốc.
Số lượng hộ chăn nuôi giảm kéo theo số lượng đàn heo nái cũng giảm và khiến Trung Quốc không thể nhanh chóng phục hồi đàn heo để đáp ứng nhu cầu. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc phải mất một năm để phục hồi đàn heo, do vậy, giá thịt heo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhà phân tích Xiong Kuan ở Công ty tư vấn Beijing Orient Agri-business Consultant cho biết: “Các nông trại lớn đang nỗ lực bổ sung đàn heo nhưng nguồn cung heo giống đang khan hiếm do đàn heo nái giảm”.
Trong tháng 2, đàn heo nái ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 37,6 triệu con và đây là tháng thứ 30 liên tục số lượng heo nái giảm. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết đàn heo nái tiếp tục bị giết mổ do người chăn nuôi lỗ 20 đô la Mỹ/một con heo nái trong năm 2014 và 2015.
Tác giả: Chánh Tài
Nguồn tin: Thesaigontimes.vn

Cập nhật giá cả thị trường tại miền Bắc tuần 18/2016.
Trong tuần 18/2016 vừa qua giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường miền Bắc nước ta có nhiều thuận lợi cho người chăn nuôi. Giá heo trong tuần tăng thêm 2000đ/kg đạt mức 56.500đ/kg (heo siêu bán hơi tại trại), như vậy đây đã là tháng thứ 2 liên tiếp giá heo ổn định ở mức >50.000đ/kg.

Tại các thị trường chăn nuôi heo tập trung như Hưng Yên, Hà Tây (cũ), Hải Dương, Hà Nam . . . người chăn nuôi đang rất phấn khởi vì heo liên tục được giá.
Giá heo giống tại thời điểm hiện tại vẫn duy trì ở mức khá cao; 1.700.000đ/con (heo siêu sách tai). Với mức giá giống hiện tại ngươi chăn nuôi nên thận trọng tái đàn tránh tình trạng thừa nguồn cung trong 3 tháng nữa.
Tại thị trường miền Bắc giá gà thịt cũng tăng nhẹ lên mức 68.000đ/kg (gà mía lai nuôi tại Bắc Giang). Các giống gà đặc sản nuôi dài ngày như gà lai Trọi, gà Đông Tảo lai . . . giá vẫn khá ổn định.
Giá cả thị trường tại miền Bắc nước ta tại thời điểm hiện tại rất có lợi cho người chăn nuôi, với giá như hiện nay hầu hết các trại đều có lãi khá.
Giá cả thị trường chi tiết trong tuần 18/2016.
Chú ý:
- Heo lai đẹp là heo có tỉ lệ máu ngoại từ 3/4 đến 7/8 trở lên.
- Heo lai xấu là heo có tỉ lệ máu nội cao.
- Giá heo siêu giống là giá của heo giống xách tai 7-10kg.
VietDVM team tổng hợp

Giá heo hơi tại các tỉnh Đông Nam bộ - vùng chăn nuôi heo lớn nhất cả nước - đang ở mức cao nhất trong vòng 19 tháng qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

So với nhu cầu tiêu thụ thông thường, lượng heo trong nước đã cao hơn từ 1-2 triệu con. Ba tháng nữa là đến mùa mưa ở Trung Quốc, giao thương và vận chuyển khó khăn, việc bán heo sang Trung Quốc sẽ khó hơn
Giá heo hơi cao đã kích thích nhiều nông dân cấp tập xây thêm chuồng trại, mua heo giống về nuôi...
Dù thừa nhận giá heo tăng cao là điều đáng mừng cho người chăn nuôi, nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc tăng đàn ào ạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ heo bị dội chợ nếu phía Trung Quốc ngừng hoặc giảm nhập heo từ VN.
Khan heo giống, thiếu thợ xây chuồng
Mới chỉ hơn một năm mà đàn heo của ông Trần Văn Thức (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã tăng từ gần 2.000 con lên trên 3.000 con heo thịt như hiện tại.
“Tôi đang tính đầu tư để mở rộng trại nuôi heo thịt. Giá heo hơi đang ở mức cao nên người chăn nuôi nào cũng có lời” - ông Thức cho hay. Tương tự, dù đàn heo lên đến 4.000 con nhưng ông Nguyễn Văn Chiểu (Thống Nhất, Đồng Nai) cũng cho biết đang chuẩn bị tăng thêm đàn vì nuôi heo đang có lời.
Không chỉ có các trang trại quy mô lớn, các hộ nuôi quy mô nhỏ hơn cũng tham gia cuộc đua tăng đàn heo và mở rộng chuồng trại. Bà Nguyễn Thị Thành (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vừa bỏ ra trên 530 triệu đồng mua đất xây dựng chuồng trại và nhập gần 100 con heo giống về nuôi. Do nhiều người mua, giá heo giống đã tăng từ 1,8 triệu đồng/cặp lên 2,2-2,5 triệu đồng/cặp (mỗi con 10kg).
Trong khi đó, ông Đinh Văn Tính (huyện Thống Nhất) cũng vừa đầu tư xây thêm một dãy chuồng heo, dự tính mua thêm 300 con heo giống về nuôi bên cạnh đàn heo 800 con hiện có.
Theo ông Tính, mức lời từ 1,2-1,5 triệu đồng/con heo quá hấp dẫn với người chăn nuôi nên ai cũng có tâm lý muốn tăng đàn. “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ chăn nuôi khác cũng đang tăng đàn heo vì giá heo hiện nay đang ở mức cao” - ông Tính cho biết.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chưa bao giờ phong trào xây chuồng trại, mua bán heo giống và heo thịt lại sôi động đến như thế. Ngày 2-5, giá heo hơi đã lên mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 19 tháng qua và sẽ còn tiếp tục tăng cao khi Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngưng nhập khẩu heo thịt từ VN. Với mức lợi nhuận 1-1,5 triệu đồng/con heo (trung bình 100 kg/con), người chăn nuôi đang cấp tập mở rộng chuồng trại, mua heo giống về nuôi.
Do nhu cầu tăng mạnh nên giá heo giống cũng “nhảy múa” cùng giá heo hơi. So với đầu năm, giá heo giống của các công ty lớn bán ra tăng khoảng 6.000 đồng/kg, lên mức 99.000-102.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ những hộ chăn nuôi quy mô lớn mới có thể tiếp cận được với nguồn con giống này, các hộ nuôi quy mô nhỏ hơn phải mua lại từ các trại lớn hơn với giá cao hơn nhiều.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo giống mà các trại bán cho hộ nuôi nhỏ tăng từ 95.000 đồng/kg hồi đầu năm lên mức 115.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ bán vì nhu cầu quá lớn.
“Chủ trại nào cũng muốn tăng gấp đôi tổng đàn trong thời gian ngắn khiến heo giống trở nên khan hiếm, thậm chí phải hẹn trước mới có” - ông Đoán cho hay. “Ngay cả thợ xây chuồng trại cũng không dễ kiếm hiện nay, dù rất nhiều thợ xây nhà cho người nay đã chuyển qua xây nhà cho heo” - ông Đoán nói.

Săn lùng heo xuất sang Trung Quốc
Vừa tấp vào một điểm chăm sóc heo dựng bên đường ở xã vùng biên Hải Sơn (TP Móng Cái, Quảng Ninh), lái xe tên Quang (quê Thanh Hóa) vội tìm vòi nước phun tưới mát cho heo. Hơn 150 con heo, trọng lượng 80 - 120kg/con, được xếp làm ba tầng trên xe. Hơn hai ngày ròng rã với quãng đường gần 2.000km, những con heo mệt mỏi nằm xếp lên nhau, khe khẽ kêu.
Theo lời anh Quang, số heo trên được các đầu nậu thu gom từ phía Nam, nhiều nhất là Đồng Nai và Bến Tre... Trên cả chuyến hành trình, nhiều người khác nhau sẽ gọi điện chỉ đạo điểm đến, người chở thuê chỉ việc đưa xe đến lấy hàng rồi đưa đến điểm tập kết để xuất sang Trung Quốc. Ngoài xe của anh Quang, tại điểm chăm sóc heo này còn có hai chiếc xe biển số Thanh Hóa đang nằm chờ “mệnh lệnh” từ các lái heo.
Cách đó hơn 40km, việc xuất heo tại cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) mấy ngày nay diễn ra rất sôi động, trung bình mỗi ngày có gần 20 xe chở heo tập kết về đây để xuất sang Trung Quốc. Cao điểm như ngày 25-4 có hơn 30 xe đăng ký thông quan.
Ông Trần Xuân Hưng, chi cục phó Chi cục hải quan cửa khẩu Hoành Mô, cho biết từ trước đến nay tại cửa khẩu này chưa bao giờ xuất hiện tình trạng xuất khẩu heo nhiều như hiện giờ. Từ đêm 21-4, đơn vị bắt đầu cấp phép cho xuất khẩu heo qua ba lối mở trên địa bàn được UBND tỉnh công nhận là điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu.
“Chỉ trong vòng năm ngày đã có 1.750 tấn heo được xuất sang Trung Quốc với tổng giá trị hơn 2,6 triệu USD” - ông Hưng cho biết.
Trong khi đó tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) - một trạm trung chuyển heo lớn nhất khu vực phía Bắc (chuyên gom heo từ phía Nam về để xuất đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc), thời gian qua cũng trở nên nhộn nhịp hơn khi xe lôi, xe tải các loại kéo về để gom hàng.
Ông Trần Văn Dũng (chủ trang trại nuôi heo tại Ngọc Lũ) cho biết trước đây heo trên 90kg rất khó bán nhưng nay ngược lại, heo càng to càng dễ bán và được giá nhất. “Heo nặng trên 120 kg/con được các lái gom ngay để xuất đi Trung Quốc” - ông Dũng cho biết.
Theo một số thương lái, hiện mỗi ngày có khoảng 3.000 con heo được mua bán tại chợ này. Bà Phạm Thị Huệ (Bình Lục) - một trong những người chuyên gom heo có trọng lượng lớn để xuất sang Trung Quốc - cho biết mỗi ngày gia đình bà xuất một xe heo khoảng 17 tấn (150-155 con) sang Trung Quốc.
“Cứ mang ra đến Móng Cái (Quảng Ninh) là có khách Trung Quốc sang mua, có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Nếu thuận buồm xuôi gió, bán heo được ngay khi đến Móng Cái, trừ các chi phí mỗi xe kiếm được 15 triệu đồng” - bà Huệ cho hay.

Nguy cơ dội chợ
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hoạt động xuất khẩu heo sang Trung Quốc thời gian qua khá sôi động, mỗi ngày có ít nhất 500 tấn heo hơi được thương lái đưa qua cửa khẩu. Ông Hoàng Thanh Vân, cục trưởng Cục Chăn nuôi, chia sẻ “vừa mừng lại vừa lo”.
Mừng vì người chăn nuôi bán được heo giá cao. Tuy nhiên cứ xuất khẩu tiểu ngạch như thế này, nếu thương lái phía Trung Quốc không mua nữa, heo chở đến biên giới mà không bán được dễ xảy ra tình trạng heo chết, phải tiêu hủy.
“Heo dội chợ khó xử lý hơn dưa hấu vì tiêu hủy heo tốn kém. Chưa kể có tình trạng người dân giữ lại heo chết mổ lấy thịt đưa ra thị trường, làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm” - ông Vân nói.
Cũng theo ông Vân, khả năng heo dội chợ đã bắt đầu hiện hữu. Trong bốn tháng đầu năm 2016, lượng heo giống vào chuồng đã tăng 25-30% so với cùng kỳ 2015 và tổng đàn heo hiện tại của VN đã lên tới 28 triệu con.
“So với nhu cầu tiêu thụ thông thường, lượng heo trong nước đã cao hơn từ 1-2 triệu con. Ba tháng nữa là đến mùa mưa ở Trung Quốc, giao thương và vận chuyển khó khăn, việc bán heo sang Trung Quốc sẽ khó hơn” - ông Vân cảnh báo.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng bày tỏ lo ngại việc phát triển nóng đàn heo trong nước tất yếu sẽ dẫn đến thời điểm cung vượt cầu. Vì Trung Quốc chủ yếu mua heo cỡ lớn (trên 120 kg/con), loại heo mà VN ít dùng, nên nếu phía Trung Quốc ngừng mua, người nuôi heo trong nước không biết bán cho ai.
“Heo trên 120kg có nhiều mỡ nên thương lái trong nước không mua, việc chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng cũng khó khăn” - ông Đoán cho hay.
Nhưng không cần đợi đến khi cung vượt cầu, theo các thương lái, ngay cả khi Trung Quốc đang cần hàng, việc buôn bán với thị trường này cũng rất nhiều rủi ro. Bởi hiện tại các thương lái Trung Quốc mua heo từ VN vẫn chủ yếu theo hình thức mua bán tiểu ngạch, nên khi nào cơ quan chức năng Trung Quốc cấm biên là giao dịch bị ngưng trệ. Chưa kể lâu lâu các thương lái Trung Quốc cũng chủ động ngưng mua một vài ngày để ép giá người bán từ VN.
Bà Phạm Thị Huệ thừa nhận việc lời lỗ khi xuất heo hiện nay cũng tùy thuộc vào việc phía Trung Quốc có cấm biên hay không. “Thi thoảng phía Trung Quốc họ cấm biên, không cho mua bán gì. Xe chạy 12 tiếng từ Hà Nam đến Móng Cái rồi phải nằm cả nửa ngày, ăn chực nằm chờ giờ mở cửa biên. Mỗi con hao 5-7kg, có con yếu, thậm chí bị chết là mất cả vốn chứ nói gì đến lãi” - bà Huệ nói.
Giá cao do có bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu
Theo cơ quan chức năng, giá heo hơi tại VN tăng nhanh trong hai tháng qua chủ yếu do Trung Quốc gom hàng. Có những ngày cao điểm, chỉ riêng điểm tập kết tại Thống Nhất (Đồng Nai) đã có 3.000 con heo được đưa lên các xe tải chở ra phía Bắc.
Các thương lái cho hay Trung Quốc đặt hàng với số lượng rất lớn bất kể heo xấu heo tốt, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, trên tuyến biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh có hàng trăm xe chở heo tập kết chờ xuất sang Trung Quốc.
- Theo cơ quan chức năng, giá heo hơi tại VN tăng nhanh trong hai tháng qua chủ yếu do Trung Quốc gom hàng. Có những ngày cao điểm, chỉ riêng điểm tập kết tại Thống Nhất (Đồng Nai) đã có 3.000 con heo được đưa lên các xe tải chở ra phía Bắc.
- Các thương lái cho hay Trung Quốc đặt hàng với số lượng rất lớn bất kể heo xấu heo tốt, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, trên tuyến biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh có hàng trăm xe chở heo tập kết chờ xuất sang Trung Quốc.
Tác giả: Nhóm PV kinh tế báo Tuổi Trẻ online
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

Trước khi vào ngắm đàn heo đang thư giãn trong những “resort”, phải qua 3 lần “tắm”, vệ sinh, sát trùng. Mỗi lần như vậy phải đủ thời gian quy định thì cánh cửa tiếp theo mới mở.
Đó là “resort” heo ở ấp 7, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) của Cty Lộc Phát. Đây được coi là trang trại heo hiện đại nhất Đông Nam Á, tính đến thời điểm này, với số tiền đầu tư lên đến gần 6 triệu USD, tức khoảng hơn 130 tỷ đồng.

Những ‘ông Hoàng, bà Chúa’… heo
Trang trại heo nằm cách cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, biên giới Việt Nam – Campuchia chỉ vài km, gồm khu trang trại chính diện tích 54ha và 45ha vành đai. Thông thường, khi đến gần khu vực nuôi heo, người ta phải bịt mũi, nhăn mặt vì mùi hôi. Nhưng ở đây thì khác, bước chân qua cổng trại, tôi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy trang trại heo mà chẳng khác gì khu resort cao cấp. Những hàng cây, thảm cỏ, vườn hoa, hồ nước… đã xua tan cái nóng như rang ở vùng biên giới. Và không thấy dấu hiệu gì cho thấy đây là nơi đang nuôi đến 15.000 con heo các loại.
Sau khi đã trải qua các bước vệ sinh nghiêm ngặt, chúng tôi bắt đầu đi tham quan những chuồng heo bằng xe điện. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Cty Lộc Phát cho biết, trang trại dành đến 2/3 diện tích cho cây xanh, hồ nước, công viên. Chỉ riêng chi phí đầu tư cho cây xanh đã hết 4 tỷ đồng.
Là người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi heo, xây dựng hệ thống chuồng heo khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung, trước khi xây dựng trang trại đạt tiêu chuẩn châu Âu này vào năm 2009, ông
Hiếu đã nhiều lần sang Thái Lan tham quan mô hình chăn nuôi heo hiện đại của tập đoàn C.P. Trang trại Phát Lộc cũng là sản phẩm hợp tác với Cty C.P Việt Nam.

Ông Hiếu cho biết, trang trại được thiết kế, vận hành theo quy trình tự động, khép kín với quy mô 2.400 heo nái, nọc và hơn 12.000 heo thịt theo tiêu chuẩn GMP. Mỗi loại heo được phân chia, chăm nuôi bằng kỹ thuật, quy trình riêng, gồm 6 trại heo mang thai, 4 trại heo nái và 1 trại heo nọc, heo con cai sữa, heo thịt.
Nguồn heo giống bố mẹ được nhập từ C.P Thái Lan, Đan Mạch, được sàng lọc rất kỹ để đạt tiêu chuẩn tốt nhất, chất lượng cao. Các trại đều có đường dẫn thức ăn tự động đến các chuồng heo. Chế độ ăn trong đó đủ lượng, dinh dưỡng theo trọng lượng, tuổi và phù hợp sức khỏe của heo từng ngày.
Tất cả các trại đều có hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, phù hợp sức khỏe cho heo. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Liều lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ cung cấp cho heo.
“Heo sinh sau 21 ngày là cai sữa, đến 5 – 6 tháng tuổi, heo đạt trọng lượng trên 110kg. Lúc này bắt đầu được chọn lọc con tốt để cung cấp giống nái, nọc cho các trại chăn nuôi trong hệ thống C.P. Heo giống được quản lý chặt chẽ, có lý lịch trích ngang, đảm bảo không bị trùng huyết. Số heo không đạt tiêu chuẩn chọn giống sẽ được chuyển qua trại nuôi heo thịt”, ông Hiếu nói.

Với hệ thống xử lý chất thải biogas trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được đưa vào hệ thống xử lý, tạo ra 30% năng lượng gas, điện cho toàn trang trại. Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng.
Với tiêu chuẩn hình mẫu về trang trại chăn nuôi hiện đại, đầu năm 2015, trang trại chăn nuôi Lộc Phát gồm 2 cơ sở là Lộc Ninh 1 và 2, đã được tổ chức SGS cấp 2 chứng chỉ ISO quốc tế gồm ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng và ISO 14001:2004 về hệ thống quản lý môi trường. Đây là hai trang trại chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam đạt cả hai chứng chỉ ISO quốc tế về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường.
Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo “khủng” và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Đây không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn là nguồn lợi rất lớn của công ty.
Lợi ích kép từ trang trại nuôi heo
Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhất, hiện năng suất chăn nuôi của Lộc Phát tương đương các nước phát triển của châu Âu và Mỹ, với năng suất sinh sản hiện tại đạt 27 heo con cai sữa/nái/năm. Đây là một mô hình mẫu cho phát triển trang trại chăn nuôi heo tại Việt Nam.
Ngoài việc đầu tư hệ thống bài bản, hiện đại, còn đầu đầu tư trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn của Cty C.P, giúp sinh viên các trường đại học, cao đẳng có điều kiện học tập và thực hành tất cả các quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo từ sản xuất heo con cai sữa đến heo giống hậu bị xuất chuồng.
Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng hàng đầu để tồn tại bền vững và ngày càng đi lên, đó là vấn đề xử lý môi trường. Ông Hiếu tâm sự, ở bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi người làm phải có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống và lợi ích cho đối tượng liên quan trước khi nghĩ đến lợi ích của mình. Chăn nuôi là một trong những ngành tác động lớn nhất đến môi trường, nếu nhà đầu tư nghĩ đến cái lợi trước mắt, không có sự đầu tư đúng mức cho hệ thống xử lý thì hậu quả sẽ vô cùng lớn.
Ngược lại, nếu muốn phát triển bền vững, thì phải đầu tư bài bản, đó không chỉ là sự khôn ngoan, mà còn thu lợi ích kép. Bởi khi đã đầu tư bài bản, theo quy trình xử lý khép kín, các chất thải chăn nuôi sẽ đem lại nguồn lợi không hề nhỏ, tạo môi trường sạch, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

“Những lần sang Thái Lan tham quan, tôi học được ở họ điều này: Đầu tư hướng đến lợi ích cho cộng đồng và nhân viên trước, sau đó mới đến lợi ích công ty.
Hơn ai hết, tôi hiểu nếu sống gần một trại nuôi heo mà chất thải không được xử lý thì sẽ khổ thế nào. Lúc ấy dù có ăn cao lương mỹ vị, nằm ngủ trên giường bằng vàng đi nữa cũng không sướng nổi. Cho nên, yêu cầu bắt buộc đối với trang trại heo là không được ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường”, ông Hiếu nói.

Trang trại chăn nuôi Lộc Phát chính thức thả heo năm 2011, đến nay mới chỉ hoạt động 4 năm, nhưng ông Hiếu tự tin cho biết, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thu hồi vốn. Bởi trang trại đang đi đúng hướng là đầu tư bền vững. Lộc Phát đang là một trong số ít doanh nghiệp ở Lộc Ninh đóng thuế cho nhà nước cao nhất. Không bao lâu nữa, nguồn thu của trang trại không chỉ có heo, mà còn từ những ao cá, đàn cá sấu hàng ngàn con và nhiều cây trồng khác.
Tác giả: Phúc Lập
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Kể từ ngày 15/4/2016, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tạm dừng nhập khẩu 3 tháng đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin để kinh doanh, sản xuất thuốc thú y cho mục đích sử dụng trong nước.

Theo nhận định của Cục Thú y, trong thời gian vừa qua, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản bị tồn dư kháng sinh, chất độc hại đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín xuất khẩu sản phẩm động vật và sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Đồng thời, qua khảo sát đã phát hiện người nuôi trồng thủy sản sử dụng nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin là hoạt chất cấm sử dụng để phòng, trị bệnh thủy sản theo quy định tại Thông tư 03/2012/TT-BNNPTNT ngày 16/1/2012 của Bộ NN&PTNT.
Do đó, kể từ ngày 15/4/2016, Cục Thú y tạm dừng nhập khẩu 3 tháng đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin để kinh doanh, sản xuất thuốc thú y cho mục đích sử dụng trong nước.
Các giấy phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh này đã được Cục Thú y cấp phép không còn hiệu lực kể từ ngày 15/4/2016. Các lô hàng nguyên liệu Enrofloxacin đã làm thủ tục xuất khẩu về Việt Nam trước ngày 15/4 thì được phép làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với doanh nghiệp đã ký hợp đồng và chuyển tiền cho công ty xuất khẩu nguyên liệu Enrofloxacin trước ngày 15/4, căn cứ hợp đồng và giấy xác nhận chuyển tiền của Ngân hàng, Cục Thú y sẽ xem xét, cho phép nhập khẩu đối với từng trường hợp cụ thể.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, đối với trường hợp đăng ký nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin để sản xuất thuốc thú y cho mục đích xuất khẩu, Cục Thú y sẽ thẩm định, cấp phép nhập khẩu và quản lý chặt chẽ nguyên liệu nhập khẩu, bảo đảm việc sử dụng nguyên liệu kháng sinh đúng mục đích.
Đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofoxacin đã nhập khẩu chỉ được phép sử dụng để sản xuất thuốc thú y đã được cấp phép lưu hành tại nhà máy sản xuất có Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y hoặc bán cho cơ sở đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc thú y còn hiệu lực theo quy định.
Việc cấm sử dụng Enrofloxacin trong chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ được xem xét.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ ký ban hành thông tư sửa đổi hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo đó, hướng dẫn mới sẽ giảm liều lượng kháng sinh cho phép trong thức ăn chăn nuôi từ 8-10 ppm/tấn xuống còn 5 ppm/tấn, đồng thời ngưng cho phép dùng kháng sinh trộn sẵn trong thức ăn nhằm phòng bệnh cho vật nuôi.
“Mỹ sẽ ngừng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi từ năm 2017, Thái Lan cũng như vậy, còn EU đã ngừng sử dụng từ năm 2006. Chúng tôi đã đi khảo sát các nước xung quanh, có thể năm 2018 sẽ ngừng cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”, ông Vân cho biết thêm.
Tác giả: Đỗ Hương
Nguồn tin: Báo Điện tử Chính Phủ

Công ty Cổ phần Chăn nuôi ALPHA, là công ty chăn nuôi lợn với quy mô nuôi 1000 nái ngoại và hơn 2000 lợn thịt với 3 trang trại tại Hưng Yên, Hà Tĩnh, Hải Dương.

Hiện nay, do nhu cầu mở rộng sản xuất nên công ty Alpha chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng Kỹ thuật/công nhân chăn nuôi cho trang trại tại Khoái Châu - Hưng Yên
- Số lượng: 4 người (nữ)
* Yêu cầu công việc:
- Ưu tiên những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành thú y hoặc chăn nuôi thú y.
- Ưu tiên người có kinh nghiệm làm trại.
- Công việc phải làm là tất cả các công việc trong chuồng: chuồng đẻ, chuồng cai, vệ sinh, đỡ đẻ, điều trị bệnh cho heo con, heo nái...(sẽ trao đổi cụ thể khi phỏng vấn).
- Chăm chỉ, chịu khó, có ý thức học hỏi và xác định làm việc lâu dài.
* Quyền lợi:
- Mức lương: từ 4,5tr - 7tr.
- Tăng lương định kỳ 2 lần/ năm tuỳ theo thâm niên và chất lượng công việc mỗi người.
- Được nghỉ phép 4 ngày/tháng
- Nghỉ lễ, Tết, 2/9, 30/4 - 1/5, 10/3...
- Được đi du lịch theo công ty tổ chức 1 lần/ năm
- Thưởng năng suất 2 tháng/lần hoặc theo quý
- Thưởng lương tháng 13.
- Đóng BHXH, BHYT, BHTN
- Công ty có bố trí chỗ ở tại trại.
* Địa điểm làm việc:
Trang trại Khoái Châu:
địa chỉ: công ty Alpha; thôn Đỗ Xá - xã Hồng Tiến - huyện Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên.
Do nhu cầu cần gấp nên mọi chi tiết các ứng viên quan tâm có thể liên lạc
Gửi CV vào mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
hoặc tell: 03213.685.368 gặp Ms Yến.
Bài viết được chia sẻ
Ms. Yến