Chó poodle có hôi không? - Chắc chắn nhiều bạn đang muốn nuôi poodle nhưng vẫn còn phân vân về mùi hôi trên chó. Tất nhiên ngoài vấn đề này, các bạn còn nhiều thắc mắc khác nữa, nhưng đây
 
Items filtered by date: /12/ 2013 - VietDVM | Trang thông tin kiến thức Chăn nuôi UY TÍN

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới là những giải pháp chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với nông dân. Trong quá trình đó, tham khảo những kinh nghiệm của Nhật Bản có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.

 

ảnh internet

 

 

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ nông dân

 

Sau thế chiến thứ II, Nhật Bản thực hiện cải cách ruộng đất triệt để. Mọi nông dân đều được chia ruộng đất, nhưng đa phần họ sở hữu ít ruộng, thửa nhỏ. Hoạt động sản xuất khá manh mún, dựa vào sức lao động là chính, khó áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật.


Vì thế, Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện để nông dân sản xuất giỏi có thể tích luỹ ruộng đất, phát triển quy mô sản xuất, trở thành nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hoá lớn. Thông qua tổ chức hợp tác, trang bị cho họ kỹ năng sản xuất, quản lý nông hộ, năng lực tiếp thu khoa học – công nghệ và nắm bắt các yêu cầu của thị trường.


Tầng lớp nông dân nhỏ ở Nhật Bản cạnh tranh thành công trên thị trường là nhờ kinh tế hợp tác rất phát triển. Hiện các hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản có vai trò lớn, thu hút và hỗ trợ hiệu quả hơn 3 triệu hộ nông dân. Gần như 100% nông dân ở Nhật Bản là hội viên nông hội và xã viên hợp tác xã. Hệ thống hợp tác xã và nông hội được tổ chức theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng và dân chủ ra quyết định. Hội đồng quản trị từ cơ sở đến trung ương đều do xã viên bầu, giám đốc điều hành do hội đồng tuyển và hợp đồng. Các cấp quản lý có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được nông dân uỷ thác, bảo vệ và phản ánh quyền lợi của nhân dân.

 

Hợp tác xã là người cung cấp chính các dịch vụ thiết yếu cho nông dân như: tín dụng, bảo hiểm rủi ro, khuyến nông, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng tập thể các máy móc thiết bị. Đến nay, hợp tác xã đã mở rộng ra các lĩnh vực phúc lợi xã hội như điều trị y tế, giáo dục, văn hoá, cải thiện điều kiện sống, du lịch và đặc biệt là thương mại. Các tổ tư vấn nông nghiệp trong mỗi hợp tác xã làm cầu nối với các cơ quan nông nghiệp, các trạm nghiên cứu, cán bộ thú y và các nhóm nghiên cứu khoa học khác. Năm 1997, Nhật Bản có khoảng 16.869 tổ tư vấn nông nghiệp trong các hợp tác xã. Đây cũng là thị trường lớn thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư về công tác ở nông thôn.


Ở Nhật Bản hiện nay, tỷ lệ dân nông thôn chỉ còn gần 5% dân số, nhưng vẫn đảm bảo số phiếu bầu theo địa bàn bầu cử (không căn cứ theo tỷ lệ dân cư); và cho phép một lá phiếu nông thôn có giá trị bằng 3 lá phiếu thành thị trong bầu cử Hạ nghị viện, 6 lá phiếu với bầu cử thượng nghị viện. Vì vậy các quyết định quan trọng về đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách thương mại,… đều không thể coi nhẹ quyền lợi của người dân nông thôn. Đó cũng là lý do vì sao chính sách của quốc gia này rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến tự do hoá thương mại trong nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người dân nông thôn.

 


Thứ hai, chính sách hỗ trợ nông nghiệp


Nhật Bản coi an ninh lương thực là mục tiêu số một, nên ngành nông nghiệp được bảo hộ rất cao; và được khuyến khích theo kiểu tự cung tự cấp thông qua việc hạn chế nhập khẩu một cách tối đa. Điều đó dẫn tới mức giá nông phẩm cao và khuyến khích sản xuất trong nước. Nhà nước can dự rất sâu trong kiểm soát việc cung cấp và ấn định các mức giá cho một số loại hàng hoá nông phẩm ở thị trường nội địa. Vào những năm 1960, Nhật Bản có chính sách trợ giá cho lúa gạo khá lớn, do đó đã kích thích sản xuất đến mức sản xuất thừa gạo. Các sản phẩm nông nghiệp khác như lúa mì và hoa màu đều giảm. Từ năm 1970, nước này bắt đầu hạn chế mức sản xuất gạo, do vậy chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu lương thực trong nước so với 79% của năm 1960. Chỉ riêng việc duy trì giá gạo cao, trong vòng hơn 30 năm qua Nhật Bản đã phải chi một khoản trợ cấp rất lớn 6 tỷ yên cho chính sách này và sau đó lại cần đến 5 tỷ yên để bán hết số gạo dư thừa đó. Trong khi các đối tác thương mại chủ yếu của Nhật Bản triển khai một cách khó khăn những cuộc cải cách nông nghiệp theo hướng tự do hoá thương mại của vòng đàm phán Urugoay và WTO thì sự ủng hộ của người dân Nhật Bản cho những thay đổi theo hướng đó vẫn còn rất mờ nhạt.

 

Nền kinh tế Nhật Bản sau hơn một thập kỷ suy thoái đang tiếp tục cần phải có những sự điều chỉnh cơ cấu một cách mạnh mẽ hơn. Thất nghiệp ở mức cao và thu nhập thực tế giảm sút khiến cho người tiêu dùng đã có những phản ứng khi họ phải trả mức giá cao khi mua nông sản được sản xuất ở trong nước so với mức giá trên thị trường thế giới.

 

Rõ ràng chính sách hỗ trợ nông nghiệp kéo dài của Nhật Bản đang làm tổn thương tới những điều mà nó cố tình bảo vệ vì lương thực được cho là dồi dào ở Nhật Bản nhưng giá cả lương thực vẫn khá cao, đặc biệt đối với những ai có mức thu nhập thấp. Điều này làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó làm tổn thương tới các nhà cung cấp khác, tạo ra các ảnh hưởng kinh tế mang tính dây chuyền. Việc hỗ trợ thu nhập cho người nông dân thông qua việc duy trì các mức giá nông sản cao, cũng làm cho tính cạnh tranh của khu vực này về mặt dài hạn và khả năng đảm bảo an ninh lương thực của Nhật Bản bị giảm sút. Và Nhật Bản đang phải đối mặt với những phản ứng của các đối tác thương mại trên các diễn đàn song phương và đa phương về “sức ỳ” quá lớn của Nhật Bản đối với tiến trình tự do hoá trong lĩnh vực nông nghiệp.


Trước tình hình trên, vào cuối năm 1999, Nhật Bản đã đưa ra “Luật cơ bản mới về lương thực, nông nghiệp và khu vực nông thôn” với hứa hẹn có những cuộc cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp. Song thực tế, cải cách nông nghiệp diễn ra hết sức chậm chạp. Nguyên nhân là bởi ảnh hưởng chính trị của những người nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn rất lớn trong xã hội Nhật Bản.


Đến nay, Nhật Bản vẫn duy trì mức thuế cao đối với các mặt hàng như gạo, lúa mỳ và các sản phẩm từ sữa. Ở Mỹ, phần gánh nặng mà người tiêu dùng phải chịu (do mức thuế cao của các sản phẩm nông nghiệp) đã giảm từ 46% trong giai đoạn năm 1986-1988 xuống còn 35% trong năm 2004; ở EU cũng giảm từ 85% xuống còn 54%, ngược lại ở Nhật Bản lại tăng từ 90% lên 91%.

 

 

Thứ ba, chính sách phát triển nông thôn


- Chính sách “ly nông bất ly hương”: Hai nhóm chính sách chính là: phát triển doanh nghiệp nông thôn và đưa công nghiệp lớn về nông thôn để tạo sự gắn bó hài hoà phát triển nông thôn với phát triển công nghiệp, xoá bỏ khoảng cách về mức sống giữa đô thị và nông thôn. Ở Nhật Bản, năm 1950 thu nhập phi nông nghiệp đóng góp gần 30% tổng thu nhập của cư dân nông thôn, năm 1990 tăng lên tới 85%.


Ở Nhật Bản, không chỉ các ngành công nghiệp chế biến nông sản mà cả các ngành cơ khí, hoá chất đều được phân bố trên toàn quốc. Từ khi bắt đầu công nghiệp hoá (năm 1883), 80% nhà máy lớn ở Nhật đã được xây dựng ở nông thôn; 30% lao động nông nghiệp tham gia hoạt động phi nông nghiệp; năm 1960 tỷ lệ này tăng lên 66%. Nhờ chủ trương này mà công nghiệp sử dụng được một nguồn lao động rẻ, dân cư nông thôn có điều kiện cải thiện thu nhập.


- Phát triển cộng đồng nông thôn qua các tổ chức hợp tác xã: các hợp tác xã và tổ chức kinh tế hợp tác dịch vụ nông nghiệp đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa công nghiệp về nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Nhờ chính sách đưa công nghiệp về nông thôn, ngày nay ở Nhật Bản hầu như không còn vùng nông thôn thuần tuý, kể cả vùng núi, vùng xa. Ranh giới giữa nông thôn và thành thị thật khó phân biệt cả về kinh tế, xã hội và đời sống. Quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản hoàn thành.


Hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng trên nền tảng làng xã nông thôn Nhật Bản. Trong mỗi làng xã, những mối quan hệ nhiều chiều đa dạng đã tồn tại từ rất lâu giữa các gia đình, giữa những người nông dân. Lợi dụng ưu điểm này, hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở cộng đồng nông thôn để tạo quan hệ cộng đồng mới vững chắc được bắt nguồn từ bên trong cộng đồng làng xã. Do vậy, hợp tác xã cũng rất chú trọng đến các hoạt động mang tính cộng đồng để làm cho cuộc sống ở nông thôn tốt đẹp hơn.

 

Bạn có muốn xem thêm ?
  • Một số chính sách về nông nghiệp của Nhật Bản (P1).

 

Việt Quân          
Theo Tạp chí Cộng Sản

Bộ NN&PTNT có Công điện khẩn số 2144/CĐ-BNN-TY về phòng chống dịch lở mồm long móng (LMLM) và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc qua biên giới.

 

Thời gian gần đây xuất hiện một số ổ dịch LMLM gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân phát sinh các ổ dịch chủ yếu do nhập lậu lợn nái loại thải qua biên giới (phát hiện tại tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai) đã bị mắc bệnh LMLM hoặc vận chuyển gia súc từ vùng có ổ dịch LMLM cũ ở trong nước. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc tại một số địa phương chưa đảm bảo…

 

 

Phun thuốc sát trùng quả phòng dịch LMLM. Ảnh: Internet

 

Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh LMLM lây lan trên diện rộng, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ đạo UBND các cấp khu vực biên giới, các lực lượng chức năng tại địa phương (Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông) phối hợp chặc chẽ với lực lượng thú y trên địa bàn triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa triệt để các loại nhập lậu động vật, sản phẩm động vật.

 

Đồng thời tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không mua động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, đặc biệt không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật…

 

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương trên tổ chức rà soát kết quả tiêm phòng vắc xin LMLM trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn đang có ổ dịch, nơi có ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 1-2015 và tiêm phòng bổ sung, không để dịch LMLM lây lan…

 

 

Theo Báo Hải Quan

Giống chó Bearded Collie - rất thông minh, hay tò mò, thích khám phá
Published in Giống thú cưng

Giống chó Bearded Collie là một trong số những giống chó rất thông minh và có tính hay tò mò, thích khám phá. Nó rất thích hợp để chơi với trẻ em. Tên gọi âu yếm khác của giống chó này là Beardie hay là chó chăn cừu râu dài. Được cho là có nguồn gốc từ nước Anh, sau đó nó được biết đến ở Scotland như một chú chó chăn gia súc trước khi đến Mỹ. Các Bearded Collie hiện nay chủ yếu là được nuôi với mục đích trình diễn, mặc dù vậy nó vẫn là một người bạn đồng hành tuyệt vời của nhiều gia đình. 

Giống chó Bearded Collie
Giống chó Bearded Collie 

Đặc điểm ngoại hình của giống chó Bearded Collie

Các Bearded Collie có một cơ thể rất mạnh mẽ. Với dáng dấp khá dài và gầy giúp cho chúng có một thể lực khỏe mạnh và nhanh nhẹn – những yếu tố không thể thiếu đối với một chú chó chăn gia súc. Bên cạnh sự nhanh nhẹn và uyển chuyển trong chuyển động thì Collie còn có một bộ lông 2 lớp rất ấn tượng bao gồm lớp trong khá mềm mại và một lớp bên ngoài thẳng, dài và thô hơn. Lớp lông bên ngoài của Collie thường là sự pha trộn của 2 màu trắng- xám hay đen – chấm trắng…Mặt của chúng cũng luôn thể hiện một sự tươi tắn, sắc sảo và tinh nghịch.

 

Tính cách của giống chó Bearded Collie

Bearded Collie là một giống chó rất thông minh, vui vẻ, và rất hiếu động, đầy năng lượng. Về bản chất, chúng là những chú chó rất biết vâng lời và thích chơi đùa cùng với con người. Nhiều lúc nó tỏ ra rất độc lập nhưng thực ra nó rất thích chơi với trẻ em và mặc dù nó rất hiếu động trong lúc chơi đùa nhưng ít khi gây nguy hiểm cho con lũ trẻ. Trái lại, nó là một người bạn rất tuyệt vời để sống cùng.

 

 

Chăm sóc giống chó Bearded Collie

Mặc dù Collie có thể sống bên ngoài ở vùng khí hậu mát mẻ nhưng nó thích ở trong nhà với chủ nhân và gia đình hơn là ở ngoài. Đi dạo bộ và chơi các trò chơi thường xuyên là những hoạt động giúp cho thể trạng của con vật luôn ở trạng thái tốt nhất. Chăn giữ gia súc cũng là một công việc yêu thích của Collie. Bộ lông của Collie cũng nên được chải thường xuyên để giữ cho bộ lông luôn óng mượt và tránh tình trạng rối xù lên.

Giống chó lông dài Bearded Collie
Giống chó lông dài Bearded Collie

Với tuổi thọ trung bình từ 12-14 năm, Collie thường mắc một số vấn đề về sức khỏe như đại tràng, loạn sản xương hông, động kinh. Ngoài ra, nó còn có thể mắc một số bệnh nguy hiểm khác như đục thủy tinh thể, teo võng mạc. Các bác sỹ thú y khi xem bệnh cho Collie cần xem kỹ một số bộ phận như tuyến giáp, hông, mắt.

 

Nhiều khi, nó được gọi với cái tên thân mật như Highland Collie, Mountain Collie, hay như bình thường là Beardie. Bearded Collie là một trong những giống chó cổ xưa nhất của nước Anh. Nguồn gốc của nó được cho là bắt nguồn từ những năm 1600 với một mối liên hệ với giống Lowland Sheepdog của Ba Lan. Dù đã được biết đến từ rất sớm nhưng phải mãi đến những năm 1771 khi chúng xuất hiện trong một bức chân dung cùng với công tước xứ Buccleuch thì người ta mới bắt đầu để ý đến nó. Ngay sau đó, một bài báo mô tả chi tiết về giống chó này đã được tạp chí chăn nuôi xuất bản vào năm 1818.

 

 

Nó tỏ ra là một chú chó chăn cừu vô cùng tuyệt vời kể cả trong những địa hình gồ ghề của Anh và Scotland. Sau đó, vào thời đại của nữ hoàng Victoria, nó được biết đến như một chú chó trình diễn nổi tiếng khi người ta lai tạo giữa con Highland màu xám trắng với con Border màu nâu trắng để cho ra một giống chó duy nhất.

 

Các Collie Bearded đã được giới thiệu đến Hoa kỳ vào cuối những năm 1950 và vào tháng 5 năm 1969, CLB Collie Bearded đầu tiên được thành lập tại Mỹ. Sau đó, nó chính thức được hiệp hội chó giống Mỹ công nhận là đủ tiêu chuẩn đối với một chú chó trình diễn và được cấp quy chế đầy đủ như một phần của nhóm chó chăn gia súc của hiệp hội vào năm 1983.

 

 VietDVM team biên dịch

Thịt mát (chill) hay thịt cấp đông (frozen) là thực phẩm tiêu thụ chính tại các nước phát triển. Tuy nhiên, với Việt Nam, sản phẩm thịt mát vẫn còn khá khiêm tốn so với thịt nóng tươi sống.


Đặc biệt, theo tìm hiểu của PV NNVN thì phần lớn sản phẩm thịt mát đang bày bán tại các siêu thị của Việt Nam hiện chưa làm đúng theo quy trình như các nước Nhật, Mỹ hay EU.



Sản phẩm thịt mát bày bán tại siêu thị một số nước châu Âu


Không phải thịt đông đá
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, lâu nay người tiêu dùng trong nước vẫn có một nhầm lẫn rất lớn về sản phẩm thịt mát hay thịt cấp đông. Ông Tường khẳng định, thịt mát hay thịt cấp đông hoàn toàn không phải là sản phẩm thịt đông đá cho vào tủ lạnh hay tủ bảo ôn.


Cụ thể, với sản phẩm thịt mát hay thịt cấp đông cần một quy trình từ chăn nuôi, giết mổ đến bảo quản chế biến vô cùng khắt khe và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợn hoặc gà sau khi được vận chuyển từ trang trại về sẽ được chích điện chết nhanh nhất để đảm bảo giữ được chất lượng thịt. Sau đó, gia súc, gia cầm được giết mổ bằng quy trình công nghiệp khép kín, hiện đại, không chạm đất nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.


Sau khi giết mổ xong, thịt gia súc, gia cầm được treo móc lên cao để ráo nước rồi theo dây chuyền chạy thẳng vào kho lạnh có nhiệt độ dao động từ 0 – 4oC trong vòng 12 – 24 tiếng để làm mát thịt. Đến khi miếng thịt đạt nhiệt độ 8oC, sẽ được cắt thành từng miếng theo yêu cầu rồi đóng túi hút chân không hoặc bọc màng co đem bán. Trong suốt quá trình lưu thông, sản phẩm thịt mát phải được bày bán trong hệ thống tủ bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 6oC.


Theo ông Tường, nếu áp dụng đúng quy trình này sẽ gần như loại bỏ được nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn vẫn thường gặp trên thịt nóng tươi sống mà người tiêu dùng Việt Nam quen dùng hằng ngày tại các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, sản phẩm thịt mát không chỉ giữ nguyên hương vị và phẩm chất như thịt tươi sống mà thời gian bảo quản lên tới 10 – 12 ngày, thậm chí một số quốc gia như Vương quốc Anh sản phẩm thịt mát đóng túi hút chân không có thời gian bảo quản tới 1 tháng.


Ông Tạ Văn Tường cho biết thêm, sản phẩm thịt mát hay thịt cấp đông hoàn toàn khác với thịt đông đá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Thịt đông đá là sản phẩm thịt nóng tươi sống được đem bỏ vào tủ lạnh hay tủ bảo ôn ở nhiệt độ âm để đông cứng lại thành đá nên chất lượng rất thấp.


Còn với sản phẩm thịt cấp đông, quy trình tương tự như chế biến thịt mát. Tuy nhiên, khi kết thúc công đoạn làm mát trong phòng lạnh từ 12 – 24 tiếng, thịt gia súc, gia cầm được làm lạnh đột ngột ở nhiệt độ – 25oC, sau đó được đóng túi chân không nên thời gian bảo quản kéo dài nhiều tháng trời. Nhờ làm lạnh đột ngột nên sản phẩm thịt mát hay thịt cấp đông gần như giữ nguyên được chất lượng, hương vị và giá trị dinh dưỡng như sản phẩm thịt nóng tươi sống.


Xu thế tất yếu?
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường, hiện thực phẩm đang bày bán tại các siêu thị đều là dòng thịt mát và thịt cấp đông, nhưng ông Tường khẳng định rất nhiều sản phẩm chưa làm đúng quy trình.


Qua đó, sản phẩm thịt mát bày bán tại các siêu thị hiện nay được lấy trực tiếp từ lò giết mổ tập trung hoặc lò công nghiệp, ngay sau đó được đưa lên xe lạnh chở về cắt thành miếng bọc màng co rồi bày bán tại tủ mát hoặc tủ lạnh tại các siêu thị. Do không có công đoạn ngâm trong phòng lạnh từ 12 – 24 tiếng nên thời gian bảo quản rất ngắn, chỉ từ 2 – 3 ngày.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có một số DN đầu tư hệ thống chuỗi để phân phối và bán các sản phẩm thịt mát như Cty TNHH Chế biến thực phẩm sinh học Yummy VN, Cty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế Victory Asian, Bảo Châu Farm…

 

Chia sẻ lí do mở các cửa hàng bán thịt mát sinh học tại các huyện, bà Hương (Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Chế biến thực phẩm sinh học Yummy VN ) chia sẻ, mục tiêu của Yummy VN là làm sao để người tiêu dùng bình thường, thậm chí người nông dân vẫn có thể tiếp cận được sản phẩm thịt mát có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá bán không quá cao so với sản phẩm thịt tươi sống bày bán tại các chợ truyền thống.

 

 

Theo Viện Công Nghệ Sáng Tạo

Akita - Phẩm giá tuyệt vời và lòng can đảm phi thường
Published in Giống thú cưng

Akita là một sự kết hợp vô cùng độc đáo giữa phẩm giá, lòng can đảm, sự tỉnh táo và sự tận tâm với gia đình chủ nhân. Nó vô cùng thân thiện và trung thành với gia đình và bạn bè. Nó có rất nhiều đặc điểm giống như một chú mèo: tự làm sạch cho mặt sau khi ăn, rất gọn gàng, ngăn nắp trong nhà.

Giống  chó Akita - quốc khuyển của Nhật Bản
Giống chó Akita - quốc khuyển của Nhật Bản

Hình dáng bên ngoài của giống chó Akita

Akita có bộ khung xương khá to và nặng, với chiều dài cơ thể có nhỉnh hơn so với chiều cao tương ứng. Akita là giống chó rất mạnh mẽ, điều đó cho phép nó có khả năng đi săn dễ dàng trong điều kiện tuyết lạnh hay trên các bề mặt thô ráp khác.

 

Nó là một trong những giống chó rất khỏe mạnh với một vóc dáng vô cùng lanh lẹ. Là một người bạn đồng hành tuyệt vời trong các cuộc đi săn, Akita sở hữu một bản năng canh gác tuyệt vời với bộ lông như chiếc áo khoác giúp nó chống chọi với thời tiết tuyết lạnh khắc nghiệt. Bộ lông của Akita chỉ dài khoảng 2 inch (5,08 cm) bao gồm lớp trong thẳng, dày đặc và lớp bên ngoài thô ráp. Màu sắc của bộ lông cũng rất đa dạng như màu trắng, màu vện, hoặc đốm.

 

Tính cách của giống chó Akita

Akita rất vâng lời chủ và luôn luôn đề cao cảnh giác. Nó cũng rất độc lập và dũng cảm, nó thường được biết đến nhiều như một thợ săn hay như một người bảo vệ.

 

Mặc dù nó khá bướng bỉnh và có tính thống trị nhưng nó sẽ làm theo mọi hướng dẫn của con người nếu được huấn luyện bài bản. Tuy nhiên, một số Akita lại cho thấy sự khó hòa hợp với những con chó khác và việc mất bình tĩnh khi đứng xung quanh những người lạ.

 

 

Chăm sóc giống chó Akita

Một chú Akita tốt nhất nên được nuôi dưỡng trong nhà và thường xuyên đi dạo ngoài trời. Để giữ cho chúng luôn vâng lời, việc rèn luyện tinh thần và thể chất thường xuyên là rất quan trọng. Cách tập thể dục lý tưởng nhất nên bao gồm các hoạt động trong một khu vực kín hay đi bộ trong nhiều giờ. Bộ lông chống thấm nước của Akita cũng nên được chải thường xuyên để loại bỏ lớp lông chết nhất là trong mùa rụng lông.

 

Sức khỏe của Akita

Các Akita thường có tuổi thọ trung bình vào khoảng 10-12 năm, thỉnh thoảng, chúng vẫn bị mắc một số bệnh như sai khớp xương bánh chè, động kinh, tật mắt nhỏ, đục thủy tinh thể, … Việc chăm sóc cần được thực hiện tốt nhằm ngăn chặn nguy cơ mắc một số bệnh nghiêm trọng như chứng loạn sản khớp xương hông hay teo võng mạc.

 

Giống chó này cũng thường mắc các bệnh của chó trưởng thành như xoắn dạ dày, suy tuyến giáp, đứt dây chằng, loạn sản khớp khủy tay, u xương ác tính. Để xác định được vấn đề, các bác sỹ thú y cần kiểm tra kỹ tuyến giáp, hông, mắt và kiểm tra khủy tay.

 

Màu lông của giống chó Akita
Màu lông của giống chó Akita

 

Lịch sử ra đời giống chó Akita

Akita được coi như là một báu vật tự nhiên của đất nước Nhật Bản – quê hương của nó. Ban đầu, nó được nuôi như một con chó săn thích nghi được trong các khu vực miền núi phía bắc Nhật Bản.

 

Akita đã được cứu thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng vào những năm 1800, trong đó Nhật bản đã thực hiện một nỗ lực phối hợp nhằm lưu giữ lại 7 giống chó bản địa mà Akita là giống quan trọng nhất trong số 7 giống đó.

 

Đối với người Nhật thì Hachiko là chú chó Akita tuyệt vời nhất. Mỗi ngày, chú chó Hachiko đều đợi chủ nhân của nó ở nhà ga để cùng nhau trở về nhà. Ngay cả khi ông chủ đã chết, nó vẫn tiếp tục đợi chủ tại nhà ga mỗi ngày trong vòng 9 năm. Sau khi Hachiko qua đời vào ngày 08/03/1935, một bức tượng đã được xây dựng để tưởng nhớ lòng tận trung của Hachiko và đây cũng là nơi lễ Hachiko được tổ chức hằng năm.

 

 

Hellen Keller, nhà văn và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Mỹ được cho là người đưa chú Akita đầu tiên đến Mỹ vào năm 1937. Sau đó nó được công nhận bởi hiệp hội các giống chó tại Mỹ công nhận vào năm 1972 và ngày nay, nó được coi là một giống chó tuyệt vời với các đức tính vô cùng quý giá. Ở Nhật Bản, nó được biết đến với 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ và chó cảnh sát.

 

 VietDVM team biên dịch

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bằng nguồn ngân sách địa phương.


Theo báo cáo của Cục Thú y, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã xây dựng Kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bố trí ngân sách địa phương để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nên đã chủ động kiểm soát được nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, không để xảy ra ổ dịch của bệnh lợn tai xanh, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm.

 

 chu-dong-phong-dich

Phun thuốc sát  trùng phòng dịch ảnh: internet


Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trên đồng thời tiếp tục tạo thế chủ động trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương và trong cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh chưa xây dựng Kế hoạch, khẩn trương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.


Kế hoạch cần xác định vùng có nguy cơ cao thường xuyên xảy ra dịch tại địa phương, xây dựng các phương án cụ thể về kinh phí, nhân lực, vắc xin, hóa chất khử trùng để phục vụ công tác phòng chống dịch. Căn cứ số lượng gia súc, gia cầm và tình hình dịch bệnh của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định về chủng loại, số lượng vắc xin dự trữ phục vụ chống dịch khẩn cấp.


Riêng đối với địa phương có bệnh Dại, bệnh Nhiệt Thán và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người xuất hiện trong những năm gần đây, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan thú y địa phương tham mưu, xây dựng bổ sung kế hoạch chủ động phòng chống dịch để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người.

 


Xử lý ổ dịch ngay khi mới phát hiện
Các địa phương cần chỉ đạo hệ thống thú y, đặc biệt là thú y cơ sở sớm phát hiện các ổ dịch. Khi phát hiện thấy có gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y địa phương.


Trường hợp ổ dịch tai xanh, cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng, UBND cấp tỉnh quyết định công bố dịch theo quy định làm căn cứ hỗ trợ vắc xin và kinh phí phòng, chống dịch.


Đối với trường hợp ổ dịch lở mồm long móng phát sinh và có nguy cơ lan rộng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, xác định số lượng gia súc thuộc diện tiêm phòng, bao vây, báo cáo và đề xuất hỗ trợ vắc xin, hóa chất từ Quỹ Dự trữ quốc gia để Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định.


Khi dịch đã lây lan rộng, nhu cầu sử dụng vắc xin tiêm phòng chống dịch lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND cấp tỉnh chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để mua vắc xin, hóa chất sát trùng phòng chống dịch. Tùy theo tình hình dịch, UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ bổ sung kinh phí, vắc xin, hóa chất cho công tác chống dịch của địa phương.

 

 

Lan Hương          

Theo báo điện tử chính phủ

2015 có thể nói là năm bước ngoặt đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng. Vấn đề đặt ra là nông nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để khẳng định vị thế trong “sân chơi” khốc liệt này.


Nền tảng vững chắc
Sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình là một ngành kinh tế cung cấp sinh kế cho 9,53 triệu hộ dân nông thôn và 68,2% dân số (60 triệu người), đóng góp 18%-22% GDP cho nền kinh tế và 23%-35% giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài cùng cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.


Hành trang cho nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, 2015 có thể nói là năm bước ngoặt đối đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

 

ảnh internet


Trong bối cảnh chung của nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu giai đoạn 2010 – 2013. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,3%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra và cao hơn nhiều so với năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD. Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Đó là những kết quả khả quan đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng trở lại của nông nghiệp, đồng thời góp phần củng cố niềm tin cho toàn ngành vượt qua những thách thức có thể gặp phải trong năm 2015 và những năm tiếp theo.


Đánh giá về ngành nông nghiệp bước sang năm 2015, khi cánh cửa hội nhập rộng mở, GS.,NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm chương trình đưa tiến bộ Kế hoạch đầu tư vào hộ nông dân khẳng định: “Tôi vẫn lạc quan về tình hình nông nghiệp nước ta”. Ông Dũng chia sẻ, tuy còn không ít khó khăn nhưng những bứt phá về nông nghiệp trong năm qua cho thấy một cái nhìn lạc quan và tin tưởng về ngành này. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng như: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và các sản phẩm thủy sản…

 


Những thách thức đặt ra
Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng trong năm 2015, nông sản Việt sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi những quy định về cắt giảm thuế suất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia như TPP, FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Cộng đồng kinh tế ASEAN… chính thức được áp dụng. Thêm vào đó, thực tế sản xuất với quy mô nhỏ lẻ; tình trạng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn mang tính tự phát, sản xuất chủ yếu theo tín hiệu thị trường ngắn hạn cộng thêm trình độ sản xuất công nghiệp chế biến còn thấp so với các nước và các yếu tố tác động khách quan như khí hậu, dịch bệnh… cũng là những thách thức đặt ra cho toàn ngành nông nghiệp đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trước mắt.


Nông nghiệp với vai trò rất lớn trong nền kinh tế nhưng hiện vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã từng đặt ra câu hỏi: “Mặc dù đóng góp tới 20% GDP của cả nước và có hơn 60% lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất ra bất cứ sản phẩm gì nếu có thị trường, nhưng tại sao chỉ có 0,5% doanh nghiệp (3.000 doanh nghiệp nông nghiệp/tổng số 700.000 doanh nghiệp cả nước) đầu tư vào lĩnh vực này?”.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn còn yếu và dễ chịu ảnh hưởng từ những biến động nhỏ trên thị trường. Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 – doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu điều nhân chia sẻ: “Có những khó khăn tiềm ẩn, năm vừa rồi, tỷ giá đồng USD tăng lên rất cao so với các đồng tiền mạnh khác như đồng Euro, đồng Úc, đồng Nhật, kể cả đồng Cannada. Đây là lý do tác động trực tiếp làm cho giá thành nhập khẩu hạt điều của Việt Nam hay của Ấn Độ về các nước tiêu thụ lớn bị đội lên thành giá cao”.


Bởi vậy, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo, nếu nông sản trong nước không nhanh chóng tìm cách vượt qua khó khăn, đối mặt với thách thức để nâng giá trị sản xuất thì tình trạng được mùa mất giá như thời gian qua rất dễ xảy ra và nông nghiệp sẽ dễ bị “tổn thương” khi gặp những tác động bất lợi từ thị trường dù là nhỏ nhất.

 


Sẵn sàng hội nhập
Để hoàn thành mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng hướng đến xuất khẩu 32 tỷ USD trong năm 2015 và có những bước đi chắc chắn vào thị trường chung đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải chủ động hội nhập và nắm bắt được cơ hội mà nó mang lại nhằm mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường tiềm năng cũng như thu hút các làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.


Để làm được điều này, trước hết, các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phải đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu… Theo đó, nhiều nhà khoa học cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần phát triển trên cơ sở thực hiện một nền nông nghiệp đa chức năng và phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng từng chia sẻ: “Giải pháp quan trọng nhất để tiếp tục duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2015 và những năm tiếp theo đó là thực hiện toàn diện và sâu sắc hơn chủ trương về tái cơ cấu ngành. Tập trung cao độ nỗ lực vào những sản phẩm nông sản có thị trường và có lợi thế của Việt Nam. Đồng thời gắn việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới”. Tái cơ cấu nông nghiệp trước hết là chuyển từ sản phẩm có giá trị thấp và tiềm năng thị trường thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường cao. Đồng thời, cần tiến hành quy hoạch vùng chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế.

 

 


Trang Trần       
Theo Báo Tài Chính

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn trâu trong tháng cả nước giảm 2 – 2,5% so cùng kỳ năm trước, đàn bò tăng 1,5 – 2%; đàn bò sữa tiếp tục phát triển khá, tăng 2 – 2,5% . Chăn nuôi heo và gia cầm tương đối ổn định, nhiều thuận lợi do nhu cầu tái đàn tăng mạnh từ trước Tết Nguyên đán. Ước tính số đầu lợn trong tháng 2/2015 tăng 2 – 2,5%, số gia cầm tăng 3 – 3,5% so cùng kỳ năm trước.

 

 Chăn nuôi nươc ta trong tháng 2 vừa qua tương đối ổn định

 

Theo Cục Thú y, tính đến thời điểm 28/02/2015, cả nước không có địa phương nào có dịch lợn tai xanh. Hiện cả nước có 1 ổ dịch Cúm gia cầm tại xã Đại Hải, huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng chưa qua 21 ngày và dịch LMLM xảy ra tại 2 xã (Đức Vân, Vân Tùng) thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn chưa qua 21 ngày.

 

Chăn nuôi gia súc tuy bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại ở một số huyện vùng núi phía Bắc nhưng do công tác phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò của một số địa phương được chuẩn bị khá chu đáo và kịp thời nên hiện tượng trâu, bò chết rét không xảy ra trên diện rộng, chủ yếu là trâu, bò già. Theo Cục Chăn nuôi, tính đến hết ngày 14/02/2015 đã có 1.748 con gia súc bị chết, giảm khoảng 19,7% so với cùng kỳ năm 2014 (gồm trâu, bò, lợn, gà, ngựa và dê) xảy ra tại địa bàn của 5 tỉnh Sơn La (thiệt hại lớn nhất với 1.430 con gia súc, gia cầm bị chết), Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu và Lạng Sơn. Hiện chưa có số liệu cập nhật về số liệu thiệt hại trên đàn vật nuôi, tuy nhiên dự kiến giảm từ 20-25% so với cùng kỳ năm trước.

 

Nhìn chung, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015, hoạt động sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, lượng thực phẩm đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân; thời điểm sau Tết, người chăn nuôi tiếp tục tái đàn, tăng đàn nhằm cung cấp nguồn cung con giống cho nhu cầu sản xuất đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước không bị thiếu hụt.

 

 

Tình hình nhập khẩu

 

Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2/2015 đạt 170 triệu USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu cả 2 tháng đạt 496 triệu USD, tăng 13,2% so cùng kỳ 2014. Thị trường nhập khẩu chính: Hoa Kỳ (35,2% thị phần), Achentina (25,2%), Trung Quốc (9,3%), Ý, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Ả Rập Xê Út, Indonesia, Malaysia.


Ngô
Ước lượng ngô nhập khẩu trong tháng 2/2015 đạt 571 ngàn tấn, trị giá 131 triệu USD. Tính chung cả 2 tháng: tổng lượng nhập đạt 1,3 triệu tấn (tăng 8,6%), kim ngạch đạt 301 triệu USD (giảm 3,3%) so cùng kỳ 2014.Các thị trường nhập khẩu chính: Braxin (86,9%), Achentina (4,8%), Ấn Độ (4,4%), Thái Lan, Lào, Campuchia.


Lúa mì
Ước khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 2/2015 đạt 32 ngàn tấn, trị giá 10 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu chung cả 2 tháng đạt 256 ngàn tấn (giảm 24,1% so cùng kỳ 2014), giá trị nhập khẩu đạt 70 triệu USD (giảm 34,1%). Thị trường nhập khẩu chính: Úc (chiếm 49,4% thị phần), Braxin (48,0%), Canada.


Đậu tương
Ước khối lượng nhập khẩu đậu tương trong tháng 2/2015 đạt 173 ngàn tấn, trị giá 85 triệu USD, nâng lượng nhập khẩu cả 2 tháng đầu năm đạt 221 ngàn tấn (tăng 10,2%) , kim ngạch đạt 110 triệu USD (giảm 5,6%) so cùng kỳ 2014.

 

 

Theo viện chính sách và chiến lược - Bộ NN&PTNT

ChiHuaHua - giống chó nhỏ bé nhất được biết đến hiện nay
Published in Giống thú cưng

Được phát hiện lần đầu tiên tại Mexico, Chihuahua là giống chó thân thiện và nhỏ bé nhất được biết đến hiện nay. Nó rất trung thành với chủ nhân của mình, gần đây nó còn trở thành biểu tượng văn hóa của Hoa Kỳ, đặc biệt là chú Chihuahua của Paris Hilton tên là Tinkerbell.

 

Giống chó Chi Hua Hua - giống chó nhỏ nhất thế giới
Giống chó Chi Hua Hua - giống chó nhỏ nhất thế giới

 

Đặc điểm ngọai hình của giống chó ChiHuaHua

Chihuahua có bộ lông rất dài, mềm và rất mượt mà, lượn sóng. Cơ thể nhỏ gọn và hơi dài so với chiều cao tương ứng. Các Chihuahua cũng có một sự tương đồng với giống chó Bull Terrier (hay bully) về sự cảnh giác, cách biểu hiện cảm xúc và sự linh hoạt. Khác xa với vẻ bề ngoài của mình, các Chihuahua là những chú chó rất khỏe mạnh và có thể có màu đen, màu trắng hay màu đốm.

 

Tính cách và tập tính của giống chó ChiHuaHua

Giống chó Chihuahua được biết đến nhiều với sự đa dạng trong tính cách. Ví dụ như, một mặt nó rất dè dặt đối với người lạ nhưng mặt khác nó lại rất thân thiện với chủ nhân và những vật nuôi khác trong nhà. Ngoài ra, khi cần thiết nó cũng tỏ ra giống như một chú chó bảo vệ, mặc dù nó chỉ có thể sủa và với thân hình bé nhỏ nó cũng không thể làm tốt nhiệm vụ này giống như các giống chó chuyên bảo vệ khác. Tuy nhiên, Chihuahua đã trở thành một giống chó vô cùng được yêu thích đối với những người đam mê các giống chó nhỏ đặc biệt là bởi lòng trung thành của nó với chủ nhân.

 

 

Chăm sóc ChiHuaHua

Chihuahua là một giống chó trong nhà, thích sống ở những khu vực ấm áp, nó không thích hợp với điều kiện khí hậu lạnh. Bộ lông của Chihuahua cũng rất mịn và không quá dài nên không tốn quá nhiều thời gian để chăm sóc lông cho nó giống như những giống chó lông dài khác. Nhu cầu tập luyện của Chihuahua có thể được đáp ứng chỉ đơn giản bằng cách chạy quanh nhà, dù nó cũng rất thích được đi dạo và khám phá mọi thứ xung quanh.

 

Lúc dẫn nó đi dạo bạn nên sử dụng bộ xích dạng yên cương sẽ an toàn hơn loại vòng cổ thông thường.

 

Chi Hua Hua - giống chó nhỏ nhất thế giới
ChiHuaHua - giống chó nhỏ nhất thế giới

Sức khỏe của ChiHuaHua

Giống chó Chihuahua có tuổi thọ trung bình là từ 14-18 tuổi. Khi ở tuổi trưởng thành nó thường mắc một số bệnh như: khô mắt (KCS), hạ đường huyết, hẹp phổi, sai khớp xương bánh chè và tràn dịch não.

 

Nó cũng dễ bị một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe bao gồm cả Molera – một lỗ thủng ở sọ của Chihuahua, xảy ra khi xương trong thóp không vững đan lại với nhau.

 

 

Lịch sử hình thành và phát triển của giống chó ChiHuaHua

Lịch sử của Chihuahua vẫn là một vấn đề gây khá nhiều tranh cãi. Theo một giả thuyết, nó đã được phát triển ở Trung Quốc và sau đó mang đến Mỹ bởi các thương nhân Tây Ban Nha – nơi nó được lai giống với chó bản địa nhỏ. Những người khác lại cho rằng nó có nguồn gốc từ Nam và Trung Mỹ, là hậu duệ của một dòng chó nhỏ bản địa – Techichi bản địa - thường được làm lễ vật cúng tế trong các nghi lễ tôn giáo Toltec. Người ta tin rằng con chó màu đỏ nhỏ bé này hướng dẫn các linh hồn đến thế giới sau khi chết. Bởi vậy, tất cả các gia đình Aztec giữ con chó này và chôn nó cùng với các thành viên đã khuất trong gia đình. Thật kỳ lạ, Toltecs và người Aztec cũng ăn thịt cả Techichi khi chúng không được sử dụng trong các nghi lễ chôn cất, tuy nhiên, các linh mục và gia đình Aztec và Toltec cũng đã chăm sóc cho Techichi rất chu đáo.

 

Tổ tiên của Chihuahua có một giai đoạn gần như bị tuyệt chủng vào những năm 1500, khi đế chế Aztec đều bị tiêu hao bởi Hernán Cortés và thực dân Tây Ban Nha. Năm 1850, ba con chó nhỏ - bây giờ được cho là phiên bản hiện đại của Chihuahua – đã được phát hiện trong tiểu bang Chihuahua của Mexico, từ đó, người ta gọi giống chó này là Chihuahua. Sau đó,các tiểu bang của Hoa Kỳ giáp với Mexico đã xuất hiện một lượng lớn những chú chó này. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự được biết đến rộng rãi kể từ khi xuất hiện trên sóng truyền hình vào những năm 1990. Hiện nay, nó được biết đến như là một trong những giống chó phổ biến nhất ở Hoa kỳ.

 

 

 VietDVM team biên dịch
Theo PetMD       

Vi rút cúm gia cầm A/H7N9 tiếp tục lây lan với mức độ đột biến ngày càng cao và có thể trở thành thảm họa nếu lây từ người sang người.

 

Trong báo cáo vừa đăng trên chuyên san Nature, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Quản Dật (Đại học Hồng Kông) đứng đầu nhận định những gì đang diễn ra cho thấy vi rút cúm A/H7N9 có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với nhân loại.

 

 

 

Vi rút cúm  A/H7N9 phát tán ra khỏi Trung Quốc qua con đường buôn bán xuyên biên giới – Ảnh: Reuters

 

Báo cáo nhấn mạnh loại siêu vi này đang lan rộng từ phía đông xuống phía nam Trung Quốc – quốc gia tập trung phần lớn các ca nhiễm bệnh. Nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm được 48 chủng phụ của vi rút cúm A/H7N9. Sự đa dạng về di truyền cho thấy loài siêu vi này có tốc độ đột biến gien cao và nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp (đóng cửa các chợ gia cầm sống, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ở những vùng xảy ra dịch, theo dõi sát các khu chăn nuôi gia cầm…), chúng có thể lây lan nhanh cho người và trở nên ngày càng lờn thuốc.

 

Kể từ lần đầu gây bệnh ở người vào năm 2013, đến nay đã có 622 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia và Canada, trong đó có 227 ca tử vong. Các nhà khoa học của Đại học Hồng Kông cảnh báo với tỷ lệ gây chết người rất cao (hơn 36%), một khi có khả năng lây từ người sang người và lan thành dịch, vi rút này có thể làm hàng chục triệu người chết.

 

Cho đến nay, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu gây bệnh cho gia cầm, chim hoang dã. Những người nhiễm bệnh này hầu như đều bị lây từ gia cầm và vẫn chưa có trường hợp lây từ người sang người nào được chính thức xác nhận. Tuy nhiên, các loại vi rút gây bệnh cúm thường cho thấy khả năng đột biến rất cao và khó lường nên năm nào cũng xuất hiện chủng cúm mới. Khả năng biến đổi sẽ càng cao nếu khu vực lây lan của vi rút càng rộng. Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều địa phương phát hiện gia cầm nhiễm cúm A/H7N9 và số lượng người mắc bệnh này trong đợt bùng phát bệnh vào cuối năm 2014 cũng cao hơn hẳn so với năm 2013. “Nhiều khả năng vi rút A/H7N9 hiện có mặt tại hầu hết các nơi ở Trung Quốc. Dựa vào mô hình lây lan hiện nay, việc gia cầm phát tán vi rút này ra khỏi Trung Quốc theo con đường buôn bán xuyên biên giới chỉ là vấn đề thời gian”, nhóm nghiên cứu viết trên chuyên sanNature.

 

 

“Bom” nổ chậm

 

Báo cáo của nhóm Quản Dật khá phù hợp với những cảnh báo của nhiều nhóm nghiên cứu từ năm 2013. Ngay khi cúm A/H7N9 bắt đầu lây lan ở người, Giáo sư Masato Tashiro (Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản) đã nhận định trên chuyên san Sciences et Avenir: “Vi rút cúm A/H7N9 hiện đã có rất nhiều dạng đột biến. Đây là điều đáng lo ngại vì chỉ cần thêm một đột biến thích hợp, chúng có thể lây sang người dễ dàng hơn, hoặc thậm chí là lây từ người sang người”.

 

Đột biến “thích hợp” là đột biến xảy ra ở loại protein hemagglutinin có trên bề mặt vi rút. Protein này giúp vi rút bám vào các thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ. Cho đến nay, hemagglutinin của vi rút cúm A/H7N9 thích hợp với các thụ thể trên tế bào của chim chóc, gia cầm hơn là thụ thể trên tế bào người nên việc lây bệnh từ gia cầm sang người vẫn còn hạn chế.

 

Mặt khác, theo ông Tashiro, nhiều mẫu vi rút cúm A/H7N9 lấy từ các bệnh nhân ở Trung Quốc cho thấy chúng có khả năng thích nghi rất cao để đảm bảo quá trình tự nhân đôi trong tế bào người. Khả năng này vượt xa so với một chủng vi rút cúm gia cầm khác cũng có độc tính cao là A/H5N1. Cụ thể, một số chủng phụ đột biến của vi rút cúm A/H7N9 được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tashiro phát hiện có khả năng tự nhân đôi đạt mức cao nhất với nhiệt độ trong hệ hô hấp của người. Phần lớn các bệnh nhân nhiễm bệnh này sau triệu chứng ban đầu là sốt cao thường chuyển sang viêm phổi và những bệnh hô hấp khác. Việc vi rút cúm A/H7N9 có khả năng sinh sôi cao sẽ gây nguy hiểm càng cao với bệnh nhân. Do đó, khi vừa bị lây, người bệnh có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ nhưng bệnh có nguy cơ kéo dài và ngày càng trầm trọng.

 

Với những đặc tính nêu trên, các nhà khoa học lo ngại vi rút cúm A/H7N9 thật sự là “bom nổ chậm” có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Việc chặn đà lây lan của loài siêu vi này gặp nhiều khó khăn vì ở chim hoang dã có nhiều trường hợp nhiễm vi rút mà không phát bệnh. Chúng sẽ là “ổ bệnh di động”, âm thầm phát tán vi rút cúm A/H7N9. Đó cũng là lý do đến nay các chuyên gia vẫn chưa chính thức xác nhận trường hợp bệnh này lây từ người sang người dù có một số bệnh nhân khẳng định trước đó không tiếp xúc với gia cầm sống

 

 

Khuyến cáo của WHO
  • Trong thông báo ngày 11.3 về vi rút A/H7N9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi tình hình và đánh giá nguy cơ dựa trên các thông tin mới nhất. WHO khuyến cáo những người du lịch đến các nước có ổ dịch cúm nên tránh các trại nuôi gia cầm, tránh tiếp xúc với động vật tại các chợ gia cầm sống, tránh vào các khu vực giết mổ hoặc tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào có khả năng dính phân gia cầm hoặc các loại động vật khác.

 

 

Lan Chi         

Theo báo thanh niên

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status