Trong bài viết trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về mầm bệnh cầu trùng trên heo từ vòng đời cho đến các đặc điểm của nó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho các bạn 1 số thông tin về cách mà Isospora suis gây ra các triệu chứng, bệnh tích trên heo để các bạn có thêm những góc nhìn hoàn thiện hơn về căn bệnh gây thiệt hại đáng kể này.
Cơ chế gây bệnh cầu trùng trên heo
Các bệnh nguy hiểm trên heo?
Triệu chứng điển hình của bệnh cầu trùng trên heo
Bệnh cầu trùng trên heo thường gây bệnh cho heo từ 7-21 ngày tuổi. Trong giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh, heo con thường tiêu chảy phân màu trắng sữa, sau đó tùy thuộc vào mầm bệnh kế phát mà heo có các biểu hiện triệu chứng nặng nhẹ khác nhau như tiêu chảy phân màu vàng, xám, xanh lá cây hay thậm chí phân có lẫn cả máu.
Ở giai đoạn sau, khi ruột bị tổn thương, mất khả năng tiêu hóa sữa nên ta cũng có thể thấy heo con nôn ra sữa. Heo vừa nôn, vừa tiêu chảy dẫn đến mất nước trầm trọng, lông xù. Tỷ lệ chết có thể lên đến 20% hoặc cao hơn nếu có các mầm bệnh kế phát nguy hiểm như E.coli, Clostridium hay Rotavirus…
Dưới đây là 1 số hình ảnh trực quan về biểu hiện của heo khi mắc bệnh cầu trùng.
Bệnh tích khi mổ khám heo mắc bệnh cầu trùng
Bệnh tích chủ yếu do cầu trùng heo gây ra cho heo chỉ nằm trong phạm vi niêm mạc ruột, nhất là phần ruột non.
Mức độ tổn thương của ruột heo phụ thuộc rất nhiều vào số lượng kén cầu trùng mà heo ăn phải. Nếu số lượng kén ăn phải quá ít, cơ thể heo sẽ tự tiêu diệt mầm bệnh theo cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Do đó heo không bị tổn thương gì.
Nếu heo ăn phải 1 lượng kén đủ để gây bệnh cầu trùng nhưng không quá nhiều, các tổn thương sẽ ở mức độ nhẹ: ruột heo sưng phồng và hơi cương lên. Thi thoảng thấy một vài vệt máu đông xuất hiện trên niêm mạc ruột.
Nếu heo ăn phải 1 lượng kén nhiều hay nhiễm trùng nặng, ruột sẽ có các biểu hiện như viêm tràn lan kèm theo fibrin; hoại tử ruột.
Sau giai đoạn nhiễm bệnh cầu trùng trên heo nặng nề, 1 số con không qua khỏi và chết, những heo sống sót còn lại đa phần ruột bị teo lại, lông nhung ruột teo ngắn, tế bào niêm mạc ruột hư hại → khả năng hấp thu của heo giảm mạnh → điều này lý giải tại sao những heo sau cai sữa đã từng bị bệnh cầu trùng thường còi cọc, chậm lớn.
Nắm rõ các triệu chứng, bệnh tích của bệnh cũng như hiểu rõ tại sao lại có những triệu chứng, bệnh tích đó sẽ là cơ sở vứng chắc giúp các bạn thành công trong việc chẩn đoán, phòng và trị bệnh khi cần thiết.
Để đầy đủ hơn nữa, trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thêm các thông tin chi tiết về việc phòng cũng như điều trị khi heo mắc bệnh cầu trùng.
VietDVM team.
(Bài viết có sưu tầm và sử dụng ảnh của các đồng nghiệp)